Bài viết được sự cho phép của tác giả Kiên Nguyễn
Chào các bạn, đã từ lâu hệ quản trị cơ sở dữ liệu (Database Management System – DBMS) là một phần không thể thiếu trong các hệ thống thông tin có nhu cầu quản lý và trao đổi dữ liệu.
Thậm chí là việc sử dụng hệ quản trị cơ sở dữ liệu tốt và đúng cách còn rất quan trọng trong quá trình phát triển và mở rộng hệ thống.
Vậy nên, ở trong bài viết này mình sẽ cùng với các bạn điểm qua TOP 10 HỆ QUẢN TRỊ CƠ SỞ DỮ LIỆU đang được sử dụng rộng rãi nhất tính đến thời điểm hiện tại nhé !
Dành cho bạn nào chưa biết thì: Hệ quản trị cơ sở dữ liệu là một ứng dụng phần mềm được tạo ra để quản lý dữ liệu trong cơ sở dữ liệu. Những phần mềm này sẽ giúp cho người sử dụng cũng như người lập trình có thể dễ dàng truy xuất, quản lý, cập nhật và tạo dữ liệu.
Ngoài ra thì hệ quản trị CSDL sẽ giúp cho bảo vệ dữ liệu được an toàn hơn, nó sẽ giảm thiểu việc thừa dữ liệu và duy trì sự hiệu quả của dữ liệu.
NOTE: Trong bài viết sẽ bao gồm các hệ quản trị cơ sở dữ liệu miễn phí, có phí, hệ quản trị cơ sở dữ liệu có quan hệ (SQL) và cả hệ quản trị cơ sở dữ liệu phi quan hệ (NoSQL) nha các bạn.
#1. MySQL
Trang web: https://www.mysql.com/
Được phát hành lần đầu tiên vào năm 1995 và MySQL đang được phát triển bởi tập đoàn Oracle, có thể nói MySQL là một trong những hệ quản trị cơ sở dữ liệu được sử dụng phổ biến nhất hiện nay.
MySQL được viết bởi ngôn ngữ C/C++ nên có hiệu năng cao, dễ sử dụng, có tính khả chuyển và hỗ trợ nhiều nền tảng hệ điều hành (Windows, Linux, MacOS).
MySQL cũng tương thích với nhiều ngôn ngữ lập trình phổ biến như Java, Python, NodeJS…
MySQL được xây dựng theo kiến trúc Client-Server, bao gồm một máy chủ đa luồng hỗ trợ nhiều máy khách khác nhau.
Các bạn có thể đọc thêm tài liệu về MySQL tại đây: https://www.mysql.com/ hoặc https://www.mysqltutorial.org/
#2. MariaDB
Trang web: https://mariadb.org/
MariaDB thực chất là một nhánh được tách ra từ quá trình phát triển MySQL với mục đích phi thương mại, có nghĩa là nó sẽ hoàn toàn miễn phí cho người sử dụng.
Cũng như MySQL thì MariaDB được viết bằng ngôn ngữ C/C++, Perl nhưng được tối ưu khá nhiều về mặt hiệu năng truy vấn dữ liệu.
Hiện tại thì MariaDB cũng hỗ trợ hầu hết các hệ điều hành phổ biến như Windows, Linux và MacOS… Nên anh em lập trình không phải lo về vấn đề môi trường để sử dụng MariaDB nha.
Do hoàn toàn miễn phí nên các bạn có thể tham khảo mã nguồn mở của MariaDB tại đây: https://github.com/MariaDB/server
Ngoài ra thì các bạn cũng có thể đọc thêm về các bài viết hướng dẫn của MariaDB tại đây nữa nhé: https://www.mariadbtutorial.com/
#3. Oracle
Trang web: https://www.oracle.com/index.html
Là một hệ quản trị cơ sở dữ liệu đa mô hình do công ty phần mềm thứ 2 thế giới là Oracle xây dựng và phát triển.
Tất nhiên là chúng ta phải trả phí để có thể sử dụng được hệ quản trị cơ sở dữ liệu này, thậm chí là chi phí khá đắt đối với các hệ thống lớn.
