Tham khảo các văn bản, pháp lệnh xử lý vi phạm hành chính cũ hơn (Đã hết hiệu lực thi hành) dưới đây:
- Pháp lệnh xử lý vi phạm hành chính năm 1995
- Pháp lệnh xử lý vi phạm hành chính năm 2002
- Pháp lệnh sửa đổi Pháp lệnh xử lý vi phạm hành chính năm 2007
Luật xử lý vi phạm hành chính năm 2012 số 15/2012/QH13 được Quốc hội thông qua ngày 20 tháng 6 năm 2012 thay thế Pháp lệnh xử lý vi phạm hành chính trước đó. Luật xử lý vi phạm hành chính 2012 hiện là Luật xử lý vi phạm hành chính mới nhất 2022 quy định về xử phạt vi phạm hành chính và các biện pháp xử lý hành chính tại Việt Nam.
Tư vấn pháp luật trực tuyến miễn phí qua tổng đài điện thoại: 1900.6568
1. Tải về Luật xử lý vi phạm hành chính mới nhất 2022:
LUẬT XỬ LÝ VI PHẠM HÀNH CHÍNH
Căn cứ Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 1992 đã được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Nghị quyết số 51/2001/QH10;
Quốc hội ban hành Luật xử lý vi phạm hành chính.
PHẦN THỨ NHẤT NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Phạm vi điều chỉnh
Luật này quy định về xử phạt vi phạm hành chính và các biện pháp xử lý hành chính.
Điều 2. Giải thích từ ngữ
Trong Luật này, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:
1. Vi phạm hành chính là hành vi có lỗi do cá nhân, tổ chức thực hiện, vi phạm quy định của pháp luật về quản lý nhà nước mà không phải là tội phạm và theo quy định của pháp luật phải bị xử phạt vi phạm hành chính.
2. Xử phạt vi phạm hành chính là việc người có thẩm quyền xử phạt áp dụng hình thức xử phạt, biện pháp khắc phục hậu quả đối với cá nhân, tổ chức thực hiện hành vi vi phạm hành chính theo quy định của pháp luật về xử phạt vi phạm hành chính.
3. Biện pháp xử lý hành chính là biện pháp được áp dụng đối với cá nhân vi phạm pháp luật về an ninh, trật tự, an toàn xã hội mà không phải là tội phạm, bao gồm biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn; đưa vào trường giáo dưỡng; đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc và đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc.
4. Biện pháp thay thế xử lý vi phạm hành chính là biện pháp mang tính giáo dục được áp dụng để thay thế cho hình thức xử phạt vi phạm hành chính hoặc biện pháp xử lý hành chính đối với người chưa thành niên vi phạm hành chính, bao gồm biện pháp nhắc nhở và biện pháp quản lý tại gia đình.
5. Tái phạm là việc cá nhân, tổ chức đã bị xử lý vi phạm hành chính nhưng chưa hết thời hạn được coi là chưa bị xử lý vi phạm hành chính, kể từ ngày chấp hành xong quyết định xử phạt, quyết định áp dụng biện pháp xử lý hành chính hoặc kể từ ngày hết thời hiệu thi hành quyết định này mà lại thực hiện hành vi vi phạm hành chính đã bị xử lý.
6. Vi phạm hành chính nhiều lần là trường hợp cá nhân, tổ chức thực hiện hành vi vi phạm hành chính mà trước đó đã thực hiện hành vi vi phạm hành chính này nhưng chưa bị xử lý và chưa hết thời hiệu xử lý.
7. Vi phạm hành chính có tổ chức là trường hợp cá nhân, tổ chức câu kết với cá nhân, tổ chức khác để cùng thực hiện hành vi vi phạm hành chính.
8. Giấy phép, chứng chỉ hành nghề là giấy tờ do cơ quan nhà nước, người có thẩm quyền cấp cho cá nhân, tổ chức theo quy định của pháp luật để cá nhân, tổ chức đó kinh doanh, hoạt động, hành nghề hoặc sử dụng công cụ, phương tiện. Giấy phép, chứng chỉ hành nghề không bao gồm giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, chứng chỉ gắn với nhân thân người được cấp không có mục đích cho phép hành nghề.
9. Chỗ ở là nhà ở, phương tiện hoặc nhà khác mà công dân sử dụng để cư trú. Chỗ ở thuộc quyền sở hữu của công dân hoặc được cơ quan, tổ chức, cá nhân cho thuê, cho mượn, cho ở nhờ theo quy định của pháp luật.
10. Tổ chức là cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị – xã hội, tổ chức chính trị xã hội nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội nghề nghiệp, tổ chức kinh tế, đơn vị vũ trang nhân dân và tổ chức khác được thành lập theo quy định của pháp luật.
11. Tình thế cấp thiết là tình thế của cá nhân, tổ chức vì muốn tránh một nguy cơ đang thực tế đe dọa lợi ích của Nhà nước, của tổ chức, quyền, lợi ích chính đáng của mình hoặc của người khác mà không còn cách nào khác là phải gây một thiệt hại nhỏ hơn thiệt hại cần ngăn ngừa.
12. Phòng vệ chính đáng là hành vi của cá nhân vì bảo vệ lợi ích của Nhà nước, của tổ chức, bảo vệ quyền, lợi ích chính đáng của mình hoặc của người khác mà chống trả lại một cách cần thiết người đang có hành vi xâm phạm quyền, lợi ích nói trên.
