BÁCH PHÂN VỊ (PERCENTILE) mà Bs. Trí Đoàn thường nhắc tới là gì? Tại sao các bậc cha mẹ và ngay kể cả các bác sĩ cứ luôn so sánh trẻ với đường trung bình trên biểu đồ tăng trưởng của WHO? Nghe có vẻ hiển nhiên, nhưng đó lại là nghịch lý.
Trong xác suất thống kê, khái niệm bách phân vị là để ước tính tỷ lệ dữ liệu trong một tập số liệu rơi vào vùng cao hơn hoặc vùng thấp hơn đối với một giá trị cho trước. Trở lại Bảng tăng trưởng của WHO, người ta đã chọn ngẫu nhiên một nhóm trẻ em khỏe mạnh ở cùng độ tuổi, rồi đo chiều cao và cân nặng, lấy số trung bình của tất cả và thống kê lại thành một biểu đồ như các bạn đã nhìn thấy. Lưu ý là tất cả trẻ em trong nhóm nghiên cứu này đều khỏe mạnh.
Tới đây, bạn hãy thử liên tưởng tới nhóm 100 trẻ em nông thôn bất kỳ, đa số chúng đều khỏe mạnh, tuy nhiên điều đó không có nghĩa là chúng đều có chiều cao và cân nặng y hệt như nhau. Và để thống kê về hình thể của nhóm trẻ, chúng ta cũng có thể cân đo từng em một, lấy số trung bình và làm ra một bảng thống kê (giống như WHO đã làm với nhiều nhóm trẻ). Vậy khi so sánh bất kỳ đứa bé nào với con số trung bình, đương nhiên chúng ta sẽ thấy có bé ở trên mức trung bình, có bé dưới mức trung bình và có bé ở gần ngay mức trung bình. Nhưng điều quan trọng là: chúng hoàn toàn khỏe mạnh.
Vậy bách phân vị được hiểu như thế nào? Bách phân vị của một em bé cụ thể (bé A), chính là tỷ lệ cho thấy, NẾU gom được 100 em bé có chiều cao và cân nặng TIÊU BIỂU mô phỏng được cho ĐA SỐ trẻ em ở cùng độ tuổi, thì bé A đó cao hơn (hoặc nặng hơn) bao nhiêu bé trong 100 em bé đó. Chẳng hạn, nếu bé A có chiều cao ở bách phân vị thứ 30, nghĩa là bé A cao hơn 30 bé và thấp hơn 70 bé. Bé A còn có cân nặng ở bách phân vị thứ 20, nghĩa là bé A nặng hơn 20 bé và nhẹ hơn 80 bé. Và tất cả 101 em bé này (bao gồm cả bé A) đều khỏe mạnh. Bỏ qua chữ NẾU, khi bs Trí Đoàn xác định em bé A có chiều cao ở bách phân vị 30 – nghĩa là bé có chiều cao cao hơn 30% trẻ em cùng độ tuổi, và có cân nặng ở bách phân vị 20 – nghĩa là bé có cân nặng nặng hơn 20% trẻ em cùng độ tuổi.
Mà chiều cao và cân nặng thì được quyết định chủ yếu bởi di truyền. Nếu di truyền quyết định tạng người của bé A ở bách phân vị thứ 30 và 20, và nếu bé hoàn toàn khỏe mạnh, ăn uống, vui chơi bình thường như tất cả trẻ em khác, chúng ta không có lý do chính đáng nào để ép bé phải nhảy khỏi bách phân vị đó bằng cách ép bé ăn uống quá mức cần thiết, dẫn đến béo phì và ảnh hưởng lên sức khỏe. Chúng ta càng không có lý do gì để chỉ mải nhìn vào 1 con số trung bình, rồi nỗ lực khiến tất cả trẻ em trên thế giới này đều cao và nặng như nhau – đó là NGHỊCH LÝ.