Vào những ngày bị ốm, có lẽ phần lớn mọi người thường “biếng nhai” và chẳng mấy “mặn mà” với việc ăn uống, thậm chí ngay cả các món ăn yêu thích cũng không còn sức hấp dẫn. Tuy nhiên, nếu không chủ động bổ sung thực phẩm cũng như các chất dinh dưỡng thì tình trạng thiếu hụt năng lượng sẽ xảy ra và cơ thể ngày càng mệt mỏi hơn.
Chính vì thế, trong quá trình chăm sóc, các chuyên gia sức khỏe thường khuyến khích chúng ta nấu các món cháo cho người ốm – vừa dễ ăn, dễ tiêu hóa, vừa cung cấp đa dạng dưỡng chất.
1. Gợi ý các món cháo cho người ốm
Cháo vốn không phải là một món ăn đòi hỏi nhiều kĩ thuật chế biến cầu kì song để bổ sung vào thực đơn dinh dưỡng của người ốm, cần hạn chế chỉ nấu cháo trắng – chỉ gồm gạo và nước. Theo đó, hãy kết hợp đa dạng nguyên liệu, nhằm đảm bảo người ốm có thể hấp thu đầy đủ chất dinh dưỡng cần thiết trong ngày.
Bạn có thể tham khảo 9 công thức cháo cho người ốm được gợi ý sau đây:
1.1 Cháo trứng gà
Thay vì chỉ nấu cháo “đơn điệu” từ gạo thông thường, lời khuyên là bạn nên “thêm thắt” trứng gà, chút hành lá – vừa đơn giản, dễ thực hiện song vẫn đáp ứng đủ nhu cầu dinh dưỡng của người ốm.
- Gạo tẻ: 150g
- Gạo nếp: 50g
- Trứng gà: 2 trái
- Hành lá
- Tía tô
- Gia vị: nước mắm, hạt nêm, hạt tiêu
- Vo sạch gạo nếp và gạo tẻ, tiến hành ngâm hỗn hợp gạo trong nước từ 1 – 2 tiếng.
- Trút gạo vào nồi, đong lượng nước cao hơn mặt gạo khoảng 2 – 3 đốt ngón tay và hầm cháo khoảng 1 – 2 tiếng. Khi cháo sôi nêm nếm gia vị vừa ăn.
- Rửa sạch hành lá, tía tô và đem cắt nhỏ. Đập trứng gà vào, tiếp đến múc cháo nóng lên trên để khoảng 5- 7 phút để trứng chín thì trộn đều cháo lên là được.
- Ngoài ra, bạn có thể đun nước sôi, đập trứng vào để trần chín trước.
Xem thêm: Cảm lạnh nên ăn 9 loại thực phẩm sau để giúp bệnh nhanh khỏi
1.2 Cháo gà
Gạo tẻ được đem hầm nhuyễn với nước luộc gà thơm ngậy vừa đủ, thêm thịt gà xé nhỏ ngọt mềm – làm nên món cháo gà cho người ốm giàu dưỡng chất và rất “đưa miệng”.
- Thịt gà: 1 – 1.5kg (có thể hầm nguyên con)
- Gạo tẻ: 100 – 150g
- Gạo nếp: 50g
- Hành tím
- Hành lá
- Lá tía tô
- Gừng: 1 – 2 lát
- Gia vị: hạt nêm, nước mắm, hạt tiêu
- Vo sạch gạo và nên ngâm trong nước khoảng 1 – 2 tiếng.
- Làm sạch thịt gà, xát muối lên thân gà, sau đó đong nước ngập gà và tiến hành luộc chín lấy nước hầm. Chú ý khi nước sôi vớt bớt bọt trắng, đập dập gừng và hành tím vào hầm cùng. Đun với lửa nhỏ để thịt gà mềm và nước gà ngọt hơn.
- Hầm gà khoảng 45 phút – 1 tiếng, rồi vớt thịt gà ra và đem xé nhỏ cho người ốm dễ nhai.
- Trút gạo nếp, gạo tẻ vào nước luộc gà, hầm cháo trong khoảng 1 tiếng để hạt gạo nở bung, chín mềm. Nêm nếm gia vị vừa ăn.
- Đừng quên cắt hành lá và lá tía tô vào cháo cho người ốm.
Xem thêm: Lá tía tô: Thần dược chữa bệnh mà hiếm ai biết
1.3 Cháo cá hồi
Cá hồi được xếp vào nhóm thực phẩm khá thích hợp với khẩu phần của người ốm, đặc biết là trẻ nhỏ. Hãy thử “xắn tay” nấu món cháo cá hồi bí đỏ theo hướng dẫn sau xem sao nhé!