13. Sự kiện bất ngờ là sự kiện mà cá nhân, tổ chức không thể thấy trước hoặc không buộc phải thấy trước hậu quả của hành vi nguy hại cho xã hội do mình gây ra.
14. Sự kiện bất khả kháng là sự kiện xảy ra một cách khách quan không thể lường trước được và không thể khắc phục được mặc dù đã áp dụng mọi biện pháp cần thiết và khả năng cho phép.
15. Người không có năng lực trách nhiệm hành chính là người thực hiện hành vi vi phạm hành chính trong khi đang mắc bệnh tâm thần hoặc một bệnh khác làm mất khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi của mình.
16. Người nghiện ma túy là người sử dụng chất ma túy, thuốc gây nghiện, thuốc hướng thần và bị lệ thuộc vào các chất này.
17. Người đại diện hợp pháp bao gồm cha mẹ hoặc người giám hộ, luật sư, trợ giúp viên pháp lý.
Điều 3. Nguyên tắc xử lý vi phạm hành chính
Nguyên tắc xử phạt vi phạm hành chính bao gồm:
a) Mọi vi phạm hành chính phải được phát hiện, ngăn chặn kịp thời và phải bị xử lý nghiêm minh, mọi hậu quả do vi phạm hành chính gây ra phải được khắc phục theo đúng quy định của pháp luật;
b) Việc xử phạt vi phạm hành chính được tiến hành nhanh chóng, công khai, khách quan, đúng thẩm quyền, bảo đảm công bằng, đúng quy định của pháp luật;
c) Việc xử phạt vi phạm hành chính phải căn cứ vào tính chất, mức độ, hậu quả vi phạm, đối tượng vi phạm và tình tiết giảm nhẹ, tình tiết tăng nặng;
d) Chỉ xử phạt vi phạm hành chính khi có hành vi vi phạm hành chính do pháp luật quy định.
Một hành vi vi phạm hành chính chỉ bị xử phạt một lần.
Nhiều người cùng thực hiện một hành vi vi phạm hành chính thì mỗi người vi phạm đều bị xử phạt về hành vi vi phạm hành chính đó.
Một người thực hiện nhiều hành vi vi phạm hành chính hoặc vi phạm hành chính nhiều lần thì bị xử phạt về từng hành vi vi phạm;
đ) Người có thẩm quyền xử phạt có trách nhiệm chứng minh vi phạm hành chính. Cá nhân, tổ chức bị xử phạt có quyền tự mình hoặc thông qua người đại diện hợp pháp chứng minh mình không vi phạm hành chính;
e) Đối với cùng một hành vi vi phạm hành chính thì mức phạt tiền đối với tổ chức bằng 02 lần mức phạt tiền đối với cá nhân.
Nguyên tắc áp dụng các biện pháp xử lý hành chính bao gồm:
a) Cá nhân chỉ bị áp dụng biện pháp xử lý hành chính nếu thuộc một trong các đối tượng quy định tại các điều 90, 92, 94 và 96 của Luật này;
b) Việc áp dụng các biện pháp xử lý hành chính phải được tiến hành theo quy định tại điểm b khoản 1 Điều này;
c) Việc quyết định thời hạn áp dụng biện pháp xử lý hành chính phải căn cứ vào tính chất, mức độ, hậu quả vi phạm, nhân thân người vi phạm và tình tiết giảm nhẹ, tình tiết tăng nặng;
d) Người có thẩm quyền áp dụng biện pháp xử lý hành chính có trách nhiệm chứng minh vi phạm hành chính. Cá nhân bị áp dụng biện pháp xử lý hành chính có quyền tự mình hoặc thông qua người đại diện hợp pháp chứng minh mình không vi phạm hành chính.
Điều 4. Thẩm quyền quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong các lĩnh vực quản lý nhà nước và chế độ áp dụng các biện pháp xử lý hành chính
Căn cứ quy định của Luật này, Chính phủ quy định hành vi vi phạm hành chính; hình thức xử phạt, mức xử phạt, biện pháp khắc phục hậu quả đối với từng hành vi vi phạm hành chính; thẩm quyền xử phạt, mức phạt tiền cụ thể theo từng chức danh và thẩm quyền lập biên bản đối với vi phạm hành chính trong từng lĩnh vực quản lý nhà nước; chế độ áp dụng các biện pháp xử lý hành chính và quy định mẫu biên bản, mẫu quyết định sử dụng trong xử phạt vi phạm hành chính.
Điều 5. Đối tượng bị xử lý vi phạm hành chính
1. Các đối tượng bị xử phạt vi phạm hành chính bao gồm:
a) Người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi bị xử phạt vi phạm hành chính về vi phạm hành chính do cố ý; người từ đủ 16 tuổi trở lên bị xử phạt vi phạm hành chính về mọi vi phạm hành chính.
Người thuộc lực lượng Quân đội nhân dân, Công an nhân dân vi phạm hành chính thì bị xử lý như đối với công dân khác; trường hợp cần áp dụng hình thức phạt tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn liên quan đến quốc phòng, an ninh thì người xử phạt đề nghị cơ quan, đơn vị Quân đội nhân dân, Công an nhân dân có thẩm quyền xử lý;
b) Tổ chức bị xử phạt vi phạm hành chính về mọi vi phạm hành chính do mình gây ra;
c) Cá nhân, tổ chức nước ngoài vi phạm hành chính trong phạm vi lãnh thổ, vùng tiếp giáp lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam; trên tàu bay mang quốc tịch Việt Nam, tàu biển mang cờ quốc tịch Việt Nam thì bị xử phạt vi phạm hành chính theo quy định của pháp luật Việt Nam, trừ trường hợp điều ước quốc tế mà nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên có quy định khác.
