Dàn ý nghị luận về lòng khiêm tốn – Một số mẫu dàn ý tham khảo cho đề bài văn nghị luận bàn về lòng khiêm tốn trong xã hội hiện nay.
Contents
Top 3 mẫu dàn ý nghị luận về lòng khiêm tốn hay nhất
Dàn ý về lòng khiêm tốn mẫu 1:
I. Mở bài
– Trong vô vàn nhũng đức tính tốt của con người thì khiêm tốn, dường như có rất nhiều giá trị quý báu.
– Vậy đức tính khiêm tốn, có giá trị tinh thần như thế nào trong xã hội của chúng ta?
II. Thân bài
1. Giải thích:
– Khiêm tốn là gì? => Có nghĩa là có ý thức và thái độ đúng mức trong việc đánh giá bản thân, không tự đề cao, không kiêu căng, tự phụ.
2. Biểu hiện của lòng khiêm tốn:
* Người có đức tính khiêm tốn là người như thế nào?
– Ngưòi có tính khiêm tốn là người tự cho mình chưa hoàn thiện luôn phải cố gắng nhiều hơn trong mọi việc.
– Khi có nhiều đóng góp trong sự thành công chung, người có tính khiêm tốn, ít khi ca tụng hoặc nêu lên những đóng góp của bản thân.
* Tại sao chúng ta phải khiêm tốn?
– Bởi vì nó thể hiện phẩm chất đạo đức cần có ở mỗi chúng ta.
– Giúp ta nâng cao phẩm giá, khiến cho các mối quan hệ thêm bền chặt, khăng khít và tạo được sự tin tưởng lẫn nhau.
– Có cuộc sống nhẹ nhàng, ít xô bồ hơn trong xã hội hiện giờ. Giúp cho ta biết tự kiềm chế bản thân: khen người khác thì hết sức chân thành, đúng đắn. Khi chê người khác, lời chê phải thận trọng, nhẹ nhàng mang tính xây dựng.
– Nhờ có đức tính này, chúng ta dễ có được địa vị và công việc tốt trong xã hội. Thể hiện sự nhìn xa trông rộng của mình.
– Khiêm tốn còn giúp ta nhận ra sự thiếu sót và hạn chế của bản thân.
– Tuy vậy, khiêm tốn không có nghĩa là tự hạ thấp bản thân mà phải luôn phấn đấu, nỗ lực nhiều hơn.
* Dẫn chứng: Bác Hồ sống một cuộc sống hết sức khiêm tốn với ngôi nhà sàn gỗ mộc mạc, đơn sơ. Ăn uống đạm bạc, lối sống hết sức giản dị…
3. Bàn bạc, mở rộng vấn đề
– Phê phán, lên án những con người có tính tự cao, tự đại, kiêu căng, ngạo mạn. Những con người này với địa vị cao thường hay lên mặt, coi thường những người xung quanh.
– Dẫn chứng: Tính tự kiêu này ta có thể thấy rõ ràng qua câu tục ngữ: “Ếch ngồi đáy giếng coi trời bằng vung”.
III. Kết bài
– Khiêm tốn, khiêm nhường là đức tính tốt, rất cần thiết cho con người.
– Cần phải trau dồi, rèn luyện, nâng cao phẩm chất đạo đức này bằng tất cả việc làm, trước hết là ở chính bản thân mình.
Tham khảo thêm: Lập dàn ý nghị luận về đức tính khiêm nhường
Dàn ý về lòng khiêm tốn mẫu 2:
I. Mở bài:
– Giới thiệu vấn đề cần nghị luận: Lòng khiêm tốn của con người trong xã hội hiện nay.
Ví dụ: Từ xưa đến nay, trên khắp đất nước Việt Nam ta bất kể thời đại nào thì nhân dân ta vẫn luôn đặt đạo đức là chuẩn mực hàng đầu đối với con người. Điều đó lại càng đặc biệt cần thiết trong xã hội hiện đại ngày nay. Chính vì thế mà đạo đức luôn là thước đo để đánh giá một con người. Một trong những đức tính được quan tâm và đánh giá nhất là lòng khiêm tốn, lòng khiêm tốn là đức tính đầu tiên con người cần phải có. Để hiểu rõ hơn về đức tính này ta cùng đi tìm hiểu về lòng khiêm tốn.
