Hoa sen từ lâu đã là biểu tượng của làng quê Việt Nam. Hoa sen vừa thơm, vừa đẹp nên thường được dùng để ướp trà, hấp xôi. Toàn bộ cây sen đều được tận dụng hết, và ngó sen cũng là một vị thuốc quý được ứng dụng nhiều trong y học cổ truyền. Hãy cùng bác sĩ Y học cổ truyền Nguyễn Thị Ngọc Thi tìm hiểu thêm về tác dụng chữa bệnh của loại dược liệu này qua bài viết dưới đây.
Contents
Ngó sen là gì?
Ngó sen còn được gọi là ngẫu tiết có tên khoa học là Nodus Nelumbinis Rhizomatis.
Là phần thân rễ của cây sen nằm ngập trong bùn, có dạng hình trụ đường kính khoảng 3cm, lớp vỏ ngoài dai màu nâu nhạt, phía trong mềm xốp màu trắng hồng, mặt cắt có nhiều khoang rỗng xếp theo hình nan hoa. Ngó sen khi lớn sẽ phát triển thành những lá có cuống dài.
Cây sen tên khoa học là Nelumbo nucifera – Họ Sen (Nelumbonaceae);
Cây sen là một loài cây thân thảo, sống dưới nước. Rễ cây sen (ngó sen) sống ở dưới mặt nước, vùi sâu xuống bùn. Thân cây hình trụ, màu xanh lục. Lá sen mọc ra từ thân cây, lá tỏa tròn, cuống dài, màu xanh lục, lá sen mọc trên mặt nước, mặt trên của lá sen không thấm nước.
Hoa sen to, có màu trắng hoặc màu hồng, có nhiều nhị màu vàng. Các lá noãn rời gắn lên ở mỗi đế hoa, sau này noãn phát triển thành quả. Mỗi quả có chứa một hạt, mỗi hạt có một chồi nhỏ ở giữa, là tâm sen.
Cây sen mọc khắp nơi ở Việt Nam, thường trong các đầm, hồ, ao. Cây thường ra hoa quanh năm.
Công dụng của ngó sen
Thành phần hóa học
Ngó sen có thành phần hóa học chứa 70% tinh bột, 8% asparagin, araginin, trigonellin, vitamin C, vitamin A, vitamin B, chất xơ và tanin.
Theo Y học hiện đại
Cung cấp nhiều chất dinh dưỡng
Trong dược liệu này có chứa nhiều asparagin, là một loại amino acid không tự sản xuất được trong cơ thể. Hoạt chất này có vai trò quan trọng trong chu trình tổng hợp glycoprotein và protein.
Hỗ trợ hoạt động của hệ thần kinh
Asparagine có liên quan đến việc kiểm soát chuyển hóa của tế bào thần kinh và mô não.
Bảo vệ gan
Arginin (hay arginine) có trong dược liệu này là một axit amin cần thiết, tham gia vào quá trình tổng hợp protein và chu trình tạo ra ure ở gan giúp giải độc amoniac ở người bệnh gan.
Sử dụng thường xuyên ngó sen giúp tăng cường chức năng gan, tăng khả năng thải độc của gan. Từ đó, giảm các triệu chứng do các bệnh về gan như: vàng da, vàng mắt, táo bón, suy giảm chức năng gan, cơ thể mệt mỏi, suy nhược…
Chữa táo bón
Ngó sen chứa nhiều chất xơ, ăn nhiều thực phẩm này giúp tăng thể tích chất trong lòng ruột, tăng co bóp và làm sạch đường ruột, giúp điều trị táo bón, từ đó ngăn ngừa bệnh trĩ.
Xem thêm: Bệnh trĩ giai đoạn đầu: Biểu hiện và cách chữa
Bảo vệ dạ dày
Trong một nghiên cứu gần đây được tiến hành ở Trung Quốc, người ta ghi nhận rằng dịch chiết ngó sen có tác dụng thúc đẩy quá trình lành vết loét dạ dày trên chuột.
Tăng cường hệ miễn dịch
Loại dược liệu này chứa nhiều Vitamin C. Đây là chất chống oxy hóa mạnh, giữ vai trò quan trọng trong quá trình phát triển và tái tạo của tế bào, giúp tế bào sửa chữa những tổn thương, tăng khả năng chống chịu với tác nhân có hại. Sử dụng dược liệu này thường xuyên giúp tăng cường hệ miễn dịch
Chống lão hóa
Không những thế vitamin C có trong là một yếu tố không thể thiếu trong quá trình sản sinh collagen, tạo độ đần hồi, dẻo dai, liên kết giữa các mô, chống lão hóa.
