Trong kiểm toán, thuật ngữ cơ sở dẫn liệu được nhắc đến rất nhiều. Trong cuộc kiểm toán giữa niên độ – interim audit, Kiểm toán viên sẽ tập trung ghi chép và đưa ra những đánh giá về hệ thống Kiểm soát nội bộ. Bằng các thử nghiệm kiểm soát và thử nghiệm cơ bản, nhóm Kiểm toán sẽ tập trung vào các giao dịch đã xảy ra trong kỳ.
Đối với cuộc kiểm toán cuối kì, Kiểm toán viên sẽ tập trung vào Báo cáo tài chính và các cơ sở dẫn liệu liên quan đến các khoản mục trong báo tài chính. Nhóm kiểm toán sẽ thiết kế các thủ tục cơ bản để xác minh về các cơ sở dẫn liệu có liên quan.
Vậy cơ sở dẫn liệu là gì? Cùng BISC tìm hiểu trong bài viết này nhé!
1. Khái niệm Cơ sở dẫn liệu
Trong môn Audit and Assurance (AA/F8), thuật ngữ tiếng Anh là “assertion” – các cam kết của nhà quản lý. Để khẳng định rằng Báo cáo tài chính tuân thủ các khuôn khổ về lập và trình bày Báo cáo tài chính được áp dụng, Ban giám đốc cần khẳng định một cách chính thức hoặc ngầm định các cơ sở dẫn liệu về việc ghi nhận, đo lường, trình bày và công bố các thành phần của Báo cáo tài chính và các thuyết minh có liên quan.
Đối với kiểm toán viên, cơ sở dẫn liệu được dùng để xem xét các loại sai sót có thể xảy ra.
2. Các loại cơ sở dẫn liệu
Để làm rõ hơn về Khái niệm Cơ sở dẫn liệu, chúng ta cùng xem xét chi tiết các loại cơ sở dẫn liệu được sử dụng nhé!
2.1. Cơ sở dẫn liệu đối với số dư tài khoản (Account Balance)
Các cơ sở dẫn liệu này tập trung vào các thông tin phản ánh trên Bảng cân đối kế toán, tập trung vào số dư cuối kì, bao gồm:
- Existence – tính tồn tại: Ban giám đốc cam kết Tài sản, nguồn vốn chủ sở hữu và các khoản nợ phải trả được phản ánh trên Báo cáo tài chính của doanh nghiệp thực sự tồn tại vào thời điểm lập báo cáo. Ví dụ, khoản mục hàng tồn kho trên báo cáo tài chính vào ngày 31/12/20X9 là 600 triệu, thì Ban giám đốc cam kết là tại ngày đó, trong kho của Doanh nghiệp thực sự có lượng hàng tồn kho có giá trị tương ứng với 600 triệu đồng.
- Completeness – tính đầy đủ: Ban giám đốc cam kết đã phản ánh toàn bộ các tài sản cũng như các khoản nợ, nguồn vốn của doanh nghiệp lên Báo cáo tài chính.
- Right and Obligation – Quyền và nghĩa vụ: Ban giám đốc đảm bảo doanh nghiệp có quyền sở hữu hay kiểm soát liên quan đến các Tài sản cũng như có nghĩa vụ thanh toán đối với khoản nợ của doanh nghiệp.
- Valuation and allocation – tính giá và phân bổ: Ban giám đốc khẳng định rằng các khoản mục đã được phản ánh vào báo cáo tài chính với giá trị chính xác, đồng thời các thay đổi trong việc định giá và phân bổ đã ghi nhận đúng cũng như đã được thuyết minh một cách đầy đủ.
2.2. Cơ sở dẫn liệu đối với các giao dịch và sự kiện phát sinh trong kỳ (Transactions and Events)
Các cơ sở dẫn liệu này tập trung vào các giao dịch và sự kiện, thường được sử dụng đối với các thông tin trên Báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh và Báo cáo lưu chuyển tiền tệ, cụ thể:
- Occurrence – tính có thật: Ban giám đốc khẳng định các giao dịch và sự kiện kinh tế ghi nhận đã thực sự diễn ra trong kỳ
- Completeness – tính đầy đủ: Các giao dịch và sự kiện kinh tế đã xảy ra cần được phản ánh đầy đủ lên Báo cáo tài chính của doanh nghiệp
- Accuracy – tính chính xác: Các giao dịch, sự kiện xảy ra cần được ghi nhận với đúng giá trị thực tế. Ví dụ, một khoản bán hàng là 400 triệu cần được ghi nhận với giá trị chính xác là 400 triệu.
