Account Executive là một ngành nghề khá mới mẻ đối với các ứng viên trẻ tiềm năng tại Việt Nam. Vị trí này phù hợp với giới trẻ năng động, sáng tạo phong phú, đầu óc nhạy bén cùng team Marketing thúc đẩy doanh thu của doanh nghiệp.
Cũng bởi liên quan đến doanh số, cho nên vị trí này vô hình chung phải chịu áp lực lớn. Vậy tại sao Account Executive lại “hot” đến thế? Công việc của một account executive là gì?
Glints Việt Nam sẽ giải đáp ngay cho bạn!
Tổng quan về Account Executive
Account Executive là gì?
Trước tiên, bạn cần tìm hiểu Account Executive là nghề gì. Account Executive thuộc bộ phận Account trong các công ty dịch vụ quảng cáo (Agency).
Vị trí này sẽ là cầu nối giữa khách hàng với doanh nghiệp. Họ là người chịu trách nhiệm tư vấn cho khách hàng về gói sản phẩm/dịch vụ, nhận các yêu cầu từ khách hàng, hỗ trợ xử lý các vấn đề nhằm mang đến sự hài lòng cho khách.
Account Executive và Sales có gì khác nhau?
Account Executive có nhiệm vụ theo dõi, quản lý và nhận yêu cầu từ các khách hàng cho các công ty quảng cáo.
Sales hay còn gọi là nhân viên kinh doanh là vị trí bán hàng cho doanh nghiệp. Sales tiếp xúc khách hàng để tư vấn và bán sản phẩm và dịch vụ có sẵn của công ty, giúp tăng doanh thu cho doanh nghiệp.
Nhiệm vụ trước và sau khi bán sản phẩm
- Account Executive: Nhận data từ Sales và tiến hành giúp khách hàng theo dõi tiến độ thực hiện công việc. Account Executive tập trung vào xây dựng mối quan hệ với khách hàng.
- Sales: Tìm kiếm khách hàng, mời chào các sản phẩm dịch vụ sau khi khách tiếp nhận và sử dụng sản phẩm dịch vụ thì chuyển data cho Account quản lý. Sales tập trung vào doanh số.
Người tìm kiếm khách hàng và người giữ liên hệ với khách hàng
- Account Executive: Vị trí này sẽ có mục tiêu nuôi dưỡng và nâng cấp gói dịch vụ từ khách hàng và duy trì mối quan hệ với họ.
- Sales: Tìm kiếm khách hàng tiềm năng, chuyển đổi từ trạng thái đối tượng tiềm năng thành khách hàng chính thức.
Lợi nhuận
- Account Executive: Tập trung vào lợi nhuận dài hạn của công ty, có trách nhiệm duy trì mối quan hệ với khách hàng khi nhận data từ sales. Về lâu dài, mục tiêu của người Account giúp khách hàng nâng cấp dịch vụ, mở rộng hợp đồng, tiếp tục hợp tác với các agency.
- Sales: Thiên về việc tìm kiếm khách hàng mới để thu được nhiều deal hơn, tập trung chốt khách và chờ tiền “vào túi”. Lợi nhuận của Sales sẽ về ngay khi có được khách hàng.
Làm Account Executive là làm những gì?
Vậy tóm lại, công việc của một Account Executive là gì? Tuỳ vào lĩnh vực ngành nghề mà Account Executive sẽ có một số tính đặc thù riêng.
Bất kể là truyền thông, PR – Marketing, thiết kế hay IT, v.v. Account Executive luôn phải xoay quanh và duy trì nuôi dưỡng mối quan hệ với những khách hàng đang nắm giữ.
Các yếu tố công việc bao gồm việc lên kế hoạch, điều phối và quản lý tiến độ của hoạt động. Cụ thể sẽ là:
- Làm cầu nối liên lạc chính đối với các khách hàng được phân công.
- Gặp gỡ, liên hệ với khách hàng để xác định, ghi nhận yêu cầu marketing của họ, đồng thời xử lý các vấn đề tài liệu liên quan.
- Lên concept và ý tưởng, đề xuất cho dự án marketing, quảng cáo theo yêu cầu của khách hàng và dự trù kinh phí.
- Giải đáp thắc mắc, phản hồi vấn đề của khách để đưa ra giải pháp tối ưu nhất.
- Tư vấn chiến lược marketing, quảng cáo và gợi ý thêm cho khách hàng sản phẩm dịch vụ mà doanh nghiệp đang có.
- Theo dõi và quản lý dự án để đảm bảo vẫn đang theo đúng tiến độ, hiệu quả theo định kỳ.
- Báo cáo lại các vấn đề phát sinh đến quản lý bộ phận để kịp thời xử lý nếu cần thiết.
- Sau khi dự án kết thúc, Account Executive có nhiệm vụ báo cáo tổng kết cho khách hàng. Đồng thời, họ sẽ làm thanh lý hợp đồng, hỗ trợ bộ phận kế toán thu hồi công nợ, và tiếp tục chăm sóc khách hàng để tiếp tục cung cấp dịch vụ cho họ.
Tố chất và kỹ năng của một Account Executive
Kiến thức chuyên môn
Sự hiểu biết về chuyên môn nghiệp vụ là cần thiết cho vị trí Account Executive. Để có thể thuyết phục, tư vấn và đưa ra các giải pháp chính xác đáp ứng được nhu cầu của khách hàng, người Account phải thật sự am hiểu lĩnh vực ngành nghề.
