Contents
1. Văn lập luận chứng minh là gì?
Văn lập luận chứng minh là thể loại bài viết được làm bằng cách dùng các chứng cứ xác thực, lý lẽ đáng tin cây để khẳng định một quan điểm, ý kiến. Nói cách khác, thể loại văn này yêu cầu người viết phải bớt “cảm xúc cá nhân, cái nhìn chủ quan”. Thay vào đó là các bằng chứng, chân lý đã được mọi người thừa nhận để khẳng định điều mình cần bảo vệ.
Trong văn lập luận chứng minh dẫn chứng có vai trò rất quan trọng. Cụ thể dẫn chứng bao gồm: số liệu được công bố, con người, danh ngôn, nhân vật, tác phẩm hoặc bất kỳ chân lý đã được cộng đồng thừa nhận.
Tuy nhiên, để viết được một bài văn lập luận chứng minh thuyết phục, người viết phải đưa ra các dẫn chứng có giá trị. Tức là những dẫn chứng đó được lựa chọn, thẩm định kỹ càng, tỉ mỉ và cẩn thận. Ngoài ra, dẫn chứng cần đảo bảo 2 yêu cầu trong bài viết:
- Dẫn chứng phải phù hợp với vấn đề đang viết, phải chính xác, tiêu biểu nhất. Điều này yêu cầu người viết tránh lối sử dụng dẫn chứng tràn lan, không tiêu biểu, khiến vấn đề muốn chứng minh càng “rối hơn”.
- Dẫn chứng trong bài viết cần được sắp xếp, trình bày hệ thống để thuyết phục điều cần chứng minh. Điều này yêu cầu người viết cần biết chọn lọc, sắp xếp sao cho dễ hiểu và chứng minh được vấn đề cần nói. Tránh việc sắp xếp dẫn chứng lộn xộn, không bổ trợ cho nhau.
2. Hướng dẫn cách làm bài văn lập luận chứng minh lớp 7
Trong môn Ngữ văn lớp 7, lập luận chứng minh được đưa vào giảng dạy. Với các em học sinh đây là một kiến thức khá khó tiếp thu. Lý do ở lứa tuổi này, học sinh hầu hết vẫn viết văn theo “cảm xúc” nhiều hơn là “chứng minh”. Nhưng đây là một kiến thức rất cần thiết để các em phát triển tư duy phân tích, logic… sau này. Dưới đây là chi tiết cách làm bài văn lập luận chứng minh cho học sinh lớp 7.
2.1. Tìm hiểu đề, tìm ý trong của bài văn lập luận chứng minh
Đây là bước rất quan trọng trong cách làm bài văn lập luận chứng minh. Vì chỉ có đọc kỹ đề, vạch rõ ý thì người viết mới tìm được đứng vấn đề cần được chứng minh. Cụ thể khi đọc đề văn dạng này học sinh cần đặt ra các câu hỏi:
- Đề yêu cầu gì? (Câu hỏi này để xác định đúng yêu cầu chính của đề bài).
- Chúng ta cần phải chứng minh điều gì? (Câu hỏi này nhằm xác định cụ thể vấn đề cần chứng minh. Lưu ý với các em học sinh, điều cần chứng minh trong đề thường được đưa ra dưới 2 dạng: (1) Luận điểm cho sẵn. (2) Câu nói, câu thơ, câu văn hoặc thậm chí là hình ảnh.
- Luận điểm của bài là gì? (Trong bài văn lập luận chứng minh luôn có một luận điểm chính xuyên suốt).
- Lập luận chứng minh theo cách nào? (Thông thường sẽ có 3 cách: (1) Dùng lý lẽ và phân tích lý lẽ, (2) Dùng lý lẽ và dẫn chứng. (3) Kết hợp cả hai cách trên.
2.2. Lập dàn bài bài văn lập luận chứng minh
Sau bước tìm hiểu đề, xác định các ý trong bài văn, học sinh tiếp tục bước lập dàn bài. Như tất cả các bài văn khác, bài văn lập luận chứng minh cần 3 phần: mở bài, thân bài, kết bài. Trong đó, ở bước này học sinh cần xác định rõ nội dung từng phần. Sau đó triển khai các luận cứ trong từng phần, và đưa dẫn chứng cho mỗi lý lẽ được đưa ra. Cụ thể học sinh cần làm như sau:
Mở bài:
- Nêu khái quát về vấn đề cần chứng minh.
