Contents
Nợ xấu là gì? Nợ xấu nhóm 5 là gì?
Khoản 8 Điều 3 Thông tư 11/2021/TT-NHNN định nghĩa:
8. Nợ xấu (NPL) là nợ xấu nội bảng, gồm nợ thuộc các nhóm 3, 4 và 5.
Như vậy, nợ xấu là nợ được phân loại vào nhóm nợ 3, 4 và 5. Trong đó, nợ xấu nhóm 5 là nợ xấu kém nhất. Cụ thể, các trường hợp bị phân loại nợ xấu có các đặc điểm sau đây:
Nhóm nợ
Đặc điểm
Nợ nhóm 3 – Nợ dưới tiêu chuẩn
– Quá hạn từ 91 – 180 ngày, trừ khoản nợ được phân loại vào nhóm nợ có rủi ro cao hơn.
– Được gia hạn nợ lần đầu còn trong hạn trừ nợ cơ cấu lại thời hạn trả nợ, nợ được phân loại vào nhóm nợ có rủi ro cao hơn.
– Được miễn/giảm lãi do không đủ khả năng trả lãi đầy đủ theo thoả thuận trừ nợ được phân loại vào nhóm nợ có rủi ro cao hơn.
– Nợ chưa thu hồi được trong thời gian dưới 30 ngày kể từ ngày có quyết định thu hồi:
- Không được cấp tín dụng cho doanh nghiệp kinh doanh chứng khoán mà tổ chức tín dụng nắm quyền kiểm soát, trên cơ sở nhận bảo đảm bằng cổ phiếu của chính tổ chức tín dụng/công ty con của tổ chức tín dụng…
- Bị hạn chế cấp tín dụng theo Điều 127 Luật Các tổ chức tín dụng.
- Bị giới hạn cấp tín dụng: Chỉ cấp tín dụng cho khách hàng có tổng dư nợ không vượt quá 15% vốn tự có của ngân hàng; cấp cho một khách hàng và người liên quan không vượt quá 25% vốn tự có của ngân hàng…
– Trong thời hạn thu hồi theo kết luận thanh tra, kiểm tra.
– Phải thu hồi trước hạn trong thời gian dưới 30 ngày theo quyết định của ngân hàng do khách hàng vay vốn vi phạm thoả thuận.
– Được phân loại vào nhóm 3 theo kết quả thanh tra, giám sát, thông tin tín dụng liên quan của Ngân hàng Nhà nước.
Nợ nhóm 4 – Nợ nghi ngờ
– Quá hạn từ 181 – 360 ngày trừ khoản nợ được phân loại vào nhóm nợ có rủi ro cao hơn.
– Cơ cấu lại thời hạn trả nợ lần đầu quá hạn đến 90 ngày theo thời hạn trả nợ được cơ cấu lại lần đầu trừ khoản nợ được phân loại vào nhóm nợ có rủi ro cao hơn.
– Cơ cấu lại thời hạn trả nợ lần hai còn trong hạn trừ khoản nợ được phân loại vào nhóm nợ có rủi ro cao hơn và khoản nợ sau khi cơ cấu lại được phân loại lại vào nhóm nợ có rủi ro thấp hơn.
– Khoản nợ bị hạn chế tín dụng, không được cấp tín dụng, bị giới hạn tín dụng theo quy định của nợ nhóm 3 ở trên nhưng chưa thu hồi được trong thời gian từ 30 – 60 ngày kể từ ngày có quyết định thu hồi.
– Phải thu hồi theo kết luận thanh tra, kiểm tra nhưng quá hạn đến 60 ngày mà chưa thu hồi được.
– Phải thu hồi từ 30 – 60 ngày theo quyết định thu hồi trước hạn của tổ chức tín dụng do khách vi phạm thoả thuận.
– Khoản nợ phân vào nhóm 4 theo kết quả thanh tra, giám sát, thông tin tín dụng liên quan của Ngân hàng Nhà nước.
Nợ nhóm 5 – Nợ có khả năng mất vốn
– Quá hạn trên 360 ngày.
– Cơ cấu lại thời hạn trả nợ lần đầu quá hạn từ 91 ngày trở lên.
– Cơ cấu lại thời hạn trả nợ lần hai quá hạn theo thời hạn trả nợ được cơ cấu lại lần hai.
– Cơ cấu lại thời hạn trả nợ lần ba trở lên trừ khoản nợ được phân loại vào nhóm nợ có rủi ro cao hơn.
– Bị quá hạn thu hồi theo kết luận thanh tra, kiểm tra trên 60 ngày.
– Quá hạn trên 60 ngày theo quyết định thu hồi trước hạn của ngân hàng do khách hàng vi phạm thoả thuận.
– Khách hàng là tổ chức tín dụng đang bị kiểm soát đặc biệt, chi nhánh ngân hàng nước ngoài đang bị phong toả vốn, tài sản.