Giao tiếp ứng xử tốt
Account Executive kết nối giữa khách hàng với doanh nghiệp. Quá trình tiếp xúc và giao tiếp trong suốt dự án đòi hỏi bạn phải biết cách nói chuyện linh hoạt. Hãy truyền tải điều bạn muốn nói đến khách hàng một cách rành mạch rõ ràng.
Thấu hiểu yêu cầu của khách hàng, thì Account Executive mới đáp ứng được nhu cầu của họ và giữ kết nối lâu dài hơn.
Tư duy đổi mới, sáng tạo
Các ngành nghề liên quan đến quảng cáo, marketing, truyền thông luôn cần một bộ não giàu ý tưởng để nắm bắt được xu hướng thị trường. Và vị trí Account Executive cũng cần như thế.
Account Executive luôn phải dành thời gian để không ngừng đổi mới, trau dồi kiến thức, tìm hiểu nghiên cứu nhu cầu mới của khách hàng. Từ đó, họ đề xuất những ý tưởng phù hợp giúp cho khách hàng đạt được mục đích mong muốn.
Kỹ năng xây dựng kế hoạch
Account Executive sẽ lên kế hoạch cho mỗi chiến dịch. Bạn sẽ dự trù và kiểm soát kinh phí của dự án, soạn sẵn báo cáo theo dõi tiến độ công việc, nghiên cứu đo lường các thông số chiến dịch, để từ đó đưa ra những giải pháp cải tiến hiệu quả.
Kỹ năng hoạch định tài chính
Để mỗi một dự án được vận hành trơn tru, Account Executive đều phải tính toán và báo giá chính xác. Họ sẽ sử dụng nguồn lực này để thực hiện dự án đảm bảo trong phạm vi ngân sách được đưa ra.
Đọc thêm: Thủ Quỹ Làm Gì? Mô Tả Chi Tiết Công Việc Của Thủ Quỹ
Kỹ năng giải quyết vấn đề
Các tình huống phức tạp phát sinh trong mỗi dự án là điều không thể tránh khỏi. Account Executive luôn phải biết cách ứng phó. Đôi khi gặp phải một khách hàng khó tính, bạn cần phải biết cách hòa nhã, giải thích và thuyết phục họ.
Vì vâỵ, trang bị kỹ năng xử lý vấn đề khôn khéo và luôn nhạy bén trong bất kỳ tình huống nào sẽ cực kì cần thiết để đảm bảo công việc hoàn thành một cách suôn sẻ.
Cẩn thận tỉ mỉ
Account Executive phải theo sát và quản lý mỗi dự án. Họ gần như là khâu đầu tiên tiếp nhận khách hàng, lên kế hoạch và theo dõi toàn bộ từng công đoạn cho đến khi báo cáo kết quả cuối.
Vì phải theo sát toàn bộ như vậy, cho nên Account Executive luôn phải thật tỉnh táo, cẩn thận để xử lý chúng.
Kỹ năng đa nhiệm (Multi-tasking)
Kỹ năng đa nhiệm là kỹ năng bắt buộc phải có của vị trí Account Executive. Bởi họ có thể làm việc hiệu quả cho nhiều khách hàng khác nhau cùng một lúc.
Ví dụ: Họ có thể đồng thời làm các nhiệm vụ dự án hiện tại, viết báo cáo cho các dự án đã hoàn thành và thực hiện các cuộc gọi bán hàng đến các khách hàng tiềm năng cùng một lúc.
Các cấp bậc của ngành Account Management
Trong hệ thống của ngành Account Management có rất nhiều cấp bậc, vị trí khác nhau. Dưới đây là các vị trí được sắp xếp từ thấp đến cao để bạn có thể thăng tiến trong công việc:
Account Executive
Đây là vị trí khởi đầu của ngành Account Management của công ty quảng cáo (Agency). Mức lương cho vị trí này rơi vào khoảng 6-10 triệu đồng/tháng (dành cho cấp Junior) và 10-15 triệu đồng/tháng (dành cho cấp Senior).
Account Manager
Khi bạn có đủ năng lực, việc chuyển đổi từ vị trí Account Executive lên vị trí Account Manager trong vòng 2 – 3 năm là điều hoàn toàn có thể.
Đây là giai đoạn bạn hoàn thiện kỹ năng, kiến thức của bản thân để có một cái nhìn tổng thể hơn đối với ngành Account Management.
Mức lương cho vị trí này từ 15-35 triệu đồng/tháng (dành cho cấp Junior) và 35-50 triệu đồng/tháng (dành cho cấp Senior).
Account Director
Để lên vị trí Account Director, thông thường bạn sẽ mất khoảng 5 – 6 năm. Công việc của vị trí này phải xây dựng mối quan hệ với các đối tác lớn, quản lý cấp dưới và các công việc liên quan khác.
Account Director đòi hỏi tính trách nhiệm cao. Vậy nên, mức lương cho vị trí này cũng vô cùng hấp dẫn từ 45-65 triệu đồng/tháng.
Tổng kết
Qua bài viết này, Glints đã giải đáp cho bạn về vị trí Account Executive là gì và công việc của một Account là làm gì.
Mong rằng kiến thức mà chúng mình chia sẻ có thể giúp bạn hiểu hơn về công việc này, cũng như mở thêm một “cánh cửa” phù hợp với mong muốn của bạn.
Tác Giả