Xin chào các em! Hôm nay, Soạn Văn sẽ hướng dẫn các em soạn văn bản: Chiếu dời đô của Lí Công Uẩn. Đây là một thể loại hoàn toàn mới – chiếu. Hi vọng rằng, qua bài học này, các em sẽ hiểu rõ hơn về thể loại chiếu trong văn học cũng như hiểu được một phần lịch sử của dân tộc ta dưới thời đại nhà Lí nhé! Mời các em cùng tham khảo!
Contents
I. Tác giả, tác phẩm
1. Tác giả: (các em tham khảo phần giới thiệu về Lí Công Uẩn trong SGK Ngữ văn 8 Tập 2).
2. Tác phẩm
* Xuất xứ: Vào năm Canh Tuất niên hiệu Thuận Thiên thứ nhất (1010), Lí Công Uẩn đã viết bài chiếu bày tỏ ý định dời đô từ Hoa Lư (nay thuộc tỉnh Ninh Bình) ra thành Đại La (tức Hà Nội ngày nay). Văn bản Chiếu dời đô là do Nguyễn Đức Vân dịch.
* Thể loại: Văn bản Chiếu dời đô được viết theo thể loại chiếu. Chiếu là thể văn do vua dùng để ban bố mệnh lệnh. Chiếu có thể viết bằng văn vần, văn biền ngẫu hoặc văn xuôi; được công bố và đón nhận một cách trang trọng. Một số bài chiếu thể hiện tư tưởng chính trị lớn lao, có ảnh hưởng đến vận mệnh của cả triều đại, đất nước.
Mặc dù là một bài chiếu có ý nghĩa ban bố mệnh lệnh, nhưng Chiếu dời đô của Lí Công Uẩn rất có sức thuyết phục bởi nó hợp với lẽ trời, lòng dân. Tác giả đã sử dụng một hệ thống lập luận chặt chẽ, lí lẽ sắc bén, giọng điệu mạnh mẽ để dân chúng tin tưởng vào quyết định dời đô của mình.
II. Hướng dẫn soạn bài
Câu 1:
Mở đầu Chiếu dời đô, Lí Công Uẩn viện dẫn sử sách Trung Quốc nói về việc các vua đời xưa bên Trung Quốc cũng từng có những cuộc dời đô. Sự viện dẫn này nhằm mục đích khẳng định dời đô là một việc đã từng có người làm chứ không phải lần đầu tiên. Mặt khác, những triều đại Trung Quốc dời đô là thuận theo ý trời mà lại hợp với lòng dân. Không những thế, Lí Công Uẩn còn cho biết kết quả sau những lần dời đô của các triều đại Trung Quốc là mưu toan nghiệp lớn, tính kế muôn đời cho con cháu sau này. Sự viện dẫn này sẽ là cơ sở cho ý kiến dời đô được Lí Công Uẩn đưa ra ở những đoạn sau.
Câu 2:
* Theo Lí Công Uẩn, kinh đô cũ ở vùng núi Hoa Lư (Ninh Bình) của hai triều Đinh, Lê là không còn thích hợp, bởi vì hai nhà Đinh, Lê này đã làm theo ý riêng của mình, khinh thường mệnh trời, nhất quyết không theo dấu cũ của Thương, Chu, chính điều này đã dẫn đến hậu quả là “khiến cho triều đại không được lâu bền, số vận ngắn ngủi, trăm họ phải hao tốn, muôn vật không được thích nghi”.
Tuy nhiên, nếu xét trên thực tế, hai triều đại Đinh, Lê vì thế lực còn yếu nên phải chọn nơi vùng núi đá vôi hiểm trở ở Ninh Bình để đóng đô, từ đó có thể dễ bề chống lại sự xâm lược của các thế lực phương Bắc.
Câu 3:
Theo tác giả, địa thế thành Đại La có những thuận lợi để có thể chọn làm nơi đóng đô là:
- Đại La là kinh đô cũ của Cao Vương.
- Ở nơi trung tâm trời đất, được thế rồng cuộn hổ ngồi => địa thế rất đẹp trong thuật phong thủy
- Đại La có những ưu điểm là rộng rãi, bằng phẳng, cao ráo, thoáng đãng => dân sẽ không phải chịu ngập lụt, muôn vật phong phú, tốt tươi.
=> Đại La sẽ là đầu mối trung tâm kinh tế, chính trị, văn hóa của đất nước.
Câu 4:
Chứng minh Chiếu dời đô có sức thuyết phục lớn bởi có sự kết hợp giữa lí và tình.
* Về lí:
- Tác giả đã đưa ra những dẫn chứng là sử sách làm tiền đề để khẳng định việc dời đô là hoàn toàn hợp lý, thuận với lẽ trời.
- Đưa ra những lập luận đầy sức thuyết phục về địa thế thuận lợi của thành Đại La.
* Về tình:
- Những lời đối thoại, trao đổi như “Trẫm rất đau xót về việc đó”, hay câu cuối bài chiếu “Trẫm muốn dựa vào sự thuận lợi của đất ấy để định chỗ ở. Các khanh nghĩ thế nào?” không phải là mệnh lệnh của vua ban mà là một câu hỏi mang tính chất đối thoại => Tạo sự gần gũi giữa nhà vua và dân chúng, thể hiện tinh thần dân chủ và tăng thêm sức thuyết phục của bài chiếu.
Câu 5:
Nói việc Chiếu dời đô ra đời phản ánh ý chí độc lập, tự cường và sự phát triển lớn mạnh của dân tộc Đại Việt là vì khi quyết định dời đô từ Hoa Lư về thành Đại La tức là nhà Lí cũng đủ sức để chấm dứt nạn phong kiến, đồng thời, khẳng định thế lực của Đại Việt cũng sánh ngang với thế lực của các nước phương Bắc. Mặt khác, việc đóng đô ở Đại La cũng là thuận theo nguyện vọng của nhân dân muốn thu giang san về một mối và nguyện vọng xây dựng đất nước độc lập, tự cường.