Oracle được viết bằng ngôn ngữ C/C++, Assembly nên cũng cho hiệu năng rất cao. Và tất nhiên thì Oracle cũng hỗ trợ hầu hết các nền tảng hệ điều hành hiện nay như Windows, Linux, MacOS
Oracle database thường được sử dụng để chạy các công việc liên quan đến xử lý giao dịch trực tuyến (OLTP), kho dữ liệu (DW) hoặc là hỗn hợp (OLTP và DW).
Các bạn có thể mua các gói dịch vụ tại các nhà cung cấp được Oracle ủy quyền.
Về tài liệu tham khảo thì các bạn có thể xem các hướng dẫn về Oracle tại đây: https://www.oracletutorial.com/
#4. MongoDB
Trang web: https://www.mongodb.com/
Ở trên thì chúng ta đã đề cập đến 3 kiểu CƠ SỞ DỮ LIỆU CÓ QUAN HỆ, tiếp theo, chúng ta sẽ đến với MongoDB – đây là một hệ quản trị cở dữ liệu phi quan hệ (NoSQL)
Hiện tại thì MongoDB cũng là một hệ quản trị cơ sở dữ liệu mã nguồn mở, tức là nó miễn phí. Các bạn có thể tham khảo mã nguồn của MongoDB tại đây: https://github.com/mongodb/mongo
MongoDB được viết bằng nhiều ngôn ngữ lập trình khác nhau như C/C++, Go, JavaScript, Python và cũng hỗ trợ trên hầu hết các nền tảng hệ điều hành (Windows, Linux, MacOS..).
Đặc điểm của HỆ QUẢN TRỊ DỮ LIỆU PHI QUAN HỆ là dữ liệu được lưu lại dưới dạng JSON (JavaScript Object Notation) và gần như là các các bản ghi không nhất thiết phải giống nhau về cấu trúc.
Các bạn có thể đọc thêm tài liệu về MongoDB tại đây: https://www.mongodb.com/3
#5. PostgreSQL
Trang web: https://www.postgresql.org/
Tiếp tục với một hệ quản trị cơ sở dữ liệu có quan hệ mã nguồn mở đó là PostgreSQL.
PostgreSQL được phát triển bởi khoa điện toán của trường đại học California tại Berkeley. PostgreSQL mở đầu nhiều khái niệm quan trọng cho các hệ quản trị cơ sở dữ liệu thương mại sau này mới có.
Được viết hoàn toàn bằng ngôn ngữ lập trình C nên tốc độ cũng như hiệu năng của PostgreSQL là rất tốt.
Đồng thời thì nó cũng hỗ trợ nhiều nền tảng như Windows, Linux, MacOS nên PostgreSQL đang ngày càng trở nên phổ biến hơn.
Với ưu điểm hỗ trợ nhiều truy vấn phức tạp thì PostgreSQL cũng đang là một ứng cử viên rất tiềm năng cho các hệ thống lớn sau này.
Các bạn có thể đọc thêm tài liệu về PostgreSQL tại đây: https://www.postgresqltutorial.com/
#6. Microsoft SQL Server
Trang web: Truy cập tại đây !
Là một hệ quản trị cơ sở dữ liệu quan hệ được xây dựng và phát triển bởi Microsoft, với phiên bản đầu tiên ra đời vào năm 1989 (SQL Server 1.0) đến nay đã là phiên bản SQL Server 2019, và cũng là phiên bản ổn định nhất.
Microsoft SQL Server được viết bằng ngôn ngữ C/C++ nên hiệu năng cũng như tốc độ truy vấn rất tốt.
Ban đầu thì Microsoft SQL Server chỉ hỗ trợ hệ điều hành Windows, nhưng sau này nó đã được phát triển để hỗ trợ trên hầu hết các nền tảng hệ điều hành Linux và MacOS.
Tuy không phải là một hệ quản trị dữ liệu mã nguồn mở, song Microsoft SQL được đánh giá khá cao là “tiền nào của nấy”.
Các bạn có thể download Microsoft SQL Server tại đây https://www.microsoft.com/en-us/sql-server/sql-server-downloads
#7. Redis
Trang web: https://redis.io/
Redis (viết tắt của cụm từ REmote DIctionary Server) là một mã nguồn mở được sử dụng để lưu trữ dữ liệu có cấu trúc, có thể được sử dụng như một Database, bộ nhớ cache hoặc là một Message Broker.
Redis lưu trữ dữ liệu dưới dạng Key-Value, hỗ trợ việc sắp xếp, query, backup dữ liệu lên đĩa cứng để cho phép bạn có thể khôi phục hệ thống khi gặp sự cố.
