Có trình độ chuyên môn, kỹ thuật cao cùng việc tích lũy nhiều kinh nghiệm thực tiễn chính là chìa khóa vàng để sinh viên tốt nghiệp Bác sĩ Đa khoa làm tốt nghề với nhiều triển vọng trong tương lai. Tuy nhiên, để đạt được điều đó ngoài nỗ lực của bản thân trong quá trình học tập, các bạn sinh viên nên lắng nghe những lời khuyên, kinh nghiệm được đúc kết từ các giảng viên, bác sĩ giàu kinh nghiệm và các anh chị sinh viên ngành Bác sĩ Đa khoa khóa trước để giúp các bạn bớt đi những bỡ ngỡ, bắt nhịp làm quen nhanh chóng trong một môi trường học tập mới khác xa thời phổ thông.
1. Bác sĩ Đa khoa học bao lâu?
– Để trở thành sinh viên ngành Bác sĩ Đa khoa, các thí sinh phải có học lực tốt ngay từ những năm tháng học phổ thông và có điểm số cao trong kỳ thi Trung học Phổ thông quốc gia bởi Bác sĩ Đa khoa là ngành đặc thù nên các trường đại học đưa ra chỉ tiêu hạn chế để đào tạo có chất lượng tốt nhất.
– Tiếp đó, sinh viên sẽ dành 6-7 năm học tập và nghiên cứu tại một trường đại học có uy tín đào tạo y khoa.
– Tốt nghiệp đại học, sinh viên được cấp bằng nhưng chưa được cấp chứng chỉ hành nghề.
– Sau khi ra trường Bác sĩ Đa khoa cần tối thiểu là 9 tháng công tác tại các cơ sở y tế, bệnh viện,… mới được Bộ Y tế cấp chứng chỉ hành nghề.
2. Bác sĩ Đa khoa học gì?
Bác sĩ Đa khoa còn được gọi là “bác sĩ tổng quát” điều trị các bệnh mãn và cấp tính, đưa ra các biện pháp phòng bệnh, hướng dẫn phục hồi sức khỏe và kê thuốc cho bệnh nhân. Việc chuẩn đoán của họ không hạn chế vào một cơ quan cụ thể trên cơ thể mà có thể khám và điều trị nhiều vấn đề sức khỏe mắc phải cho bệnh nhân. Do đó, bác sĩ Đa khoa được đào tạo toàn diện.
Sinh viên theo học chuyên ngành này được học các kiến thức đại cương và kiến thức cơ sở ngành như: Giải phẫu học, mô phôi, sinh lí học, hóa sinh, sinh lý bệnh, dược lí, miễn dịch, sức khỏe môi trường, dinh dưỡng, vệ sinh an toàn thực phẩm, kỹ năng giao tiếp,… và sau đó sẽ được học các kiến thức chuyên sâu về: y học lâm sàng, y học hiện đại, y học cổ truyền, nội da liễu, ngoại nội tiết, huyết học, Nhi tâm thần, Nhiễm lao – Bệnh phổi, Nội thần kinh, Ngoại thần kinh, Tai – Mũi – Họng, Chấn thương Chỉnh hình mắt, Ung thư, Dược học cổ truyền, Dưỡng sinh, Châm cứu, Bệnh học, Chẩn đoán hình ảnh…
Trải qua thời gian đào tạo khoảng 6-7 năm, sinh viên tốt nghiệp sẽ trở thành Bác sĩ Đa khoa. Sau khi tốt nghiệp, muốn theo chuyên khoa nào thì phải học thêm 1 năm định hướng theo chuyên khoa mà bạn tự chọn.
3. Tố chất cần có để trở thành Bác sĩ Đa khoa:
– Phải Tâm Y Đức, có tâm lòng nhân hậu, thương người vì “Cứu một mạng người hơn xây 7 tầng tháp”.
– Có được đôi bàn tay khéo léo, có sức khỏe tốt, đặc biệt có thần kinh vững vàng.
– Có khả năng giao tiếp tốt, phong thái cởi mở, biết cách tạo sự tin cậy
– Kiên trì, nhẫn nại, chịu khó, cẩn thận, tỉ mỉ
– Học tốt môn Sinh học, Hóa học.
