- Nhập đề
Động cơ của người học nói gọn: động cơ học tập, là vấn đề cốt lõi của nhân cách đang ở thời kỳ hình thành, phát triển và bắt đầu hoàn thiện, một thành tố rất quan trọng trong cấu trúc của hoạt động tâm lý thuộc hoạt động dạy – học là hoạt động chủ đạo ở bậc học phổ thông, và cũng là một vấn đề hắc búa cả về phương diện lý luận, cả về phương diện thực tiễn, cả về phía người học lẫn về phía nhà giáo. Tài liệu về chủ đề này rất phong phú, theo Wikipedia (21-5-2015), có đến 114 bài báo, sách, ít bài từ mấy thập kỷ cuối thế kỷ XX, phần nhiều mới viết hơn 10 năm qua [1]. Ở ta, ít hơn nhiều. Riêng trong phạm vi đề tài tôi cùng các bạn đồng nghiệp thực hiện chỉ có 3 bài viết về động cơ học tập, động cơ xã hội: một tài liệu của Ban tâm lý học (2002), 2 bài của Viện khoa học giáo dục [2], một tài liệu của Đề tài KX05-07 (2004), từ điển bách khoa Tâm lý học-Giáo dục học Việt Nam có 2 mục từ [3], v.v. Trong “Từ điển bách khoa Việt Nam”, tập II (1995) xếp thuật ngữ “động cơ” thuộc triết học [4]. Chủ đề của hội thảo hôm nay mang tính thời sự, đóng góp vào sự phát triển khoa học tâm lý nước nhà và triển khai Nghi quyết 29 của Trung ương. Tôi có đôi ba ý kiến đóng góp, không đi vào các cấp học.
- Lý thuyết về “Động cơ”
Trong Từ điển tiếng Việt (2007), thuật ngữ “động cơ” giải thích nghĩa thứ nhất trong kỹ thuật “máy phát động, máy có sức kéo”, nghĩa thứ hai “lý do, nguồn gốc, sức thúc đẩy”[4], phần nào có thể vận dụng vào tâm lý học: động cơ khởi đầu của bộ máy tâm lý, nhưng chưa nói tới “nguồn gốc”, “thúc đẩy” nhằm tới đâu. Trong Từ diển từ và ngữ Việt Nam (2000) đã định nghĩa động cơ là nguyên nhân hay mục đích thúc đẩy hành động[4], gần với tâm lý học: “động cơ” gắn liền với “mục đích”. Vấn đề chính ở đây là phải phân biệt rõ hai khái niệm: động cơ (tiếng Anh: motivation hay motive) và động lực (tiếng Anh: drive force).
Cần phải phân định rõ ràng hai khái niệm này, hay nói chính xác theo tâm lý học, hai thành tố trong hoạt động tâm lý. Ngay cả cái mà chúng ta gọi là “củng cố” trong phản xạ hay hành vi (theo tâm lý học hành vi), kể cả “thưởng”, “phạt”, v.v., cũng được coi là động cơ. Thực ra, đó là “động lực” – một lực hướng vào một mục đích rất gần, đáp ứng một nhu cầu rất trực tiếp, nhiều khi đưa phạm trù “động lực” vào các trường hợp thỏa mãn bản năng, như bản năng đói, khát…
Hiểu “động lực” như “động cơ” gắn với “nhu cầu”, có tác giả gắn lý thuyết về động cơ với “tháp nhu cầu” của Mátlâu (A. Maslow, 1908-1970, Mỹ) đưa ra từ năm 1954: đúng là động cơ xuất phát từ nhu cầu, nhưng không phải là bất cứ nhu cầu nào. Theo đó, hai bậc đầu của tháp này là động cơ thúc đẩy hành động bảo đảm nhu cầu sinh lý, (ăn, ở, an toàn, sức khoẻ), mức thứ ba cao hơn là động cơ thúc đẩy hành động mang tính xã hội (tình bạn, tình yêu), hai bậc cao nhất đều là động cơ nội tại trong “bản thân” (tự tin: có thành tựu, được thừa nhận, tự khẳng định). Gần đây (1972), phát triển lý thuyết Mátlâu, Anđơcphơ (C.P. Alderfer, sinh năm 1940, Mỹ) đề xuất tháp nhu cầu mới, gọi là lý thuyết ERG gồm ba bậc: tồn tại (E: existence), quan hệ (R: relatedness) và sinh trưởng (G: growth, còn có thể dịch: trưởng thành), E tương ứng với 2 bậc đầu, R-bậc thứ ba và G-2 bậc cuối của Mátlâu [2].
