Contents
1. Quy định về việc sử dụng giấy tờ, tài liệu giả:
Hiện nay, trên các phương tiện thông tin đại chúng, người ta vẫn nghe đến tình trạng sử dụng Tiền giả, Bằng tốt nghiệp đại học giả, Sổ hộ khẩu giả, Chứng minh nhân dân giả, Giấy khám sức khỏe giả… Giấy tờ được làm giả một cách tinh vi với sự hỗ trợ của công cụ, máy móc hiện đại, nên đến Sổ đỏ (Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất) cũng có thể làm giả, mà người bình thường thật khó để phát hiện.
Việc sử dụng giấy tờ giả là một hành vi vi phạm pháp luật, khi nó được dùng để lừa dối, “che mắt” các cơ quan, tổ chức, công dân, gây thiệt hại nghiêm trọng cho các cơ quan, tổ chức, công dân này, nhất là trong các giao dịch mua bán, thế chấp nhà, đất… Vậy hành vi này bị xử lý như thế nào theo quy định của pháp luật. Để giải quyết vấn đề này, trong phạm vi bài viết, đôi ngũ luật sư và chuyên viên Luật Dương gia sẽ đề cập đến nội dung sử dụng giấy tờ giả có phạm tội không và sẽ bị xử phạt như thế nào theo quy định của pháp luật hiện hành.
Trước hết, về khái niệm “giấy tờ giả“? Hiện nay, trong quy định của pháp luật hiện hành không có quy định như thế nào là “giấy tờ giả”, tuy nhiên, có thể hiểu, giấy tờ giả tức là những giấy tờ không phải là thật, không được làm ra theo đúng quy trình, trình tự, thủ tục, tiêu chuẩn mà pháp luật quy định, không do cơ quan có thẩm quyền cấp một cách hợp pháp mà được làm ra với bề ngoài giống như thật, nhằm mục đích “đánh lừa”, lừa dối các cơ quan, tổ chức, cá nhân khác để phục vụ các mục đích vụ lợi hoặc phục vụ mục đích khác theo nhu cầu của cá nhân.
“Giấy tờ giả“, có thể được xác định giả về mặt hình thức thể hiện, như “chứng minh nhân dân giả, Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất làm bằng phôi giả. “Giấy tờ giả” cũng có thể được thực hiện thông qua việc làm giả về quá trình, về thẩm quyền cấp, nơi cấp. “Giấy tờ giả” cũng có thể thể hiện ở trường hợp giấy tờ có chữ ký, có con dấu và mẫu giấy thật nhưng tên của người trong tài liệu và thông tin trên tài liệu là giả hoặc được cấp cho người không đủ điều kiện, không thực hiện đúng quy trình, quy định, tiêu chuẩn mà pháp luật quy định.
Ví dụ: Bằng tốt nghiệp đại học giả, Chứng chỉ tiếng Anh, Tin học giả sẽ có hình dáng, kích thước giống như Bằng tốt nghiệp đại học, Chứng chỉ tiếng Anh, Tin học thật, nhưng người sở hữu Bằng tốt nghiệp này thực tế không học, không trải qua quá trình kiểm tra, sát hạch và không được cấp theo đúng quy trình, đúng đối tượng và không do cơ quan có thẩm quyền cấp, mà được giả mạo về phôi, giả mạo chữ ký…
“Giấy tờ giả” được làm ra và được đem đi sử dụng để lừa dối cơ quan, tổ chức, cá nhân nhằm mục đích phục vụ cho lợi ích riêng của mình, có thể xuất phát từ lý do cần bổ sung loại giấy tờ này vào hồ sơ để xin việc, để thăng hạng, lên chức nhưng lại không có đủ điều kiện để được cấp; hoặc sử dụng những giấy tờ này để lợi dụng lòng tin của người khác, lừa đảo, chiếm đoạt tài sản…
Dù xuất phát từ hoàn cảnh, từ lý do nào thì việc sử dụng giấy tờ giả cũng là hành vi vi phạm pháp luật và đã để lại những hệ lụy vô cùng nghiêm trọng. Nó tạo ra một môi trường không bình đẳng, không công bằng với người có được những giấy tờ đó nhưng bằng việc “thi thật”, “học thật”, thực hiện việc cấp theo đúng quy trình, quy định.