II. Thân bài
1. Giải thích
– Khiêm tốn là luôn có thái độ đánh giá đúng năng lực và khả năng của mình trong công việc và học tập
– Không cho rằng bản thân giỏi, không tự kiêu, tự mãn cho rằng mình hơn người
2. Biểu hiện của lòng khiêm tốn
– Người khiêm tốn luôn nhã nhặn, nhún nhường, tiếp thu ý kiến của người khác, không cho rằng mình giỏi
– Đối với thành công của mình thì người khiêm tốn luôn cho rằng đó là điều nhỏ nhoi, kém cỏi
– Ý thức rằng luyện bản thân ngày càng hoàn thiện luôn được thể hiện ở người khiêm tốn.
3. Bình luận về lòng khiêm tốn
a. Tại sao con người lại cần lòng khiêm tốn?
– Cuộc đời như một cuộc đua, con người không thể không ngừng học hỏi và rèn luyện để hoàn thiện bản thân hơn. Sự hiểu biết của mình vẫn còn ít ỏi, chính vì thế mà mình không nên cho rằng mình giỏi
– Đây là một đức tính quý giá ở con người, những người có đức tính khiêm tốn thường được mọi người yêu mến hơn là những người kiêu ngạo
b. Bên cạnh những con người khiêm tốn thì cũng có một số người tự kiêu, tự nhân mình giỏi
– Luôn khoe khoang bản thân, cho rằng mình giỏi
Ví dụ: như chú dế mèn trong truyện “Dế mèn phiêu lưu kí“ của nhà văn Tô Hoài
4. Rèn luyện đức tính khiêm tốn
– Mỗi chúng ta cần phải thực hiện tính khiêm tốn từ những công việc, hành động nhỏ nhất
– Học đức tính hòa nhã, không tham vọng, không cho thành công của mình là lớn lao, là vĩ đại
III. Kết bài
– Nêu cảm nghĩ của em về dức tính khiêm tốn
– Rút kinh nghiệm học tập cho bản thân
Dàn ý về lòng khiêm tốn mẫu 3:
I. Mở bài
– Dẫn dắt, giới thiệu về lòng khiêm tốn. Nêu nhận định, đánh giá của bản thân về vấn đề này (là một phẩm chất đáng quý, quan trọng,…).
II. Thân bài
1. Giải thích khái niệm:
– Khiêm tốn là gì? Một nét tính cách, phẩm chất đẹp trong việc nhìn nhận và đánh giá bản thân. Bản chất của lòng khiêm tốn chỉ thực sự đúng khi con người thật sự nhận thức được điểm cần phấn đấu của bản thân chứ không phải chỉ nói ngoài miệng.
– Người có lòng khiêm tốn là người như thế nào? Người không tự mãn, kiêu căng về vị trí và khả năng của bản thân, luôn tích cực rèn luyện để hoàn thiện nâng cao năng lực và không ngừng tiến xa hơn.
2. Biểu hiện của đức tính khiêm tốn:
– Nói năng, cư xử lễ độ, nhún nhường với người xung quanh.
– Biết nhận thức cái chưa đúng, chưa đủ, chưa giỏi của bản thân.
– Biết học tập và đúc kết kinh nghiệm từ những người giỏi hơn.
– Biết lắng nghe và tiếp thu ý kiến của người khác để hoàn thiện mình.
– Dám thừa nhận khi năng lực của mình thực sự thua kém người khác.
…
3. Vai trò của lòng khiêm tốn:
– Người khiêm tốn nhận được thiện cảm và đánh giá cao từ những người xung quanh.
– Giúp cá nhân nhận ra thiếu sót để tự hoàn thiện, mài giũa năng lực và ngày càng tiến bộ.
– Là động lực thúc đẩy sự phấn đấu giúp con người thành công trong mọi công việc.
