Tomorrow Marketers – Economies of scale (tính kinh tế theo quy mô) là lợi thế về chi phí mà các công ty có được khi quá trình sản xuất trở nên hiệu quả. Các công ty có thể đạt được tính kinh tế theo quy mô bằng cách tăng sản lượng sản xuất và giảm chi phí, bởi vì lúc này chi phí sản xuất được dàn trải trên một số lượng hàng hóa lớn. Chi phí ở đây bao gồm cả chi phí cố định (fixed cost) và chi phí biến đổi (variable cost).
Quy mô của doanh nghiệp thường là yếu tố quan trọng khi nói đến tính kinh tế theo quy mô. Doanh nghiệp càng lớn sẽ càng tiết kiệm được nhiều chi phí.
Tính kinh tế theo quy mô gồm 2 dạng là nội sinh (internal) và ngoại sinh (external). Tính kinh tế theo quy mô nội sinh (internal economies of scale) được hình thành dựa trên các quyết định quản trị, trong khi tính kinh tế theo quy mô ngoại sinh (external economies of scale) liên quan đến các yếu tố bên ngoài.
Tìm hiểu về tính kinh tế theo quy mô
Kinh tế theo quy mô là một khái niệm quan trọng đối với bất kỳ doanh nghiệp trong bất kỳ ngành nào, thể hiện lợi thế tiết kiệm chi phí và lợi thế cạnh tranh của các doanh nghiệp lớn hơn so với các doanh nghiệp nhỏ hơn.
Hầu hết người tiêu dùng không hiểu tại sao cùng một sản phẩm nhưng doanh nghiệp nhỏ bán mắc hơn so với doanh nghiệp lớn. Đó là bởi vì chi phí cho một đơn vị sản phẩm (cost per unit) phụ thuộc vào số lượng sản phẩm mà công ty sản xuất. Các công ty lớn có thể sản xuất nhiều hơn bằng cách phân bổ chi phí sản xuất trên một lượng hàng hóa lớn hơn. Nếu nhiều công ty cùng sản xuất những hàng hóa giống nhau trong một ngành hàng, thì ngành hàng đó cũng có thể kiểm soát chi phí cho một đơn vị sản phẩm của toàn ngành.
Có một số lý do giúp giải thích tại sao tính kinh tế theo quy mô làm giảm chi phí cho một đơn vị sản phẩm (cost per unit).
- Thứ nhất là do quá trình chuyên môn hóa lao động và tích hợp công nghệ giúp thúc đẩy sản lượng sản xuất.
- Thứ hai là do công ty có các đơn đặt hàng số lượng lớn từ các nhà cung cấp, số lượng mua hàng tăng nhờ quảng cáo hoặc do giảm chi phí vốn (cost of capital).
- Thứ ba là do phân bổ chi phí từ các phòng ban nội bộ đến nhiều đơn vị sản phẩm được sản xuất và bán ra hơn.
Phòng ban nội bộ bao gồm phòng kế toán, công nghệ thông tin và marketing. Hai lý do đầu tiên đến từ hoạt động hiệu quả và đồng bộ của công ty, hai lý do còn lại là lợi ích của việc sáp nhập và mua lại (mergers and acquisitions – M&A).
Quan trọng: Một công ty có thể tạo ra tính phi kinh tế theo quy mô (diseconomy of scale) khi nó trở nên quá lớn và săn đuổi tính kinh tế theo quy mô.
Giải thích tính kinh tế theo quy mô
Tính kinh tế theo quy mô nội sinh (internal economies of scale) và tính kinh tế theo quy mô ngoại sinh (external economies of scale)
Như đã đề cập ở trên, có hai loại tính kinh tế theo quy mô. Tính kinh tế theo quy mô nội sinh (internal economies of scale) được sinh ra từ bên trong công ty, còn tính kinh tế theo quy mô ngoại sinh (external economies of scale) phụ thuộc vào các yếu tố bên ngoài.
Tính kinh tế theo quy mô nội sinh (internal economies of scale) xảy ra khi một công ty cắt giảm chi phí nội bộ, do đó từng công ty cụ thể sẽ có cách cắt giảm chi phí khác nhau. Đây có thể là kết quả của quy mô tuyệt đối của một công ty hoặc do các quyết định từ ban quản lý của công ty. Các công ty lớn hơn có thể đạt được tính kinh tế theo quy mô nội sinh (internal economies of scale) hiệu quả hơn – hạ thấp chi phí và tăng mức sản xuất – vì họ có thể mua tài nguyên với số lượng lớn, sở hữu bằng sáng chế hoặc công nghệ đặc biệt, hoặc có thể vì họ tiếp cận được nhiều nguồn vốn hơn.
Mặt khác, tính kinh tế theo quy mô ngoại sinh (external economies of scale) đạt được là do các yếu tố bên ngoài, hoặc các yếu tố ảnh hưởng đến toàn bộ ngành. Điều đó có nghĩa là không một công ty nào tự kiểm soát chi phí của mình, mà chịu ảnh hưởng của toàn ngành. Những điều này xảy ra khi có một đội ngũ lao động có tay nghề cao, trợ cấp và/hoặc giảm thuế, quan hệ đối tác và liên doanh – bất cứ điều gì có thể cắt giảm chi phí cho nhiều công ty trong một ngành cụ thể.