- Nêu qua ý nghĩa của vấn đề, tóm tắt ý kiến của mình về vấn đề đó.
Thân bài:
- Triển khai luận điểm chính bằng các luận điểm nhỏ.
- Dùng các lý lẽ được chọn lọc để chứng minh vấn đề.
- Chọn lựa những dẫn chứng (con số thống kê, câu nói, tác phẩm…) để thuyết phục điều mình chứng minh.
- Lưu ý việc sắp xếp các luận cứ (lý lẽ và dẫn chứng) sao cho thuyết phục nhất.
Kết bài:
- Khẳng định một lần nữa tính đúng đắn của vấn đề mình vừa chứng minh.
- Mở rộng vấn đề (nếu có thể).
2.3. Cách viết bài văn làm theo phương pháp lập luận chứng minh
Sau khi hoàn thành dàn ý, học sinh bắt đầu viết bài để hoàn thiện một bài văn lập luận chứng minh. Ở cách viết, yêu cầu học sinh phải bám sát dàn ý đã làm ở trên. Tùy vào mỗi đề bài, mỗi dàn ý sẽ có các cách viết khác nhau. Tuy nhiên, nhìn chung cách làm bài văn lập luận chứng minh thường như sau.
- Mở bài: Nêu chung về vấn đề, sau đó đi thẳng vào vấn đề cần chứng minh.
- Thân bài: Viết từ cái chung đến cái riêng của vấn đề cần chứng minh. Mỗi lý lẽ cần đi kèm dẫn chứng.
- Kết bài: Khẳng định lại quan điểm, vấn đề đã được chứng minh.
3. Ví dụ soạn bài văn lập luận chứng minh mẫu
Để minh họa rõ hơn cho cách làm bài văn lập luận chứng minh, Yeutre.vn sẽ đưa ra ví dụ đề thi như sau.
Đề bài : “Hãy chứng minh lời khuyên của nhân dân ta trong câu tục ngữ ‘Lá lành đùm lá rách’ đã được thể hiện tự nhiên trong cuộc sống”.
Với đề bài trên học sinh cần xác định các ý chính (vấn đề cần chứng minh) bằng các câu hỏi:
- Câu tục ngữ “Lá lành đùm lá rách” khuyên chúng ta điều gì?
- Lời khuyên đó được thể hiện ra sao trong cuộc sống xưa và nay?
- Những việc làm cụ thể đã chứng tỏ được đạo lý đó?
- Suy nghĩ của người viết về đạo lý lá lành đùm lá rách trong tương lai?
Từ các câu hỏi trên tiến hành lập dàn ý cho bài viết như sau.
3.1. Cách làm mở đầu bài văn lập luận chứng minh
- Dẫn dắt đi thẳng vào vấn đề.
- Ví dụ: “Trong kho tàng văn học dân gian có nhiều tục ngữ… thể hiện tinh thần thương người như thể thương thân…”
3.2. Thân bài
- Lá lành đùm lá rách là hình ảnh ẩn dụ.
- Tục ngữ đó khuyên chúng ta phải biết giúp đỡ những người khó khăn.
- Đạo lý thương yêu người khác đã được chứng tỏ trong cuộc sống xưa và nay. Từ xưa có nhiều câu nói như Một miếng khi đói bằng một gói khi no, thương người như thể thương thân… Ngày nay thể hiện qua hình ảnh quyên góp ủng hộ người nghèo, vùng bão lũ, trẻ em có hoàn cảnh khó khăn…
- Hơn hết tình yêu thương vượt qua biên giới. Thể hiện ở cách nước Việt Nam ủng hộ các nước khó khăn vì dịch bệnh Covid-19, bão lũ, thiên tai…
- Suy nghĩ cá nhân về ý nghĩa của đạo lý sống đó. Đến đây, bạn có thể tham khảo cách làm bài văn nghị luận xã hội để hiểu cách dẫn dắt thuyết phục hơn.
3.3. Kết bài
- Khẳng định đạo lý lá lành đùm lá rách là điều đúng đắn.
- Mở rộng vấn đề.
Như vậy, bài viết trên chúng tôi vừa hướng dẫn chi tiết cách làm bài văn lập luận chứng minh soạn theo chuẩn chương trình lớp 7. Hy vọng rằng thông tin đó sẽ giúp các em học sinh hiểu và làm được thể loại này một cách tốt nhất. Chúc các em thành công!
Đức Lộc