– Người khiêm tốn biết lắng nghe và sẵn sàng nhận sai nên thường nhận được sự góp ý hữu ích và giúp đỡ chân thành từ người khác.
– Lòng khiêm tốn giúp các mối quan hệ với người xung quanh trở nên hài hòa, tốt đẹp.
…
4. Lời khuyên:
– Mỗi người cần trang bị cho mình lòng khiêm tốn.
– Nên có ý thức khách quan về năng lực của bản thân để tránh những sai lầm gây ra do tự mãn.
– Nên học cách lắng nghe người khác dù mình đã biết về vấn đề đó, điều này có lẽ sẽ giúp bạn hiểu biết thêm.
…
III. Kết bài
– Khái quát lại nhận định của bản thân về lòng khiêm tốn.
– Đúc kết kinh nghiệm cho bản thân.
Có thể bạn cũng quan tâm: Nghị luận về ý kiến Người ta lớn hơn vì biết cúi xuống
Hai bài văn mẫu tham khảo về lòng khiêm tốn
Bài nghị luận về lòng khiêm tốn mẫu 1:
Trong xã hội ngày nay, có không ít người với bước thành công ban đầu đã khoe khoang này nọ đủ thứ để chứng tỏ mình tài giỏi, hiểu biết. Tuy nhiên không phải trong trường hợp nào cũng phải “phô” ra cho người khác xem như thế, vì lòng khiêm tốn trong mọi trường hợp chưa bao giờ là thừa.
Lòng khiêm tốn là gì? Khiêm tốn chính là một lối sống không tự đề cao mình, đánh giá đúng mực về bản thân, không khoe khoang thành công và không ngừng học hỏi ở những người khác. Lòng khiêm tốn là một đức tính đáng quý, cần phát huy của mỗi con người. Nó sẽ giúp cho bạn thành công một cách vững chắc nhất.
Trong xã hội ngày nay, có rất nhiều người tài giỏi, vì thế không nên khoe khoang, khoác loác rằng mình làm được cái này cái nọ, mình hiểu được điều này biết được điều kia. Đó sẽ chỉ là trò cười cho thiên hạ mà thôi. Bản thân mình năng lực như thế nào mọi người sẽ có thể thấy được qua hành động của bạn chứ không phải qua lời nói.
Như chúng ta đã biết, thành công luôn là thành quả của một quá trình gian nan, vất vả mới có được. Khi thời gian đủ chín và mọi việc đủ thành thì bạn sẽ nắm trong tay phần thắng. Nếu như lúc đó bạn không khiêm tốn, không biết cách kiềm chế cảm xúc thì có lẽ bạn sẽ chìm ngập trong “mùi vị” vinh quang mà quên mất rằng thực tế bên ngoài còn nhiều điều chưa biết. Những người biết phân biệt đâu là cái danh, đâu là cái mình cần mới thực sự cân bằng được cuộc sống này. Bởi vậy, trong những lúc thế chúng ta mới thấy được lòng khiêm tốn quan trọng như thế nào.
Trong xã hội phong kiến có rất nhiều bậc danh nhân vì chán ghét cảnh tranh chấp quan trường mà cáo quan về ở ẩn. Họ luôn giữ cho lòng mình luôn sáng, tinh thần khiêm tốn, thanh cao. Đấy mới là điều đáng quý. Hay như Hồ Chí Minh, một con người vĩ đại lập được bao nhiêu công lao nhưng người chưa bao giờ nói rằng tôi đã làm được cái này, tôi đã làm được cái kia. Người tự cho rằng sự học không bao giờ là thừa, và lòng khiêm tốn cũng vậy. Chúng ta thành công như thế này, có người khác còn thành công hơn chúng ta. Xã hội không thiếu những người tài giỏi mà mình phải ngưỡng mộ học giỏi,.
Tuy nhiên hiện nay có một số người với chút công lao ban đầu đã to tiếng rằng mình là người tài giỏi thì thực sự công danh ấy có tồn tại được lâu. Khi tự nhận mình tài giỏi thì họ sẽ tự thỏa mãn rằng như thế là đủ, không cần cố gắng thêm. Như thế là quá sai lầm.
