Contents
Xác nhận bảo lãnh (Confirm Guarantee)
Xác nhận bảo lãnh – danh từ, trong tiếng Anh được dùng bởi cụm từ Confirm Guarantee.
Xác nhận bảo lãnh là cam kết của ngân hàng (bên xác nhận bảo lãnh) đối với bên nhận bảo lãnh về việc bảo đảm khả năng thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh của ngân hàng bảo lãnh đối với khách hàng.
Trường hợp ngân hàng bảo lãnh không thực hiện hoặc thực hiện không đầy đủ nghĩa vụ của mình như đã cam kết với người thụ hưởng thì ngân hàng xác nhận sẽ thực hiện nghĩa vụ thay cho ngân hàng bảo lãnh.
Trong đó:
(1) Hợp đồng gốc là cơ sở phát sinh yêu cầu bảo lãnh.
(2) Người xin bảo lãnh làm đơn yêu cầu ngân hàng phát hành bảo lãnh cho đối tác trong hợp đồng gốc thụ hưởng.
(3) Ngân hàng bảo lãnh phát hành bảo lãnh cho người thụ hưởng. Khi hợp đồng bị vi phạm, ngân hàng bảo lãnh bồi thường cho người thụ hưởng.
(4) Ngân hàng bảo lãnh đề nghị ngân hàng xác nhận phát hành xác nhận bảo lãnh cho người thụ hưởng.
(5) Ngân hàng xác nhận phát hành xác nhận bảo lãnh cho người thụ hưởng. Khi ngân hàng bảo lãnh vi phạm hợp đồng bảo lãnh, ngân hàng xác nhận bồi thường cho người thụ hưởng. (Theo Giáo trình Ngân hàng Thương mại, NXB Thống kê)
Bảo lãnh bảo hành (Mainternance Guarantee)
Bảo lãnh bảo hành – danh từ, trong tiếng Anh được dùng bởi cụm từ Mainternance Guarantee.
Bảo lãnh bảo hành là loại bảo hành thường được áp dụng trong đấu thầu xây dựng để bảo hành công trình hoặc bảo lãnh trong các hợp đồng nhập thiết bị đồng bộ để bảo hành thiết bị máy móc. Giá trị bảo lãnh thường từ 5% đến 10% giá trị hợp đồng.
Trong trường hợp người cung ứng hoặc người dự thầu không bảo hành thiết bị, công trình thì ngân hàng bảo lãnh sẽ trả tiền bảo lãnh cho người thụ hưởng để thuê công ty khác sửa chữa, bảo hành.
Thời hạn hiệu lực của thư bảo lãnh thường từ 12 đến 24 tháng kể từ ngày lắp đặt thiết bị hoàn chỉnh, chạy thử hoặc từ ngày nghiệm thu công trình xây dựng.
Đồng bảo lãnh (Co – Guarantee)
Đồng bảo lãnh – danh từ, trong tiếng Anh được dùng bởi cụm từ Co – Guarantee.
Đồng bảo lãnh là việc nhiều ngân hàng cùng bảo lãnh cho một nghĩa vụ của khách hàng thông qua một ngân hàng làm đầu mối. Đối với một số dự án lớn, để giảm thiểu các rủi ro, các ngân hàng có thể thực hiện đồng bảo lãnh.
Trong đồng bảo lãnh, thì một ngân hàng đóng vai trò đầu mối (Leading Bank) phát hành bảo lãnh nhưng có sự tham gia của các ngân hàng cộng sự khác.
Nếu hợp đồng bị vi phạm, thì ngân hàng đầu mối sẽ phải chi trả cho người thụ hưởng, sau đó ngân hàng đầu mối sẽ đòi bồi hoàn từ các ngân hàng cộng sự theo tỉ lệ tham gia của họ, dựa trên các bảo lãnh đối ứng do các ngân hàng cộng sự phát hành.
Đến lượt mình, các ngân hàng cộng sự này lại tiến hành truy đòi từ người được bảo lãnh. (Theo Giáo trình Ngân hàng Thương mại, NXB Thống kê)