Môi trường vĩ mô trong tiếng Anh gọi là Macro environment. Môi trường vĩ mô hay môi trường kinh doanh vĩ mô của doanh nghiệp bao gồm các yếu tố nằm ngoài doanh nghiệp, có tác động ở phạm vi rộng và tác động lâu dài đến mọi hoạt động của doanh nghiệp.
Môi trường vĩ mô có ba đặc điểm sau:
- Các yếu tố thuộc môi trường vĩ mô thường có tác động gián tiếp đến hoạt động và kết quả hoạt động của tổ chức
- Các yếu tố thuộc môi trường vĩ mô thường có mối quan hệ tương tác với nhau để cùng tác động đến tổ chức
- Các yếu tố thuộc môi trường vĩ mô có ảnh hưởng đến tất cả các ngành khác nhau, các lĩnh vực khác nhau và tất cả mọi tổ chức.
2. Các yếu tố trong môi trường vĩ mô:
2.1. Môi trường nhân khẩu học:
Nhân khẩu học là khoa học nghiên cứu về dân số trên các phương diện như tỷ lệ tăng trưởng, phân bố dân cư, cơ cấu lứa tuổi, tỷ lệ sinh và tỷ lệ chết, cơ cấu lực lượng lao động, mức thu nhập, giáo dục và các đặc tính kinh tế – xã hội khác. Những kết quả nghiên cứu trên về dân số có thể được sử dụng để dự đoán nhu cầu tiêu dùng sản phẩm trong tương lai.
Đặc điểm nhân khẩu học bao gồm dân số, độ tuổi, giới tính, mật độ phân bổ dân cư, nghề nghiệp, trình độ học vấn, tình trạng hôn nhân, tôn giáo, mức thu nhập hàng tháng, chủng tộc, ….
Bằng cách trực tiếp hay gián tiếp, đặc điểm nhân khẩu học tại khu vực hoạt động của doanh nghiệp sẽ tác động đến hành vi người tiêu dùng và ảnh hưởng đến nội dung hoạt động marketing của doanh nghiệp, cách thức doanh nghiệp tiếp cận khách hàng, phân khúc thị trường, lựa chọn thị trường mục tiêu. Ví dụ, sự nâng cao trong mức thu nhập bình quân của người dân mở rộng cơ hội cho những doanh nghiệp kinh doanh sản phẩm/ dịch vụ thuộc những phân khúc cao cấp. Hay ở một ví dụ khác, tỷ lệ già hóa dân số tại một số quốc gia trên thế giới khiến các doanh nghiệp tập trung vào các sản phẩm/ dịch vụ dành cho lứa tuổi già như chăm sóc sức khỏe, nghỉ dưỡng, du lịch….
2.2. Kinh tế:
Môi trường kinh tế bao gồm các cơ chế của thị trường, sự phát triển của các ngành nghề kinh doanh, cán cân xuất nhập khẩu, thu nhập của các doanh nghiệp, cá nhân tồn tại trong môi trường đó.
Môi trường kinh tế bao gồm các yếu tố tác động đến thu nhập của những người dân sống trong môi trường đó, từ đó ảnh hưởng đến khả năng chi tiêu và thói quen mua sắm của người tiêu dùng. Khi nền kinh tế đi xuống, người tiêu dùng sẽ có xu hướng “thắt lưng buộc bụng” và lựa chọn những sản phẩm/ dịch vụ vừa đủ phục vụ nhu cầu với mức giá vừa phải. Ngược lại, khi nền kinh tế đi lên, người tiêu dùng có xu hướng thoải mái hơn trong việc mua sắm, sẵn sàng chi cho những sản phẩm/ dịch vụ đắt tiền có giá trị cao.
2.3. Môi trường tự nhiên:
Môi trường tự nhiên bao gồm môi trường thể chất (đất đai, không khí, biển, núi, sông ngòi, động thực vật, …) và các tài nguyên thiên nhiên cần thiết để làm nguyên liệu đầu vào cho quá trình sản xuất tại các doanh nghiệp.
Về mặt cơ bản, những thay đổi bất ngờ trong môi trường tự nhiên như sự thay đổi đột ngột về thời tiết, khí hậu, thiên tai, … có thể tác động mạnh mẽ đến doanh nghiệp marketing và hoạt động marketing nói riêng.