2. Đối tượng bị áp dụng biện pháp xử lý hành chính là cá nhân được quy định tại các điều 90, 92, 94 và 96 của Luật này.
3. Các biện pháp xử lý hành chính không áp dụng đối với người nước ngoài.
Điều 6. Thời hiệu xử lý vi phạm hành chính
1. Thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính được quy định như sau:
a) Thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính là 01 năm, trừ các trường hợp sau:
Vi phạm hành chính về kế toán; thủ tục thuế; phí, lệ phí; kinh doanh bảo hiểm; quản lý giá; chứng khoán; sở hữu trí tuệ; xây dựng; bảo vệ nguồn lợi thuỷ sản, hải sản; quản lý rừng, lâm sản; điều tra, quy hoạch, thăm dò, khai thác, sử dụng nguồn tài nguyên nước; thăm dò, khai thác dầu khí và các loại khoáng sản khác; bảo vệ môi trường; năng lượng nguyên tử; quản lý, phát triển nhà và công sở; đất đai; đê điều; báo chí; xuất bản; sản xuất, xuất khẩu, nhập khẩu, kinh doanh hàng hóa; sản xuất, buôn bán hàng cấm, hàng giả; quản lý lao động ngoài nước thì thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính là 02 năm.
2. Vi phạm hành chính là hành vi trốn thuế, gian lận thuế, nộp chậm tiền thuế, khai thiếu nghĩa vụ thuế thì thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính theo quy định của pháp luật về thuế;
b) Thời điểm để tính thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính quy định tại điểm a khoản 1 Điều này được quy định như sau:
Đối với vi phạm hành chính đã kết thúc thì thời hiệu được tính từ thời điểm chấm dứt hành vi vi phạm.
Đối với vi phạm hành chính đang được thực hiện thì thời hiệu được tính từ thời điểm phát hiện hành vi vi phạm;
c) Trường hợp xử phạt vi phạm hành chính đối với cá nhân do cơ quan tiến hành tố tụng chuyển đến thì thời hiệu được áp dụng theo quy định tại điểm a và điểm b khoản này. Thời gian cơ quan tiến hành tố tụng thụ lý, xem xét được tính vào thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính.
d) Trong thời hạn được quy định tại điểm a và điểm b khoản này mà cá nhân, tổ chức cố tình trốn tránh, cản trở việc xử phạt thì thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính được tính lại kể từ thời điểm chấm dứt hành vi trốn tránh, cản trở việc xử phạt.
3. Thời hiệu áp dụng biện pháp xử lý hành chính được quy định như sau:
a) Thời hiệu áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn là 01 năm, kể từ ngày cá nhân thực hiện hành vi vi phạm quy định tại khoản 1 Điều 90; 06 tháng, kể từ ngày cá nhân thực hiện hành vi vi phạm quy định tại khoản 2 Điều 90 hoặc kể từ ngày cá nhân thực hiện lần cuối một trong những hành vi vi phạm quy định tại khoản 3 và khoản 5 Điều 90; 03 tháng, kể từ ngày cá nhân thực hiện hành vi vi phạm quy định tại khoản 4 Điều 90 của Luật này;
b) Thời hiệu áp dụng biện pháp đưa vào trường giáo dưỡng là 01 năm, kể từ ngày cá nhân thực hiện hành vi vi phạm quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều 92; 06 tháng, kể từ ngày cá nhân thực hiện hành vi vi phạm quy định tại khoản 3 Điều 92 hoặc kể từ ngày cá nhân thực hiện lần cuối một trong những hành vi vi phạm quy định tại khoản 4 Điều 92 của Luật này;
c) Thời hiệu áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc là 01 năm, kể từ ngày cá nhân thực hiện lần cuối một trong các hành vi vi phạm quy định tại khoản 1 Điều 94 của Luật này;
d) Thời hiệu áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc là 03 tháng, kể từ ngày cá nhân thực hiện lần cuối hành vi vi phạm quy định tại khoản 1 Điều 96 của Luật này.
Điều 7. Thời hạn được coi là chưa bị xử lý vi phạm hành chính
Cá nhân, tổ chức bị xử phạt vi phạm hành chính, nếu trong thời hạn 06 tháng, kể từ ngày chấp hành xong quyết định xử phạt cảnh cáo hoặc 01 năm, kể từ ngày chấp hành xong quyết định xử phạt hành chính khác hoặc từ ngày hết thời hiệu thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính mà không tái phạm thì được coi là chưa bị xử phạt vi phạm hành chính.
Cá nhân bị áp dụng biện pháp xử lý hành chính, nếu trong thời hạn 02 năm, kể từ ngày chấp hành xong quyết định áp dụng biện pháp xử lý hành chính hoặc 01 năm kể từ ngày hết thời hiệu thi hành quyết định áp dụng biện pháp xử lý hành chính mà không tái phạm thì được coi là chưa bị áp dụng biện pháp xử lý hành chính.
Điều 8. Cách tính thời gian, thời hạn, thời hiệu trong xử lý vi phạm hành chính
Cách tính thời hạn, thời hiệu trong xử lý vi phạm hành chính được áp dụng theo quy định của Bộ luật dân sự, trừ trường hợp trong Luật này có quy định cụ thể thời gian theo ngày làm việc.
Thời gian ban đêm được tính từ 22 giờ ngày hôm trước đến 06 giờ ngày hôm sau.