- Phi lê cá hồi: 100g
- Bí đỏ: 150g
- Gạo tẻ: 100 – 150g
- Hành tím
- Hành lá
- Gia vị: hạt nêm, nước mắm, hạt tiêu
- Làm sạch phi lê cá hồi với một chút giấm, rồi rửa lại với nước lọc sạch.
- Đem cá hồi luộc chín cùng nước, thêm chút hạt nêm. Khi cá chín, đem xé nhỏ.
- Vo sạch gạo, cho phần gạo tẻ vào nước luộc cá, đun lửa nhỏ tới khi sôi chín (khoảng 30 – 45 phút) thì cho bí đỏ vào hầm cùng. Tiến hành hầm cháo khoảng 45 phút để bí đỏ chín nhuyễn mịn, nêm gia vị vừa ăn.
- Múc cháo ra tô, rắc cá hồi lên và hành lá lên là có thể dùng.
Xem thêm: Băn khoăn không biết bí đỏ nấu gì ngon hãy thử 12 món ăn này
1.4 Cháo lươn
Từ lâu, trong Đông y, thịt lươn đã trở thành một nguyên liệu quan trọng của các bài thuốc “tẩm bổ” cho người ốm, bổ sung chất đạm, canxi, sắt và dồi dào vitamin. Gạo tẻ, gạo nếp được đem nấu cùng nước hầm lươn, tô cháo ấm nóng, thơm phức “đánh thức” vị giác của người bệnh, tạo cảm giác ngon miệng hơn.
Xem thêm: Học nấu 14 món ngon từ lươn tuy dân giã nhưng cực kỳ hấp dẫn, ngon cơm
1.5 Cháo thịt bò
Cháo thịt bò cũng là một trong những món cháo cho người ốm mà bạn không nên bỏ qua. Thịt bò được băm nhuyễn mịn, kết hợp với cà rốt giàu vitamin A, chất xơ, không chỉ hỗ trợ cải thiện tiêu hóa mà còn tăng cường sức đề kháng hữu hiệu.
- Thịt bò thăn: 100g
- Gạo tẻ: 100g
- Gạo nếp: 50g
- Cà rốt: 1 củ
- Hành tím
- Hành lá
- Gia vị: nước mắm, hạt nêm, hạt tiêu
- Vo sạch gạo tẻ và gạo nếp, đem ngâm trong nước từ 1 – 2 tiếng để khi nấu nhanh chín mềm, rồi để cho ráo nước. Tiếp đến rang gạo tới khi hạt ngả vàng nhạt thì trút vào nồi, đong lượng nước vừa đủ để nấu cháo.
- Sơ chế sạch thịt bò, để ráo nước, thái miếng nhỏ và băm nhuyễn, ướp chút gia vị.
- Cà rốt gọt bỏ vỏ, rửa sạch, thái nhỏ cà rốt bằng hạt lựu.
- Khi cháo sôi thì hạ nhỏ lửa, đun liu riu tiếp trong 30 phút rồi cho cà rốt vào hầm cùng. Đun tới khi hạt gạo mềm nở thì cho thịt bò đã tẩm ướp gia vị vào khuấy đều, đun thêm khoảng 10 phút thì tắt bếp.
- Cắt thêm hành lá vào cháo rồi cho người ốm dùng.
Xem thêm: Cách tăng sức đề kháng để vượt qua giai đoạn dịch nCoV một cách an toàn
1.6 Cháo thịt lợn
Bên cạnh thịt gà hay thịt bò, thịt lợn (thịt heo) dường như là nguyên liệu dễ tìm kiếm và được chúng ta tận dụng phổ biến nhất khi nấu cháo. Tô cháo thịt lợn bằm thơm ngọt, thêm chút hành lá cùng lá tía tô – đơn giản nhưng lại giúp người bệnh nhanh chóng hồi sức.
- Gạo tẻ: 100g
- Gạo nếp: 50g
- Thịt bò: 100g
- Đậu xanh: 30g
- Hành lá
- Tía tô
- Hành tím
- Gia vị: hạt nêm, nước mắm, hạt tiêu
- Nhặt bỏ hạt đậu xanh bị sâu rồi đem ngâm trong nước 6 -7 tiếng cho đậu nở mềm rồi vo lại lần nữa, để ráo.
- Trộn gạo nếp cùng gạo tẻ lại với nhau, đem vo sạch, xong cho đậu xanh vào, thêm một lượng nước vừa đủ nấu chín cháo dưới lửa nhỏ.
