Thai 36 tuần siêu âm 2D hay 4D? Việc siêu âm 4D nhiều có tốt cho thai nhi không? Nếu mẹ có những thắc này xem ngay bài viết sau để được giải đáp.
Xem thêm:
- Siêu âm 4D là gì? 9 điều nhất định phải biết về kỹ thuật siêu âm 4D
- Hình ảnh, video siêu âm 4D cho mỗi giai đoạn
- Có nên siêu âm 4D không? Ưu nhược điểm siêu âm 4D
1. Thai 36 tuần siêu âm 2D hay 4D?
36 tuần nên siêu âm 2D hơn vì lúc này khoang ối chật hẹp và phần lớn bé quay đầu vào vùng xương chậu, khó để quan sát khuôn mặt em bé trên chức năng 4D.
Về mặt y tế, lúc này siêu âm 4D không đóng vai trò quan trọng như trước nữa, nó chủ yếu có ý nghĩa để mẹ tăng trải nghiệm khi quan sát con. Lúc này mẹ chỉ cần siêu âm 2D là đủ để biết:
- Đánh giá ngôi thai: đầu hay mông, ngang
- Cử động thai (+)
- Tim thai: nhịp tim thai
- Vị trí rau bám: đánh giá có rau tiền đạo không
- Số lượng nước ối: đa ối, thiểu ối, bình thường
- Đánh giá tuần hoàn rau thai qua đánh giá doppler mạch rốn, mạch não, chỉ số não/rốn>1.
- Đánh giá cân nặng.
Trong tuần thai 36, bác sĩ có thể chỉ định siêu âm doppler xung, doppler màu đánh giá vận tốc và chiều dòng chảy của các động mạch rốn, doppler động mạch não giữa, doppler ống tĩnh mạch, doppler động mạch tử cung đánh giá tuần hoàn tử cung – bánh rau, tuần hoàn bánh rau – thai nhi, tuần hoàn thai nhi, từ đó đánh giá tình trạng nuôi dưỡng dựa vào thông số các mạch máu khảo sát và đưa ra lời khuyên thích hợp cho mẹ.
2. Bạn nên siêu âm 4D mấy lần trong thai kỳ?
Siêu âm sử dụng sóng âm, được chứng minh là an toàn không ảnh hưởng đến sức khỏe của em bé và mẹ. Do đó hiện nay chưa có bằng chứng về giới hạn số lần siêu âm trong thai kỳ. Một số mẹ có thể phải siêu âm nhiều lần hơn khuyến cáo, lý do có thể là bác sĩ cần quan sát và theo dõi vấn đề nào đó, những trường hợp này sẽ do bác sĩ chỉ định. Bên cạnh đó cũng có nhiều phụ huynh lạm dụng siêu âm, thực hiện siêu âm nhiều lần gây ra lãng phí không cần thiết.
Mẹ nên lựa chọn siêu âm 4D trong khoảng thời gian thai kỳ từ 12- 32 tuần, vì giai đoạn này chức năng 4D có thể phát huy nhiều tác dụng nhất. Trước 12 tuần, em bé chưa hình thành hết các hệ cơ quan nên việc khảo sát 4D không giúp ích nhiều trong quan sát, chỉ cần thực hiện siêu âm 2D là đủ các thông tin. Sau 32 tuần, siêu âm 4D khó thực hiện hơn do khoang ối lúc này đã trở nên chật hẹp hơn.
3 mốc thời gian mẹ nên lựa chọn siêu âm 4D, bao gồm:
- 12 tuần: đánh giá độ mờ da gáy, xương sống mũi, doppler ống tĩnh mạch và các thông số phát triển như CRL, BPD, HC, AC, FL….
- 22 tuần: đánh giá các thông số phát triển, hình thái cấu trúc tim, môi miệng, cấu trúc não ở giai đoạn này đủ lớn để đánh giá chính xác.
- 32 tuần: ngoài các thông số cơ bản còn đánh giá cấu tạo dây rốn, vị trí dây rốn, tuần hoàn dây rốn, động mạch não giữa, động mạch tử cung, ống tĩnh mạch, số lượng nước ối…
Ở mỗi tuần thai, siêu âm sẽ cho những hình ảnh nhất định và các thông tin về sự phát triển của bé. Đó chính là căn cứ để bác sĩ đánh giá và đưa ra những lời khuyên tốt nhất cho mẹ.
3. Thai 36 tuần phát triển như thế nào?
Thai nhi ở tuần 36 đã rất gần với thời điểm sinh. Khi này em bé tăng trưởng chậm lại, cơ thể bé phát triển hầu như toàn diện, bé gần như đã sẵn sàng cho việc chui qua đường sinh nhỏ hẹp để chào đời. Một số đặc điểm của bé ở giai đoạn này như:
- Mất lớp sáp bã nhờn bao phủ: bé sẽ nuốt lớp sáp trắng bao phủ phần lớn cơ thể khiến cho ruột bắt đầu hoạt động.