Điều 9. Tình tiết giảm nhẹ
Những tình tiết sau đây là tình tiết giảm nhẹ:
Người vi phạm hành chính đã có hành vi ngăn chặn, làm giảm bớt hậu quả của vi phạm hoặc tự nguyện khắc phục hậu quả, bồi thường thiệt hại;
Người vi phạm hành chính đã tự nguyện khai báo, thành thật hối lỗi; tích cực giúp đỡ cơ quan chức năng phát hiện vi phạm hành chính, xử lý vi phạm hành chính;
Vi phạm hành chính trong tình trạng bị kích động về tinh thần do hành vi trái pháp luật của người khác gây ra; vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng; vượt quá yêu cầu của tình thế cấp thiết;
Vi phạm hành chính do bị ép buộc hoặc bị lệ thuộc về vật chất hoặc tinh thần;
Người vi phạm hành chính là phụ nữ mang thai, người già yếu, người có bệnh hoặc khuyết tật làm hạn chế khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi của mình;
Vi phạm hành chính vì hoàn cảnh đặc biệt khó khăn mà không do mình gây ra;
Vi phạm hành chính do trình độ lạc hậu;
Những tình tiết giảm nhẹ khác do Chính phủ quy định.
Điều 10. Tình tiết tăng nặng
Những tình tiết sau đây là tình tiết tăng nặng:
a) Vi phạm hành chính có tổ chức;
b) Vi phạm hành chính nhiều lần; tái phạm;
c) Xúi giục, lôi kéo, sử dụng người chưa thành niên vi phạm; ép buộc người bị lệ thuộc vào mình về vật chất, tinh thần thực hiện hành vi vi phạm hành chính;
d) Sử dụng người biết rõ là đang bị tâm thần hoặc bệnh khác làm mất khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi để vi phạm hành chính;
đ) Lăng mạ, phỉ báng người đang thi hành công vụ; vi phạm hành chính có tính chất côn đồ;
e) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn để vi phạm hành chính;
g) Lợi dụng hoàn cảnh chiến tranh, thiên tai, thảm họa, dịch bệnh hoặc những khó khăn đặc biệt khác của xã hội để vi phạm hành chính;
h) Vi phạm trong thời gian đang chấp hành hình phạt của bản án hình sự hoặc đang chấp hành quyết định áp dụng biện pháp xử lý vi phạm hành chính;
i) Tiếp tục thực hiện hành vi vi phạm hành chính mặc dù người có thẩm quyền đã yêu cầu chấm dứt hành vi đó;
k) Sau khi vi phạm đã có hành vi trốn tránh, che giấu vi phạm hành chính;
l) Vi phạm hành chính có quy mô lớn, số lượng hoặc trị giá hàng hóa lớn;
m) Vi phạm hành chính đối với nhiều người, trẻ em, người già, người khuyết tật, phụ nữ mang thai.
Tình tiết quy định tại khoản 1 Điều này đã được quy định là hành vi vi phạm hành chính thì không được coi là tình tiết tăng nặng.
2. Tải về Pháp lệnh xử lý vi phạm hành chính năm 1995:
Click tải về: Pháp lệnh xử lý vi phạm hành chính năm 1995
PHÁP LỆNH
XỬ LÝ VI PHẠM HÀNH CHÍNH
Để đấu tranh phòng và chống vi phạm hành chính, giữ vững an ninh, trật tự, an toàn xã hội, tăng cường pháp chế xã hội chủ nghĩa, nâng cao hiệu lực quản lý của Nhà nước; Căn cứ vào Điều 91 của Hiến pháp nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 1992; Căn cứ vào Nghị quyết của Quốc hội khoá IX, kỳ họp thứ 6 về công tác xây dựng pháp luật năm 1995; Pháp lệnh này quy định về xử lý vi phạm hành chính.
Chương 1:
NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Xử lý vi phạm hành chính
1- Xử lý vi phạm hành chính nói trong Pháp lệnh này bao gồm xử phát vi phạm hành chính và các biện pháp xử lý hành chính khác.
2- Xử phát vi phạm hành chính được áp dụng đối với cá nhân, tổ chức có hành vi cố ý hoặc vô ý vi phạm các quy tắc quản lý nhà nước mà chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự và theo quy định của pháp luật phải bị xử phạt hành chính.
3- Các biện pháp xử lý hành chính khác được áp dụng đối với cá nhân có hành vi vi phạm pháp luật về an ninh, trật tự, an toàn xã hội nhưng chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự được quy định tại các điều 21, 22, 23, 24 và 25 của Pháp lệnh này.
Điều 2. Thẩm quyền quy định hành vi vi phạm hành chính và chế độ áp dụng các biện pháp xử lý hành chính khác
Chính phủ quy định hành vi vi phạm hành chính, hình thức xử phạt đối với từng loại hành vi vi phạm hành chính trong từng lĩnh vực quản lý nhà nước, quy định chế độ giáo dục tại xã, phường, thị trấn, đưa vào trường giáo dưỡng, dựa vào cơ sở giáo dục, dựa vào cơ sở chữa bệnh, quản chế hành chính.
Điều 3. Nguyên tắc xử lý vi phạm hành chính
Việc xử lý vi phạm hành chính phải do người có thẩm quyền tiến hành theo đúng quy định của pháp luật.
Cá nhân, tổ chức chỉ bị xử phạt hành chính khi có hành vi vi phạm hành chính do pháp luật quy định.
Cá nhân chỉ bị áp dụng các biện pháp hành chính khác trong các trường hợp quy định tại các điều 21, 22, 23, 24 và 25 của Pháp lệnh này.
