Cây Vòi voi là một cây cỏ mọc hoang khắp nơi trong nước ta. Nó cũng được sử dụng trong y học dân gian của nhiều nước. Tuy nhiên đây lại là một loại cây có độc tính và có thể dẫn đến những tác hại cho người. Hãy cùng tìm hiểu về cây cỏ này, cũng như công dụng và nguy cơ từ nó qua bài viết sau.
Contents
1. Giới thiệu cây thuốc
Cây Vòi voi có nhiều tên khác như Dền voi, Cẩu vĩ trùng, Đại vĩ đao, Nam độc hoạt. Cây có tên khoa học Heliotropium indicum L., thuộc họ Vòi voi Boraginaceae.
Đây là một loại cỏ cao từ 25 đến 40cm, thân khô, cứng, mang nhiều cành. Xung quanh thân có nhiều lông nhám, cứng, khỏe. Lá hơi nhăn nheo, sần sùi, có hình trứng dài. Cả 2 mặt đều có lông, các mép lá có răng cưa không đều.
Hoa có màu tím hoặc màu trắng, mọc xếp liền nhau thành hai hàng dài. Hoa không có cuống, mọc thành cụm có hình dạng giống vòi của con voi nên được gọi với cái tên Vòi voi. Quả gồm 4 hạch nhỏ, trên đỉnh dính vào nhau, khi chín thì tách ra.
2. Phân bố và thu hái cây Vòi voi
Cây Vòi voi có nguồn gốc từ vùng nhiệt đới châu Mỹ. Ngày nay cây thường mọc hoang rất nhiều tại các nước nhiệt đới, phổ biến ở Đông Nam Á như Việt Nam, Philipine, Indonesia,… Ở Việt Nam, cây mọc ở hầu hết các tỉnh, trừ vùng núi cao. Đây là một loài cây ưa sáng, thường mọc trên các bãi đất ẩm trên đường đi, nương rẫy, vườn, đất bỏ hoang, …
Cây mọc từ hạt vào khoảng tháng 4 – 5, sinh trưởng trong mùa hè. Ra hoa quả nhiều và tàn lụi vào giữa mùa thu.
Cây được thu hái quanh năm, nhưng để cây chứa nhiều dưỡng chất nhất để cho ra sản phẩm chất lượng thì thường người ta hay thu hoạch vào mùa hè và mùa thu. Thường dùng toàn cây, dùng tơi hay phơi khô.
3. Thành phần hóa học, tác dụng dược lý của Vòi voi
Toàn cây vòi voi có chứa các chất như indicin, acetylindicin, indicinin,… Lá và cụm hoa chứa spermin, putrescin, homospermidin, …
Các alkaloid pyrolizidin trong cây có tác dụng độc trên động vật, gia súc, trên người. Một số có tác dụng độc gan rõ rệt, phổi và một số mô khác cũng có thể bị ảnh hưởng. Một số chất khác trong cây có nguy cơ gây ung thư, độc tính trên gan.
Khi bôi trên vết thương ở, cao Vòi voi lại có tác dụng tốt trong giai đoạn tái tạo làm lành vết thương, chống viêm.
4. Tính vị, công dụng
Cây có vị đắng nhạt, hơi cay, mùi hăng, tính mát. Có tác dụng thông huyết, trừ phong thấp, thanh nhiệt, tiêu viêm. Đây là các tác dụng hướng đến điều trị bệnh đau nhức xương khớp.
Cây Vòi voi được dùng theo kinh nghiệm dân gian để chữa phong thấp, sưng khớp, đau lưng, mỏi gối, viêm họng, nhọt sưng tấy, … Liều dùng: 15 – 30g mỗi ngày dưới dạng thuốc sắc.
Vì cây có độc tính với gan nên hạn chế dùng uống để chữa bệnh. Ở phụ nữ có thai, nó có thể gây sảy thai.
Khi dùng ngoài, người ta dùng cành lá hoa tươi, giã nhỏ, chưng với giấm, đắp ngoài da chữa mụn nhọt, viêm hạch, bong gân, tụ máu.
5. Kinh nghiệm sử dụng Vòi voi ở các nước
Ở Indonesia, nước sắc từ lá dùng trị bệnh nấm Candida. Tại Lào, Campuchia, người ta dùng Vòi voi sắc uống hoặc đắp trị viêm sưng tấy, bong gân, thâm tím, đụng giập, viêm họng, áp xe, thấp khớp.