4. Cơ hội Việc làm và Thực tập
Sau khi tốt nghiệp ngành Bác sĩ Đa khoa, sinh viên có thể làm việc tại:
– Các bệnh viện, các cơ sở y tế, các cơ sở đào tạo y dược, các Viện nghiên cứu và các cơ quan Quản lý ngành khoa học sức khỏe, các tổ chức nhà nước và tổ chức phi chính phủ.
– Các cơ sở điều trị: bác sĩ trực tiếp tham gia điều trị và quản lý tại các bệnh viện công lập và tư nhân.
– Các cơ sở đào tạo: giảng viên các trường đại học, cao đẳng và trung học y tế, cán bộ quản lý đào tạo.
– Các viện nghiên cứu: chuyên viên trong các viện nghiên cứu thuộc lĩnh vực khoa học sức khỏe, y dược, y sinh, công nghệ y dược…
– Các cơ quan quản lý: chuyên viên các cơ quan quản lý y tế. Chuyên viên trong các tổ chức nhà nước và tổ chức phi chính phủ
5. Học chuyên ngành Bác sĩ Đa khoa tại Đại học Duy Tân
Trước tình trạng nguồn nhân lực Y tế tại khu vực miền Trung – Tây Nguyên chưa thể đáp ứng đủ nhu cầu của người dân, Đại học Duy Tân đã được Bộ Giáo dục & Đào tạo cho phép chính thức mở ngành học mới Bác sĩ Đa khoa từ năm 2015 theo Quyết định số 6975/BGDĐT-GDĐH, với sự thông qua của Cục Khoa học Công nghệ và Đào tạo (Bộ Y tế), trên cơ sở chương trình đào tạo được thẩm định bởi Học viện Quân y.
Xác định việc lựa chọn ngành nghề đào tạo ở khối ngành Khoa học Sức khỏe có liên quan mật thiết tới vấn đề y đức, “cầm nắm” sinh mạng của con người, Đại học Duy Tân đã dành nhiều năm để từng bước xây dựng các ngành nghề đào tạo Y-Dược, xây dựng đội ngũ giảng viên giỏi cùng đầu tư cơ sở vật chất hiện đại để chuẩn bị cho việc mở ngành Bác sĩ Đa khoa. Năm 2009, Đại học Duy Tân mở ngành Điều dưỡng bậc đại học. Tiếp đó năm 2012, Duy Tân mở ngành Dược sĩ Đại học. Điểm số đầu vào trong các mùa tuyển sinh của khối ngành Khoa học Sức khỏe ở Đại học Duy Tân luôn ở mức cao.
Đại học Duy Tân ký kết với nhiều đại học tại Mỹ và cơ quan, đơn vị Y tế Việt Nam để nâng cao chất lượng giảng dạy
Từ năm 2013, Đại học Duy Tân đã bắt đầu xây dựng đề án đào tạo ngành Bác sĩ Đa khoa. Các sinh viên theo học ngành Bác sĩ Đa khoa sẽ được giảng dạy bởi đội ngũ cán bộ, giảng viên có trình độ chuyên môn cao tốt nghiệp từ các trường có uy tín trong và ngoài nước. Để xây dựng chương trình học có chất lượng, Đại học Duy Tân tiến hành hợp tác và tham khảo giáo trình của hai đối tác trường y lớn ở Mỹ là Đại học Illinois ở Chicago (Mỹ) và Đại học Pittsburgh (UPMC, Mỹ).
Bên cạnh đó, Duy Tân cũng ký kết hợp tác với 18 bệnh viện lớn để sinh viên có cơ hội học tập với các bác sĩ có uy tín cũng như thực hành lâm sàng với bệnh nhân. Trong đó có những bệnh viên hạng 1, bệnh viện tuyến Trung ương, bệnh viện đặc biệt là cơ sở thực hành chính của sinh viên ngành Bác sĩ Đa khoa như: Bệnh viện Đà Nẵng, Bệnh viện C, Bệnh viện Bộ công an 199, Bệnh viên Quân y 17, Bệnh viện Trung ương Huế. Đây là địa chỉ học tập đáng tin cậy cho các bạn sinh viên của khu vực miền Trung nói riêng và cả nước nói chung.