Trong thỏa thuận giữa người lao động và người sử dụng lao động về việc làm, ngoài những thỏa thuận về quyền lợi, nghĩa vụ giữa các bên thì còn có thỏa thuận về tiền lương, quy tắc, cách tính khối lượng công việc hay còn được gọi là định mức lao động.
Vậy định mức lao động là gì? Xây dựng căn cứ tính định mức lao động? Các phương pháp xây dựng định mức lao động? Những vấn đề trên sẽ được chúng tôi giải đáp trong nội dung bài viết dưới đây.
Định mức lao động là gì?
Định mức lao động là căn cứ xác định để tính khối lượng công việc, sản phẩm tạo ra của một cá nhân người lao động hoặc một nhóm người lao động đảm bảo hoàn thành trong một khoảng thời gian nhất định.
Theo quy định tại Điều 93 Bộ Luật lao động năm 2019 thì người sử dụng lao động phải xây dựng định mức lao động làm căn cứ để tuyền dụng, sử dụng lao động, tính lương theo chức danh ghi trong hợp đồng lao động hoặc theo công việc để trả lương cho người lao động.
Định mức lao động phải đảm bảo ở mức trung bình mà số đông người lao động thực hiện được và phải được áp dụng thử trước khi ban hành chính thức, không để kéo dài thời giờ làm việc bình thường của người lao động.
Khi xây dựng định mức lao động thì người sử dụng lao động phải tham khảo ý kiến của tổ chức người đại diện lao động tại cơ sở và phải công bố công khai tại nơi làm việc trước khi áp dụng chính thức.
Như vậy dựa theo những thông tin mà chúng tôi cung cấp Khách hàng bên cạnh việc hiểu rõ định mức lao động là gì đồng thời cũng hiểu thêm được định mức lao động sẽ có vai trò quan trọng tác động tới doanh thu, lợi nhuận của doanh nghiệp, tiền lương của người lao động.
Nguyên tắc xây dựng định mức lao động
Có 5 nguyên tắc xây dựng định mức lao động (theo Điều 8 Nghị định 49/2013/NĐ-CP):
– Định mức lao động được thực hiện cho từng bước công việc, từng công đoạn và toàn bộ quá trình sản xuất sản phẩm, dịch vụ trên cơ sở tổ chức lao động khoa học, tổ chức sản xuất hợp lý;
– Mức lao động được xây dựng trên cơ sở cấp bậc của công việc hoặc chức danh, phù hợp với cấp bậc, trình độ đào tạo của người lao động, quy trình công nghệ, tiêu chuẩn kỹ thuật của máy móc thiết bị và bảo đảm các tiêu chuẩn lao động.
– Mức lao động phải là mức trung bình tiên tiến, bảo đảm số đông người lao động thực hiện được mà không phải kéo dài thời gian làm việc tiêu chuẩn của doanh nghiệp theo quy định của pháp luật.
– Mức lao động mới phải được áp dụng thử trước khi ban hành chính thức.
+ Doanh nghiệp phải thông báo cho người lao động biết ít nhất 15 ngày khi áp dụng thử.
+ Thời gian áp dụng thử tùy theo tính chất công việc, nhưng tối đa không quá 3 tháng và phải đánh giá việc thực hiện mức.
+ Trường hợp trong thời gian làm việc tiêu chuẩn, mức thực tế thực hiện tính theo sản lượng thấp hơn 5% hoặc cao hơn 10% so với mức được giao, hoặc mức thực tế thực hiện theo thời gian cao hơn 5% hoặc thấp hơn 10% so với mức được giao thì doanh nghiệp phải điều chỉnh lai mức lao động.