Ở quy mô rộng hơn, các quốc gia trên thế giới ngày càng quan ngại về những thay đổi về môi trường trong những năm gần đây. Ô nhiễm nước, không khí, đất đai đang ở mức báo động ở nhiều khu vực, đặc biệt là ở các thành phố lớn. Công nghiệp hóa gây nên hiện tượng trái đất nóng dần lên. Sự gia tăng về dân số, cách thức con người sinh hoạt và xử lý rác khiến lượng rác thải ra môi trường ngày càng tăng và chưa có dấu hiệu dừng lại. Việc các nguồn tài nguyên thiên nhiên bị khai thác quá mức khiến cho hệ sinh thái bị mất cân bằng từ đó gây nên các hiện tượng biến đổi khí hậu, tuyệt chủng ở nhiều loại thực vật và động vật.
2.4. Công nghệ:
Môi trường công nghệ bao gồm các mô hình ứng dụng để hỗ trợ con người trong các hoạt động thường ngày, bao gồm sinh hoạt, lao động và sản xuất. Những mô hình ứng dụng này có thể là những công cụ, thiết bị máy móc, phần mềm, nguồn năng lượng, ….
Có thể xem môi trường công nghệ là một nguồn lực góp phần định hình cách thức hoạt động của cả thế giới, trong đó có doanh nghiệp. Sự phát triển của công nghệ và những ứng dụng của nó đã cho ra đời các sản phẩm có mức độ tân tiên hơn qua hàng năm., đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng một cách tốt hơn. Bên cạnh đó, các ứng dụng công nghệ cũng giúp doanh nghiệp nâng cao hiệu quả, tiến độ quá trình sản xuất, tiết kiệm được nguồn nhân lực, nguyên vật liệu, ….
2.5. Môi trường chính trị – pháp luật- xã hội:
Môi trường chính trị – xã hội bao gồm: luật phát, thể chế ban hành bởi chính phủ quốc gia và các quy tắc về đạo đức được xây dựng bởi xã hội.
Nền chính trị ở một quốc gia luôn có những ảnh hưởng nhất định đối với hoạt động sản xuất và kinh doanh ở các doanh nghiệp. Tuy rằng hầu hết các quốc gia đã áp dụng nền kinh tế thị trường và cho phép tự do thông thương với các quốc gia khác, nhưng vẫn còn một số quốc gia mà chính phủ áp dụng mô hình bao cấp và đóng cửa giao thương. Bên cạnh đó, một số doanh nghiệp cung cấp sản phẩm/ dịch vụ thiết yếu như điện nước, xăng dầu vẫn ở thế độc quyền và bị kiểm soát chặt chẽ bởi chính phủ.
Luật pháp đóng vai trò là định hình khuôn mẫu đối với hoạt động kinh doanh và sản xuất của doanh nghiệp tại quốc gia, địa phương đó. Hầu hết các quốc gia đều áp dụng một mức thuế thu nhập đối với mỗi doanh nghiệp, tùy theo ngành nghề hoạt động. Một số ngành nghề kinh doanh cần đạt tiêu chuẩn về cơ sở vật chất, quy trình sản xuất, phòng cháy chữa cháy…. mới có thể đi vào hoạt động. Một số sản phẩm thiết yếu như dược phẩm, thiết bị y tế khi tung ra thị trường cần đạt những tiêu chuẩn nhất định về chất lượng.
Việc đặt ra pháp lý đối với doanh nghiệp có ba mục đích chính sau:
Trước hết là để bảo vệ cho giữa các công ty với nhau. Tất cả các nhà điều hành kinh doanh đều tán tụng việc cạnh tranh, nhưng lại cố muốn trung hoà nó khi sự cạnh tranh đụng chạm đến mình. Đã có nhiều đạo luật được thông qua nhằm ngăn chặn sự cạnh tranh không công bằng.
Mục đích thứ hai trong việc điều tiết của chính quyền là để bảo vệ người tiêu thụ tránh được các giao dịch buôn bán không công bằng. Có một số xí nghiệp, mà nếu cứ để mặc họ, họ sẽ làm sản phẩm giả, nối dối trong quảng cáo, lừa đảo qua việc đóng bao bì, và gian manh trong chuyện giá cả.
