Contents
Liên minh tan vỡ?
“Nhân vật số 1” của Thục Hán trấn thủ Kinh Châu chính là Quan Vũ, nói cách khác, ông là người trực tiếp đại diện cho Thục tại biên giới giáp Đông Ngô.
Năm 215, thấy tình hình bất lợi và không thể dùng vũ lực đoạt lại các quận đã mất, Lưu Bị đành phải nhượng bộ Tôn Quyền, đề nghị chính thức công nhận chủ quyền 3 quận Linh Lăng, Quế Dương, Trường Sa cho Đông Ngô, xin đổi lấy Nam quận.
Tôn Quyền chấp thuận giảng hòa, phân chia lại Kinh châu, lấy sông Tương Thủy làm ranh giới. Quan Vũ tiếp nhận quận Giang Lăng, tướng của Tôn Quyền là Trình Phổ giao lại Giang Lăng, về giữ chức thái thú Giang Hạ.
Bản thân Ngô chủ Tôn Quyền cũng muốn tạo dựng quan hệ tốt với Quan Vân Trường, sau khi ông và Lưu Bị đã “bắt tay nghị hòa” để cùng thực hiện chính sách liên kết kháng Tào.
Trước đó, năm 209, Tôn Quyền đã gả em gái Tôn Thượng Hương cho Lưu Bị. Tuy nhiên mối quan hệ “em rể – anh vợ” này không được tốt đẹp và Tôn phu nhân bỏ về Ngô năm 213.
Sau khi Quan Vũ trấn thủ Kinh Châu, Tôn Quyền tiếp tục tung ra một quân bài hôn nhân chính trị khác khi sai sứ giả tới xin Quan Công gả con gái cho con trai mình.
Thế nhưng, Quan Vũ vốn có tính tự phụ và không có tầm nhìn chính trị, hoàn toàn không quan tâm đến chiến lược lớn mà Lưu Bị và Khổng Minh đề ra, cho nên ông rất xem thường Tôn Quyền.
Thậm chí, Quan Vũ đã mắng chửi sứ giả của Tôn Quyền rằng – “Hổ nữ sao có thể gả cho khuyển tử”, có ý miệt thị Ngô chủ.
Một câu nói của Quan Công đã phạm vào đại kỵ của việc ngoại giao khi ông ví Tôn Quyền với… “chó”, trong khi xét về vai vế, Ngô chủ hoàn toàn ngang hàng với Lưu Bị.
Tôn Quyền bất ngờ “làm hòa” với Tào Tháo
Câu nói của Quan Vân Trường chắc chắn đã khiến Tôn Quyền hận thấu xương, nhưng trước áp lực lớn từ Tào Ngụy, ông vẫn phải nhẫn nhịn để chờ thời, đợi ngày tung ra “đòn chí mạng” đối với Quan Vũ.
Năm 213, Tào Tháo xua binh tấn công Đông Ngô, 2 quân đối đầu tại Nhu Tu Khẩu.
Về vấn đề thủy chiến, Đông Ngô có thực lực vượt trội so với Tào Tháo và Tôn Quyền cũng có phần xem thường Tào ở lĩnh vực này.
Trong chiến dịch Nhu Tu Khẩu cũng không ngoại lệ, quân đội Ngô – Ngụy ở vào tình trạng giằng co, nhưng Đông Ngô luôn giành được thế chủ động và buộc Tào Tháo lui binh sau nhiều tháng tấn công không hiệu quả.
Dù vậy, nhiều ý kiến cho rằng, kể từ sau cuộc đối đầu ở Nhu Tu Khẩu, xuất phát từ rạn nứt ngày sâu sắc trong quan hệ ngoại giao với Thục, Tôn Quyền đã “xoay trục” dần sang Tào Ngụy.
Năm 219, Lưu Bị xưng Hán Trung Vương, chuẩn bị cho kế hoạch xưng đế về sau. Điều này khiến Tôn Quyền e ngại và quay sang “xưng thần” với Tào Tháo.
Tháng 7/219, Quan Vũ cất binh đánh Ngụy, vây hãm Tương Dương và Phàn Thành. Tôn Quyền lại dâng thư quy phục Tào Tháo và được Tào cho làm Kinh Châu mục.
Trên thực tế, việc thế lực của Lưu Bị “phất lên” đã tạo thành nguy cơ đối với cả Ngô và Ngụy, đúng như “Long Trung đối sách” của Gia Cát Lượng.
Tuy nhiên, Khổng Minh đã quên tính tới việc Ngô – Ngụy nhận ra việc đối đầu là không thực tế và quay sang bắt tay nhau.
Kể từ sau năm 216, giữa Ngô và Ngụy hầu như không diễn ra cuộc đối đầu nào lớn, cho thấy 2 bên đã có sự đình chiến “ngầm”, mà mục tiêu mới không ai khác ngoài Lưu Bị.
Có học giả cho rằng, việc Quan Vũ phá hoại quan hệ ngoại giao Thục – Ngô cũng chỉ là nguyên nhân bề nổi, bởi dù Quan Công có “cơm lành canh ngọt” với Tôn Quyền, thì cũng ít có khả năng Đông Ngô sẽ nuốt hận nhìn Thục Hán “mượn Kinh Châu không trả”.
Khắc tinh của Quan Vân Trường
Năm 217, đại thần Đông Ngô Lỗ Túc qua đời. Cái chết của ông mang lại bước ngoặt trọng yếu trong quan hệ Ngô – Thục.
