EPS (Earning Per Share) là thu nhập trên mỗi cổ phần. Đây là phần lợi nhuận thuộc về cổ đông của doanh nghiệp phân bổ trên một cổ phiếu đang lưu hành. EPS là chỉ số tài chính được sử dụng thường xuyên trong việc phân tích khả năng sinh lợi của doanh nghiệp.
Công thức tính EPS:
Ví dụ: Lợi nhuận sau thuế PVI năm 2020 đạt 848,56 tỷ đồng, trong đó lợi nhuận sau thuế cổ đông công ty mẹ đạt 807,21 tỷ đồng. Nghị quyết ĐHCĐ thông qua việc trích quỹ khen thưởng phúc lợi 28,12 tỷ đồng. Công ty có 234,24 triệu cổ phiếu lưu hành xuyên suốt năm 2020.
Như vậy EPS năm 2020 của PVI sẽ đạt (807,21 – 28,12)/ 234,24 = 3.326 đồng. Điều này có nghĩa lợi nhuận tạo ra năm 2020 trên mỗi đơn vị cổ phiếu PVI là 3.326 đồng.
Tuy nhiên, để thuận tiện hơn, một số nhà đầu tư đã tính EPS bằng cách không loại trừ trích quỹ khen thưởng phúc lợi. Hay nói cách khác, chỉ đơn giản là Lợi nhuận sau thuế thuộc về cổ đông công ty mẹ/ Số lượng cổ phiếu lưu hành bình quân trong kỳ. Nếu tính theo phương pháp này, EPS năm 2020 của PVI sẽ đạt 807,21/ 234,24 = 3.446 đồng.
Cách tính EPS “nhanh” này sẽ khiến số liệu tăng lên do không thực hiện trích quỹ, trong khi bản chất đây không phải là phần cổ đông thực “hưởng”. Do đó, nhà đầu tư khi sử dụng cách tính EPS “nhanh” này cần “bớt lạc quan” đôi chút để định giá doanh nghiệp trở nên sát với giá trị thực hơn.
Bên cạnh EPS, một chỉ tiêu thường song hành cùng là P/E. Đây là chỉ tiêu định giá tương quan giữa các doanh nghiệp, thị trường.
Công thức tính P/E:
Chỉ số P/E được xác định bằng công thức Thị giá cổ phiếu (vốn hóa doanh nghiệp)/ EPS (Lợi nhuận doanh nghiệp). Chỉ số này giúp nhà đầu tư xác định mức giá cổ phiếu (doanh nghiệp) mình quan tâm đang đắt gấp bao nhiêu lần khả năng sinh lợi của cổ phiếu (doanh nghiệp).
Ví dụ, Cổ phiếu PVI chốt năm 2020 tại mức giá 30.000 đồng/cp. EPS năm 2020 đạt 3.326 đồng. Như vậy, P/E vào thời điểm cuối năm 2020 của PVI sẽ là 9,02 lần. Hay nói cách khác, nhà đầu tư sẽ phải trả 9,02 đồng cho 1 đồng lợi nhuận của PVI.
Nhà đầu tư sẽ sử dụng chỉ số P/E để so sánh với các doanh nghiệp cùng ngành. Đây là một trong những yếu tố nói lên cổ phiếu đang “đắt” hay “rẻ” so với trung bình ngành. Nếu không có yếu tố gì khác thường, 2 cổ phiếu cùng ngành, cùng triển vọng như nhau thì P/E thấp hơn sẽ là cổ phiếu có định giá “rẻ” hơn. Ngược lại, P/E cao hơn sẽ là cổ phiếu có định giá “đắt” hơn.
Tuy vậy, cũng cần lưu ý, chỉ số P/E cao không chỉ mang ý nghĩa “đắt” mà còn mang hàm ý cho thấy nhà đầu tư đang kỳ vọng hơn về triển vọng doanh nghiệp, do đó sẵn sàng chi ra mức giá cao hơn để sở hữu. Tương tự, P/E thấp cũng không hẳn là “rẻ” vì điều này cũng có hàm ý nhà đầu tư chỉ chấp nhận mức giá thấp để sở hữu doanh nghiệp.
Để định giá doanh nghiệp, P/E chỉ là một trong nhiều chỉ số. Nhà đầu tư cần tham khảo thêm các chỉ số khác như P/E, EV/EBITDA, ROA, ROE…cũng như triển vọng kinh doanh dài hạn doanh nghiệp.