Contents
1. Khái niệm giấy tờ tùy thân
Giấy tờ tùy thân là khái niệm được sử dụng khá phổ biến. Tuy nhiên hiện nay dưới góc độ pháp lý, chưa có văn bản pháp luật nào quy định rõ ràng, cụ thể định nghĩa của giấy tờ tùy thân. Có một số văn bản quy định cụ thể một vài loại giấy tờ là giấy tờ tùy thân chứ không liệt kê tất cả các loại giấy tờ tùy thân hợp pháp hiện tại, cụ thể:
– Theo Điều 1 Nghị định 05/1999/NĐ-CP quy định Chứng minh nhân dân là một loại giấy tờ tùy thân của công dân do cơ quan Công an có thẩm quyền chứng nhận về những đặc điểm riêng và nội dung cơ bản của mỗi công dân trong độ tuổi do pháp luật quy định, nhằm bảo đảm thuận tiện việc thực hiện quyền, nghĩa vụ của công dân trong đi lại và thực hiện các giao dịch trên lãnh thổ Việt Nam.
– Theo tinh thần của Nghị định 136/2007/NĐ-CP trước đây quy định Hộ chiếu quốc gia được sử dụng thay thế Chứng minh nhân dân hay Luật Căn cước công dân quy định thẻ Căn cước công dân là giấy tờ tùy thân của công dân Việt Nam.
– Ngoài ra, nhiều văn bản luật cũng đề cập đến giấy tờ tùy thân trong thành phần hồ sơ của đương sự như Luật Công chứng (điều 40), Bộ luật Lao động (điều 17), Luật Xử phạt vi phạm hành chính (điều 130)
Từ những văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến giấy tờ tùy thân hiện tại, có thể rút ra khái niệm: Giấy tờ tùy thân (giấy tờ cá nhân) là những loại giấy tờ có thể giúp xác định đặc điểm và nhận dạng nhân thân của một con người cụ thể. Thông thường, giấy tờ tùy thân là các loại giấy tờ có dán ảnh hợp lệ và có đóng dấu giáp lai lên ảnh tuy nhiên trong một số loại không nhất thiết bắt buộc về chi tiết này.
2. Các loại giấy tùy thân hiện hành
– Về mặt pháp lý, theo quy định hiện hành có ba loại giấy tờ tùy thân được trực tiếp coi là giấy tờ tùy thân xác định danh tính của một người bao gồm: Chứng minh nhân dân, Hộ chiếu, thẻ Căn cước công dân (trong đó có quy định khẳng định giấy chứng minh nhân dân – nay là Thẻ căn cước công dân – là một loại giấy tờ tùy thân và Hộ chiếu quốc gia được sử dụng thay thế chứng minh nhân dân). Ngoài hai loại giấy tờ trên, không còn loại giấy tờ nào được quy định trực tiếp là giấy tờ tùy thân.
– Trên thực tế, mỗi lĩnh vực sẽ quy định một loại giấy tờ tùy thân khác nhau. Bên cạnh đó, do các cơ quan nhà nước Việt Nam hiện nay quy định phạm vi các loại giấy tờ tùy thân có thể thay thế chứng minh nhân dân là khá rộng, đôi khi lại yêu cầu thêm giấy tờ khác ngoài chứng minh nhân dân như như hộ khẩu.
Do chưa thống nhất cách hiểu nên mỗi lĩnh vực lại quy định giấy tờ tùy thân khác nhau. Cụ thể, tại Điều 2 Nghị định số 123/2015/NĐ-CP quy định, người yêu cầu đăng ký hộ tịch, cấp bản sao trích lục hộ tịch xuất trình bản chính một trong các giấy tờ sau để chứng minh về nhân thân: (i) Hộ chiếu; (ii) Chứng minh nhân dân; (iii) Thẻ Căn cước công dân; (iv) Giấy tờ khác có dán ảnh và thông tin cá nhân do cơ quan có thẩm quyền cấp, còn giá trị sử dụng. Một số giấy tờ có dán ảnh và thông tin cá nhân do cơ quan có thẩm quyền cấp cũng được xác định là giấy tờ tùy thân như: Giấy phép lái xe, thẻ Đại biểu Quốc hội, thẻ Đảng viên…
Ngoài ra, trong lĩnh vực hàng không, hành khách mang quốc tịch Việt Nam khi bay các chuyến nội địa có thể xuất trình một trong 12 loại giấy tờ: hộ chiếu, giấy chứng minh nhân dân, giấy chứng minh, chứng nhận của các lực lượng vũ trang, thẻ đại biểu Quốc hội, thẻ đảng viên, thẻ nhà báo, giấy phép lái ôtô, môtô, thẻ kiểm soát an ninh hàng không, thẻ nhận dạng của các hãng hàng không, giấy chứng nhận nhân thân có xác nhận của công an phường xã nơi cư trú. Trong lĩnh vực y tế, người có bảo hiểm y tế khi đến khám bệnh có thể xuất trình thẻ Bảo hiểm y tế có ảnh hoặc giấy tờ tùy thân có ảnh hợp lệ. Trong Quyết định 19/2009/QĐ-UBND của Ủy ban nhân dân tỉnh Long An ngày 27/5/2009 quy định cụ thể giấy tờ tùy thân là giấy Chứng minh nhân dân, Hộ chiếu, Chứng minh quân đội, Chứng nhận quân nhân còn giá trị sử dụng (chỉ có giá trị áp dụng trên địa bàn tỉnh Long An).
Như vậy, giấy tờ tùy thân lại được quy định theo từng lĩnh vực và tùy từng địa phương bên cạnh các loại giấy tờ tùy thân chung gồm Chứng minh nhân dân, Hộ chiếu, thẻ Căn cước công dân.
Từ ngày 04 tháng 01 năm 2016, Việt Nam chính thức cấp Thẻ căn cước công dân để thay thế Chứng minh thư nhân dân. Theo đó, Chính phủ nước CHXHCN Việt Nam đã trình Quốc hội dự thảo luật Căn cước công dân: Công dân sẽ được cấp một mã định danh gồm 12 chữ số, dùng để quản lý công dân theo 4 giai đoạn là từ khi sinh ra đến 14 tuổi, từ 15 tuổi đến 25 tuổi, từ 25 tuổi đến 70 tuổi và từ trên 70 tuổi. Chứng minh thư nhân dân vẫn được dùng song song với Thẻ căn cước công dân. Số định danh cá nhân là dãy số tự nhiên gồm 12 số, có cấu trúc gồm 6 số là mã thế kỷ sinh, mã giới tính, mã năm sinh của công dân, mã tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương hoặc mã quốc gia nơi công dân đăng ký khai sinh và 6 số là khoảng số ngẫu nhiên.