Trong thời gian qua, Bộ Y tế đã liên tục cập nhật và ban hành các văn bản hướng dẫn tiêm vắc xin phòng COVID-19 cho các đối tượng trên cơ sở hướng dẫn của nhà sản xuất, khuyến cáo của Hội đồng tư vấn sử dụng vắc xin của Bộ Y tế, khuyến cáo của các tổ chức quốc tế.
Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam tại cuộc họp ngày 20/6/2022, để thuận lợi trong quá trình tổ chức tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19 cho các đối tượng và trên cơ sở các hướng dẫn đã ban hành, ngày 23/6/2022, Bộ Y tế ban hành Công văn số 3309/BYT-DP gửi Sở Y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; các Viện Vệ sinh dịch tễ, Viện Pasteur; Cục Y tế, Bộ Công an; Cục Quân Y, Tổng Cục Hậu cần, Bộ Quốc phòng đề nghị thực hiện các nội dung sau:
I. Sở Y tế các tỉnh, thành phố, các đơn vị:
a) Tiếp tục khẩn trương triển khai tiêm vắc xin phòng COVID-19 mũi bổ sung, mũi nhắc lại (mũi 3) cho người từ 18 tuổi trở lên, hoàn thành tiêm đủ 2 mũi cho trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi trong tháng 8 năm 2022, bảo đảm an toàn, hiệu quả.
b) Khẩn trương tổ chức triển khai tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19 mũi 4 cho đối tượng từ 18 tuổi trở lên có chỉ định tiêm. c) Xây dựng kế hoạch và tổ chức tiêm mũi 3 vắc xin phòng COVID-19 cho trẻ từ 12 tuổi đến 17 tuổi.
II. Tiêm vắc xin phòng COVID-19 cho đối tượng từ 18 tuổi trở lên
1. Tiêm liều bổ sung (Liều này không phải Mũi 3)
– Đối tượng: người từ 18 tuổi trở lên, bao gồm:
+ Người có tình trạng suy giảm miễn dịch vừa và nặng như người đang điều trị ung thư tích cực đối với các khối u hoặc ung thư máu; người cấy ghép nội tạng và đang dùng thuốc ức chế miễn dịch; người điều trị bằng liệu pháp thụ thể kháng thể tế bào T (một loại điều trị giúp hệ miễn dịch tấn công và tiêu diệt các tế bào ung thư) hoặc được cấy ghép tế bào gốc (trong vòng 2 năm qua); người suy giảm miễn dịch nguyên phát trung bình hoặc nặng (ví dụ hội chứng DiGeorge, hội chứng Wiskott-Aldrich); người nhiễm HIV tiến triển hoặc không được điều trị; người đang điều trị tích cực corticosteroid hoặc các loại thuốc ứng chế miễn dịch liều cao.
+ Người đã tiêm đủ liều cơ bản bằng vắc xin Sinopharm (Vero cell) hoặc vắc xin Sputnik V.
– Loại vắc xin: cùng loại vắc xin với liều cơ bản hoặc vắc xin mRNA; hoặc vắc xin Astrazeneca đối với người đã tiêm đủ liều cơ bản bằng vắc xin Sinopharm (Vero cell).
– Khoảng cách: tiêm 01 mũi bổ sung sau mũi cuối cùng của liều cơ bản từ 28 ngày đến 3 tháng.
– Liều lượng: theo hướng dẫn sử dụng của nhà sản xuất đã được Bộ Y tế cho phép. – Người đã mắc COVID-19 thì tiêm ngay sau khi hồi phục và hoàn thành việc cách ly y tế theo qui định.
2. Tiêm liều nhắc lại lần 1 (mũi 3) (không tính liều bổ sung)
– Đối tượng: người từ 18 tuổi trở lên đã tiêm đủ liều cơ bản (đủ 1 hoặc 2 hoặc 3 tùy theo loại vắc xin và mũi bổ sung nếu có)
– Loại vắc xin: cùng loại vắc xin với liều cơ bản hoặc vắc xin mRNA; hoặc vắc xin Astrazeneca nếu tiêm liều cơ bản bằng vắc xin Sinopharm (Vero cell) hoặc vắc xin mRNA.
– Khoảng cách: tiêm 01 mũi nhắc lại ít nhất 3 tháng sau mũi cuối cùng của liều cơ bản.
