Về đến đầu làng, ta đã gặp bóng cây đa thân vút cao, tán lá sum suê rợp mát. Có cây to hàng mấy người ôm, rễ rủ xuống lòa xòa, tạo thành một cái cổng làng xanh tự nhiên. Cây đa đứng trước cổng đình, cổng chùa vươn những cành lá mập mạp ôm ấp những mái đầu đao rêu phong ngàn thuở. Cây đa đứng bên bến đò lung linh soi bóng nước. Rồi giữa cánh đồng làng nắng gió mênh mang, nơi ngã ba, ngã tư lại vút lên một bóng đa như tán ô xanh. Không có tán ô xanh ấy thì những buổi trưa hè “Nước như ai nấu, chết cả cá cờ, cua ngoi lên bờ…” dân làng đi làm đồng biết trú nắng nơi đâu. Lại có cây đa đứng cao giữa chợ cho bà con suốt ngày tấp nập, quây quần họp chợ mua, bán đông vui… Thế đó, ở đâu bà con cần bóng mát, cần vẻ đẹp thì ở đó có cây đa…
Nhiều cây đa đã sống với dân làng qua bao nhiêu thế hệ. Có cây đã sống đến hàng trăm, hàng mấy trăm năm. Cây đa ở đền Cổ Loa đã có dư nghìn tuổi. Đa là một loại cây khỏe, đa quanh năm lúc nào cũng rười rượi xanh, tràn trề sức sống. Cả những cây đa đại thụ vẫn chẳng thấy sự già nua bao giờ. Chả thế mà mỗi khi nói đến sự lớn lao, vĩ đại người ta lại hay so sánh, ví von như cây đa, cây đề. Hình ảnh cây đa vì thế mà còn được lấy làm biểu trưng cho người cao tuổi Việt Nam…
Đa không có hoa rực rỡ, không có quả ngọt ngon như nhiều cây trái khác. Vậy mà mùa ra hoa, ra quả cây đa cũng đẹp lạ. Những búp đa mập mạp như ngón tay, như mũi giáo, màu gạch non tua tủa đâm ra đỏ cành. Quả đa cũng chỉ bằng đầu ngón tay, cũng màu gạch non dìu dịu… Búp đa và quả đa ăn bùi bùi, chan chát. Chim sáo rất thích ăn quả đa. Mùa quả đa chín, trên cây đa suốt ngày có những đàn sáo đen, sáo sậu, chúng ríu rít, thỏa thích thưởng thức những quả đa chín trên cành. Rồi quả đa rào rào rụng đỏ cả gốc cây…
Dưới bóng đa mát rượi, những buổi trưa hè, không mấy lúc vắng bóng người. Người đi làm đồng về, người đi chợ qua đều xúm xít ngồi dưới gốc đa thảnh thơi hóng mát. Lũ trẻ làng cũng suốt ngày tụ tập đánh chắt, chơi ô bên những chú trâu mắt lim dim nằm nhai cỏ. Đến những đêm trăng, lũ trẻ vẫn còn hồn nhiên nô đùa với đủ các trò chơi, nào là trốn tìm, nào đánh trận giả… cứ rộn cả đêm làng quê. Về khuya, vẫn còn có những đôi trai gái làng bên nhau tình tự. Nhiều đôi đã nên chồng, nên vợ từ những kỷ niệm dưới gốc đa làng ấy. Cây đa bình dị vậy mà cũng có biết bao nhiêu những giai thoại, những truyền thuyết nên thơ từ ngàn thuở cha ông. Ngày xưa, thời khởi nghĩa Lam Sơn, người ta đã từng thấy có dòng chữ hiện trên mỗi chiếc lá đa “Lê Lợi vi quân, Nguyễn Trãi vi thần”. Nhờ đó mà lớp lớp trai tráng khắp nơi kéo nhau về đứng dưới lá cờ “Lam Sơn tụ nghĩa” cùng Lê Lợi, Nguyễn Trãi nếm mật, nằm gai, gian khổ mười năm đánh tan giặc Minh xâm lược. Rồi cây đa Tân Trào lịch sử. Ngày 22-12-1944, ba mươi tư chiến sĩ chân đất, súng thô dưới sự chỉ huy của Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã khai sinh ra Quân đội nhân dân Việt Nam anh hùng bách chiến, bách thắng.
Hồi Cách mạng tháng Tám năm 1945 ở làng nào mà chẳng có ngọn cờ đỏ sao vàng, cờ búa liềm trên những ngọn đa đầu làng. Nhà thơ Chế Lan Viên đã viết: “Cờ búa liềm trên những ngọn đa. Màu đỏ ấy thổi dậy hồn dân tộc…”. Trong cách mạng, trong kháng chiến còn có biết bao nhiêu đội dân quân, du kích, bộ đội từng tập hợp dưới bóng đa làng mít-tinh, biểu tình rầm rập kéo đi phá kho thóc lẫm, cướp chính quyền về tay nhân dân. Trai làng biết bao nhiêu lần tập hợp đội ngũ chỉnh tề dưới bóng đa sân đình hô vang lời thề “Ra đi giữ vững lời thề. Chưa hết giặc Mỹ chưa về quê hương”. Nhiều cây đa còn đó thực sự là những chứng tích lịch sử của mỗi làng quê. Những cây đa sẽ còn mãi với dân làng, bóng che mát cho người và mãi mãi xanh tươi như sức sống của mỗi làng quê, đất nước.
Tản văn của Thanh Thản