– Bị phân vào nhóm 5 theo kết quả thanh tra, giám sát, thông tin tín dụng liên quan của Ngân hàng Nhà nước.
2. Nợ xấu nhóm 5 vay được ngân hàng nào?
Theo quy định, nợ xấu nhóm 5 là nợ xấu có nguy cơ khó thu hồi nhất. Do đó, thông thường các ngân hàng khi muốn đảm bảo tỷ lệ trả nợ của khách hàng vay thì sẽ lựa chọn phương án không cho người thuộc nhóm nợ xấu nhóm 5 vay vốn.
Khi khách hàng bị phân vào nhóm nợ nhóm 5 thì ngân hàng phải trích lập dự phòng rủi ro, đặc biệt là nợ xấu nhóm 5 còn được gọi là nợ có khả năng mất vốn. Kéo theo đó, nếu mức trích lập rủi ro càng cao thì lợi nhuận cũng sẽ giảm theo tương ứng.
Do đó, ngân hàng thường sẽ không chấp nhận cho khách hàng thuộc nhóm nợ xấu nhóm 5 vay vốn tại ngân hàng của mình.
Tuy nhiên, không phải bất kỳ trường hợp nào cũng sẽ không được vay vốn. Nợ xấu nhóm 5 có vay vốn ngân hàng được không thì câu trả lời là có thể. Khách thuộc nợ xấu nhóm 5 có thể được vay vốn nếu thuộc trường hợp sau đây:
Sau khi đã được xoá nợ xấu
Theo khoản 1 Điều 11 Thông tư 03/2013/TT-NHNN, thông tin tiêu cực trong đó có thông tin nợ xấu của khách hàng vay được lưu trữ trên hệ thống của Trung tâm thông tin tín dụng Quốc gia Việt Nam (Credit Information Centre, sau đây gọi là CIC) trong thời hạn tối đa 05 năm kể từ ngày kết thúc thông tin nợ xấu.
Tuy nhiên, theo chính sách cung cấp thông tin của CIC trên thực tế thì nếu khách hàng có nợ xấu dưới 10 triệu đồng thì sẽ được xoá ngay sau khi khách hàng tất toán và tổ chức tín dụng thực hiện việc báo cáo với CIC.
Do đó, nếu khách hàng thuộc nợ xấu nhóm 5, sau thời hạn bị lưu trữ thông tin về nợ xấu trên CIC, khi đã được xoá thông tin nợ xấu thì sẽ được xem xét, quyết định cho vay căn cứ vào điều kiện, chính sách của từng ngân hàng sau khi ngân hàng kiểm tra thông tin tín dụng trên CIC.
Đã bán khoản nợ xấu cho công ty quản lý tài sản
Theo Điều 6 Nghị định 53/2013/NĐ-CP, việc cho khách hàng có nợ xấu bán cho công ty quản lý tài sản được quy định như sau:
Khách hàng vay có khoản nợ xấu bán cho Công ty Quản lý tài sản và có phương án sản xuất, kinh doanh khả thi được tổ chức tín dụng tiếp tục xem xét, cấp tín dụng theo thỏa thuận và quy định của pháp luật.
Theo quy định này, công ty quản lý tài sản có thể thực hiện mua nợ xấu của ngân hàng. Sau khi đã bán nợ xấu cho công ty quản lý tài sản và có phương án sản xuất, kinh doanh khả thi thì có thể được xem xét cho vay theo thoả thuận.
Tuy nhiên, khoản nợ xấu đủ điều kiện để được công ty quản lý tài sản mua nêu tại Điều 8 Nghị định 53 như sau:
a) Khoản nợ xấu của tổ chức tín dụng, bao gồm nợ xấu trong các hoạt động cấp tín dụng, mua trái phiếu doanh nghiệp, ủy thác mua trái phiếu doanh nghiệp, ủy thác cấp tín dụng và hoạt động khác theo quy định của Ngân hàng Nhà nước;
b) Khoản nợ xấu có tài sản bảo đảm;
c) Khoản nợ xấu, tài sản bảo đảm phải hợp pháp và có hồ sơ, giấy tờ hợp lệ;
d) Khách hàng vay còn tồn tại;
đ) Số dư của khoản nợ xấu hoặc dư nợ xấu của khách hàng vay không thấp hơn mức quy định của Ngân hàng Nhà nước.
Như vậy, nếu khoản nợ xấu nhóm 5 đáp ứng các điều kiện nêu trên thì có thể được ngân hàng xem xét cho vay vốn nếu bán nợ xấu cho công ty quản lý tài sản đảm bảo và được cơ cấu lại khoản nợ. Do đó, để xác định ngân hàng nào cho người nợ xấu nhóm 5 vay thì cần xem xét chính sách cho vay của ngân hàng đó.
Trên đây là giải đáp về vấn đề: Nợ xấu nhóm 5 vay được ngân hàng nào? Nếu còn thắc mắc, độc giả vui lòn liên hệ 1900.6192 để được hỗ trợ, giải đáp.