Hải sản ở những vùng biển Việt Nam có nhiều loại giống nhau, nhưng tùy theo điều kiện của từng vùng mà hải sản nơi này có thể sẽ ngon hơn nơi khác, và cũng tùy theo cách chế biến, sáng tạo của những người dân vùng đó, khiến cho hải sản trở thành những món ăn hấp dẫn khó cưỡng đối với du khách khi đặt chân đến mỗi vùng biển của Việt Nam.
Nhum, Ốc hương, sò huyết, ghẹ, ngao, tôm hùm… đều là những món ăn hải sản ngon nên được “định vị” trong các chuyến du lịch biển. Đây là danh sách các loại hải sản từ Nam đến Bắc các bạn không nên bỏ qua nhé.
Nhum biển Quy Nhơn
Nhum nướng mỡ hành vừa có hương vị ngọt bùi của thịt nhum, giòn giòn của mỡ heo chiên nóng hổi hòa quyện cùng với mùi thơm nhẹ đậu phộng và hành lá, là một món ngon hấp dẫn của ngư dân xứ biển Quy Nhơn.
Ghét là vì khi lặn xuống biển, nếu không chú ý sẽ rất dễ bị “dính” gai. Con nhum khi đâm vào người thông thường sẽ bỏ lại một đoạn gai. Bị gai nhum đâm phải sẽ có cảm giác tê buốt. Tuy nhiên, nếu dân kinh nghiệm khi bị gai nhum đâm thường có một cách hóa giải rất đặc biệt là… “tè” vào chỗ vết thương.
Ngoài câu chuyện gai góc ra, dân Quy Nhơn coi con nhum là sản vật “đáng khoe”. Trong khắp quần đảo, bãi biển lặn xuống ghềnh đá nào cũng có thể bắt được con nhum. Sản vật này được nhiều nhà hàng ở xứ đảo chào mua nhiệt tình, nhưng ít người dân nào xem đây là thu nhập chính vì chẳng có nơi nào chịu mua nhiều bởi ngại mớ cầu gai này trong hồ.
Chế biến nhum, có lẽ công đoạn vất vả nhất là cắt hết số lượng gai tua tủa bao quanh. Nhum sau khi được “dọn” hết gai chỉ còn lại quả cầu tròn sần sùi to cỡ một quả banh tennis. Dùng dao chẻ đôi, bỏ hết bộ lòng bên trong sẽ thấy lớp thịt màu vàng đục bám dọc bên thành “quả cầu”, đó là phần quý nhất của con nhum.
Ốc hương tự nhiên Nha Trang
Ốc hương là một trong những loài ốc biển được ưa chuộng nhất hiện nay bởi mùi hương thơm tự nhiên vô cùng hấp dẫn. Ốc sống ở những vùng biển nhiệt đới, dưới đáy cát có độ sâu từ 5-20m.
Thịt ốc hương giòn ngọt, lại có nhiều chất đạm và các vitamin nhóm B, rất tốt cho não cùng hệ thần kinh. Nếu ai đã một lần được thưởng thức món ốc hương hấp gừng sả cùng ớt thái sợi sẽ không thể quên được hương vị tươi ngọt đặc trưng đó.
“Mực nháy” Cửa Lò (Nghệ An)
“Mực nhảy”, một tên gọi tươi nguyên đến mức, khi đưa vào nồi bắc lên bếp con mực còn “nhảy”. Có người gọi là “mực nháy” vì con mực vừa bắt dưới nước lên bắt gặp ánh trăng hoặc ánh đèn, những tia phản quang trên mắt, trên mình nó cứ nháy lên lấp la lấp lánh. Hai tên gọi trên tuy diễn tả những trạng thái khác nhau của con mực nhưng đều nói lên mức độ tươi ngon của con mực. Ăn loại mực này nhiều thực khách sẽ cảm nhận được độ tươi ngọt, thịt mực vừa giòn vừa dai nên người ăn có cảm giác rất sảng khoái, ăn no nê mà không ngán.
