“Uống nước nhớ nguồn”, “Ăn quả nhớ kẻ trồng cây”,. là những câu tục ngữ quen thuộc thể hiện một truyền thống đạo lí được truyền từ đời này qua đời khác của con người Việt Nam. Đó chính là nét đẹp của lòng biết ơn – một trong những phẩm chất vô cùng cao quý và ngời sáng những giá trị của lối sống thủy chung, ân nghĩa.
Như chúng ta đã biết, lòng biết ơn là sự ghi nhớ, tri ân và là nét đẹp của lối sống coi trọng ân nghĩa đối với những người đã từng giúp đỡ mình. Lòng biết ơn được thể hiện qua rất nhiều hành động, việc làm cao đẹp vô cùng phong phú và đa dạng. Đó có thể là lòng thành kính đối với những người đã khuất qua những phong tục thờ cúng tổ tiên. Là sự tưởng nhớ công ơn của các vị vua Hùng qua ngày giỗ Tổ mùng 10 tháng 3 hay sự biết ơn đối với những người đã hi sinh vì độc lập tự do của dân tộc như Ngày thương binh liệt sĩ 22/7 hằng năm,. Đó có thể là sự tri ân công ơn dạy dỗ của các thầy cô giáo thông qua ngày Nhà giáo Việt Nam 20/ 11,. Tất cả những biểu hiện trên đã thể hiện ý nghĩa sâu sắc của lòng biết ơn đối với cuộc sống của con người.
Lòng biết ơn là một trong những truyền thống đạo lí của dân tộc ta, thể hiện rõ giá trị tinh thần hết sức tốt đẹp và sâu sắc. Nhờ sự khắc ghi và tưởng nhớ công ơn, những con người thế hệ sau sẽ luôn khắc ghi, tưởng nhớ đến công ơn của thế hệ cha anh đi trước, đồng thời biết trân trọng, nâng niu những gì đang có trong hiện tại. Bởi tất cả những thành quả mà chúng ta đang hưởng thụ đều không phải tự nhiên xuất hiện, mà đều trải qua quá trình lao động, sản xuất của người khác. Quá trình đó có thể thấm đẫm mồ hôi, nước mắt và thậm chí chứa đựng những hi sinh, mất mát vô cùng to lớn và vĩ đại. Những hạt cơm, hạt gạo hết sức bé nhỏ mà hằng ngày chúng ta thưởng thức đã trải qua một quá trình chăm sóc, vun trồng tỉ mỉ “nhất nước, nhì phân, tam cần, tứ giống”, là sự “dãi nắng dầm mưa”, “hai sương một nắng” tần tảo, vất vả của người nông dân.
Đặc biệt, bầu trời tự do, hòa bình và nền độc lập mà hôm nay đất nước ta có được là nhờ vào sự hi sinh xương máu của thế hệ cha anh đi trước.Với tinh thần yêu nước mãnh liệt và lí tưởng sống cao đẹp, những người lính đã xông pha mặt trận, can trường, dũng cảm đối mặt với “mưa bom bão đạn”, hi sinh tuổi xuân, tuổi đời “Chiến trường đi chẳng tiếc đời xanh” để đánh đuổi ngoại xâm và bảo vệ lãnh thổ, bờ cõi của dân tộc. Nhận thức được công ơn lớn lao đó, toàn thể đất nước Việt Nam vẫn luôn biết ơn, khắc ghi, tưởng nhớ đến những anh hùng liệt sĩ đã khuất và giúp đỡ, hỗ trợ những người thân, gia đình của những người thương binh. Lòng biết ơn còn là chuẩn mực để nhắc nhở con người về giá trị của gia đình, quê hương và cội nguồn.
Tuy nhiên, bên cạnh những người luôn cố gắng gìn giữ, phát huy lòng biết ơn, vẫn còn tồn tại những con người có lối sống đi ngược lại với những giá trị tốt đẹp của dân tộc, thể hiện qua việc lãng quên quá khứ, sống bội bạc, vong ơn phụ nghĩa. Đâu đó trong xã hội này, chúng ta vẫn dễ dàng bắt gặp những người con bất hiếu buông lời xúc phạm và ngược đãi bố mẹ. Thậm chí có những người sẵn sàng phản bội những người từng giúp đỡ mình để thỏa mãn lòng ích kỉ hay sự đố kị, ghen ghét. Đó là những hành động, thái độ sống đáng bị lên án, phê phán bởi họ đã lãng quên đi cội nguồn sinh thành, nuôi dưỡng.
Để gìn giữ và phát huy lòng biết ơn, chúng ta cần ghi nhớ, tôn vinh, trân trọng những điều được tạo nên từ cội nguồn, quá khứ như những giá trị tinh thần, văn hóa tốt đẹp. Đồng thời, tích cực tham gia vào các phong trào đền ơn đáp nghĩa bằng những hành động cụ thể và thiết thực; có thái độ lên án, phê phán mạnh mẽ đối với lối sống vô ơn, bội bạc.
Như vậy, lòng biết ơn là một trong những biểu hiện tốt đẹp của lối sống thủy chung và là lẽ sống cao đẹp cần được phát huy, vun đắp hơn nữa trong cuộc sống hiện nay. Là những học sinh đang ngồi trên ghế nhà trường, chúng ta cần ghi nhớ công ơn sinh thành, dưỡng dục của bố mẹ, gia đình, thầy cô, bằng những hành động cụ thể như ngoan ngoãn, lễ phép và nỗ lực hơn nữa trong học tập và lao động.