Khiêm tốn sẽ giúp cho bản thân mình nhận ra rằng còn điều gì thiếu sót mà mình phải hoàn thiện, học hỏi được từ người khác nhiều điều mà mình không có. Lòng khiêm tốn sẽ khắc phục được rất nhiều nhược điểm đang tồn tại trong bạn, ngày càng hoàn thiện được bản thân mình. Lòng khiêm nhường luôn đi liền với sự hòa nhã, hòa đồng với mọi người, vì tinh thần không ngừng cố gắng học hỏi. Còn đối với những kẻ tự thỏa mãn bản thân thì luôn thấy người khác là thấp hơn mình, không đáng học hỏi. Vậy là tự họ tạo nên khoảng cách cho mình với mọi người. Họ thành kẻ cô lập.
Bởi vậy lòng khiêm tốn đối với mỗi con người là vô cùng quan trọng, giúp cho mỗi con người chúng ta có thể thấy được rằng không có điều gì là đủ, là thừa. Càng khiêm tốn, chúng ta sẽ học hỏi thêm nhiều điều. Nhất là đối với thế hệ trẻ ngày nay.
Bài nghị luận về lòng khiêm tốn mẫu 2:
Louisa May Alcott đã từng nói: “Sự kiêu căng làm hỏng cả những thiên tài tốt đẹp nhất. Không nhiều mối nguy hiểm rằng tài năng hay những điều tốt đẹp thật sự sẽ không được chú ý; và thậm chí ngay cả trong trường hợp đó, nhận thức được mình có nó và sử dụng tốt nó nên thỏa mãn được ta, và sự quyến rũ lớn nhất của mọi quyền năng là tính khiêm tốn”. Đúng là như vậy, sự quyến rũ lớn nhất của con người chính là lòng khiếm tốn, đó là thứ nâng tầm con người lên và đức tính quyết định sự vĩ đại của con người.
Khiếm tốn là sự khiêm nhường, người khiêm tốn là có ý thức và thái độ đúng mức trong việc đánh giá bản thân, không tự đề cao, không kiêu căng, tự phụ. Trong cuộc sống, biểu hiện của lòng khiêm tốn rất rõ ràng và đáng được khen ngợi. Thường thì ai khi nhận ra tài năng của bản thân hoặc được công nhận một điều gì đó hơn người thì nhất định sẽ tự hào về điều đó và không ít trường hợp dẫn đến lòng kiêu căng tự phụ. Họ đã tự đánh giá quá cao bản thân mà không biết được rằng họ đã đánh giá sai lầm về bản thân họ. Họ dễ bị những lơi khen chê mờ phán đoán, dễ trở nên khinh thường và coi nhẹ người khác. Lòng khiêm tốn có biểu hiện ngược lại, người khiêm tốn sẽ từ chối những lời khen dành cho họ và không lấy những lời khen đó để tự cho mình là tài giỏi. Họ luôn cảm thấy mình chưa đủ sự tài năng hay hơn người như lời ngợi ca và cần cố gắng hết sức vì lời khen đó.
Câu hỏi đặt ra là tại sao cần có lòng khiêm tốn trong cuộc sống? Trong cuộc đời rộng lớn, vũ trụ bao la, mỗi con người chỉ là một phần vô cùng nhỏ và vô cùng bình thường như những hạt cát trên sa mạc. Nếu xét về tài năng, chúng ta có xuất phát điểm giống nhau và đều mang trong mình những tài năng khác nhau cùng khả năng chưa bao giờ bộc lộ hết, mỗi chúng ta đều có một con người phi thường đang say ngủ. Tuy vậy, chúng ta không phải là thiên tài duy nhất của vũ trụ, giống như cha ông ta vẫn nói: “núi cao còn có núi cao hơn, người tài còn có người tài hơn”. Cho dù là là người tài năng đến mấy thì cũng không phải là duy nhất.
