1. Giới thiệu Cá rồng bị coi là xệ mắt một khi tròng mắt của nó hướng xuống một cách thường trực như thể nó luôn nhìn xuống. Điều này thường chỉ xảy ra với 1 con mắt, con còn lại bình thường. Mức độ xệ mắt thay đổi từ hơi liếc xuống cho đến rất nặng tức hầu hết phần trên của con ngươi lồi hẳn ra ngoài.
Một con kim long hồng vĩ mắc bệnh xệ mắt nhẹ (ảnh CDM).
Cũng có trường hợp cả hai mắt bị xệ. Những trường hợp như thế này, mức độ xệ thường rất nhẹ và được gọi là “mắt xếch”. Một cá rồng bị coi là “mắt xếch” khi cả hai tròng mắt hơi hướng xuống phía dưới. Có nhiều tranh cãi về việc cá rồng xệ mắt nhẹ ở cả hai mắt nên được gọi là xệ mắt hay “mắt xếch”. Vậy “mắt xếch”, tức bệnh xệ mắt nhẹ ở cả hai mắt một cách ngẫu nhiên, có làm mắt cá rồng trông cân đối? Có nên gọi đấy là “mắt xếch” thay vì xệ mắt? Đó là những điều mà độc giả nên cân nhắc và tự đưa ra kết luận.
Hiện tượng xệ mắt ở cá rồng là vấn đề gây ra nhiều tranh cãi. Hiện tại, có người cho rằng đó là vì di truyền, trong khi người khác cho rằng đó là vì chế độ dinh dưỡng nhưng có người lại thấy chính môi trường đã gây nên bệnh này.
Người chơi cá rồng coi bệnh xệ mắt như là một trong những “khiếm khuyết” mà cá rồng có thể mắc phải. Những khiếm khuyết khác về ngoại hình đối với cá rồng, dù phổ biến hay không, bao gồm môi trề, tật cắn đuôi và quăn râu. Những khiếm khuyết này ảnh hưởng đến vẻ đẹp tổng quát của một cá thể và chắc chắn làm giảm giá trị của nó.
Như người ta thường nói “đẹp xấu tuỳ vào mắt của mỗi người”. Việc những “khiếm khuyết” này ảnh hưởng đến vẻ đẹp và hình dáng tổng quát của một cá thể chắc chắn thuộc về một chủ đề khác mà chúng ta sẽ không bàn đến ở đây. Chỉ biết rằng, theo các tiêu chuẩn triển lãm, sự hiện diện của những “khiếm khuyết” này được xem xét đến trong quá trình chấm điểm. Tuy nhiên, mức độ khiếm khuyết đủ để gây khó chịu đối với người chơi cá sẽ phụ thuộc rất nhiều vào quan điểm của mỗi người.
2. Nguyên nhân và cách chữa trị bệnh xệ mắt
2.1 Dinh dưỡng: Nghe nói rằng thực phẩm giàu chất béo khiến chất béo tích tụ bên dưới tròng mắt. Có lẽ điều này được phát hiện thông qua việc giải phẫu những cá thể mắc bệnh xệ mắt.
a) Huyết long loại 1.5 mắt bình thường, b) Vẫn con huyết long loại 1.5 đó khi đang nuốt một con cá chép (ảnh Edwin Chan).
Một yếu tố dinh dưỡng khác cũng cần phải lưu ý là các loại thức ăn cứng. Tôi đoán rằng giả thuyết này hình thành từ việc cá rồng bắt đầu “nhìn xuống” mỗi khi nhai là hậu quả của việc “phùng mang”. Nhưng tròng mắt cá rồng thực sự nhìn xuống hay chỉ trông có vẻ như đang nhìn xuống?
2.2 Di truyền: Di truyền cũng có thể là một nguyên nhân nhưng rất khó để có thể chứng minh điều đó là đúng hay sai. Dù sao đi nữa, bất kỳ giả thuyết khoa học nào không thể chứng minh là sai thì đều có phần đúng cho đến khi được chứng minh ngược lại.