Những điều cần lưu ý
- Tính kinh tế theo quy mô là lợi thế chi phí các công ty có được khi quá trình sản xuất trở nên hiệu quả, vì chi phí sản xuất được dàn trải trên một số lượng hàng hóa lớn.
- Quy mô của một doanh nghiệp liên quan đến việc liệu nó có thể đạt được tính kinh tế theo quy mô hay không, các doanh nghiệp lớn hơn sẽ tiết kiệm được mức chi phí cao hơn và sản xuất được nhiều hơn.
- Tính kinh tế theo quy mô gồm 2 dạng: nội sinh (internal) và ngoại sinh (external). Tính kinh tế theo quy mô nội sinh (internal economies of scale) được sinh ra từ những nhân tố trong một công ty, trong khi tính kinh tế theo quy mô ngoại sinh (external economies of scale) ảnh hưởng tới toàn bộ ngành.
Giới hạn của tính kinh tế theo quy mô
Kỹ thuật quản trị và công nghệ phát triển đã tạo ra các giới hạn của tính kinh tế theo quy mô trong nhiều thập kỷ.
Chi phí lắp đặt (set-up costs) thấp hơn do công nghệ linh hoạt hơn. Các thiết bị được định giá chặt chẽ hơn để phù hợp với năng lực sản xuất, cho phép các nhà sản xuất nhỏ hơn như nhà máy luyện thép nhỏ và nhà sản xuất bia thủ công cạnh tranh dễ dàng hơn.
Các dịch vụ thuê ngoài (outsourcing services) khiến cho chi phí giữa các doanh nghiệp có quy mô khác nhau không còn chênh lệch quá nhiều. Những dịch vụ này bao gồm kế toán, nhân sự, marketing, thủ quỹ, pháp lý và công nghệ thông tin.
Sản xuất vi mô (micro-manufacturing), sản xuất siêu cục bộ (hyper-local manufacturing) và sản xuất bồi đắp/in 3D (additive manufacturing) là các phương thức sản xuất có thể giảm cả chi phí lắp đặt và chi phí sản xuất. Ngành thương mại và hậu cần (logistics) toàn cầu cũng góp phần làm giảm chi phí, bất kể quy mô của một nhà máy là lớn hay nhỏ.
Kết quả là, chi phí trung bình của hàng hóa có thể giao dịch (trade-able goods) đã giảm ở các nước công nghiệp kể từ khoảng năm 1995.
Ví dụ về tính kinh tế theo quy mô
Trong một bệnh viện, những ca thăm khám với bác sĩ kéo dài 20 phút, nhưng tất cả các chi phí hoạt động chung (overhead costs) của hệ thống bệnh viện được trải đều qua những ca khám khác. Người trợ giúp bác sĩ không chỉ một y tá, mà còn một kỹ thuật viên hoặc điều dưỡng.
Một xưởng gia công sản xuất sản phẩm áo sơ mi có logo công ty, chi phí set-up (để thiết kế logo và tạo ra mẫu in lụa) là một khoản chi phí lớn. Khi đó, nếu sản xuất số lượng áo lớn thì cost-per-unit thấp hơn vì chi phí set-up được dàn trải qua nhiều áo sơ mi hơn.
Trong một nhà máy lắp ráp, chi phí trên một đơn vị cũng giảm đi nhờ vận dụng robots để công nghệ liền mạch hơn.
Căn bếp của một nhà hàng thường là hình ảnh được sử dụng để minh họa sự hạn chế của tính kinh tế theo quy mô: nếu có nhiều đầu bếp trong một không gian nhỏ sẽ làm cản trở nhau. Trong các biểu đồ kinh tế, điều này đã được minh họa thêm trong mô hình đường cong hình chữ U (U-shaped curve), trong đó chi phí trung bình cho một đơn vị sản phẩm (average cost per unit) giảm và sau đó tăng lên. Chi phí tăng khi khối lượng sản xuất tăng là “tính phi kinh tế do quy mô” (dis-economies of scale).
Tạm kết
Tạo ra được tính kinh tế theo quy mô cho doanh nghiệp không chỉ giúp doanh nghiệp giảm thiểu được chi phí sản xuất mà việc tăng sản lượng còn giúp doanh nghiệp tăng sự chuyên môn hóa, vận dụng kỹ thuật công nghệ để tăng sản lượng sản xuất. Hãy tham gia khóa học Marketing Foundation của Tomorrow Marketers để trang bị cho mình những kiến thức Marketing, kiến thức kinh doanh bài bản góp phần duy trì và nâng cao hiệu quả hoạt động cho doanh nghiệp nhé!
Bài viết thuộc bản quyền của Tomorrow Marketers, xin vui lòng không sao chép dưới mọi hình thức!