Một vài kiểu dữ liệu trong Redis như String, List, Set, Hash…
Có thể nói Redis là một sự lựa chọn tuyệt vời khi cần đến một Server lưu trữ dữ liệu đòi hỏi tính mở rộng cao, chia sẻ nhiều tiến trình, nhiều ứng dụng và nhiều server khác nhau.
#8. Elasticsearch
Trang web: https://www.elastic.co/
Chính xác thì Elasticsearch là một công cụ tìm kiếm mã nguồn mở. Elasticsearch cung cấp bộ máy tìm kiếm dạng phân tán, có đầy đủ công cụ với giao diện web HTTP hỗ trợ dữ liệu kiểu JSON.
Elasticsearch được viết bằng ngôn ngữ lập trình Java và nó được ra đời vào năm 2016. Các bạn có thể tham khảo mã nguồn của Elasticsearch tại đây: https://github.com/elastic/elasticsearch
Hiện tại thì Elasticsearch hỗ trợ hầu hết các hệ điều hành Window, Linux, MacOS
Các bạn có thể download Elasticsearch tại đây nhé: https://www.elastic.co/downloads/
#9. Firebase
Trang web: https://firebase.google.com/
Được xây dựng và phát triển bởi Google, Firebase là một dịch vụ cơ sở dữ liệu dựa trên nền tảng công nghệ điện toán đám mây.
Sự ra đời của Firebase với mục đích hỗ trợ cho các lập trình giảm thiểu thao tác với cơ sở dữ liệu, từ đó tập trung vào việc phát triển ứng dụng hơn.
Với hệ thống server mạnh mẽ, sự tiện lợi cũng như việc bảo mật cực tốt đã giúp Firebase trở thành một trong những cái tên được nhiều nhà phát triển lựa chọn để xây dựng các hệ thống lớn.
Có thể kể đến một vài ưu điểm của Firebase như sau:
- Chỉ việc tạo tài khoản và sử dụng.
- Tốc độ phát triển nhanh.
- Được hậu thuẫn bởi ông lớn Google.
- Hỗ trợ các công nghệ mới (Machine Learning (học máy), AI)
- Khả năng realtime (thời gian thực).
- Tự động sao lưu vào khôi phục…
#10. SQLite
Trang web: https://www.sqlitetutorial.net/
SQLite là một hệ thống cơ sở dữ liệu quan hệ nhỏ, nó có đặc điểm là có thể tích hợp vào bên trong các trình ứng dụng khác.
SQLite được viết và phát triển bởi D. Richard Hipp sử dụng ngôn ngữ lập trình C, với mục đích không cần yêu cầu quản trị cơ sở dữ liệu mà vẫn có thể vận hành ứng dụng.
Chúng ta có thể liên kết SQLite tĩnh hoặc động tới ứng dụng, chỉ khoảng 400KB với cấu hình đầy đủ hoặc 259KB nếu bỏ qua một số tính năng tùy chọn thì SQLite thực sự rất nhẹ để tích hợp vào ứng dụng.
Các bạn có thể tham khảo các bài hướng dẫn về SQLite tại đây: https://www.sqlitetutorial.net/
#11. Kết luận
Vậy là trong bài viết này mình đã cùng với các bạn điểm qua 10 hệ quản trị cơ sở dữ liệu phổ biến nhất hiện nay rồi nhé.
Ngoài những hệ quản trị cơ sở dữ liệu mình đã liệt kê bên trên ra, nếu bạn còn biết thêm hệ quản trị cơ sở dữ liệu nào khác thì có thể comment ở phần bình luận để anh em cùng tìm hiểu nha.
Xin chào và hẹn gặp lại các bạn ở trong những bài viết tiếp theo nhé. À quên, đừng quên ghé thăm Blog khi rảnh để đọc thêm nhiều bài viết hữu ích khác nhé ◉◡◉
CTV: Nguyễn Đức Cảnh – Bài viết gốc tại blogchiasekienthuc.com
Có thể bạn quan tâm:
- Top 10 chứng chỉ IT được săn đón nhất 2020
- Các nền tảng tuyển dụng tốt nhất dành cho Software Engineer
- Sql là gì? 6 lý do tại sao bạn nên học SQL
Xem thêm Việc làm it cho các Developer hấp dẫn trên TopDev