Hồng cầu được đánh giá là thành phần quan trọng của máu. Thành phần này không được quá ít để đảm bảo cho cơ thể luôn được cung cấp đầy đủ oxy nhưng cũng không được quá nhiều vì có thể gây cản trở sự lưu thông của máu. Vậy hồng cầu là gì? Hồng cầu có vai trò ra sao đối với cơ thể?
22/05/2020 | Hạ canxi trong máu: Nguyên nhân, triệu chứng và phương pháp điều trị 21/05/2020 | Nhóm máu AB là gì? Truyền nhầm nhóm máu có nguy hiểm như thế nào? 19/05/2020 | Những kiến thức không thể bỏ qua về bệnh nhiễm trùng máu
1. Hồng cầu là gì?
Trong cơ thể, máu là dạng mô lỏng, gồm có hai phần: Tế bào và huyết tương. Trong đó, tế bào gồm hồng cầu, bạch cầu, tiểu cầu. Còn huyết tương chính là các yếu tố đông máu, kháng thể, protein, nội tiết tố, muối khoáng và nước.
Trước đây, dưới kính hiển vi quang học, người ta thấy rằng hồng cầu có hình tròn – đây cũng là nguồn gốc tên gọi “hồng cầu”. Nhưng hiện nay với kỹ thuật hiện đại, kính hiển vi điện tử đã giúp các nhà nghiên cứu thấy rõ hơn về hình dạng của hồng cầu. Nó chính là một dạng tế bào có hình đĩa hai mặt lõm, với kích thước rất nhỏ mà mắt thường không nhìn thấy được.
Hồng cầu hiếm số lượng nhiều nhất trong máu.
Hình dạng của hồng cầu chính là điều kiện thuận lợi để tăng diện tích bề mặt tiếp xúc và tăng khả năng khuếch tán oxy, đồng thời làm cho những tế bào này có thể dễ dàng vận chuyển oxy đi khắp cơ thể.
Hồng cầu chiếm số lượng nhiều nhất trong máu và có chứa huyết sắc tố khiến máu có màu đỏ. Thành phần chính của hồng cầu là hemoglobin (Hb), chiếm 34% trọng lượng.
Với những người bình thường, số lượng hồng cầu trong máu ngoại vi là:
-
Nam: 5.400.000 ± 300.000 /mm3.
-
Nữ: 4.700.000 ± 300.000/mm3.
Tuy nhiên, số lượng hồng cầu có thể thay đổi. Chẳng hạn ở trẻ sơ sinh, 2 tuần đầu tiên, các bé thường có lượng hồng cầu rất cao, sau đó, có thể xảy ra tình trạng vỡ hồng cầu – đây cũng là nguyên nhân của hiện tượng vàng da sinh lý của trẻ sơ sinh. Bên cạnh đó, những người lao động nặng hoặc người sống trên vùng cao thì số lượng hồng cầu cũng có thể nhiều hơn những người khác.
2. Chức năng của hồng cầu
Hồng cầu được sinh ra từ tủy xương với nhiều giai đoạn phát triển khác nhau, trải qua các quá trình mới trở thành hồng cầu trưởng thành.
Hồng cầu thường có tuổi đời từ 90 đến 120 ngày. Hồng cầu già sẽ bị tiêu hủy ở gan và lách. Trung bình mỗi ngày sẽ có khoảng 200 – 400 tỷ hồng cầu chết đi. Tiếp theo đó, tủy xương sẽ tiết ra một đợt tế bào hồng cầu mới để thay thế hồng cầu đã chết.
Thiếu hồng cầu khiến cho cơ thể bị thiếu máu gây ra hiện tượng mệt mỏi.
Chức năng của hồng cầu chính là vận chuyển khí oxy từ phổi đến các tế bào trong cơ thể và đồng thời nhận lại khí cacbonic từ các mô lên đào thải ở phổi. Có thể hiểu rằng, hồng cầu có vai trò quan trọng và có những tác động lớn đến các hoạt động của cơ thể:
Hồng cầu giúp vận chuyển các axit béo, axit amin và glucose từ các vi nhung mao ruột non đến các tế bào và các tổ chức trong cơ thể. Tiếp đó, máu sẽ mang cặn bã của quá trình chuyển hóa này đến các cơ quan bài tiết.