- Sơ chế sạch thịt lợn, băm nhuyễn nhỏ rồi ướp với chút gia vị trong khoảng 30 phút.
- Khi cháo chín bạn trút thịt lợn vào, khuấy đều đến khi thịt lợn chín thì nêm lại vị và có thể tắt bếp.
- Cắt hành lá và lá tía tô vào tô, rồi múc cháo nóng lên trên là được.
Xem thêm: Bạn có hiểu hết tác dụng của gạo – lương thực thiết yếu hàng ngày chưa?
1.7 Cháo bào ngư
Nếu muốn “nâng cấp” món cháo cho người ốm thì cháo bào ngư nấu nấm rơm là một gợi ý cực kì phù hợp đấy!
- Bào ngư: 3 – 5 con
- Gạo tẻ: 150g
- Gạo nếp: 50g
- Nấm rơm (khô hoặc tươi đều được): 70g
- Rau mùi (ngò rí)
- Hành lá
- Hành tím
- Gia vị: nước mắm, hạt nêm, hạt tiêu
- Vo sạch gạo, ngâm nước khoảng 1 – 2 tiếng để khi nấu sẽ nhanh chín mềm hơn.
- Rửa sạch nấm rơm, ngâm trong nước muối từ 5 – 10 phút với nấm tươi, còn nấm khô thì ngâm khoảng 20 phút.
- Sơ chế sạch bào ngư với nước muối loãng rồi đem cắt miếng nhỏ vừa ăn.
- Trút gạo vào nồi và đong nước cao hơn mặt gạo khoảng 2 đốt ngón tay, bật lửa nhỏ để hầm cháo trong khoảng 1 – 2 tiếng.
- Phi thơm hành tím, trút nấm rơm và bào ngư vào xào sơ qua, nêm gia vị. Khi cháo sôi thì trút vào hầm cùng cháo, đun thêm khoảng 15 – 20 phút là được.
- Múc cháo ra tô, rắc hành lá và rau mùi lên rồi cho người ốm dùng món.
Xem thêm: 10 tác dụng của bào ngư xứng danh loại hải sản bổ dưỡng ‘bậc nhất’
1.8 Cháo bồ câu
Cháo bồ câu (cháo chim bồ câu) vốn được mệnh danh là “thượng phẩm” rất tốt cho sức khỏe. Cháo ấm nóng, sánh mịn, phần thịt mềm thơm lừng, quyện với hạt sen, đậu xanh – tất cả đều đem đến vô vàn dưỡng chất quý giá cho người ốm.
- Chim bồ câu: 1 con
- Gạo tẻ: 150g
- Hạt sen: 50g
- Đậu xanh (không bắt buộc): 30g
- Hành tím
- Hành lá
- Gia vị: nước mắm, hạt nêm, hạt tiêu
- Làm sạch chim bồ câu, bỏ phần chân và nội tạng, chặt làm 4 phần, tránh chặt quá nhỏ. Có thể nướng sơ qua để thịt thơm hơn. Tiến hành ướp thịt với nước mắm, hành tím, hạt tiêu khoảng 30 phút.
- Ngâm hạt sen và đậu xanh khoảng 3 – 4 tiếng.
- Vo sạch gạo, ngâm khoảng 1 – 2 tiếng. Nên rang gạo, hạt sen và đậu xanh khoảng 10 phút để cháo thơm hơn. Đổ hỗn hợp vào nồi, đong lượng nước cao hơn mặt gạo khoảng 2 đốt ngón tay là đủ.
- Phi thơm hành tím, cho chim vào đảo xơ qua, rồi trút vào hầm cùng cháo từ 1 – 2 tiếng, nêm nếm lại vị, đun tới khi thấy cháo sánh mịn là hoàn thành.
- Đừng quên cắt thêm hành lá vào cháo.
Xem thêm: Ngủ ngon hơn nhờ ăn canh đinh lăng hạt sen
1.9 Cháo tổ yến
Cùng với bào ngư, chim bồ cầu, cháo tổ yến cũng được biết đến như một món cháo hảo hạng mà bạn có thể “ưu tiên” dùng để bồi bổ cho người ốm.
- Tổ yến xào: 20 – 30g
- Thịt lợn thăn: 100g
- Gạo tẻ: 150g
- Gạo nếp (không bắt buộc): 50g
- Hành tím
- Dầu mè
- Gia vị: hạt nêm, hạt tiêu, nước mắm
- Ngâm rửa sạch gạo nếp và gạo tẻ khoảng 2 tiếng, để ráo nước rồi đem rang sơ qua thêm 5 – 7 phút.