Mọi vi phạm hành chính phải được phát hiện kịp thời và phải bị đình chỉ ngay. Việc xử lý phải được tiến hành nhanh chóng, công minh; mọi hậu quả do vi phạm hành chính gây ra phải được khắc phục theo đúng pháp luật.
Một hành vi vi phạm hành chính chỉ bị xử phạt một lần.
Một người thực hiện nhiều hành vi vi phạm hành chính thì bị xử phạt về từng hành vi vi phạm.
Nhiều người cùng thực hiện một hành vi vi phạm hành chính thì mỗi người vi phạm đều bị xử phạt.
Việc xử lý vi phạm hành chính phải căn cứ vào tính chất, mức độ vi phạm, nhân thân và những tình tiết giảm nhẹ, tăng nặng để quyết định hình thức, biện pháp xử lý thích hợp.
Không xử lý vi phạm hành chính trong các trường hợp thuộc tình thế cấp thiết, phòng vệ chính đáng, sự kiện bất ngờ hoặc vi phạm hành chính trong khi đang mắc bệnh tâm thần hoặc các bệnh khác làm mất khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi của mình.
Điều 4. Trách nhiệm đấu tranh, phòng, chống vi phạm hành chính
Cơ quan nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức thành viên của Mặt trận, tổ chức kinh tế, tổ chức xã hội, đơn vị vũ trang nhân dân (sau đây gọi chung là tổ chức) và mọi công dân phải nghiêm chỉnh tuân thủ những quy định của pháp luật về xử lý vi phạm hành chính, các tổ chức có nhiệm vụ giáo dục các thành viên thuộc tổ chức mình về ý thức bảo vệ và tuân theo pháp luật, các quy tắc của cuộc sống xã hội, kịp thời có biện pháp loại trừ nguyên nhân, điều kiện gây ra vi phạm hành chính trong tổ chức mình.
Người có thẩm quyền xử lý vi phạm hành chính phải nghiêm chỉnh tuân thủ các quy định của pháp luật về xử lý vi phạm hành chính.
Nghiêm cấm việc lạm dụng quyền hạn, sách nhiễu, dung túng, bao che, xử lý không nghiêm minh vi phạm hành chính.
Viện kiểm sát nhân dân kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong việc xử lý vi phạm hành chính.
Hội đồng nhân dân, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức thành viên của Mặt trận và mọi công dân có quyền giám sát việc thi hành pháp luật trong xử lý vi phạm hành chính, phát hiện và tố cáo mọi hành vi vi phạm hành chính và những hành vi vi phạm pháp luật của người có thẩm quyền xử lý vi phạm hành chính.
Điều 5. Các đối tượng bị xử lý vi phạm hành chính
Các đối tượng bị xử lý vi phạm hành chính bao gồm:
a) Người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi chỉ chịu trách nhiệm hành chính về vi phạm hành chính do cố ý; người từ đủ 16 tuổi trở lên phải chịu trách nhiệm hành chính về mọi vi phạm hành chính do mình gây ra;
b) Quân nhân tại ngũ, quân nhân dự bị trong thời gian tập trung huấn luyện và những người thuộc lực lượng Công an nhân dân nếu thực hiện vi phạm hành chính thì bị xử lý như đối với các công dân khác; trong trường hợp cần áp dụng hình thức phạt tước quyền sử dụng một số giấy phép hoạt động vì mục đích an ninh, quốc phòng thì người xử phạt không trực tiếp xử lý mà đề nghị cơ quan, đơn vị Quân đội, Công an có thẩm quyền xử lý theo Điều lệnh kỷ luật;
c) Tổ chức phải chịu trách nhiệm về mọi vi phạm hành chính do mình gây ra;
d) Cá nhân, tổ chức nước ngoài vi phạm hành chính trong phạm vi lãnh thổ, vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam thì bị xử phạt theo quy định của pháp luật Việt Nam về xử phạt vi phạm hành chính, trừ trường hợp điều ước quốc tế mà Việt Nam ký kết hoặc tham gia có quy định khác.
Các biện pháp xử lý hành chính khác quy định tại các điều 21, 22, 23, 24 và 25 của Pháp lệnh này không áp dụng đối với người nước ngoài.
Điều 6. Xử lý người chưa thành niên vi phạm hành chính
Người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi vi phạm hành chính thì bị phạt cảnh cáo, phạt tiền đến 50.000 đồng.
Người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi vi phạm hành chính thì có thể bị áp dụng các hình thức xử phạt vi phạm hành chính quy định tại Điều 11 của Pháp lệnh này; khi phạt tiền đối với họ thì người có thẩm quyền áp dụng mức phạt thấp hơn so với mức phạt đối với người thành niên.
Người chưa thành niên vi phạm hành chính gây thiệt hại vật chất thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật.
Trong trường hợp người chưa thành niên không có tiền nộp phạt về bồi thường thiệt hại thì cha mẹ hoặc người giám hộ của người đó phải nộp phạt thay.
Người từ đủ 12 tuổi đến dưới 18 tuổi có hành vi vi phạm quy định tại khoản 2 Điều 22 của Pháp lệnh này, thì có thể bị đưa vào trường giáo dưỡng.
Chính phủ quy định chế độ giáo dưỡng thích hợp đối với các đối tượng từ đủ 12 tuổi đến dưới 15 tuổi và từ đủ 15 tuổi đến dưới 18 tuổi.