Một nguyên nhân nữa về di truyền có thể vì mức độ tò mò của mỗi cá thể. Giống như con người, mỗi cá thể đều có cá tính riêng. Có lẽ, những con cá rồng càng tò mò thì càng dễ bị mắc bệnh xệ mắt.
2.3 Môi trường: Những yếu tố về môi trường cũng góp phần gây ra bệnh xệ mắt ở cá rồng. Một trong những yếu tố như vậy đó là sự phản xạ từ đáy hồ và chiếu sáng mạnh từ nắp hồ. Khi để đèn vào ban đêm, chúng ta có thể quan sát thấy mắt cá rồng xoay xuống dưới khoảng 30 độ. Có phải ánh đèn từ trên nắp gây ra triệu chứng này? Có lẽ vậy. Lại nữa, nếu bạn bật đèn phòng bất thình lình khi phòng đang tối, bạn cũng phải nheo mắt cho đến khi quen với ánh sáng xung quanh. Vậy bạn có thể mong đợi gì hơn ở cá một khi chúng không hề có mí mắt?
Làm sao mà sự phản xạ từ đáy hồ lại liên quan đến chứng bệnh này? Nó có thể là nguyên nhân bởi vì trong môi trường tự nhiên không hề có sự phản xạ. Sự phản xạ chỉ hiện hữu trong hồ kiếng thông qua các bề mặt trơn láng. Bởi vì nó là yếu tố chỉ xuất hiện trong hồ kiếng nên nó có thể là nguyên nhân gây nên bệnh xệ mắt. Những bằng chứng gián tiếp hỗ trợ cho giả thuyết này đó là bệnh xệ mắt có thể được “chữa trị” bằng cách thả cá rồng vào hồ làm bằng sợi thuỷ tinh. Tuy nhiên, hồ sợi thuỷ tinh cũng được sử dụng để ngăn cá rồng nhìn ra ngoài. Vì hồ kiếng được đặt ở khoảng cách nhất định so với sàn, nên vô tình nó khiến cá rồng hay nhìn xuống. Một cách khác để loại bỏ sự phản xạ từ đáy hồ là trải sỏi hay trồng cây thuỷ sinh. Cá rồng thường được nuôi trong hồ trống để dễ chăm sóc và do đó, chỉ cần trải một lớp sỏi mỏng là được.
Một nguyên nhân khác gây nên bệnh xệ mắt thường được nhắc tới là thói quen nhìn xuống của cá rồng. Cá rồng, loài cá rất thông minh, cũng hết sức tò mò. Khi cá được nuôi trong hồ cao thì chúng có xu hướng nhìn xuống bên dưới để quan sát những vật chuyển động bên ngoài hồ. Đó có thể là trẻ em hay vật nuôi như chó, mèo. Như vậy, để hạn chế “thói quen” nhìn xuống, người ta dự định thả những con cá rồng xệ mắt xuống ao, hồ sợi thuỷ tinh hay che tất cả các mặt của hồ kiếng lại, chỉ để hở phần nắp hồ. Những thủ thuật như thế này đều ít nhiều thành công.
Nuôi cá rồng trong hồ thuỷ sinh là cách rất tốt để ngăn chặn sự phản xạ từ đáy hồ, nó cung cấp một môi trường sinh sống tự nhiên cho cá rồng. Việc duy trì hồ có thể khó khăn hơn nhưng kết quả thu được rất khả quan nên rất đáng để làm nếu bạn có thời gian (ảnh Heemeng).
Một giải pháp nữa thường được nhắc đến đó là thả 1-2 trái bóng bàn vào hồ. Điều này sẽ hấp dẫn sự chú ý của cá rồng và khiến nó nhìn lên trên. Tuy nhiên, tôi thấy rằng cách này chi gây ra sự chú ý của cá rồng trong vài ngày đầu. Một khi cá rồng đã quen với thứ vật thể nổi lềnh bềnh chán ngắt này, nó sẽ không thèm quan tâm đến nữa. Một cách khác là bố trí đèn nhấp nháy ngay trên nóc hồ. Có lẽ cách này tốt hơn vì ít ra thì ánh sáng cũng còn chuyển động.