Ở Thái Lan, nước sắc phần trên mặt đất của cây dùng làm thuốc hạ sốt, chống viêm, rễ trị bệnh về mắt. Tại Tây Phi, người ta dùng để trị chàm, chốc lở. Ở Ấn Độ, cây còn được dùng làm mềm da, lợi tiểu, trị vết thương, nhọt lở ở lợi. Nước sắc chồi non trị ho, ghẻ; nước sắc rễ trị ho, sốt; nước sắc lá trị mày đay.
6. Một số bài thuốc có Vòi voi
6.1. Chữa sai khớp, bong gân, sau khi đã chỉnh hình các khớp
Vòi voi (lá và hoa) 30g, 1 củ tỏi, muối ăn 10g. Tất cả giã nát, đắp vào chỗ sưng tấy, băng chặt.
6.2. Chữa vết thương phần mềm
Vòi voi 50g, Sài đất 200g, Tô mộc 20g. Sắc nước, ngâm rửa bên ngoài
6.3. Viêm phổi, mủ màng phổi
60g cây tươi, đun sôi trong nước, uống với mật ong. Hoặc giã 60g – 120g cây tươi, lấy dịch và uống với mật.
6.4. Giảm sưng amydal bằng Vòi voi
Dùng lá tươi, nghiền ra, lấy dịch súc miệng.
6.5. Chữa phong thấp, nhức mỏi, tê bại, đau các khớp xương
Vòi voi khô 300g, rễ Nhàu rừng 200g, củ Bồ bồ 150g, Cỏ mực 100g.
Các vị hiệp chung, tán nhuyễn, vò ra viên bằng hạt tiêu. Mỗi lần uống 20-30 viên, ngày 2-3 lần.
>> Xem thêm: Phòng kỷ: Vị thuốc trị phong thấp, phù thủng
7. Vòi voi trong các nghiên cứu gần đây
Nghiên cứu cho thấy các hoạt chất trong cây như Helindicin, lycopsamine,… có hoạt tính kháng viêm, chống oxy hóa.
Một nghiên cứu tiến hành trên chuột bị viêm loét dạ dày cho thấy chiết xuất nước từ lá có tác dụng giúp bảo vệ dạ dày, ruột, lành các tổn thương viêm, loét. Tác dụng này có thể do thành phần tanin, alkaloid và saponin của nó.
Để chứng minh tác dụng chữa lành vết thương của cây, người ta nghiên cứu trên chuột tạo vết thương trên da. Kết quả cho thấy chiết xuất Vòi voi giúp kháng viêm, tăng sinh mô hạt, mau lành vết thương, cả vết thương nhiễm trùng.
Từ độc tính của cây, người ta thấy chiết xuất của nó có thể diệt ấu trùng muỗi Anopheles stephensi, Aedes aegypti và Culex quinquefasciatus. Đây là những loài muỗi làm lây truyền bệnh nguy hiểm như sốt rét, sốt xuất huyết. Kết quả này thể hiện Vòi voi có tiềm năng được sử dụng như một cách tiếp cận thân thiện với môi trường lý tưởng để kiểm soát muỗi gây bệnh.
8. Lưu ý
Một số loài vòi voi có tên khoa học H.lariocarpum Fish et Mey chứa chất ancaloid có nhân pyrolizidinn rất độc đối với gan và gây hủy hoại tổ chức gan, đau bụng tiêu chảy, xuất huyết lan tỏa và có thể gây ung thư. Độc tính thường khó phát hiện vì không có phản ứng ngay khi dùng, mà xuất hiện một cách âm ỉ, kéo dài.
Vì vậy, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) khuyến cáo không nên dùng vòi voi làm thuốc. Ở Việt Nam, Bộ Y tế (1985) cũng đã có khuyến cáo cần thận trọng khi dùng vòi voi chữa bệnh, mặc dù chỉ dùng ngoài để đắp theo kinh nghiệm cổ truyền cho các trường hợp tụ huyết bầm tím do chấn thương, viêm tấy áp-xe, sưng vù, sưng khớp, đinh nhọt giai đoạn chưa có mủ. Khi có kết quả nên ngừng ngay. Chú ý không dùng cho người già yếu.
Tốt nhất người bệnh không nên tự ý sử dụng bài thuốc có vòi voi tại nhà trước khi được chỉ định từ các thầy thuốc có chuyên môn Y học cổ truyền.
Vòi voi là một cây cỏ hoang thường gặp. Theo kinh nghiệm dân gian, nó được dùng để điều trị đau xương khớp, các bệnh lý ngoài da, vết thương phần mềm. Các nghiên cứu gần đây phần nào chứng minh những tác dụng này. Tuy nhiên, cây thuốc này có thể gây độc trên gan, cũng như gây sảy thai, vì vậy không nên tự ý uống để tránh tác dụng không mong muốn.