Công nghệ kỹ thuật ngày càng tiên tiến thì chiêu thức hack của các hacker lại càng tinh vi. Để tránh xa virus máy tính, người dùng phải biết cách bảo vệ dữ liệu và các thông tin quan trọng của chính mình. 10 mẹo đơn giản sau đây sẽ giúp người dùng tránh xa một số chiêu thức phổ biến của hacker ngày nay. Nhờ đó có thể giảm thiểu những nguy cơ và thiệt hại mà virus cũng như mã độc mang lại.
1. Tuyệt đối không nhấp vào các nút Download giả mạo
Nghe có vẻ lạ lẫm, nhưng thực chất người dùng có thể thấy chúng nhan nhản trên các trang mạng chuyên tải về hoặc các trang cung cấp tài nguyên miễn phí. Như hình ảnh dưới đây, nếu không nhìn kỹ, rất có thể người dùng sẽ vô tình nhấp vào nút Download giả mạo mà không hay biết. Kết quả là người dùng sẽ tải nhầm một tập tin hoặc trình cài đặt độc hại – đa phần là mã độc hoặc phần mềm quảng cáo, thanh công cụ trên trình duyệt…
Rõ ràng đây là một cách lừa đảo hết sức tinh vi vì đánh vào tâm lý người sử dụng khi muốn nhanh chóng tải một tập tin hay tài nguyên nào đó về máy tính của mình để sử dụng. Thường thì các nút download này còn nổi bật hơn cả nút download thật, nên nhanh chóng thu hút sự chú ý của người dùng. Để tránh khỏi chiêu lừa phỉnh này, người dùng phải hết sức tỉnh táo và kiểm tra các thông tin sau đây:
– Đây là trang web thường xuyên dùng để tải tài nguyên?
– Trang web này có đáng tin cậy không?
– Trước khi nhấp vào, hãy lia chuột đến nút Download và nhìn dưới thanh trạng thái của trình duyệt xem đường link dẫn có an toàn không. (Đặc biệt chú ý các đường link có chữ ads vì rất có thể hắn là hàng giả).
– Thiết kế và font chữ của nút Download có phù hợp với giao diện trang đang tải hay không? (Đa phần giao diện thiết kế website phải hài hòa và dùng chung một kiểu font).
Nếu cảm thấy nghi ngờ, người dùng nên tránh tải từ trang web này và tìm một nguồn khác đáng tin cậy hơn để tải tài nguyên.
2. Sử dụng trình duyệt Web an toàn
Có thể nói trình duyệt Web chính là phần mềm được sử dụng thường xuyên nhất trên máy tính của người dùng và cũng chính là công cụ duy nhất người dùng dùng để giao tiếp trực tuyến với các thông tin trên Internet. Mua hàng trực tuyến, sử dụng Internet Banking (ngân hàng trực tuyến), đọc tin tức trên các trang báo mạng hay truy cập mạng xã hội đều được sử dụng trên trình duyệt Web và chúng đều tiềm ẩn nhiều nguy cơ nếu người dùng không trang bị cho mình một trình duyệt web an toàn.
Một trình duyệt Web với nhiều lỗ hổng bảo mật có thể làm người dùng bị rò rỉ nhiều thông tin quan trọng như tài khoản mạng xã hội, mật khẩu, tài khoản ngân hàng hay thậm chí là thẻ tín dụng… Để tránh điều này, người dùng nên thường xuyên cập nhật phiên bản mới cho trình duyệt Web đang sử dụng và lựa chọn các trình duyệt Web phổ biến an toàn như Chrome, Firefox hay Microsoft Edge.
Khi truy cập người dùng cũng nên mở tính năng bảo vệ của phần mềm diệt virus trên trình duyệt Web để giúp phần mềm cảnh báo ngay cho người dùng khi có bất kỳ trang web độc hại nào đang cố tình thu thập thông tin dữ liệu quan trọng của người dùng.
3. Lơ đi các cảnh báo có virus hiện pop up trên quảng cáo
Người dùng có bao giờ thấy những quảng cáo pop up hiện thông tin đại loại như: “Máy tính của người dùng đã bị nhiễm virus, click vào đây để diệt virus miễn phí”; “Máy tính của bạn bị chậm do nhiễm virus, quét virus ngay”, hay một quảng cáo nhảy lên ngay trên điện thoại, điện thoại rung lên và báo rằng “Điện thoại ABC (dòng điện thoại của người dùng) đã nhiễm virus”… Đa phần chúng đều là quảng cáo dọa người dùng để lừa người dùng nhấp vào để tải những mã độc, phần mềm độc hại về máy. Vì vậy hãy lơ đi chúng và sử dụng một phần mềm diệt virus đáng tin cậy để thường xuyên quét virus cho máy tính.