Mục đích thứ ba trong việc điều tiết của chính quyền là để bảo vệ các lợi ích rộng lớn của xã hội, tránh khỏi các hành vi sai lạc. Điều này có thể xảy ra là tổng sản phẩm quốc gia thì tăng, mà chất lượng đời sống thì lại tuột giảm. Hầu hết các công ty đều không hứng chịu những phí tổn xã hội trong hoạt động sản xuất hoặc trong sản phẩm của họ. Giá cả của họ sẽ được thấp hơn và doanh số được tăng cao hơn nếu họ gánh chịu các phí tổn xã hội này. Khi môi trường trở nên xấu đi, những đạo luật mới cùng các cưỡng chế của chúng sẽ tiếp tục còn nguyên hiệu lực hoặc mở rộng ra thêm. Các doanh nghiệp phải theo dõi những tiến trình này, khi phác thảo sản phẩm và chương trình Marketing.
2.6. Môi trường văn hóa:
Môi trường văn hóa bao gồm yếu tố ảnh hưởng đến giá trị cơ bản, nhận thức, sở thích và tính cách của những người sống trong xã hội.
Trong xã hội, các yếu tố về văn hóa là một trong các nhân tố chính giúp định hình niềm tin và giá trị cơ bản, quan điểm nhìn nhận, phong cách sống của một cá nhân lớn lên trong xã hội. Thông qua đó, văn hóa sẽ tác động đến quan điểm và cách nhìn nhận của những người tiêu dùng về doanh nghiệp, sản phẩm/ dịch vụ sản xuất bởi doanh nghiệp đó. Sự thay đổi về đặc điểm văn hóa của khách hàng mục tiêu sẽ buộc doanh nghiệp phải có sự thay đổi trong chiến lược marketing của mình để có thể tiếp cận và đáp ứng đúng nhu cầu của những khách hàng đó, cũng như có thể tồn tại và phát triển lâu dài trong nền văn hóa đó.
Các giá trị văn hoá – xã hội được hiểu là các ý tưởng được coi trọng hoặc các mục tiêu mà mọi người mong muốn hướng tới. Các giá trị văn hoá – xã hội có sự khác nhau giữa nhóm người này với nhóm khác, giữa dân tộc này với dân tộc khác. Tuy nhiên, sự phát triển kinh tế các nước và sự giao lưu các nền văn hoá có thể dẫn những thay đổi ít nhiều các giá trị văn hoá – xã hội có ảnh hưởng tới Marketing. Những thay đổi đó là:
- Thay đổi từ sự thoả mãn trong tương lai với sự thoả mãn tức thì. Trước đây có sự khác biệt rất lớn trong phong cách sống của người dân ở miền Bắc và miền Nam. Hiện nay ở miền Bắc đặc biệt thanh niên, đã chú ý hơn tới sự thoả mãn tức thì, biểu hiện ở ở sự phát triển hình thức bán hàng trả góp “mua bây giờ và trả sau này”. Có rất nhiều người, nhiều gia đình ở thành phố hướng tới các loại thực phẩm ăn nhanh hoặc đã qua sơ chế có thể nấu nướng nhanh chóng.
- Thay đổi hướng tới các sản phẩm tự nhiên. Ví dụ, vào những năm 60 thế kỷ 20, người tiêu dùng hướng tới việc sử dụng các sản phẩm dệt sợi nhân tạo hoặc bán nhân tạo. Hiện nay nhu cầu thị trường đã xuất hiện xu hướng quay trở lại với các sản phẩm sợi tự nhiên. Nhiều người muốn tạo ra môi trường tự nhiên riêng cho mình bằng cách trồng cây cảnh trong nhà, xây hòn non bộ,.. thúc đẩy các ngành nghề sản xuất cây giống, sản xuất bình gốm hoặc công nghệ khai thác đá…
- Thay đổi trong sự bình đẳng nam nữ, bình đẳng vợ chồng trong gia đình. Việc phụ nữ tham gia nhiều hơn vào hoạt động lao động tạo ra thu nhập cho gia đình và các hoạt động xã hội khác đã tác động mạnh mẽ tới thị trường sản phẩm, đặc biệt là những sản phẩm ăn liền, thực phẩm đã chuẩn bị sẵn, cơm hộp ăn trưa tại cơ quan…
Kết luận: Những yếu tố nói trên có thể trở thành cơ may cũng có thể là đe doạ đối với các nhà làm Marketing. Thay vì chống đối tất cả các hình thức điều tiết, cơ sở kinh doanh nên giúp đỡ việc triển khai những giải pháp có thể chấp nhận được trong các vấn đề về nguyên liệu và năng lượng đang đặt ra cho đất nước.