- Cut-off – tính đúng kì: Các giao dịch cần được phản ánh đúng kì Kế toán. Giao dịch diễn ra vào ngày 30/12/20X9 sẽ được ghi nhận cho kỳ kế toán kết thúc ngày 31/12/20X9, trong kì giao dịch xảy ra vào 2 ngày sau sẽ được ghi nhận cho kỳ kế toán năm kế tiếp.
- Classification – tính phân loại: Các giao dịch và sự kiện cần được ghi nhận đúng tài khoản kế toán theo quy định.
2.3. Cơ sở dẫn liệu đối với việc trình bày và công bố (Presentation and Disclosure)
Các cơ sở dẫn liệu này thường được áp dụng cho các thông tin trên thuyết minh Báo cáo tài chính.
- Occurrence, Right and Obligation – tính có thật, quyền và nghĩa vụ: Các sự kiện giao dịch và các vấn đề khác được thuyết minh có liên quan đến doanh nghiệp
- Classification and Understandability – Phân loại và dễ hiểu: Các thông tin được trình bày và công bố cần đảm bảo tính hợp lý, rõ ràng và dễ hiểu
- Accuracy and Valuation – Tính chính xác: Các thông tin cần được trình bày và phản ánh với đúng giá trị thực tế
- Completeness – tính đầy đủ: Các thuyết minh cần thiết cần được trình bày đầy đủ trên Báo cáo tài chính.
3. Áp dụng cơ sở dẫn liệu trong kiểm toán
Cơ sở dẫn liệu là căn cứ để kiểm toán viên thiết kế các mục tiêu kiểm toán chung và mục tiêu kiểm toán đặc thù bằng việc thực hiện các thủ tục tương ứng. Ví dụ phổ biến nhất là để xác minh tính đầy đủ, kiểm toán viên sẽ đi từ các chứng từ và đối chiếu với sổ sách, trong khi để xác minh tính có thật, kiểm toán viên sẽ đi từ sổ sách và đối chiếu với các chứng từ có liên quan.
Đối với khoản mục tài sản và doanh thu, thông thường doanh nghiệp có xu hướng “làm đẹp” hơn BCTC nên thường được phản ánh cao hơn so với giá trị thực tế. Do đó một số cơ sở dẫn liệu thường bị vi phạm là tính có thật và tính chính xác.
Ngược lại, khoản mục liên quan đến nợ phải trả và chi phí có khả năng nhiều bị phản ánh thấp hơn giá trị đúng, dẫn tới một số cơ sở dẫn liệu bị vi phạm như tính đầy đủ và tính chính xác.
Căn cứ vào bản chất của từng khoản mục, kiểm toán viên sẽ cần thiết kế thủ tục kiểm toán chi tiết phù hợp để đảm bảo thu thập được các bằng chứng đầy đủ và hợp lý.
Ví dụ trong khi kiểm toán các giao dịch bán hàng, kiểm toán viên sẽ dựa theo từng cơ sở dẫn liệu để thiết kế các mục tiêu kiểm toán chung và mục tiêu kiểm toán đặc thù như sau:
Cơ sở dẫn liệuMục tiêu kiểm toán chungMục tiêu kiểm toán đặc thùTính có thậtKiểm toán tính có thậtCác giao dịch được ghi nhận đối với khách hàng có thậtTính đầy đủKiểm toán tính đầy đủCác giao dịch đã xảy ra đã được ghi nhậnTính chính xácKiểm toán tính chính xác, cộng và chuyển sổ
Doanh thu đúng so với giá trị bán hàng được, được xuất hóa đơn và phản ánh chính xác
Các giao dịch bán hàng được nhập liệu và tổng hợp chính xác trong các sổ ghi nhận tương ứng.
Tính phân loạiKiểm toán tính phân loạiCác giao dịch được ghi nhận đúng tài khoảnTính đúng kỳKiểm toán liên quan đến thời gian ghi nhận giao dịchCác giao dịch bán hàng được ghi nhận vào đúng ngày phát sinh.
Trên đây là một số tìm hiểu cơ bản về cơ sở dẫn liệu trong môn Audit & Assurance (AA/F8). Nhớ đơn giản thì cơ sở dẫn liệu chính là cam kết của nhà quản lý về các thông tin trình bày trên Báo cáo tài chính. Các thông tin cần trình bày đầy đủ, chính xác, trình bày đúng kỳ hay chỉ trình bày những thông tin có thực đối với doanh nghiệp. Cơ sở dẫn liệu chính là cơ sở để thiết kế mục tiêu kiểm toán. BISC chúc các bạn học tập và ôn thi thật tốt nhé!
>>> Xem thêm: Vấn đề trọng yếu trong kế toán và kiểm toán – Materiality in a nutshell
HỌC THỬ MÔN AUDIT & ASSURANCE MIỄN PHÍ TẠI ĐÂY