– Mức lao động phải được định kỳ ra soát, đánh giá để sửa đổi, bổ sung, điều chỉnh cho phù hợp
+ Khi xây dựng hoặc sửa đổi, bổ sung, điều chỉnh mức lao động, doanh nghiệp phải tham khảo ý kiến của tố chức đại diện tập thể người lao động tại doanh nghiệp và công bố công khai tại nơi làm việc của người lao động trước khi thực hiện;
+ Gửi cơ quan quản lý về lao động cấp huyện nơi đặt cơ sở sản xuất của doanh nghiệp.
Xây dựng căn cứ tính định mức lao động
Định mức lao động được xây dựng dưa trên một số căn cứ như mức sản lượng, mức thời gian, bước công việc.
– Mức sản lượng:
Người lao động có thể dựa vào mức sản lượng để tính số lượng sản phẩm, công việc hoàn thành trong một thời gian nhất định, đảm bảo khi áp dụng thực tế thì người lao động hoàn thảnh được mức sản lượng theo thời gian đã quy định. Có thể tính mức sản lượng theo đơn vị một sản phẩm/giờ, ca làm việc.
– Mức thời gian:
Mức thời gian là số lượng thời gian cần để hoàn thành xong một sản phẩm, công việc. Mức thời gian phải được xây dựng để đảm bảo người lao động có thể hoàn thành khối lượng sản phẩm, công việc. Có thể áp dụng tính mức thời gian theo đơn vị phút, giờ, ca làm việc/một sản phẩm.
– Bước công việc:
Trong toàn bộ quá trình sản xuất để tạo ra một thành phẩm thì phải trải qua các giai đoạn, các bước công việc trong chuỗi quá trình sản xuất để cho ra một sản phẩm hoàn thiện. Bước công việc là một phần của quy trình trên và người sử dụng lao động dựa vào quá trình hoàn thành bước công việc để tính tiền lương cho người lao động.
Các phương pháp xây dựng định mức lao động
Hiện nay các phương pháp xây dựng định mức lao động được sử dụng thường xuyên là phương pháp tổng hợp và phương pháp phân tích.
– Phương pháp tổng hợp
Người lao động sẽ dựa vào thống kê của doanh nghiệp về cơ sở dữ liệu, thông tin tài liệu để có cơ sở nghiên cứu, rà soát, đối chiếu tính thời gian thực để hoàn thành những bước công việc.
Người sử dụng lao động cũng có thể căn cứ vào ý kiến, kinh nghiệm của những người trực tiếp làm việc, quản lý lao động như cán bộ định mức, quản đốc phân xưởng hoặc chính bản thân công nhân sản xuất để có dữ liệu tổng hợp phục vụ cho việc xây dựng định mức lao động.
Định mức lao động được xây dựng dựa trên phương pháp tổng hợp sẽ giúp người sử dụng lao động dễ dàng nắm bắt, quản lý, vận hành và có cơ sở dữ liệu khách quan, đầy đủ để xây dựng định mức lao động phù hợp với đặc thù của từng doanh nghiệp.
– Phương pháp phân tích
Phương pháp phân tích đòi hỏi sự chi tiết về dữ liệu để nghiên cứu, áp dụng đồng thời đòi hỏi sự phân tích tính toán, so sánh một cách hợp lý.
Xây dựng định mức lao động dự trên phương pháp phân tích sẽ tạo được độ chính xác cao và khi đưa vào áp dụng thực tế thì tính khả thi và phù hợp với thực tiễn sản xuất của doanh nghiệp được thể hiện rất rõ.
Tuy nhiên phương pháp này có nhược điểm là người sử dụng lao động phải mất nhiều thời gian để tìm hiểu, nghiên cứu và phải phân tích dữ liệu một cách chi tiết để xây dựng được định mức lao động hoàn chỉnh và áp dụng chuẩn đối với hoạt động sản xuất của doanh nghiệp.
Trên đây là một số thông tin chia sẻ của chúng tôi về Định mức lao động là gì? Khách hàng tham khảo nội dung bài đọc có điều gì chưa hiểu rõ vui lòng phản hồi trực tiếp để được nhân viên hỗ trợ.