Điều 7. Tình tiết giảm nhẹ
Những tình tiết sau đây là tình tiết giảm nhẹ:
1- Người vi phạm hành chính đã ngăn chặn, làm giảm bớt tác hại của vi phạm hoặc tự nguyện khắc phục hậu quả, bồi thường thiệt hại;
Vi phạm trong tình trạng bị kích động về tinh thần do hành vi trái pháp luật của người khác gây ra.
Người vi phạm là phụ nữ có thai; người già yếu; người có bệnh hoặc tàn tật làm hạn chế khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi của mình;
Vi phạm do hoàn cảnh đặc biệt khó khăn mà không tự mình gây ra hoàn ảnh đó;
Vi phạm do trình độ lạc hậu.
Điều 8. Tình tiết tăng nặng
Chỉ những tình tiết sau đây mới là tình tiết tăng nặng:
Vi phạm có tổ chức;
Vi phạm nhiều lần hoặc tái phạm;
Xúi giục lôi kéo người chưa thành niên vi phạm, ép buộc người bị phụ thuộc vào mình về vật chất, tinh thần vi phạm;
Vi phạm trong tình trạng say do dùng rượu, bia hoặc các chất kích thích khác;
Lợi dụng chức vụ, quyền hạn để vi phạm;
Lợi dụng hoàn cảnh chiến tranh, hoàn cảnh thiên tai hoặc những khó khăn đặc biệt khác của xã hội để vi phạm;
Vi phạm trong thời gian đang chấp hành hình phạt của bản án hình sự hoặc đang chấp hành quyết định xử lý vi phạm hành chính;
Sau khi vi phạm đã có hành vi trốn tránh, che giấu vi phạm hành chính.
Điều 9. Thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính
Thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính là một năm, kể từ ngày vi phạm hành chính được thực hiện; thời hạn trên được tính là hai năm đối với vi phạm hành chính trong các lĩnh vực tài chính, xây dựng, môi trường, nhà ở, đất đai, đê điều, xuất bản, xuất khẩu, nhập khẩu, xuất cảnh, nhập cảnh, các hành vi buôn lậu, sản xuất, buôn bán hàng giả; nếu quá các thời hạn nói trên thì không xử phạt, những có thể bị áp dụng các biện pháp quy định tại các điểm a, b và d khoản 3 Điều 11 của Pháp lệnh này.
Đối với cá nhân bị khởi tố, truy tố hoặc có quyết định đưa vụ án ra xét xử theo thủ tục tố tụng hình sự mà có quyết định đình chỉ điều tra hoặc đình chỉ vụ án, thì bị xử phạt hành chính nếu hành vi có dấu hiệu vi phạm hành chính; thời hiệu xử phát hành chính là ba tháng kể từ ngày có quyết định đình chỉ.
Trong thời hạn được quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều này nếu các nhân, tổ chức có vi phạm hành chính mới hoặc cố tình trốn tránh, cản trở việc xử phạt thì không áp dụng thời hiệu nói tại khoản 1 và khoản 2 Điều này.
3. Tải về Pháp lệnh xử lý vi phạm hành chính năm 2002:
Click tải về: Pháp lệnh xử lý vi phạm hành chính năm 2002
PHÁP LỆNH
CỦA UỶ BAN THƯỜNG VỤ QUỐC HỘI SỐ 44/2002/PL-UBTVQH10 NGÀY 2 THÁNG 7 NĂM 2002 VỀ VIỆC XỬ LÝ VI PHẠM HÀNH CHÍNH
Để đấu tranh phòng ngừa và chống vi phạm hành chính, góp phần giữ vững an ninh, trật tự, an toàn xã hội, bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của cá nhân, tổ chức, tăng cường pháp chế xã hội chủ nghĩa, nâng cao hiệu lực quản lý của Nhà nước;Căn cứ vào Hiến pháp nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 1992 đã được sửa đổi, bổ sung theo Nghị quyết số 51/2001/QH10 ngày 25 tháng 12 năm 2001 của Quốc hội khoá X, kỳ họp thứ 10;Căn cứ vào Nghị quyết của Quốc hội khoá X, kỳ họp thứ 10 về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2002;Pháp lệnh này quy định về xử lý vi phạm hành chính.
Chương 1:
NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Xử lý vi phạm hành chính
Xử lý vi phạm hành chính bao gồm xử phạt vi phạm hành chính và các biện pháp xử lý hành chính khác.
Xử phạt vi phạm hành chính được áp dụng đối với cá nhân, cơ quan, tổ chức (sau đây gọi chung là cá nhân, tổ chức) có hành vi cố ý hoặc vô ý vi phạm các quy định của pháp luật về quản lý nhà nước mà không phải là tội phạm và theo quy định của pháp luật phải bị xử phạt hành chính.
Các biện pháp xử lý hành chính khác được áp dụng đối với cá nhân có hành vi vi phạm pháp luật về an ninh, trật tự, an toàn xã hội nhưng chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự được quy định tại các điều 23, 24, 25, 26 và 27 của Pháp lệnh này.
Điều 2. Thẩm quyền quy định hành vi vi phạm hành chính và chế độ áp dụng các biện pháp xử lý hành chính khác
Chính phủ quy định hành vi vi phạm hành chính, hình thức xử phạt, biện pháp khắc phục hậu quả đối với từng hành vi vi phạm hành chính trong các lĩnh vực quản lý nhà nước; quy định chế độ áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn, đưa vào trường giáo dưỡng, đưa vào cơ sở giáo dục, đưa vào cơ sở chữa bệnh, quản chế hành chính.