– Liều lượng: theo hướng dẫn sử dụng của nhà sản xuất đã được Bộ Y tế cho phép. Đối với vắc xin Moderna tiêm liều 0,25ml (1/2 liều cơ bản).
– Người đã mắc COVID-19 thì tiêm ngay sau khi hồi phục và hoàn thành việc cách ly y tế theo qui định.
3. Tiêm liều nhắc lại lần 2 (mũi 4)
– Đối tượng: người từ 50 tuổi trở lên; người từ 18 tuổi trở lên có suy giảm miễn dịch từ thể vừa đến thể nặng; người từ 18 tuổi trở lên thuộc nhóm nguy cơ cao phơi nhiễm với COVID-19 như cán bộ y tế, cán bộ tuyến đầu (lực lượng công an, quân đội, giáo viên, người làm việc trong lĩnh vực giao thông vận tải, người cung cấp dịch vụ thiết yếu, người làm việc tại các cơ sở dịch vụ du lịch, trung tâm thương mại, siêu thị, chợ), công nhân, người làm việc các khu công nghiệp.
– Loại vắc xin: vắc xin mRNA (vắc xin Pfizer hoặc Moderna); vắc xin AstraZeneca; vắc xin cùng loại với mũi 3 (mũi nhắc lần 1);
– Khoảng cách: ít nhất là 4 tháng sau mũi 3 (mũi nhắc lần 1).
– Người đã mắc COVID-19 sau tiêm mũi 3: tiêm sau khi mắc COVID-19 3 tháng và đảm bảo khoảng cách ít nhất 4 tháng sau mũi 3.
III. Tiêm liều nhắc lại (mũi 3) vắc xin phòng COVID-19 cho người từ 12 đến 17 tuổi
– Đối tượng: trẻ từ 12 tuổi đến 17 tuổi đã tiêm đủ liều cơ bản (Mũi 1 và Mũi 2)
– Loại vắc xin: vắc xin Pfizer đã được Bộ Y tế phê duyệt sử dụng cho lứa tuổi này.
– Liều lượng: liều 0,3 ml tương tự liều cơ bản của người từ 12 tuổi trở lên hanhntm.dp_Nguyen Thi My Hanh_24/06/2022 17:25:56 3
– Khoảng cách: ít nhất là 5 tháng sau mũi cuối cùng của liều cơ bản (Mũi 2)
– Người đã mắc COVID-19: tiêm sau khi mắc COVID-19 3 tháng và đảm bảo khoảng cách với mũi cuối cùng của liều cơ bản ít nhất 5 tháng.
IV. Tiêm vắc xin phòng COVID-19 cho trẻ từ 5 đến 12 tuổi
– Loại vắc xin: vắc xin cùng loại được Bộ Y tế phê duyệt sử dụng cho lứa tuổi này. Liều lượng theo độ tuổi tương ứng và khoảng cách giữa các mũi tiêm theo hướng dẫn của nhà sản xuất và Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương, trong đó:
+ Đối với vắc xin Pfizer tiêm cho trẻ từ 5 đến 12 tuổi
+ Đối với vắc xin Moderna tiêm cho trẻ từ 6 đến 12 tuổi – Trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi đã mắc COVID-19: tiêm sau khi mắc bệnh 3 tháng.
V. Các nội dung về hướng dẫn này thay thế các nội dung hướng dẫn chuyên môn tại:
– Công văn số 10722/BYT-DP ngày 17/12/2021 về việc hướng dẫn tiêm liều cơ bản và nhắc lại;
– Công văn số 508/BYT-DP ngày 28/01/2022 về việc hướng dẫn tiêm liều cơ bản và nhắc lại;
– Công văn số 1506/BYT-DP ngày 25/3/2022 về việc hướng dẫn tiêm liều cơ bản và nhắc lại;
– Công văn số 1535/BYT-DP ngày 28/3/2022 về việc tiêm vắc xin phòng COVID-19 cho trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi,
– Công văn số 1848/BYT-DP ngày 13/4/2022 về việc tiêm cho người đã mắc COVID-19,
– Công văn số 2357/BYT-DP ngày 9/5/2022 về việc tiêm vắc xin phòng COVID-19 liều nhắc lại lần 2 (mũi 4),
– Công văn số 3181/BYT-DP ngày 17/6/2022 về việc tiêm vắc xin phòng COVID-19 liều nhắc lại cho trẻ từ 12 đến 17 tuổi.
Ban biên tập trang thông tin điện tử Cục Y tế dự phòng