Ổn định huyết áp
Chất asparagine trong ngó sen có vai trò như một chất lợi tiểu, giúp điều hòa lượng dịch thể trong lòng mạch, giúp ổn định huyết áp.
Xem thêm: Theo dõi huyết áp: Như thế nào cho đúng?
Bổ máu
Trong y học cổ truyền, ngó sen thường được dùng như mọt vị thuốc cầm huyết, bổ huyết nên nó có tác dụng bổ máu.
Làm đẹp da
Nhờ tác dụng giải độc gan nên ngó sen sẽ giúp quá trình thanh lọc cơ thể diễn ra hiệu quả hơn, giúp da dẻ được hồng hào, sáng mịn.
Tác dụng theo Y học cổ truyền
Ngó sen có vị ngọt, hơi chát, tính mát, bình, không có độc. Dùng để thu liễm, cầm máu, tráng dương, an thần.
Dân gian thường sử dụng ngó sen trong các bài thuốc cầm máu, bổ huyết, điều kinh.
Cách sử dụng ngó sen
- Ép lấy nước uống, trị ngộ độc cua, cá.
- Ép với mía tươi uống: trị cảm cúm, trúng nắng, sốt cao, khát nước, vật vã.
- Ép lấy nước uống cùng vài lát gừng tươi: trị nôn dai dẳng.
- Hầm canh: bổ dưỡng cơ thể, kích thích tiêu hóa.
- Hầm canh với đậu xanh: trị đau mắt đỏ, ngứa mắt, chảy nước mắt do viêm kết mạc.
- Hầm với đại táo: hỗ trợ tiêu hóa, dùng cho người ốm dậy, trị chảy máu chân răng, xuất huyết dưới da do giảm tiểu cầu.
Một số bài thuốc có sử dụng ngó sen
Trị chảy máu
Ngó sen đã sao, tam lăng, nga truật, huyết dụ, bồ hoàng sao mỗi vị 8g; bách thảo sương 6g. Sắc ngày 1 thang và uống
Trị đái ra máu do viêm nhiễm đường tiết niệu cấp
Sinh địa 20g, hoạt thạch 16g; cam thảo sao 6g, đương quy 6g, tiểu kế, mộc thông, ngó sen, bồ hoàng sao, đạm trúc diệp, sơn chi mỗi vị 12g;. Sắc ngày 1 thang, uống
Trị sốt xuất huyết
Lá sen, ngó sen, cỏ mực, rau má mỗi vị 30g; bông mã đề 20g. Sắc ngày 1 thang, uống; nếu có xuất huyết thì tăng lá sen và ngó sen lên 40 – 50g.
Trị rong huyết
Quy bản nướng 24g, mẫu lệ 20g, sinh địa 16g; hoàng cầm, ngó sen, a giao, sơn chi, địa du mỗi loại 12g; địa cốt bì 10g, cam thảo 4g. Sắc ngày 1 thang, uống
Trị hư lao, trong đờm lẫn máu, kiêm cả hư nhiệt
Dùng bài Tam tiên ẩm: tiên mao căn 120g, tiên tiểu kế 60g, tiên ngẫu tiết 120g. Sắc ngày 1 thang, uống
Tác dụng mát huyết, cầm máu.
Lưu ý khi dùng khó sen
Nên hạn chế dùng ngó sen dạng ống do dễ nhiễm ký sinh trùng. Ở những người hay đau dạ dày, hội chứng kích thích đường ruột thì hạn chế dùng. Vì ngó sen chứa nhiều chất xơ khi ăn nhiều dễ gây đầy bụng, khó tiêu.
Xem thêm: Hội chứng ruột kích thích (IBS): Nguyên nhân và triệu chứng
Cây sen vừa là quốc hoa của dân tộc, vừa là vị thuốc quý, có ứng dụng rộng trong điều trị. Ngó sen rất bổ dưỡng, giúp bồi bổ cơ thể, hỗ trợ tiêu hóa, trị các chứng xuất huyết, nâng cao sức đề kháng… Hi vọng bài viết trên đây mang lại thông tin bổ ích cho bạn đọc.