- Sơ chế sạch thịt lợn, rồi băm nhuyễn nhỏ, ướp với chút gia vị.
- Tổ yến sau khi mua về thì làm sạch, cho vào bát, đậy lại và đem chưng cách thủy trong khoảng 25 – 30 phút.
- Phi thơm hành tím, trút thịt lợn vào xào.
- Trút gạo vào nồi, đong nước cao hơn mặt gạo khoảng 2 – 3 đốt ngón tay. Khi cháo đủ độ nhừ, bạn cho tổ yến và thịt vào nấu thêm khoảng 5 – 10 phút, nêm nếm thêm gia vị, dầu mè rồi tắt bếp.
- Chú ý cho người ốm dùng cháo tổ yến còn nóng.
Xem thêm: 6 tác dụng của tổ yến và một số điều cần lưu ý khi dùng
2. Những lưu ý cần biết khi nấu cháo cho người ốm
Nhìn chung, các món cháo cho người ốm có công đoạn chế biến tương đối đơn giản, thế nhưng để giúp người bệnh hấp thu dưỡng chất một cách hiệu quả nhất và chóng “lại sức” hãy chú ý một vài khuyến cáo sau:
2.1 Không nấu cháo cho người ốm ăn nhiều ngày
Không thể phủ nhận rằng những tô cháo mềm ngọt là lựa chọn hợp lý để giúp “vực dậy” người ốm. Tuy nhiên, nếu chỉ tập trung ăn cháo sẽ làm giảm khả năng nhai cũng như hoạt động tiết nước bọt, khiến nhu động dạ dày ngày càng suy yếu và ảnh hưởng tới hoạt động tiêu hóa.
Vì thế, lời khuyên là chỉ nên nấu cháo cho người ốm ăn 1 bữa trong ngày, đan xen với những món ăn khác, tránh gây cảm giác ngán ăn, đồng thời cải thiện sức khỏe tốt hơn.
2.2 Hạn chế cho người ốm ăn cháo quá nóng
Chỉ nên cho người ốm ăn cháo ấm nóng (khoảng 50 – 60 độ C), điều này vẫn đảm bảo giữ được hương vị thơm ngon của cháo nhưng không gây bỏng hay tổn thương niêm mạc thực quản.
2.3 Tránh ăn nhiều vào bữa tối
Trên thực tế, chúng ta vẫn có thể thêm cháo vào thực đơn bữa tối cho người ốm, nhưng không nên ăn nhiều và tránh ăn cháo quá loãng, nhằm giảm tình trạng đi tiểu đêm, gây ảnh hưởng tới giấc ngủ.
Xem thêm: Bí quyết ‘đánh bay’ chứng mất ngủ từ những loại thực phẩm tự nhiên
3. Một số món ăn cho người ốm nên biết
Như đã chia sẻ, chế độ dinh dưỡng của người ốm không nên chỉ có “3 bữa cháo một ngày”, cần động viên họ ăn đa dạng các món ăn khác để hấp thu đủ chất xơ, protein, vitamin, khoáng chất béo. Theo đó, hãy tăng cường một số nhóm thực phẩm sau vào khẩu phần ăn hàng ngày cho người ốm:
- Rau xanh: Lựa chọn các loại rau xanh lá mềm, giàu chất xơ như rau mồng tơi, rau ngót, rau cải bó xôi,…
- Trái cây: Sau mỗi bữa ăn khoảng 30 phút, hãy cho người bệnh “tráng miệng” bằng các loại trái cây mà họ ưa thích nhằm tiếp nạp thêm lượng vitamin và khoáng chất.
- Trà thảo mộc: Bên cạnh việc uống đủ lượng nước lọc trong ngày, người ốm có thể dùng các loại trà thảo mộc như trà hoa cúc, trà gừng hay trà bạc hà để thư giãn tinh thần và cải thiện giấc ngủ.
- Sữa và chế phẩm từ sữa: Vào các bữa phụ, hãy cho người ốm uống thêm sữa hoặc ăn sữa chua, bổ sung thêm lợi khuẩn đường ruột.
Để “chiều lòng” khẩu vị của người ốm có lẽ đôi khi người chăm sóc sẽ cảm thấy “bối rối”. Song hy vọng rằng với các công thức cháo cho người ốm trên đây, bạn sẽ không còn phải quá lo lắng nên lựa chọn món ăn nào thêm vào thực đơn bồi bổ nữa nhé!