Trước ta, đã có bao nhiêu người đi trước, ngay trong cuộc sống của ta đã có biết bao nhiêu người tài giỏi hơn ta gấp nhiều lần chỉ là ta chưa từng biết đến, sau ta sẽ còn nhiều còn người vĩ đại hơn. Vậy thì ta có lí do gì để tin rằng ta được quyền tự hào thái quá về tài năng của mình khi mà ta chẳng qua chỉ là một phần nhỏ bé trong rất nhiều con người tài giỏi và chắc gì ta thực sự đã có tài đến mức được tôn vinh. Ta có thể tài năng ở một lĩnh vực này nhưng có thể không biết gì về một lĩnh vực khác, một chuyên viên máy tính tài giỏi chưa chắc có thể tự hào về tài nghệ nấu ăn của anh ta. Đó là lí do để ta phải tin rằng tài năng của mình hiện có không phải là vĩ đại. Còn xét về vật chất của cải hay những điều ta may mắn có được hơn người khác như là ngoại hình, sắc đẹp, thì càng có lí do để ta trở thành những con người khiêm tốn thay vì tự phụ bởi những điều phù phiếm như vật chất hay sắc đẹp chỉ là phù du, có thể phai mờ theo năm tháng và thậm chí mất bất cứ lúc nào.
Ta phải hiểu quy luật đó và hiểu rằng những điều ta có không phải là vĩnh cửu, đừng lấy những điều đó để tự cho mình được quyền hơn người khác, làm người phải hiểu mình là ai và biết khiêm tốn đúng mực. Mặt khác, con người phải biết sống khiêm tốn mới là một con người hòa đồng, dễ gần và gây thiện cảm cùng sự yêu mến từ mọi người. Người khiêm tốn sẽ không chê bai người khác và khiến họ tổn thương về sự thiếu sót của bản thân mình. Điều này không chỉ có ý nghĩa cho chính người đó mà còn ảnh hưởng đến xã hội. Thử tưởng tượng một xã hội toàn là sự tự phụ của những kẻ phù phiếm thì đó nhất định là một xã hội ngột ngạt đáng chê.
Khiêm tốn thì không thể tạo ra con người vĩ đại nhưng nếu không có khiêm tốn, mãi mãi sẽ không thể vĩ đại. Lòng khiêm tốn khiến cho người ta không chỉ được yêu quý mà còn được tôn trọng bởi xã hội công nhận lòng khiêm tốn như là một trình độ văn hóa học thức cao siêu. Giống như Ngạn Ngữ Anh có câu: “Tri thức làm ta khiêm tốn, ngu si làm ta kiêu ngạo”. Chỉ những người có trình độ mới có thể tỏ ra khiêm tốn đúng mực khi được người khác rất mực ca ngợi. Đặc biệt hơn, những người khiêm tốn luôn có tư tưởng muốn tiếp tục phấn đấu để được trở nên hoàn thiện hơn vì với họ, mọi điều vẫn là chưa đủ tốt, họ biết mình chưa hoàn hảo và cần tiếp tục bồi đắp. Nếu một xã hội toàn những con người như vậy thì sẽ là một xã hội liên tục phát triển và đi lên.
Nhưng sự khiêm tốn phải xuất phát từ sự chân thành tự trong tim, không phải là vỏ bọc bên ngoài cho sự khoe mẽ về trình độ hay sự kiêu căng. Đồng thời, mọi người cũng cần phân biệt rõ ràng khiêm tốn và tự ti, khiêm tốn là sự khiêm nhường biết mình biết ta còn tự ti chỉ là sự hèn nhát, yếu đuối và không thể hiểu rõ về bản thân mình.
-/-
Với những mẫu dàn ý nghị luận về lòng khiêm tốn trên đây, Đọc Tài Liệu hi vọng đã giúp các bạn nắm được cách triển khai nội dung bài viết một cách cơ bản nhất, cũng như có thêm những ý văn hay thông qua những bài văn mẫu bàn về lòng khiêm tốn.
Đừng quên tham khảo nhiều bài văn mẫu hay lớp 9 khác tại thư mục tài liệu Văn mẫu 9 do Đọc Tài Liệu sưu tầm và tuyển chọn. Chúc các bạn luôn học tốt !