Xin chào các em! Trong bài viết ngày hôm nay, Soạn Văn sẽ hướng dẫn các em soạn văn bản: Bình ngô đại cáo – Phần 2: Tác phẩm. Đây là một bài cáo rất nổi tiếng của Nguyễn Trãi, được biên soạn trong chương trình SGK Ngữ Văn 10 Tập 2. Mời các em cùng theo dõi!
Contents
I. Tác giả, tác phẩm
1. Tác giả: Nguyễn Trãi
2. Tác phẩm
* Thể loại: cáo
* Bố cục: Văn bản có thể được chia làm 4 phần:
- Phần 1: từ đầu -> “chứng cớ còn ghi” : Nêu luận đề chính nghĩa.
- Phần 2: tiếp -> “Ai bảo thần dân chịu được” : Tố cáo, lên án tội ác của giặc Minh.
- Phần 3: tiếp -> “Cũng là chưa thấy xưa nay” : Diễn biến của cuộc chiến kể từ lúc mở đầu đến khi thắng lợi hoàn toàn. Đoạn này cũng nêu cao sức mạnh của tư tưởng nhân nghĩa và sức mạnh của lòng yêu nước kết tinh thành sức mạnh của cuộc khởi nghĩa Lam Sơn.
- Phần 4: còn lại: Tuyên bố chiến quả, khẳng định sự nghiệp chính nghĩa.
II. Hướng dẫn soạn bài
Câu 1:
* Bố cục: như trên.
* Nội dung của từng đoạn hướng vào chủ đề chung của bài cáo là nêu cao tư tưởng nhân nghĩa và tư tưởng độc lập dân tộc thể hiện xuyên suốt tác phẩm bằng cách sử dụng những từ có tính chất hiển nhiên, rút ra từ thực tiễn lịch sử.
Câu 2:
Đoạn mở đầu: “Từng nghe… chứng cớ còn ghi“.
a) Những chân lý được khẳng định để làm chỗ dựa, làm căn cứ xác đáng cho việc triển khai toàn bộ nội dung bài cáo:
Trong nguyên lí chính nghĩa của Nguyễn Trãi, có 2 nội dung chính được nêu ra, đó là:
- Tư tưởng nhân nghĩa
- Chân lí về sự tồn tại độc lập, có chủ quyền của nước Đại Việt ta
b) Đoạn mở đầu có ý nghĩa như một lời tuyên ngôn độc lập là bởi tác giả đưa ra luận đề chính nghĩa với nội dung khẳng định độc lập, chủ quyền đất nước như một chân lý hiển nhiên.
c) Để làm nổi bật niềm tự hào dân tộc, tác giả đã có cách viết: từ ngữ mang tính chất hiển nhiên, xác thực; sử dụng câu văn biền ngẫu, đối xứng (giữa các triều đại); đưa ra 5 nhân tố quan trọng và thực tiễn.
Câu 3:
Đoạn 2: “Vừa rồi… Ai bảo thần dân chịu được“.
a) Tác giả đã tố cáo những âm mưu, những hành động tội ác của giặc:
- Âm mưu: những luận điệu bịp bợm phù Trần diệt Hồ, âm mưu thôn tính nước ta vốn có từ lâu trong tư tưởng của “thiên triều”
- Hành động tội ác: tàn sát, bóc lột con dân Đại Việt, vơ vét của cải, hủy hoại môi trường sống. Chúng hủy hoại con người bằng hành động diệt chủng, tàn sát người vô tội.
Âm mưu thâm độc, tàn ác và man rợ nhất là âm mưu xâm lược nước ta, tàn sát, giết hại nhân dân ta.
b) Nghệ thuật của đoạn cáo trạng tội ác kẻ thù có điểm đặc sắc là:
- Phép liệt kê tội ác của giặc
- Hình ảnh ấn tượng với bút pháp trữ tình tự sự
- Phép so sánh (giặc Minh như những con quỷ hút máu, như lũ hổ đói)
- Giọng thơ đanh thép, hùng hồn
Câu 4:
Đoạn 3: “Ta đây… Cũng là chưa thấy xưa nay”
a) Giai đoạn đầu của cuộc khởi nghĩa Lam Sơn được tác giả tái hiện:
- Những khó khăn: kẻ thù thì mạnh, trong khi đó quân ta lại thiếu lương thực, thiếu quân, thiếu người tài.