Cá ngừ đại dương (Phú Yên)
Từ thịt cá ngừ tươi chúng ta có thể chế biến thành nhiều món như gỏi cá ngừ, cá ngừ sốt kem chanh, cá ngừ áp chảo, cá ngừ nướng lá dừa, cá ngừ om dứa, cá ngừ sốt cam, cá ngừ nấu hạt sen… Còn mắt cá ngừ thì sẽ có các món như mắt cá ngừ chưng cách thủy, mắt cá ngừ chưng trứng, mắt cá ngừ tiềm bí đỏ, mắt cá ngừ tiềm hạt sen, mắt cá ngừ tiềm thuốc bắc, mắt cá ngừ tiềm ngũ liễu…
Thưởng thức món ăn cá ngừ đại dương theo kiểu Tuy Hòa (Phú Yên) được đánh giá là sành điệu nhất. Cá sau khi làm vệ sinh sạch sẽ, cắt thành từng miếng 4x5x0,5cm, sau đó xếp cá vào khay đem ướp lạnh. Khi thấy miếng thịt cá ngừ đã đông cứng, có màu sắc từ đỏ tươi chuyển sang hồng hoặc trắng hồng thì ăn được.
Bào ngư Bạch Long Vỹ (Hải Phòng)
Bào ngư ở khu vực biển thuộc đảo Bạch Long Vĩ thuộc hàng “sơn hào hải vị”, thuộc hàng “bát trân” giàu dược tính, có khả năng bổ âm, tăng khí, tăng cường sinh lực cho nam giới, giúp sáng mắt, hạ nhiệt, trị ho, khó tiêu. Cả vỏ và ruột bào ngư đều được dùng làm thuốc để chữa bệnh và bồi bổ cơ thể.
Bào ngư được chế biến thành nhiều món bổ dưỡng: bào ngư sống được bóp qua nước gừng, thái lát thật mỏng, vắt chanh, chấm mù tạt – xì dầu, khi ăn sẽ có cảm giác giòn ngọt khó tả. Bào ngư nấu cháo toàn tính (thả cả vỏ vào cháo), bào ngư xốt dầu hào tóc tiên hay hấp nguyên con với xì dầu rất ngọt, bổ.
Ốc vú nàng Côn Đảo (Bà Rịa – Vũng Tàu)
Ốc vú nàng là một món không thể thiếu trong thực đơn của những người đến thăm Côn Đảo. Ốc có hình dáng giống như nhũ hoa của người con gái, chỉ cần gọi tên thôi, loài ốc độc đáo này đã khiến rất nhiều người tò mò, tìm hiểu, muốn khám phá, để rồi ngạc nhiên khi gặp gỡ và mê mẫn khi thưởng thức.
Nhìn hình dáng bên ngoài, ốc vú nàng với hình chóp nhọn, thẳng, căng và trắng nõn với lớp vỏ cứng bằng xà cừ sắc hồng lấp lánh. Khi thưởng thức, ban đầu khi ốc mới luộc xong, thịt ốc có màu trắng ngà, sau đó rửa sạch rồi tưới qua lại một lần nước sôi bỗng chuyển sang màu vàng nhìn rất ngon mắt.
Thịt ốc vú nàng săn giòn nhưng không quá mềm giống như thịt nghêu, sò và rất ngọt. Ốc vú nàng luộc không quá béo giống như thịt, không quá dai như sò, ngao, không nhỏ như hàu. Nếu như được thưởng thức những con ốc vú nàng mới ngậm sữa thì sẽ cảm nhận vị thơm ngậy, không lẫn với bất cứ một món ăn đặc sản nào.
Sá sùng (Quảng Ninh)
Sá sùng là đặc sản nổi tiếng bậc nhất ở Quảng Ninh, trong đó sá sùng Vân Đồn thuộc hàng thượng hạng. Loài trùng biển này được nhiều nhà khoa học cho biết chứa tới 17 nguyên tố vi lượng, tám loại axít amin không thể thay thế và mười loại axít amin nhiều giá trị dinh dưỡng như: glyxin, glutamin, alanine, succinic…
Ngoài ra, với hương vị ngọt, tính mát, sá sùng còn giúp chủ trị chứng tâm hàn, bổ dương khí. Sá sùng còn được dân biển coi là miếng mồi ngon nhất trong các mồi ngon của biển. Các loài cua, cá, sam, tu hài… cũng phải xếp sau.
Sá sùng tươi có thể chế biến nhiều món như xào chua ngọt, chiên, nướng, nấu cháo…và nhiều món ngon khác.
Xem thêm: Tất Tần Tật Các Loại Ốc Biển Việt Nam