Lỗ Túc chính là đại diện tiêu biểu của phe “thân Lưu Bị” trong thế lực Đông Ngô. Trọng tâm chiến lược của Ngô thời ông còn sống là “liên Lưu kháng Tào”.
Nhờ sự hiện diện và danh vọng lớn của Lỗ Túc trong triều đình, Tôn Quyền đã không “trở mặt” hoàn toàn với Lưu Bị, để tránh gây mâu thuẫn nội bộ.
Lỗ Túc mất đi, đồng nghĩa với “sợi dây liên kết” mỏng manh giữa Tôn Quyền và Lưu Bị đã không còn. Bên cạnh đó, những xung đột và mâu thuẫn trước đó đã dẫn đến sự phân cực và sụp đổ của liên minh Tôn – Lưu.
Đặc biệt, người kế nhiệm vị trí Đại đô đốc của Lỗ Túc là Lữ Mông – nhân vật luôn phản đối Tôn Quyền liên minh cùng Lưu Bị.
Với sự bổ nhiệm Lữ Mông, chiến lược của Tôn Quyền có 2 điểm nhấn mới: tấn công Từ Châu và triệt hạ Quan Vũ. Bản thân Lữ Mông kiên quyết chủ trương đánh Quan Vũ.
Lữ Mông nói – “Từ Châu là đồng bằng, cho dù chiếm được cũng không đủ chống lại Tào Tháo.
Còn nếu hạ Kinh Châu, lập tức có thể chiếm cứ toàn Trường Giang, cùng Tào Tháo đối quyết, tranh bá Trung Nguyên”.
Khi Lỗ Túc sinh thời, ông thường nhận định “Quan Vũ thực lực rất mạnh, có thể liên kết chống Tào”. Lữ Mông thì ngược lại, ông cho rằng “Quan Vũ quá mạnh, phải diệt đi mới yên tâm”.
“Quyền lực số 2” của Đông Ngô
Lữ Mông là một nhân vật lợi hại. Năm 16 tuổi, ông lén cùng anh rể ra trận chiến đấu, trở về bị mẹ trách mắng, ông nói – “Cuộc sống hiện giờ quá nghèo khó, đi đánh trận lập được công lao, mới giàu có được”.
Lữ Mông gia nhập lực lượng Tôn Sách, về sau được Tôn Quyền trọng dụng.
Sau khi Tôn Quyền lên nắm đại quyền Đông Ngô, ông đã “thay máu” gần như toàn bộ tướng lĩnh, đào thải những người “năng lực kém”.
Lữ Mông biết tin bèn cho cấp dưới “thanh lý” vật dụng dư thừa trong quân, lấy tiền “nâng cấp quân trang”, đồng thời tăng cường luyện tập.
Khi Tôn Quyền duyệt binh, nhìn thấy đội ngũ của Lữ Mông thì rất hài lòng, nhận định Mông có tài trị quân, bèn giao thêm binh sĩ cho ông.
Về sau, Lữ Mông theo Tôn Quyền chinh chiến khắp nơi, bao gồm đại chiến Xích Bích, lập nhiều đại công, địa vị không ngừng lên cao.
Lữ Mông vốn là võ tướng, Tôn Quyền bèn khuyên ông đọc sách, Mông thoái thác nói công việc bận rộn không có thời gian.
Tôn Quyền lại khuyên – “Ta chỉ cần ngươi đọc hiểu sách vở. Lẽ nào ngươi còn bận hơn cả ta?”
Từ đó Lữ Mông mới bắt đầu nỗ lực “dùi mài kinh sử”, lâu ngày tri thức của ông vượt xa nhiều văn thần cùng triều. Trong khi đó, Lỗ Túc vốn là “Nho tướng”, nên ông có phần xem thường Lữ Mông.
Một lần, Túc đi qua nhà Lữ Mông, vừa hay nghe thấy Lữ Mông nói về 5 kế sách phòng bị Quan Vũ. Lỗ Túc nghe xong ngỡ ngàng, thốt lên rằng – “(Lữ Mông) không còn là Ngô hạ A Mông nữa rồi”.
Lữ Mông đáp – “Lâu ngày không gặp, nên nhìn người bằng con mắt khác”, ý nói bản thân ông đã tiến bộ, Lỗ Túc không nên xem nhẹ như trước.
Từ đó, Lỗ Túc và Lữ Mông trở thành bạn tốt, câu nói của Lữ Mông đến nay đã trở thành câu thành ngữ nổi tiếng.
Thời điểm Lữ Mông vừa tiếp nhiệm Lỗ Túc, Lưu Bị cũng đắc chí sau khi công hạ Quan Trung, tự xưng Quan Trung Vương.
Bị cũng “trả lại” ấn tín mà Tào Tháo “đại diện Hán triều” ban cho, tỏ ý triệt để đoạn tuyệt với chính quyền “bị Tào Tháo khống chế”. Việc Quan Vũ phát binh đánh Tương Dương chính là nhằm thể hiện thái độ của Lưu Bị.
Ban đầu, Tôn Quyền có ý định thừa cơ tấn công Hợp Phì – địa điểm mà Đông Ngô từng sa lầy trước Tào Ngụy trong quá khứ.
Nhưng trước đề xuất mới của Lữ Mông, Tôn Quyền đã “định nghĩa lại” lập trường bạn – thù, từ đó nhận định thời cơ để đoạt lại toàn bộ Kinh Châu từ tay Lưu Bị đã tới.
Trong tình hình như vậy, Lữ Mông đã lần đầu tiên “đăng đàn” trên cương vị Đại đô đốc, với nhiệm vụ cụ thể “tiêu diệt Quan Vân Trường”.