- Tác giả tập trung khắc họa hình tượng người anh hùng dân tộc Lê Lợi: ông xuất thân từ nông dân, chốn rừng núi, vì dân mà dấy lên cuộc khởi nghĩa. Là người có lòng căm thù giặc sâu sắc, có lí tưởng, có hoài bão lớn, có quyết tâm chiến đấu chống quân xâm lược.
- Sức mạnh giúp cho nhân dân ta chiến thắng hơn hết đó chính là sức mạnh của tinh thần đoàn kết toàn dân.
b) Khi tái hiện giai đoạn phản công thắng lợi, bài cáo miêu tả bức tranh toàn cảnh cuộc khởi nghĩa Lam Sơn:
* Có những trận đánh: Trận Tây Kinh, Đông Đô quân ta chiếm lại; trận Ninh Kiều, Tốt Động giặc thảm bại thây chất đầy nội; trận Chi Lăng, Mã An là sự thất bại của tướng giặc Liễu Thăng cụt đầu; trận Xương Giang, Bình Than máu trôi đỏ nước.
* Những biện pháp nghệ thuật miêu tả chiến thắng của ta và sự thất bại của giặc:
- Phép so sánh đã miêu tả thành công sự đối lập của quân ta và giặc: quân ta sấm vang chớp giật,… người hùng hổ, kẻ vuốt nanh,…; quân giặc thì nghe hơi mà mất vía… máu chảy thành sông, lê gối dâng tờ tạ tội…
- Phép liệt kê, trùng điệp, câu văn dài ngắn đan xen, biến hóa linh hoạt, gợi lên âm hưởng hào hùng vừa mạnh mẽ vừa khí thế.
* Tính chất hùng tráng của đoạn văn được gợi lên từ ngôn ngữ, hình ảnh, nhịp điệu câu văn: hình ảnh phong phú được đo bằng sự rộng lớn kì vĩ của thiên nhiên, câu văn, nhịp điệu ngắn dài khác nhau tạo nhịp điệu chung là dồn dập, sảng khoái, bay bổng.
Câu 5:
Đoạn kết: “Xã tắc từ đây vững bền… Ai nấy đều hay”.
* Giọng văn ở đoạn này có điểm khác với những đoạn trên là: giọng văn trang nghiêm, trịnh trọng hơn vì đó là những lời tuyên bố về nền độc lập, chủ quyền đất nước, nhắc đến truyền thống và công lao của tổ tiên một cách đầy tự hào.
* Trong lời tuyên bố nền độc lập dân tộc đã được lập lại, Đại cáo bình ngô đồng thời nêu lên bài học lịch sử. Bài học lịch sử đó là: chiến công để dành lại nền độc lập cho dân tộc nhờ vào truyền thống, sức mạnh và ý thức tự tôn của cả dân tộc ta.
=> Ý nghĩa của bài học lịch sử đó đối với chúng ta ngày nay: nhắc nhở mỗi con người chúng ta nhớ đến công lao của lịch sử.
Câu 6:
* Giá trị nội dung: Bài cáo đã khái quát quá trình kháng chiến gian lao nhưng vô cùng anh dũng của dân tộc trong quá trình kháng chiến chống giặc Minh xâm lược. Qua đó, tác giả đã khẳng định, đề cao sức mạnh của lòng yêu nước và tư tưởng nhân nghĩa, ca ngợi cuộc kháng chiến anh hùng của dân tộc, thể hiện sâu sắc niềm tự hào dân tộc.
* Giá trị nghệ thuật:
- Bố cục: chặt chẽ, cân đối
- Câu văn và giọng văn linh hoạt
- Ngôn ngữ, hình tượng phong phú, vừa cụ thể lại vừa khái quát.