Sử dụng giấy tờ giả không chỉ ảnh hưởng đến lòng tin, gây thiệt hại cho cơ quan, tổ chức, cá nhân chấp nhận loại giấy tờ này từ người sử dụng giấy tờ giả, mà còn gây thiệt hại trực tiếp cho người có thông tin bị đưa ra để làm giấy tờ giả. Và trước hết, việc sử dụng giấy tờ giả còn là hành vi vi phạm pháp luật, ảnh hưởng đến trật tự quản lý xã hội, là cơ sở tạo ra điều kiện phạm tội của các trường hợp khác, ví dụ người sử dụng giấy tờ giả để phạm tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản… Xuất phát từ những lý do đó, việc sử dụng giấy tờ giả cần phải được nghiêm trị.
Về việc xử lý đối với người có hành vi sử dụng giấy tờ giả, hiện nay trong quy định của pháp luật hiện hành có quy định về việc xử lý đối với hành vi này tùy theo từng mức độ. Theo đó, tùy theo từng mức độ mà hành vi sử dụng giấy tờ giả có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự hoặc bị xử phạt hành chính và xử lý bằng các hình thức xử lý kỷ luật khác, cụ thể:
2. Trách nhiệm hình sự khi sử dụng giấy tờ, tài liệu giả:
Đối với người có hành vi sử dụng giấy tờ giả thì người này có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về Tội sử dụng con dấu, tài liệu giả của cơ quan tổ chức theo quy định tại Điều 341 Bộ luật hình sự năm 2015, được sửa đổi bởi khoản 126 Điều 1 Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật hình sự 2015 với khung hình phạt là có thể bị phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, bị phạt cải tạo không giam giữ, hoặc bị phạt tù đến 07 năm tù tùy theo từng mức độ vi phạm.
Căn cứ theo quy định tại Điều 341 Bộ luật hình sự năm 2015, được sửa đổi bởi khoản 126 Điều 1 Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật hình sự năm 2015, thì người có hành vi sử dụng giấy tờ giả, có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về hành vi này nếu họ đáp ứng các yếu tố cấu thành của Tội sử dụng con dấu, tài liệu giả của cơ quan tổ chức. Cụ thể:
Thứ nhất, về mặt khách quan của tội phạm:
Mặt khách quan của tội phạm thường được hiểu là những mặt, những biểu hiện bên ngoài cho chúng ta xác định về tội phạm này với tội phạm khác. Đối với tội sử dụng con dấu, tài liệu giả của cơ quan, tổ chức thì mặt khách quan thường thể hiện ở các yếu tố sau:
Về hành vi, người phạm tội có hành vi sử dụng giấy tờ, tài liệu giả của cơ quan tổ chức. Việc sử dụng giấy tờ, tài liệu giả trong trường hợp này là để nhằm mục đích lừa dối, cơ quan, tổ chức và sử dụng nó như là công cụ thực hiện hành vi trái pháp luật. Do vậy, nếu một người mặc dù có giấy tờ giả nhưng không sử dụng nó để thực hiện hành vi trái pháp luật thì cũng chưa đủ yếu tố để bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
Thứ hai, về mặt chủ quan:
Mặt chủ quan của một tội phạm được hiểu là những yếu tố nội hàm, phản ánh những biểu hiện bên trong của một tội phạm, và thường được biểu hiện thông qua các yếu tố lỗi, động cơ, mục đích phạm tội. Đối với tội sử dụng con dấu, tài liệu giả của cơ quan, tổ chức, người phạm tội thực hiện hành vi phạm tội với lỗi cố ý, nghĩa là bản thân họ biết và nhận thức được hành vi của mình là nguy hiểm cho xã hội, thấy trước hậu quả của hành vi đó có thể xảy ra mà mong muốn hậu quả đó xảy ra hoặc mặc dù không mong muốn hậu quả đó xảy ra nhưng có ý thức bỏ mặc cho hậu quả đó xảy ra.