4. Tránh các trang tải Torrent độc hại
Hẳn người dùng đã từng nghe các tin tức về các trang torrent bất hợp pháp với nhiều lỗ hổng bảo mật, cũng như là giả mạo nhằm thu hút người dùng tải về các worms, virus, Trojans và các phần mềm độc hại khác dưới tên tập tin mà người dùng đang cố tải về.
Vì vậy người dùng chỉ nên tải các torrent từ trang web đáng tin cậy và đảm bảo an toàn bảo mật.
5. Xóa ngay những tập tin với mã giả mạo
Các tập tin nhạc hay video trên trang Torrent có thể bị giả mạo và người dùng không thể nhận biết được điều này cho đến khi mở các tập tin này lên. Điều dễ nhận thấy khi mở tập tin này là Windows Media Player hay các trình khác hiển thị thông báo rằng tập tin không thể mở được hoặc cần phải tải mã hay phần mềm nào đó để mở được tập tin này. Một cách để dễ biết đó chính là thử mở bằng chương trình VLC nổi tiếng có thể mở được hầu hết các tập tin âm nhạc và video. Tập tin nào không mở được bằng trình này thì rất có thể chính là mã độc hoặc tập tin độc hại. Hãy xóa ngay tập tin này!
6. Đừng mở những tập tin đính kèm email đến từ người lạ
Email là một phương thức phổ biến mà hacker dùng để lây lan và phát tán virus. Không chỉ những email dạng quảng cáo thông thường, ngày nay hacker đã chuyên nghiệp hơn trong việc sử dụng những email giả dạng email quan trọng để lừa người dùng click vào, từ đó bị lây nhiễm, phá hoại tập tin dữ liệu người dùng và dùng chính email của người dùng để tiếp tục gửi email cho những thông tin liên lạc có trong danh bạ.
Vậy làm thế nào để tránh những thể loại email nguy hiểm này?
Tuyệt đối không nhấp vào bất kỳ email nào gửi từ người lạ, đặc biệt là các email có đính kèm tập tin.
Nên sử dụng công cụ quét email spam và các email độc hại.
7. Chỉ tải phần mềm từ trang web nhà phát triển
Các trang tổng hợp Download thường tiềm ẩn nhiều nguy cơ. Đặc biệt như ở phần trước có đề cập các trang tài nguyên này còn có thể hiện các nút Download giả mạo để lừa người dùng tải những phần mềm độc hại.
Chính vì vậy để phòng chống, người dùng nên tải từ các trang web chính thống của nhà sản xuất hoặc nhà phát triển phần mềm.
8. Hạn chế sử dụng tài khoản quản trị trên máy tính
Dù cho có đang sử dụng hệ điều hành nào đi nữa, người dùng hãy bảo đảm rằng đang đăng nhập bằng tài khoản thường chứ không phải tài khoản quản trị. Ngay cả các thành viên trong gia đình cũng thế. Dĩ nhiên người dùng sẽ phải cần một tài khoản quản trị trong một số tình huống nhưng với các hoạt động thường ngày thì không cần đến tài khoản quản trị đâu.
Nếu áp dụng theo cách này, khi vô tình tải hay cài đặt bất kỳ phần mềm nào, khi phần mềm có yêu cầu thay đổi hệ thống buộc người dùng phải chuyển sang tài khoản quản trị, nhờ đó người dùng có thể xem xét phần mềm này có an toàn hay không.
9. Thường xuyên quét virus các tập tin mới và ổ đĩa cũng như thiết bị mới kết nối vào máy tính
Nhờ đó, người dùng có thể nhanh chóng phát hiện ra các tập tin mới cũng như các thiết bị mới kết nối có an toàn và nhanh chóng ngăn chặn trước khi các phần mềm độc hại, virus, mã độc kịp xâm nhập vào máy tính.
10. Sử dụng phần mềm diệt virus đáng tin cậy và thường xuyên cập nhật phiên bản mới
Để đảm bảo an toàn cho máy tính khỏi những nguy cơ an ninh mạng hiện nay, người dùng phải tự trang bị cho mình một phần mềm diệt virus đáng tin cậy có thể diệt được hầu hết các virus hiện nay. Phần mềm cần phải đáp ứng các điều kiện như hỗ trợ tường lửa, bàn phím bảo mật, ngăn chặn website độc hại.
Chúc bạn thành công
Minh Hương