Đối với các cơ quan báo chí, Bảo hiểm MIC còn “né tránh” thì việc giải quyết các khiếu nại của “thượng đế” không biết còn “ầu ơ ví dầu” đến bao giờ!
Đưa vào “thế bí” để “móc tiền” khách hàng
Công lý & Xã hội đã đăng tải bài “Mua bảo hiểm phòng rủi ra hay gánh thêm nỗi lo chuyện bồi thường bảo hiểm” số 007 ra ngày 22/01/2021 phản ánh về việc người dân khi mang xe sửa chữa theo mục bảo hiểm vật chất, nhân viên bảo hiểm yêu cầu tăng từ 1 vụ sang 2 vụ mới duyệt phí sửa chữa, còn không cứ đi khiếu nại.
Theo đơn thư của ông Huỳnh Minh Đức ngụ tại phường Phú Thọ Hòa (quận Tân Phú, TP.HCM) trình bày, ông Đức sở hữu xe ô tô hiệu Innova đời 2017, mua bảo hiểm vật chất xe với giá gần 8 triệu đồng của Công ty Bảo hiểm MIC TP.HCM trực thuộc Tổng Công ty Cổ phần Bảo hiểm Quân Đội (Bảo hiểm MIC) có thời hạn từ ngày 04/3/2020 đến ngày 04/3/2021.
Ngày 06/01/2021, ông Đức điều khiểu phương tiện vào nhà xe, vô ý để xảy ra va chạm làm hư hỏng xe. Ngay lúc đó, ông Đức gọi điện báo về Tổng đài để tư vấn và xin hướng dẫn thủ tục sửa chữa.
Theo hẹn, hôm sau (07/01/2021), ông Đức mang xe đến garage để được sửa chữa. Tại đó, nhân viên garage vẽ, chụp hình, sau đó cho biết khi nào Giám định viên trình duyệt phí xong garage mới tiến hành sửa chữa.
Trong thời gian chờ đợi duyệt phí, ông Đức được Giám định viên yêu cầu cung cấp thêm hình ảnh từ camera hành trình hoặc camera đặt tại nhà xe để có cơ sở xem xét tổn thất, nếu không cung cấp được thì phải chịu khấu trừ thành hai vụ.
Ông Đức không đồng ý với yêu cầu phải có camera vô lý như thế. Vì khi xảy ra va chạm, ông Đức đã gọi về Tổng đài, làm theo mọi hướng dẫn của Giám định viên. Với cách tính khấu trừ này của nhân viên Bảo hiểm MIC, ông Đức yêu cầu được khiếu nại cấp cao hơn.
Thế là xe ông Đức “bị giam” chờ giải quyết, nếu đồng ý phương án chấp nhận khấu trừ là hai vụ thì được sửa chữa ngay, ngược lại muốn khiếu nại thì “đi grab”???
Sau 4 ngày chờ giải quyết, ông Đức đành chủ động gọi hỏi thì được trả lời giống như nội dung Giám định viên đã đề nghị trước đó. Nghĩa là khách hàng phải chịu khấu trừ chi phí là hai vụ, nếu không đồng ý thì cứ đến trụ sở Bảo hiểm MIC khiếu nại, đồng thời Tổng đài viên còn cung cấp địa chỉ khiếu nại.
Không đồng ý với cách giải quyết kiểu “giam xe” như thế, ông Đức cho biết “Là người không có chuyên môn về xe, tôi không thể biết được thiệt hại bên trong sau va chạm như thế nào. Cũng như những khách hàng khác, tôi chỉ kể lại sự việc xảy ra va chạm và thấy tổn thất trước mắt. Việc giám định tổn thất bên trong là do Giám định viên và người có chuyên môn xác định, tôi làm sao biết được”.
Như vậy, chỉ có một vụ va chạm mà Bảo hiểm MIC TP.HCM buộc khách hàng phải thanh toán khấu trừ hai vụ. Nếu khách hàng không đồng ý thì xe cứ “để đó”, từ từ đến Công ty bảo hiểm khiếu nại sau! Liệu cách làm việc và giải quyết của Bảo hiểm MIC như thế có đúng luật và tôn trọng khách hàng của mình?
“Né” trả lời báo chí, phải chăng có điều gì bất thường?
Không thể “cù cưa” với đơn vị bảo hiểm này, ông Đức đành chấp nhận theo phương án giải quyết của Giám định viên. Bởi vì, trong thời gian đợi giải quyết khiếu nại thì xe của khách hàng phải “nằm” lại garage chờ. Điều đó có phải “ép” “thượng đế” chấp nhận yêu cầu phi lý của họ hay không?
Như vậy, khách hàng đề phòng rủi ro nên mới mua bảo hiểm, nhưng trong trường hợp của ông Đức nói riêng, của các khách hàng đã mua Bảo hiểm MIC nói chung, khi mua bảo hiểm để tránh rủi ro lại gặp rủi ro, đồng thời vừa bị “cài” mất thêm tiền khấu trừ, vừa mất tiền đi grab và còn bị “giam xe” vô lý(?!)
Ngày 15/01/2021, phóng viên có buổi làm việc với bà Lưu Phương – Phó Phòng Tài chính Kế toán Công ty Bảo hiểm MIC TP.HCM. Bà Phương nhận đơn đề nghị cung cấp thông tin của phóng viên và hứa sẽ chuyển tới lãnh đạo trả lời sau.
Ngày 26/01/2021, ông Nguyễn Văn Thạch – Tổ Trưởng tổ bồi thường tại TP.HCM của Bảo hiểm MIC mời phóng viên đến trụ sở làm việc để trao đổi. Sau một lúc trình bày “vu vơ”, vị Tổ trưởng tổ bồi thường không trả lời theo nội dung phóng viên đã đề nghị trước đó mà hứa sẽ sớm trả lời bằng văn bản.
Kể từ khi có đơn đề nghị cung cấp thông tin, tính đến nay đã gần 3 tháng mà phóng viên chưa nhận được bất kỳ phản hồi nào thêm từ phía Bảo hiểm MIC. Theo Điều 39 Luật Báo chí 2016, trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày nhận được yêu cầu của người đứng đầu cơ quan báo chí, cơ quan, tổ chức, cá nhân có trách nhiệm trả lời trên báo chí.
Tương tự, trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày nhận được ý kiến, kiến nghị, phê bình, khiếu nại của tổ chức, công dân và tố cáo của công dân do cơ quan báo chí chuyển đến, người đứng đầu cơ quan, tổ chức có trách nhiệm thông báo cho cơ quan báo chí biết biện pháp giải quyết.
Nếu quá thời hạn nêu trên mà không nhận được thông báo của cơ quan, tổ chức thì cơ quan báo chí có quyền chuyển ý kiến, kiến nghị, phê bình, khiếu nại, tố cáo của tổ chức, công dân đến cơ quan cấp cao hơn có thẩm quyền giải quyết hoặc đưa vấn đề đó lên báo chí.
Qua vụ việc trên, dư luận cho rằng đối với các cơ quan báo chí, Bảo hiểm MIC còn “né tránh” như vậy thì việc giải quyết các khiếu nại của “thượng đế” không biết còn “ầu ơ ví dầu” đến thế nào nữa?
Để khắc phục tình trạng này, Báo CL&XH đề nghị Bảo hiểm MIC cần sớm đưa ra phản hồi nhanh chóng tới phóng viên theo quy định của Luật Báo chí 2016 và Nghị định 09/2017/NĐ- CP ngày 09/02/2017 của Chính phủ để thông tin kịp thời đến dư luận.
Đức Minh