Hành vi của họ, với lỗi cố ý nhằm mục đích để lừa dối cơ quan, tổ chức, có thẩm quyền, để thực hiện hành vi vi phạm pháp luật trục lợi cho bản thân. Động cơ phạm tội có thể xuất phát từ việc muốn có tiền (áp dụng trong hành vi lừa đảo để chiếm đoạt tài sản) hoặc có cơ hội “thăng quan tiến chức”, nâng cao bản thân, được vào làm tại cơ quan, tổ chức…
Thứ ba, về khách thể
Khách thể của Tội sử dụng con dấu, tài liệu giả của cơ quan, tổ chức được xác định là xâm phạm trực tiếp đến trật tự quản lý kinh tế – xã hội, xâm phạm đến quy trình cũng như tính đúng đắn trong hồ sơ thủ tục khi tham gia các quan hệ xã hội khác. Ví dụ sử dụng Bảng điểm, Chứng chỉ giả để thi công chức thì hành vi này là hành vi vi phạm pháp luật, vi phạm quy định về điều kiện để thi tuyển lên công chức.
Thứ tư, về chủ thể:
Trong Tội sử dụng con dấu, tài liệu giả của cơ quan, tổ chức, chủ thể thực hiện hành vi phạm tội là người đầy đủ năng lực chịu trách nhiệm hình sự, từ là từ đủ 16 tuổi trở lên.
Nếu một người có hành vi sử dụng giấy tờ giả, mà đáp ứng các yếu tố cấu thành Tội sử dụng con dấu, tài liệu giả thì họ sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội này theo quy định tại Bộ luật hình sự năm 2015, được sửa đổi bởi khoản 126 Điều 1 Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật hình sự năm 2015. Trường hợp họ không đáp ứng một trong các điều kiện nêu trên thì họ sẽ không bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
3. Xử phạt hành chính khi sử dụng giấy tờ, tài liệu giả:
Đối với hành vi sử dụng giấy tờ giả nhưng chưa đến mức bị truy cứu trách nhiệm hình sự thì họ có thể bị xử phạt hành chính theo từng lĩnh vực cụ thể, phụ thuộc vào loại giấy tờ giả mà họ sử dụng là loại giấy tờ nào. Bởi hiện nay, trong quy định của pháp luật hiện hành không quy định một mức xử phạt hành chính chung cho việc sử dụng các loại giấy tờ giả mà quy định việc xử phạt hành vi này trong từng lĩnh vực cụ thể. Ví dụ:
– Đối với hành vi sử dụng chứng minh nhân giả thì căn cứ theo quy định tại điểm c khoản 3 Điều 9 Nghị định 167/2013/NĐ-CP thì người thực hiện hành vi này có thể bị xử phạt tiền với mức tiền phạt là 2.000.000 đồng đến 4.000.000 đồng; đồng thời bị tịch thu Chứng minh nhân dân giả.
– Đối với hành vi sử dụng văn bằng, chứng chỉ giả mà chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự thì căn cứ theo quy định tại khoản 4 Điều 17 Nghị định 79/2015/NĐ-CP, người thực hiện hành vi này sẽ bị xử phạt với mức tiền từ 7.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng; đồng thời bị tịch thu Văn bằng, chứng chỉ giả…
Ngoài việc có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự hoặc bị xử phạt hành chính thì tùy thuộc vào đối tượng người vi phạm là ai, mà trong một số trường hợp, người thực hiện hành vi sử dụng giấy tờ giả còn có thể bị xử lý kỷ luật với những mức độ khác nhau.
Ví dụ: Trường hợp người thực hiện hành vi sử dụng giấy tờ giả là công chức, mà sử dụng giấy tờ giả được tham gia đào tạo, bồi dưỡng, dự thi nâng ngạch công chức thì có thể bị xử lý kỷ luật cảnh cáo; nếu sử dụng giấy tờ giả để được bổ nhiệm chức vụ thì họ có thể bị xử lý kỷ luật cách chức; nếu sử dụng giấy tờ giả để được tuyển dụng vào cơ quan nhà nước thì họ có thể bị xử lý kỷ luật với hình thức buộc thôi việc (Nghị định 34/2011/NĐ-CP).
Như vậy, qua việc phân tích nêu trên, có thể xác định khi một người có hành vi sử dụng giấy tờ giả, điều đó có nghĩa họ đang thực hiện hành vi vi phạm pháp luật. Tùy vào từng trường hợp và mức độ cụ thể, mà họ có thể bị xử phạt hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự và ngoài ra, họ còn có thể bị xử lý kỷ luật theo từng đối tượng cụ thể.