Điều 3. Nguyên tắc xử lý vi phạm hành chính
Mọi vi phạm hành chính phải được phát hiện kịp thời và phải bị đình chỉ ngay. Việc xử lý vi phạm hành chính phải được tiến hành nhanh chóng, công minh, triệt để; mọi hậu quả do vi phạm hành chính gây ra phải được khắc phục theo đúng quy định của pháp luật.
Cá nhân, tổ chức chỉ bị xử phạt hành chính khi có vi phạm hành chính do pháp luật quy định.
Cá nhân chỉ bị áp dụng các biện pháp xử lý hành chính khác nếu thuộc một trong các đối tượng được quy định tại các điều 23, 24, 25, 26 và 27 của Pháp lệnh này.
Việc xử lý vi phạm hành chính phải do người có thẩm quyền tiến hành theo đúng quy định của pháp luật.
Một hành vi vi phạm hành chính chỉ bị xử phạt hành chính một lần.
Nhiều người cùng thực hiện một hành vi vi phạm hành chính thì mỗi người vi phạm đều bị xử phạt.
Một người thực hiện nhiều hành vi vi phạm hành chính thì bị xử phạt về từng hành vi vi phạm.
Việc xử lý vi phạm hành chính phải căn cứ vào tính chất, mức độ vi phạm, nhân thân người vi phạm và những tình tiết giảm nhẹ, tăng nặng để quyết định hình thức, biện pháp xử lý thích hợp.
Không xử lý vi phạm hành chính trong các trường hợp thuộc tình thế cấp thiết, phòng vệ chính đáng, sự kiện bất ngờ hoặc vi phạm hành chính trong khi đang mắc bệnh tâm thần hoặc các bệnh khác làm mất khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi của mình.
Điều 4. Trách nhiệm đấu tranh, phòng ngừa và chống vi phạm hành chính
Cơ quan, tổ chức và mọi công dân phải nghiêm chỉnh tuân thủ những quy định của pháp luật về xử lý vi phạm hành chính. Các cơ quan, tổ chức có nhiệm vụ giáo dục thành viên thuộc cơ quan, tổ chức mình về ý thức bảo vệ và tuân theo pháp luật, các quy tắc của cuộc sống xã hội, kịp thời có biện pháp loại trừ nguyên nhân, điều kiện gây ra vi phạm hành chính trong cơ quan, tổ chức mình.
Khi phát hiện có vi phạm hành chính, người có thẩm quyền xử lý vi phạm hành chính có trách nhiệm xử lý vi phạm đó theo đúng quy định của pháp luật.
Nghiêm cấm việc lạm dụng chức vụ, quyền hạn, sách nhiễu, dung túng, bao che, xử lý không nghiêm minh vi phạm hành chính.
Công dân có quyền và nghĩa vụ phát hiện, tố cáo mọi hành vi vi phạm hành chính và hành vi vi phạm pháp luật của người có thẩm quyền xử lý vi phạm hành chính.
Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên của Mặt trận, trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mình có trách nhiệm giám sát việc thi hành pháp luật trong xử lý vi phạm hành chính.
Điều 5. Giám sát, kiểm tra trong xử lý vi phạm hành chính
Hội đồng dân tộc, các Uỷ ban của Quốc hội, Hội đồng nhân dân trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình giám sát việc thi hành pháp luật trong xử lý vi phạm hành chính.
Thủ trưởng cơ quan nhà nước có trách nhiệm thường xuyên kiểm tra việc xử lý vi phạm hành chính của người có thẩm quyền xử lý vi phạm hành chính thuộc phạm vi quản lý của mình, kịp thời xử lý vi phạm pháp luật và giải quyết khiếu nại, tố cáo trong xử lý vi phạm hành chính theo quy định của pháp luật.
Điều 6. Đối tượng bị xử lý vi phạm hành chính
Các đối tượng bị xử phạt vi phạm hành chính bao gồm:
a) Người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi bị xử phạt hành chính về vi phạm hành chính do cố ý; người từ đủ 16 tuổi trở lên bị xử phạt hành chính về mọi vi phạm hành chính do mình gây ra.
Quân nhân tại ngũ, quân nhân dự bị trong thời gian tập trung huấn luyện và những người thuộc lực lượng Công an nhân dân vi phạm hành chính thì bị xử lý như đối với các công dân khác; trong trường hợp cần áp dụng hình thức phạt tước quyền sử dụng một số giấy phép hoạt động vì mục đích quốc phòng, an ninh thì người xử phạt không trực tiếp xử lý mà đề nghị cơ quan, đơn vị Quân đội, Công an có thẩm quyền xử lý theo Điều lệnh kỷ luật;
b) Tổ chức bị xử phạt hành chính về mọi vi phạm hành chính do mình gây ra. Sau khi chấp hành quyết định xử phạt, tổ chức bị xử phạt xác định cá nhân có lỗi gây ra vi phạm hành chính để xác định trách nhiệm pháp lý của người đó theo quy định của pháp luật;
c) Cá nhân, tổ chức nước ngoài vi phạm hành chính trong phạm vi lãnh thổ, vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam thì bị xử phạt hành chính theo quy định của pháp luật Việt Nam, trừ trường hợp điều ước quốc tế mà Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam ký kết hoặc gia nhập có quy định khác.
Đối tượng bị áp dụng các biện pháp xử lý hành chính khác là những người được quy định tại các điều 23, 24, 25, 26 và 27 của Pháp lệnh này.
Các biện pháp xử lý hành chính khác quy định tại Pháp lệnh này không áp dụng đối với người nước ngoài.