Từ khi phát triển phương pháp tiếp cận hoạt động – nhân cách sang phương pháp tiếp cận hoạt động – nhân cách – giá trị (từ năm 1991), sang thế kỷ XXI đề xuất xây dựng tâm lý học giá trị [5], tôi quan tâm xem xét vai trò các “giá trị” trong động cơ hoạt động của con người. Hôm nay, viết tham luận về chủ đề này, tôi rất chú ý bài báo “Tích hợp các lý thuyết về động cơ” (2006) của Stin và Côních (Steel Piers và C. Konig) đăng trên tạp chí của Viện Hàn lâm quản lý (Mỹ), đưa ra công thức:
Kỳ vọng x Giá trị
Động cơ = ————————————
1 + Tính xung động x Trì hoãn
Ghi chú: “Động cơ” là mong muốn một kết quả đặc biệt; “Kỳ vọng” (hiệu quả) là sác xuất của kết quả; “Tính xung động” là độ nhậy cảm với sự trì hoãn; “Trì hoãn” là thời gian thực hiện [1]. (Tôi chưa có điều kiện tìm cách tính các thông số và cuôí cùng ra động cơ của một hành động như thế nào. Nhưng điều đáng chú ý ở đây là có thông số “giá trị”; trong đời sống của con người “kỳ vọng” thường gắn liền với “giá trị”).
- Động cơ hoạt động học tập và động lực hành động học tập
Cần phân biệt “động cơ” và “động lực”. Động cơ là một trạng thái tâm lý tạo thành một lực lượng tinh thần thúc đẩy con người định hướng, rồi hành động (action) tiến tới một mục đích. Phạm trù “động cơ” gắn liền với phạm trù “mục đích”. Khi lực lượng tinh thần đó tạo ra xung lực (sức mạnh, năng lượng) để thực hiện một mục tiêu cụ thể, động cơ biểu hiện cụ thể thành động lực. Phạm trù “động lực” gắn liền với phạm trù “mục tiêu”. Toàn bộ ý nghĩa của hoạt động tâm lý cuối cùng được xác định ở động cơ. Tác dụng trực tiếp, cụ thể của hoạt động tâm lý được xác định ở động lực.
Động cơ học tập, nói thông thường, là học nhằm mục đích gì. Động cơ hoạt động học tập là mục đích của một cấp học hay vài ba lớp trong một cấp, hoặc của cả một bậc học – phổ thông hay trường nghề, hay đại học. Động cơ hành động học tập là mục đích học một bài, một hoặc một vài học kỳ, một bài thi, một kỳ thi… – đồng nghĩa với động lực học tập, còn gọi là động cơ gần. Trường hợp thứ nhất gọi là động cơ xa. Vì vậy, trong hoạt động của con người có cả một hệ thống động cơ. Ý nghĩa thực tiễn ở đây là làm sao từ động cơ phải chuyển thành động lực hành động học tập nghiêm túc, chăm chỉ, tích cực, đạt kết quả tốt, được đánh giá cao ỏ PTCS, PTTH và các bậc học sau . Nhưng đồng thời lại chăm chút đến hình thành, phát triển, phát huy động cơ học đển THÀNH NGƯỜI, LÀM NGƯỜI, Ở ĐỜI – có nhân cách bao gồm phẩm chất và năng lực, như Nghị quyết 29 của Ban chấp hành TƯ (tháng 10 -2013) [6] đã chỉ ra, có tay nghề và lương tâm nghề đảm bảo cuộc sống của mình và gia đình, có trách nhiệm và làm nghĩa vụ công dân.