TƯ VẤN MỘT TRƯỜNG HỢP CỤ THỂ:
Tóm tắt câu hỏi:
Chào Luật sư! Luật sư cho hỏi: Hành vi sử dụng giấy tờ giả của xe ô tô như Giấy Đăng ký, giấy đăng kiểm, tem kiểm định… quân sự để lưu hành nhưng không dùng để vận chuyển, buôn bán hàng cấm, buôn lậu… thì bị xử lý như thế nào? Trong trường hợp này người lái xe và chủ xe có bị truy cứu Trách nhiệm hình sự hay không? Nếu bị truy cứu trách nhiệm hình sự thì thẩm quyền thuộc cơ quan nào giải quyết? (Cơ quan ĐTHS Quân đội hay Cơ quan Điều tra trong CAND). Xin cảm ơn!
Luật sư tư vấn:
Theo thông tin bạn cung cấp, có hành vi sử dụng giấy tờ giả của xe ô tô các loại như Giấy Đăng ký, giấy đăng kiểm, tem kiểm định… của xe quân sự để lưu hành nhưng không dùng để vận chuyển, buôn bán hàng cấm, buôn lậu.
Theo quy định Bộ luật hình sự 2015, hành vi khách quan của tội làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức như sau:
+ Làm giả con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ khác của cơ quan Nhà nước, tổ chức: là hành vi của người không có thẩm quyền cấp các giấy tờ đó nhưng đã tạo ra các giấy tờ đó bằng những phương pháp nhất định để coi nó như thật. Việc làm giả này có thể là giả toàn bộ hoặc chỉ từng phần (tiêu đề, chữ ký, con dấu, nội dung…).
Hành vi phạm tội này hoàn thành kể từ khi người không có thẩm quyền tạo ra được con dấu, tài liệu, các giấy tờ giả của một cơ quan Nhà nước, tổ chức nhất định (kể cả cơ quan Nhà nước hay tổ chức đó không có thật hoặc đã bị giải thể). Điều luật không yêu cầu việc “làm” giả này phải nhằm sử dụng hoặc đã sử dụng vào mục đích gì.
+ Sử dụng con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ giả khác của cơ quan Nhà nước, tổ chức để lừa dối cơ quan, tổ chức hoặc công dân. Đây là trường hợp người phạm tội không có hành vi “làm” giả các đối tượng trên nhưng đã có hành vi “sử dụng” chúng để lừa dối cơ quan Nhà nước, tổ chức hoặc công dân. “Lừa dối” ở đây có nghĩa là người phạm tội sử dụng các đối tượng đó trong giao dịch với cơ quan Nhà nước, tổ chức hoặc công dân khiến cho các đối tác giao dịch tin đó là đối tượng thật.
+ Hành vi sử dụng con dấu, giấy tờ…trong Điều 341 Bộ luật hình sự 2015 là sử dụng các con dấu, giấy tờ…được tạo ra từ nguồn gốc không đúng thẩm quyền. Đối với hành vi sử dụng, tội phạm hoàn thành khi người phạm tội có hành vi sử dụng các đối tượng trên để lừa dối cơ quan Nhà nước, tổ chức hoặc công dân, không cần xảy ra hậu quả.
Điều luật chỉ quy định người sử dụng các giấy tờ, tài liệu vào mục đích lừa dối cơ quan, tổ chức hoặc công dân. Vì vậy, nếu hành vi “lừa dối” đã đủ yếu tố cấu thành tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản thì phải bị truy cứu trách nhiệm hình sự thêm về tội phạm này.
Như vậy, đối với hành vi sử dụng giấy tờ giả có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự Tội làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức theo quy định tại Điều 341 Bộ luật hình sự 2015.
Nếu vụ án thuộc thẩm quyền xét xử của Tòa án quân sự thì thẩm quyền điều tra là cơ quan điều tra trong quân đội nhân dân.
Kết luận
– Đối với hành vi sử dụng giấy tờ giả có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự Tội làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức.
– Thẩm quyền điều tra: Nếu vụ án thuộc thẩm quyền xét xử của Tòa án quân sự thì do cơ quan điều tra trong quân đội nhân dân điều tra.