Điều 7. Xử lý người chưa thành niên vi phạm hành chính
Người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi vi phạm hành chính thì bị phạt cảnh cáo.
Người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi vi phạm hành chính thì có thể bị áp dụng hình thức xử phạt vi phạm hành chính quy định tại Điều 12 của Pháp lệnh này. Khi phạt tiền đối với họ thì mức tiền phạt không được quá một phần hai mức phạt đối với người thành niên; trong trường hợp họ không có tiền nộp phạt thì cha mẹ hoặc người giám hộ phải nộp thay.
Người chưa thành niên có hành vi vi phạm pháp luật được quy định tại khoản 2 Điều 23, khoản 2 Điều 24, điểm b khoản 2 Điều 26 của Pháp lệnh này thì bị xử lý theo quy định tại các điều khoản đó.
Người chưa thành niên vi phạm hành chính gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật.
Điều 8. Tình tiết giảm nhẹ
Những tình tiết sau đây là tình tiết giảm nhẹ:
a) Người vi phạm hành chính đã ngăn chặn, làm giảm bớt tác hại của vi phạm hoặc tự nguyện khắc phục hậu quả, bồi thường thiệt hại;
b) Người vi phạm hành chính đã tự nguyện khai báo, thành thật hối lỗi;
c) Vi phạm trong tình trạng bị kích động về tinh thần do hành vi trái pháp luật của người khác gây ra;
d) Vi phạm do bị ép buộc hoặc bị lệ thuộc về vật chất hoặc tinh thần;
đ) Người vi phạm là phụ nữ có thai, người già yếu, người có bệnh hoặc tàn tật làm hạn chế khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi của mình;
e) Vi phạm vì hoàn cảnh đặc biệt khó khăn mà không do mình gây ra;
g) Vi phạm do trình độ lạc hậu.
Ngoài những tình tiết quy định tại khoản 1 Điều này, Chính phủ có thể quy định những tình tiết khác là tình tiết giảm nhẹ trong các văn bản quy định về xử phạt vi phạm hành chính.
Điều 9. Tình tiết tăng nặng
Chỉ những tình tiết sau đây mới là tình tiết tăng nặng:
Vi phạm có tổ chức;
Vi phạm nhiều lần trong cùng lĩnh vực hoặc tái phạm trong cùng lĩnh vực;
Xúi giục, lôi kéo người chưa thành niên vi phạm, ép buộc người bị lệ thuộc vào mình về vật chất, tinh thần vi phạm;
Vi phạm trong tình trạng say do dùng rượu, bia hoặc các chất kích thích khác;
Lợi dụng chức vụ, quyền hạn để vi phạm;
Lợi dụng hoàn cảnh chiến tranh, hoàn cảnh thiên tai hoặc những khó khăn đặc biệt khác của xã hội để vi phạm;
Vi phạm trong thời gian đang chấp hành hình phạt của bản án hình sự hoặc đang chấp hành quyết định xử lý vi phạm hành chính;
Tiếp tục thực hiện hành vi vi phạm hành chính mặc dù người có thẩm quyền đã yêu cầu chấm dứt hành vi đó;
Sau khi vi phạm đã có hành vi trốn tránh, che giấu vi phạm hành chính.
Luật sư tư luật hành chính trực tuyến miễn phí qua tổng đài: 1900.6568
4. Pháp lệnh sửa đổi Pháp lệnh xử lý vi phạm hành chính năm 2007:
Click tải về: Pháp lệnh sửa đổi Pháp lệnh xử lý vi phạm hành chính năm 2007
PHÁP LỆNH
CỦA UỶ BAN THƯỜNG VỤ QUỐC HỘI VỀ SỬA ĐỔI MỘT SỐ ĐIỀU CỦA PHÁP LỆNH XỬ LÝ VI PHẠM HÀNH CHÍNH
Căn cứ vào Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 1992 đã được sửa đổi, bổ sung theo Nghị quyết số 51/2001/QH10 ngày 25 tháng 12 năm 2001 của Quốc hội khóa X, kỳ họp thứ 10; Pháp lệnh này sửa đổi một số điều của Pháp lệnh xử lý vi phạm hành chính đã được Uỷ ban thường vụ Quốc hội thông qua ngày 2 tháng 7 năm 2002.
Điều 1
Sửa đổi một số điều của Pháp lệnh xử lý vi phạm hành chính quy định về quản chế hành chính như sau:
Bỏ khoản 5 Điều 22, Điều 27, khoản 7 Điều 30 và mục 5 Chương VII (bao gồm các điều từ Điều 102 đến Điều 109).
Bỏ cụm từ “và 27” tại khoản 3 Điều 1, tại khoản 2 các điều 3, 6 và 11.
Bỏ cụm từ “, quản chế hành chính” tại Điều 112, khoản 2 Điều 118 và tại Điều 119.
Điều 2
Kể từ ngày Pháp lệnh này có hiệu lực thì chấm dứt việc áp dụng biện pháp quản chế hành chính; trường hợp đang xem xét áp dụng biện pháp quản chế hành chính thì chấm dứt việc xem xét; trường hợp đã ra quyết định mà chưa thi hành thì hủy bỏ quyết định đó; trường hợp quyết định đang được thi hành thì chấm dứt việc thi hành.
Những quy định trước đây về quản chế hành chính theo Pháp lệnh xử lý vi phạm hành chính đều bị bãi bỏ.
Chính phủ có trách nhiệm tổ chức thi hành Pháp lệnh này.