- Động cơ học tập: hình thành, phát triển, phát huy “giá trị bản thân”
Giáo dục là giá trị đặc thù của loài người. Nhà trường cùng gia đình và xã hội có trách nhiệm truyền thụ các giá trị của loài người và dân tộc cho thế hệ trẻ. Và trong những năm đi học (không kể sau đó) người học phải lĩnh hội được tinh thần của những giá trị đó, hình thành hệ giá trị của chính mình (giá trị bản thân), rồi phát triển theo thời đại, và đặc biệt quan trọng, phát huy tác dụng các giá trị bản thân vào cuộc sống của chính minh, của gia đình và cộng đồng, xã hội. “Giá trị bản thân” là tiêu điểm của đời sống tâm lý mỗi người: nhận biết cái gì có ý nghĩa đối với mình, đặt nó vào “trường ý thức” – ta có trải nghiệm, chú ý tới …và hành động để đạt được, ta có “hệ giá trị bản thân”, ví dụ, trong hệ giá trị đó có “giá trị vật chất” và “giá trị tinh thần”, có giá trị hình thành và phát triển nhân cách hay chi làm bài kiểm tra, thi…; rồi sắp xếp các giá trị trong hệ giá trị theo thứ tự ưu tiên nào – ta có “thang giá trị”; trước các sự kiện, sự vật, con người…xung quanh, ta đánh giá như thế nào, thái độ ra sao – theo “thước đo giá trị” mà ta định ra; từ “hệ giá trị”, “thang giá trị”, “thước đó giá trị” con người “định hướng giá trị” – đây là năng lực đặc biệt ở con người, có ý nghĩa rất lớn đối với ứng xử, hành động và hoạt động. Hoạt động dạy – học rất chú ý tới hoạt động định hướng giá trị.
“Giá trị bản thân” bao gồm “tâm lực”, “trí lực” và “thể lực” mà giáo dục có trách nhiệm giúp các em hình thành và phát triển. Từ những năm 80 thế kỷ trước Bộ giáo dục đã đề ra chủ trương “dạy chữ, dạy người, dạy nghề” với mục tiêu truyền thụ và tạo lập “tri thức, kỹ năng và thái độ”, nhưng kiểm điểm lại, quanh quẩn chủ yếu chỉ chạy theo “dạy chữ”. Thiếu nhiều điều kiện đề thực hiện giáo dục toàn diện. Hiện nay, vấn nạn “văn hoá học đường” đang khiến dư luận xã hội quan tâm. “Dạy nghề” sa sút, vực mãi chưa kịp theo yêu cầu. Đại học và cao đẳng thì mở tràn lan, số cử nhân thất nghiệp 2 năm trước lên đến 154.000 (Bộ lao động, thương binh và xã hội). Tất nhiên, số giỏi giang cũng không ít. Vấn đề là phải mau chóng khắc phục được tâm lý xã hội “từ chương, khoa cử”, và làm sao mỗi người, và cả thế hệ nữa, đến tuổi trưởng thành phải có vốn “giá trị bản thân”. Như thế mới tạo dựng được cuộc sống của bản thân, mới tự chủ, tự lập, tự trọng và được người khác tôn trọng. Đấy là sức mạnh nội tại của mỗi người, và tập hợp lại có sức mạnh của cộng đồng, dân tộc, ngày nay gọi là “sức mạnh mềm” của quốc gia – thiếu và yếu về sức mạnh này, khó sống trong cuộc cạnh tranh ngày nay. Con người sinh ra trong gia đình, nhưng không chỉ sống với gia đình, mà sự tồn tại của con người không thể thiếu giao tiếp với cộng đồng, xã hội, dân tộc, trong thời hội nhập quốc tế – cả với khu vực và cộng đồng thế giới. Vì vậy, con người phải tạo dựng cho mình hệ giá trị của chính mình, rồi sử dụng các giá trị ấy trước hết bảo đảm sự tồn tại của chính mình và gia đình mình (giá trị sống còn – giá trị tồn tại, cơ sở để tự mình coi trọng bản thân, sống với chính mình, hiểu đúng bản