- Phát triển đôi tai: thính giác của bé đã phát triển rất nhạy bén, có thể nhận ra giọng nói của mẹ.
- Xương toàn thân và hộp sọ mềm: cho phép quá trình sinh nở được diễn ra dễ dàng hơn. Chúng sẽ cứng lại trong vài năm đầu đời của bé.
- Khối lượng cơ thể lớn, chiếm hầu hết khoảng trống trong túi ối, do đó bé không còn đủ không gian để thực hiện những cú đạp nhiều như trước nữa.
- Tuần thứ 36 thai nhi bắt đầu di chuyển vị trí dần xuống đường sinh.
- Một số bộ phận khác vẫn còn đang phát triển: hệ hô hấp, sinh dục, tiêu hóa…
4. Chỉ số lý tưởng của thai nhi ở tuần 36
Dù thai 36 tuần siêu âm 2D hay 4D thì đều thu được các chỉ số đánh giá sự phát triển của thai nhi bao gồm:
- BPD (mm): Đường kính lưỡng đỉnh, là đường kính lớn nhất ở mặt cắt vòng đầu bé thường là 89mm
- FL (mm): Chiều dài xương đùi thông thường là 68mm
- AC (mm): Chu vi bụng là 322mm
- HC (mm): Chu vi đầu là 328mm
- CRL (mm): Chiều dài đầu mông là 47,4mm
- EFW (g): Cân nặng ước tính là 2813g.
Bên cạnh đó, mẹ có thể tham khảo các chỉ số tiêu chuẩn của bé từ tuần thứ 21 như bảng sau:
5. Một số triệu chứng thường gặp ở mẹ bầu tuần 36
Ở giai đoạn 36 tuần mẹ sẽ xuất hiện một số triệu chứng sau:
- Mẹ bị sa bụng, đi lại khó khăn, dáng đi thay đổi do áp lực vùng bụng dưới tăng lên. Hiện tượng bụng tụt xuống làm triệu chứng khó thở giảm đi, thay vào đó mẹ sẽ đi tiểu thường xuyên hơn.
- Đau vùng xương chậu
- Xuất hiện dịch nhầy
- Chứng ợ nóng, táo bón, đầy hơi hoặc khó tiêu. Để giảm khó chịu, mẹ nên chia bữa chính thành nhiều bữa ăn nhỏ trong ngày.
- Xuất hiện dịch âm đạo, đôi khi có vệt máu. Điều này hoàn toàn bình thường vì khi này thai nhi tụt xuống, cổ tử cung trở nên nhạy cảm, có thể bị giãn căng gây chảy máu nhẹ.
- Ngứa bụng, rạn da vùng bụng. Mẹ có thẻ dùng một số loại kem dưỡng da cho da nhạy cảm để giảm bớt khó chịu.
- Phù nề do cơ thể tăng cường dự trữ chất lỏng. Phù có thể xuất hiện tại mắt cá chân, bàn chân, mặt, bàn tay hoặc ngón tay.
6. Lưu ý cho mẹ ở tuần 36 của thai kỳ
Đây là giai đoạn rất gần ngày sinh, do đó mẹ cần đặc biệt lưu ý một số điều sau để chuẩn bị sẵn sàng đón em bé chào đời:
- Sự chuyển động của thai nhi thường em bé không còn đạp mạnh như trước nữa, thay vào đó là những cử động nhẹ nhàng. Tuy nhiên nếu nhận thấy sự chuyển động giảm rõ rệt, mẹ nên tới bệnh viện để kiểm tra.
- Thường xuyên theo dõi nhịp tim, huyết áp hoặc nhiệt độ cơ thể
- Thư giãn tối đa, vận động nhẹ nhàng, tránh lo lắng căng thẳng trước khi sinh
- Bổ sung dinh dưỡng đầy đủ: đạm, omega 3, vitamin B6,…
- Nhận biết các dấu hiệu chuyển dạ: chảy nước ối, chảy nhớt hồng âm đạo, các cơn co thắt nhiều và dài hơn.
- Thông báo ngày dự sinh với cả gia đình, chuẩn bị túi vật dụng cần thiết cho ngày chuyển dạ.
- Chọn bệnh viện phù hợp, uy tín để chuẩn bị sinh nở.
Đặc biệt đây cũng là giai đoạn nhạy cảm bởi mẹ rất dễ sinh non và dễ xuất hiện các vấn đề ảnh hưởng đến sức khỏe thai nhi như: rau rốn quấn cổ, thiểu ối, rau bong non… Vì vậy, mẹ nên đi khám thai thường xuyên ở những tuần cuối để phát hiện những bất thường và có biện pháp can thiệp sớm nhất.
Hy vọng với các thông tin trên đã giúp mẹ giải đáp mọi thắc mắc về thai 36 tuần siêu âm 2D hay 4D. Nếu mẹ cần tư vấn thêm, mẹ vui lòng gọi đến số Hotline 1900 3366.
***Bài viết trên chỉ mang tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.