A. KIẾN THỨC TRỌNG TÂM
I – ẨN DỤ LÀ GÌ?
1. Trong khổ thơ dưới đây, cụm từ Người Cha được dùng để chỉ ai? Vì sao có thể ví như vậy?
Anh đội viên nhìn Bác
Càng nhìn lại càng thương
Người Cha mái tóc bạc
Đốt lửa cho anh nằm.
(Minh Huệ)
Trong khổ thơ trên, Bác Hồ được ví như Người cha bởi tình cảm của Bác Hồ đối với các anh đội viên cũng giống như tình cảm của một người cha dành cho các con vậy. Nhà thơ đã bộc lộ cảm nhận của mình về sự giống nhau ấy và thể hiện bằng hình ảnh ẩn dụ “Người Cha mái tóc bạc”.
2. Cách nói này có gì giống và khác với phép so sánh?
Để một câu văn trở thành câu so sánh, chúng ta phải có 2 vế , đó là cái được so sánh và cái dùng để so sánh. Ví dụ:
Bác Hồ săn sóc những anh chiến sĩ như một Người cha già.
Vế 1 – Cái được so sánh ở trong câu là Bác Hồ
Vế 2 – Cái dùng để so sánh ở trong câu là Người Cha
Nhưng trong đoạn thơ trên chỉ xuất hiện vế 2 – cái dùng để so sánh (Người Cha) còn vế 1 lại bị ẩn đi (Bác Hồ)
Người ta còn nói “ẩn dụ là phép so sánh ngầm”, tức là chỉ có cái dùng để so sánh còn cái so sánh thì ẩn đi. Để có thể sử dụng ẩn dụ, giống như so sánh, người viết cũng phải dựa trên mối liên hệ giống nhau giữa các sự vật, sự việc.
Ghi nhớ
Ẩn dụ là cách gọi tên sự vật, hiện tượng này bằng tên sự vật, hiện tượng khác có nét tương đồng với nó nhằm tăng sức gợi hình, gợi cảm cho sự diễn đạt.
II – CÁC KIỂU ẨN DỤ
1. Các từ in đậm dưới đây được dùng để chỉ những hiện tượng hoặc sự vật nào? Vì sao có thể ví như vậy?
Về thăm nhà Bác làng sen
Có hàng râm bụt thắp lên lửa hồng.
(Nguyễn Đức Mậu)
Từ “thắp” chỉ việc dùng lửa châm vào một vật có khả năng bốc cháy.
“Lửa hồng” là hiện tượng về sự vật bị cháy mạnh.
=> Hàng cây râm bụt như những cái que có thể châm lửa để thắp thành lửa hồng ở hoa râm bụt.
Có thể ví như vậy bởi các sự vật này có thể liên hệ vì về mặt hình thức có tính tương đồng.
2. Cách dùng từ trong cụm từ in đậm dưới đây có gì đặc biệt so với cách nói thông thường?
Chao ôi, trông con sông, vui như thấy nắng giòn tan sau kì mưa dầm, vui như nối lại chiêm bao đứt quãng.
(Nguyễn Tuân)
Cụm từ “nắng giòn tan” tạo một cảm giác đặc biệt.
Ta có thể nói “Bánh phồng tôm giòn tan” bởi đó là một vật ăn ngon dễ vỡ nát. Ở đây, nắng là sự vật không định hình, không khối lượng. Dùng những hình ảnh vốn được nhận biết bằng những cơ quan cảm giác khác nhau để kết hợp thành một hình ảnh dựa trên những nét tương đồng nào đó, kiểu này thuộc ẩn dụ chuyển đổi cảm giác.
3. Từ những ví dụ đã phân tích ở các phần I và II, hãy nêu lên một số kiểu tương đồng giữa các sự vật, hiện tượng thường được sử dụng để tạo phép ẩn dụ. Có 4 kiểu ẩn dụ:
- Ẩn dụ hình thức
- Ẩn dụ cách thức
- Ẩn dụ phẩm chất
- Ẩn dụ chuyển đổi cảm giác
Ghi nhớ
Có bốn kiểu ẩn dụ thường gặp là:
– Ẩn dụ hình thức ;
– Ẩn dụ cách thức ;
– Ẩn dụ phẩm chất ;
– Ẩn dụ chuyển đổi cảm giác.