Trả lời:
Theo Bách khoa toàn thư wikipedia (tiếng Anh), khái niệm hệ tư tưởng ra đời trong cuộc cách mạng Pháp (1789-1799). Theo đó, hệ tư tưởng (Ideology) có nguồn gốc từ tiếng Hy Lạp (ιδεολογία) và nó được hoàn thiện bởi một nhà quý tộc và triết gia người Pháp là Antoine Louis Claude Destutt, comte de Tracy (1754-1836). Tracy được xem là người đã đặt ra thuật ngữ “hệ tư tưởng”.
Từ điển Bách khoa toàn thư wikipedia tiếng Việt thì cho rằng hệ tư tưởng chính là ý thức hệ: “Ý thức hệ hay hệ tư tưởng là hệ thống các mục đích và quan niệm giúp điều chỉnh mục tiêu, dự tính và hành động của con người”. Vì vậy mà những nước cùng chung hệ tư tưởng thường gọi là các nước cùng chung ý thức hệ.
Từ điển tiếng Việt giải thích hệ tư tưởng là “hệ thống tư tưởng và quan điểm, thường phản ánh quyền lợi cơ bản khác nhau của các giai cấp, các tầng lớp xã hội”.
Từ điển Bách khoa Việt Nam giải thích hệ tư tưởng là: “Hệ thống những tư tưởng và quan điểm lý luận thể hiện sự nhận thức và đánh giá hiện thực xung quanh, xuất phát từ những lợi ích xã hội nhất định. Hệ tư tưởng mang tính lý luận, nghĩa là được hệ thống hóa một cách duy lý. Khác với tâm lý xã hội gắn liền với cảm giác sống của ý thức đời thường, hệ tư tưởng gồm các quan điểm và tư tưởng về chính trị, kinh tế, xã hội, pháp quyền, tôn giáo, đạo đức, thẩm mỹ, triết học”.
Từ điển Chính trị vắn tắt giải thích: “Hệ tư tưởng – hệ thống các quan điểm và tư tưởng chính trị, pháp lý, đạo đức, triết học, tôn giáo, nghệ thuật. Hệ tư tưởng mang tính giai cấp. Trong các hình thái đối kháng, hệ tư tưởng của giai cấp cầm quyền là hệ tư tưởng thống trị”.
Từ điển về chính quyền và chính trị Hoa Kỳ đưa ra quan niệm về hệ tư tưởng: “là một hệ thống niềm tin chính trị toàn diện về bản chất con người và xã hội, một tập hợp quan điểm về phương thức tổ chức đời sống xã hội một cách hợp lý nhất”.
Trong tiếng Anh, phân biệt rất rõ ràng “tư tưởng” (thought) và hệ tư tưởng (ideology). Tuy nhiên, trong tiếng Trung Quốc, hai thuật ngữ này đồng nhất với nhau và đều được viết là “(思想)…
Như vậy có thể thấy, quan niệm về hệ tư tưởng hiện nay vẫn còn nhiều cách hiểu khác nhau và mới chỉ đạt được sự thống nhất tương đối. Tuy nhiên, có một điểm mà tất cả các quan niệm đưa ra đều thống nhất: Hệ tư tưởng là một hệ thống, một tập hợp những tư tưởng, quan điểm về các lĩnh vực khác nhau.
Chủ nghĩa Mác cho rằng trong xã hội có giai cấp, hệ tư tưởng mang tính giai cấp, phản ánh những lợi ích của giai cấp. Cuộc đấu tranh giữa các lợi ích giai cấp tất yếu biểu hiện thành đấu tranh tư tưởng và hình thành hệ tư tưởng. Giai cấp thống trị trình bày lợi ích của mình như là lợi ích của xã hội, luôn áp đặt hệ tư tưởng của mình cho toàn xã hội. Giai cấp cách mạng có hệ tư tưởng đối lập với hệ tư tưởng của giai cấp phản cách mạng. Điều kiện xã hội cần thiết để cho hệ tư tưởng phản ánh hiện thực một cách khách quan là lợi ích giai cấp phù hợp với nhu cầu của tiến bộ xã hội. Do đó, xét về bản chất, hệ tư tưởng luôn mang tính giai cấp, phản ánh quyền lợi của một giai cấp hay một nhóm xã hội nhất định trong xã hội có giai cấp. Theo quan điểm của chủ nghĩa duy vật lịch sử, hệ tư tưởng là một bộ phận của ý thức xã hội nên chịu sự quy định của tồn tại xã hội.
Có thể thấy, hệ tư tưởng giống như một nền móng mà trên cơ sở đó, các đảng phái, tổ chức, các lực lượng chính trị – xã hội khác nhau xác lập chiến lược, lý tưởng, xác lập đội ngũ mà tổ chức ấy sẽ đại diện, tức là xác lập chiến lược chính trị. Vì vậy, hệ tư tưởng luôn gắn liền với chính trị và không thể tách rời chính trị và ngược lại.
Bất kỳ hệ tư tưởng nào cũng đều là hệ tư tưởng của một giai cấp, bảo vệ các quyền lợi và lý tưởng chính trị của giai cấp đó. Hệ tư tưởng với tính cách là đại diện của giai cấp sẽ đóng vai trò là vũ khí tinh thần trong cuộc đấu tranh vì các giá trị và lý tưởng mà giai cấp theo đuổi. Không có hệ tư tưởng nào đứng trên các giai cấp. Chính trị là diễn đàn đấu tranh của các hệ thống, các trào lưu và khuynh hướng tư tưởng khác nhau.
Trung Kiên