thân, đánh giá đúng mình mà vươn lên, như thế là “tự tin”: số phận của ta trong tay ta!), rồi thực hiện nghĩa vụ công dân và trách nhiệm của con người (tính người và tình người) với người khác, với cộng đồng, với dân tộc (xây dựng và bảo vệ Tổ quốc) – cơ sở để được người khác, cộng động… ghi nhận, tôn trọng, đánh giá… Đó là cách tốt nhất đề chúng ta tự thể hiện bản thân, tự khẳng định bản thân. Mấy điều vừa trình bầy phản ảnh trong Thang giá trị bản thân (cũng là cấu trúc nhân cách cần hình thành) sau đây:
- Về trách nhiệm của người dạy – lớn lắm. Không có gì nói nhiều, tôi chỉ mong các nhà giáo ở tất cả các môn, các dạng hoạt động các cấp đều chú tâm hướng các em vào hình thành và phát triển “giá trị bản thân” tức là dạy các em “thành người và làm người, ở đời”. Về thực trạng ở trên tôi có nói đôi nét tình hình, về giải pháp, ngày nay đã khác xưa nhiều nhiều lắm. Chỉ tính từ sau 1975, hiện 3 hoặc 4 thế hệ cùng sống. Kết thúc bài “Việt Nam hướng về phía trước” (20.5.2015), tác giả nhắc lại ý kiến của một người Việt Nam:”Bố mẹ tôi đã cống hiến cả đời cho Việt Nam. Nhưng tôi muốn sống cho bản thân và theo đuổi ước mơ của mình”. Chẳng những nội dung, chương trình phải thay đổi, mà thay đổi rất nhiều trong giải pháp theo một triết lý giáo dục nhân văn với hạt nhân “giá trị bản thân” [7].
GS.VS. NGND. Phạm Minh Hạc
(Bài đã được công bố trong Kỷ yếu Hội thảo quốc gia “Động cơ học tập của người học và trách nhiệm của người dạy – Thực trạng và giải pháp”, tổ chức tại Bà Rịa-Vũng Tàu ngày 17-18/7/2015, NXB Đại học quốc gia Hà Nội ấn hành, Hà Nội 2015, tr.14-19).
TÀI LIỆU THAM KHẢO
- Mạng Google. Wikipedia và các từ điển khác (20 – 5 – 2015)
- Phạm Thị Đức (2002). Những dấu hiệu tâm lý của việc hình thành động cơ nhận thức trong hoạt động của học sinh-thiếu niên.
Phạm Thi Nguyệt Lãng. Hình thành một dạng động cơ học tập ở học sinh cấp III.
Trong sách Phạm Minh Hạc, Đặng Xuân Hoài, Trần Trọng Thuỷ (2002) chủ biên “Hoạt động, giao tiếp và chất lượng giáo dục”. NXB. Đại học quốc gia Hà Nội.
- Lê Hương (2004). Động cơ và quá trình hình thành nhân cách.
Trong sách Phạm Minh Hạc, Lê Đức Phúc (2004) chủ biên “Một số vấn đề nghiên cứu nhân cách”, NXB. Chính trị quốc gia, Hà Nội.
- Từ điển bách khoa Việt Nam (1995). Tập III.
Quang Hùng – Minh Nguyệt (2007). Từ điển tiếng Việt, NXB. Từ điển bách khoa. Hà Nội.
Nguyễn Lân (2000), Từ điển từ và ngữ Việt Nam, NXB. Tp. Hồ Chí Minh.
Phạm Minh Hạc chủ biên (2013), Từ điển bách khoa Tâm lý học-Giáo dục học Việt Nam, NXB. Giáo dục Việt Nam. Hà Nội.
- Phạm Minh Hạc (2010; tái bản 2013), Giá trị học – cơ sở lý luận
Và thực tiễn để xây dựng hệ giá trị chung của người Việt Nam thời nay, NXB. Giáo dục Việt Nam, Hà Nội.
Phạm Minh Hạc (2015), Các giá trị dân tộc Việt Nam. Giá trị bản thân. NXB. Chính trị quốc gia, Hà Nội.
- Nghị quyết số 29 Ban chấp hành trung ương khoá XI “Đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hoá, hiện đại hoá trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hôi chủ nghĩa và hội nhập quốc tế” (10-2013).
- Tài liệu tham khảo đặc biệt. 20-5-2015. TTXVN.