Đèn nhấp nháy ngoài tác dụng trang trí còn giúp ngăn ngừa bệnh xệ mắt ở cá rồng (ảnh Lancelee).
Loại đèn nhấp nháy có lẽ giống như đèn gắn trên xe đạp hay đèn trang trí trong mùa Giáng Sinh. Tôi thích đèn Giáng Sinh vì nó không đơn điệu và gây được nhiều chú ý. Cá rồng có vẻ thích thú với các loại đèn này hơn nhiều so với bóng bàn. Ngày nay, những loại đèn như vậy thậm chí còn có thể phát ra âm thanh và thay đổi kiểu nhấp nháy. Hãy tưởng tượng cá rồng của bạn được nghe Lambada suốt đêm!
Một nguyên nhân nữa có thể gây nên bệnh xệ mắt ở cá rồng đó là khi bạn thả những loài sống ở mặt đáy vào hồ cá rồng. Tôi thấy thả cá khác vào chung hồ cũng tốt thôi vì chúng làm cho hồ thêm sinh động. Nhưng chúng lại ảnh hưởng đến cá rồng theo cách tương tự như trẻ em và thú nuôi.
3. Kết luận: Để kết luận, tôi cho rằng câu trả lời chính xác nhất là cân nhắc đến tất cả mọi yếu tố và quyết định thiết kế hồ và phương pháp nuôi cá rồng một cách phù hợp. Điều này bao gồm vị trí đặt hồ, môi trường cũng như số lượng mặt kiếng, chiều cao hồ, môi trường xung quanh, cách thức nuôi dưỡng, v.v
Nếu bạn cố gắng chữa bệnh xệ mắt thì hãy thực hiện càng sớm càng tốt. Nghe nói cơ hội thành công sẽ cao hơn khi bệnh xệ mắt còn nhẹ. Một khi bệnh quá nặng, việc chữa trị sẽ rất khó khăn, nếu không muốn nói là không thể. Tuy nhiên, lưu ý rằng có trường hợp bệnh xệ mắt tái xuất hiện sau khi đã được “chữa trị”. Có lẽ, đó là vì môi trường chưa được điều chỉnh hay vì chế độ nuôi dưỡng. Nếu nguyên nhân xệ mắt là do di truyền, thì người nuôi cá hầu như không thể phòng ngừa được và có lẽ nên chữa bệnh một khi nó xuất hiện, đành phải làm như vậy thôi.
Những phương pháp này có thể có tác dụng với người này nhưng lại khiến người khác thất vọng. Dù sao đi nữa, nên nhớ rằng quá trình chữa trị phải mất từ nhiều tuần đến nhiều tháng. Do đó, kiên nhẫn là đức tính rất quan trọng trong việc chữa trị bệnh xệ mắt.
Tóm lại, hãy sống và để cho sự sống được tiếp diễn. Hãy vui thú với việc nuôi những con cá rồng tuyệt vời và đừng bị ảnh hưởng quá nhiều bởi những khiếm khuyết như thế này. Sau cùng, có nhiều thứ để bàn về cá rồng hơn là chỉ về con mắt của chúng.
Ghi nhận Tất cả thông tin ở đây được tổng hợp từ những cuốn sách mà tôi từng đọc và từ những người đã dạy tôi mọi thứ về cách nuôi dưỡng cá rồng và những loài cá khác, cả trên mạng lẫn ngoài đời, xin được cảm ơn tất cả mọi người.
Tôi cũng vô cùng biết ơn các chiến hữu chơi cá rồng, những người đã đóng góp hình ảnh của họ cho bài viết này.
Tác giả Blackwater – nguồn www.arowanaclub.com