Đủ lượng hồng cầu cần thiết thì da và niêm mạc sẽ có màu hồng khỏe mạnh, rất đặc trưng. Nhưng trong trường hợp thiếu hồng cầu, mà chúng ta vẫn gọi nôm na là thiếu máu hoặc mất máu thì sẽ có hiện tượng là da, niêm mạc nhợt nhạt, người uể oải, mệt mỏi, lao động kém tập trung,…
Nếu số lượng hồng cầu bất thường thì có thể là tình trạng thiếu máu, xuất huyết hoặc những rối loạn hồng cầu khác.
3. Làm thế nào để gia tăng số lượng hồng cầu?
Hồng cầu có vòng đời khoảng 120 ngày và là một trong những loại tế bào được thay thế nhiều nhất của cơ thể. Chính vì thế, mỗi chúng ta cần phải chú ý đến chế độ dinh dưỡng để cơ thể có thể sản sinh đủ hồng cầu. Bạn nên:
Bổ sung thường xuyên các loại thực phẩm như thịt, trứng, sữa,…
Bổ sung Axit folic từ các loại rau màu xanh đậm, các loại ngũ cốc, một số loại trái cây như chuối và dưa gang, hay gan, thận bò.
Nên tăng cường bổ sung các thực phẩm chứa nhiều sắt như các loại thịt đỏ, đậu phụ, gan, hàu, trai, củ cải đường,… Bên cạnh đó, một số trường hợp có thể được bác sĩ chỉ định bổ sung sắt bằng thực phẩm chức năng. Tuy nhiên, không nên lạm dụng, tuyệt đối tuân thủ theo chỉ định của bác sĩ.
Bổ sung vitamin A giúp những hồng cầu đang phát triển tiếp cận đủ lượng sắt cần thiết để tạo ra hemoglobin. Một số thực phẩm giàu vitamin A như khoai lang, rau lá xanh đậm, bí đỏ, cà rốt, bưởi, dưa hấu, dưa vàng,…
Bổ sung hồng cầu bằng việc tiêu thụ đa dạng các loại thực phẩm.
Bên cạnh việc bổ sung thực phẩm, chúng ta cũng nên thực hiện lối sống lành mạnh:
Thường xuyên vận động, tập luyện: Đây là điều cần thiết đối với những người có tế bào hồng cầu thấp. Bạn có thể đi bộ nhanh, chạy bộ hoặc bơi lội để kích thích cơ thể sản sinh tế bào hồng cầu và hemoglobin.
Bỏ thói quen sử dụng chất kích thích: Những thói quen xấu bao gồm hút thuốc lá, uống rượu bia sẽ khiến máu không được lưu thông đúng cách và khó đưa oxy đến những bộ phận của cơ thể, đồng thời giảm sản sinh tế bào hồng cầu.
Truyền máu: Trong trường hợp cần thiết, khi cơ thể thiếu máu trầm trọng và bổ sung dinh dưỡng cũng không bổ sung đủ lượng máu cần thiết, bác sĩ có thể chỉ định truyền máu.
Nên khám sức khỏe định kỳ để biết rõ về tình trạng sức khỏe.
Khám sức khỏe định kỳ: Đây là cách tốt nhất để biết rõ về tình trạng sức khỏe hiện tại của bạn, trong đó bao gồm cả số lượng tế bào hồng cầu. Bên cạnh đó, xét nghiệm máu cũng có thể cho biết những nguy cơ tiềm ẩn có thể dẫn đến tình trạng tế bào hồng cầu thấp.
Hi vọng những thông tin trên đây đã giúp bạn tìm ra câu trả lời cho câu hỏi Hồng cầu là gì, vai trò của hồng cầu đối với cơ thể như thế nào? Mọi thắc mắc bạn có thể gọi tới số 1900 56 56 56, đội ngũ bác sĩ Bệnh viện Đa khoa MEDLATEC sẽ giúp bạn giải đáp chi tiết.