Tại nhiều chợ dân sinh và ngay cả những gánh hàng rong, bim bim cân là sản phẩm được bày bán rất nhiều và thu hút không chỉ khách hàng là trẻ nhỏ mà còn có cả người lớn.
Hương vị hấp dẫn, lại chỉ là món ăn vặt, nên bấy lâu nay nhiều người lại quên đi việc quan tâm tới chất lượng của các sản phẩm này.Tuy nhiên, đã bao giờ bạn tò mò loại bim bim cân mình hay ăn được sản xuất như thế nào? Khi biết sự thật hẳn nhiều người sẽ phải giật mình…
Loại bim bim đến người bán cũng chẳng dám ăn
Trong một đoạn clip gây sốt mạng xã hội vài ngày gần đây, hình ảnh những loại nguyên liệu đầy màu sắc được phơi ngay bên lề đường đầy khói bụi khiến nhiều người kinh hãi.
Tại một cơ sở sản xuất bim bim tại Dương Liễu – Hoài Đức, Hà Nội, có thể thấy rằng để sản xuất ra những sản phẩm bim bim, chủ cơ sở đã “nhờ cậy” vào rất nhiều loại phụ gia. Chỉ sau vài khâu đóng gói đơn sơ, các sản phẩm thu hút đầy ruồi nhặng tại xưởng sản xuất này bỗng “lên đời” trở thành mặt hàng ngon – bổ – rẻ trong mắt người tiêu dùng.
Theo đoạn clip, mỗi công xưởng như thế này có thể sản xuất hàng tấn bim bim cân mỗi ngày.
Được biết, bim bim vốn dĩ được làm từ các loại bột ngũ cốc được chế biến bằng nhiệt độ cao. Tuy nhiên, theo các chuyên gia dinh dưỡng, để có thể đạt được mùi vị và sức hấp dẫn với đối tượng khách hàng là trẻ nhỏ, các cơ sở sản xuất bim bim phải sử dụng rất nhiều phụ gia, phẩm màu. Nếu như không được kiểm soát tốt các yếu tố này sẽ trở thành nguồn gây hại cho cơ thể.
Kinh hãi hơn, tại một xưởng sản xuất khác cũng tại Hoài Đức không chỉ có phẩm màu và các loại phụ gia không có nguồn gốc, mà còn có thêm một loại nguyên liệu khác là bao tải bột thức ăn cho lợn.
Trước đây, những cơ sở sản xuất bánh kẹo, bim bim tại Hoài Đức cũng từng được phát giác. Chưa cần biết sản phẩm ở đây độc hại cỡ nào nhưng tất cả các gia đình sản xuất bim bim ở đây đều không bao giờ cho con cháu mình sử dụng loại bim bim do chính họ sản xuất ra. Thậm chí, ngay cả người làm công ở các cơ sở sản xuất cũng không ai ăn loại bim bim này và khuyến cáo con cái, bạn bè, anh em, người thân không nên ăn kẻo sinh bệnh.
Cẩn thận ung thư, béo phì vì món bim bim không rõ nguồn gốc
Sử dụngnguyên liệu gây hại chỉ là một phần, quá trình chế biến bim bim một cách vô cùng thủ công ở các cơ sở trên cũng là điều đáng bàn: Bim bim sẽ được chiên qua dầu với nhiệt độ rất cao để đảm bảo độ giòn và hấp dẫn vị giác. Ngoài ra, ở những cơ sở sản xuất bim bim thủ công thế này thì việc dùng đi dùng lại dầu ăn là không thể tránh khỏi.
Theo PGS Trần Hồng Côn, khoa Hóa học, Đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội cho biết, trên nguyên tắc dầu ăn chỉ được sử dụng một lần. Dầu ăn khi đã qua sử dụng thì không được phép dùng để chế biến thực phẩm.
“Dầu ăn đã qua chiên nấu nhiều lần, cộng thêm việc tái chế ở nhiệt độ cao nên thành phần hóa học bị biến đổi, phân hủy thành nhiều chất gây hại sức khỏe, nhất là các chất béo chuyển hóa (trans-fat). Loại chất béo này vào trong cơ thể, làm tăng nguy cơ mắc các bệnh ung thư, béo phì, tim mạch…“, phó giáo sư cho biết.
Theo các chuyên gia, dầu ăn chỉ tốt khi dùng ở nhiệt độ thường, chỉ nên dùng để trộn các loại salad. Việc chiêm bim bim bằng dầu ở nhiệt độ cao sẽ sinh ra các chất độc có hại cho cơ thể trong đó có andehit, aclorein. Những chất độc này sẽ âm thầm đi vào cơ thể người, gây ngộ độc trường diễn – loại ngộ độc nguy hiểm nhiều lần so với ngộ độc cấp tính.
PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh, Viện Công nghệ sinh học và Thực phẩm (Đại học Bách Khoa) cho rằng, trong bim bim giá rẻ có thể chứa các phụ gia như tạo màu, tạo mùi, tạo vị và chất tẩy trắng. Nếu trong trường hợp, doanh nghiệp sử dụng những loại chất tạo màu không thuộc danh mục của Bộ Y Tế cho phép thì chắc chắn sẽ gây hại ít nhiều cho người ăn.
Vậy khi ăn bim bim, chúng ta cần lưu ý điều gì?
Thực tế, khó có thể trách người mua cả tin khi mà thời đại hiện nay hàng hóa thật – giả, an toàn và mất an toàn vô cùng lẫn lộn. Hơn nữa, càng không thể cấm trẻ em ăn vì xưa nay những gói bim bim giòn tan, rẻ tiền đã là món ăn yêu thích của tuổi thơ.
Thay vào đó khi ăn bim bim, mọi người hãy ghi nhớ một số điều sau:
– Chỉ mua bim bim khi biết rõ nguồn gốc và nơi sản xuất.
– Không nên dùng bim bim nếu nó bốc ra mùi lạ và có hiện tượng mốc hỏng.
– Hạn chế sử dụng các sản phẩm có màu sắc bắt mắt vì rất khó kiểm sót dư lượng màu.
– Đối với trẻ em dưới 3 tuổi, cha mẹ cần giám sát khi trẻ dùng bim bim để tránh cho trẻ bị hóc.