Công trình nhà Bia di tích 2 lần Bác Hồ về thăm đang được xây dựng với kinh phí đầu tư 4 tỷ đồng
Tự hào là nơi ra đời Ngày thương binh liệt sỹ (27-7), xã Hùng Sơn (Đại Từ, Thái Nguyên) còn là địa phương vinh dự được 2 lần đón Bác về thăm. Những lời động viên, căn dặn của Người ngày nào giờ đây vẫn in đậm trong tâm khảm những người dân. Những năm gần đây, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc xã Hùng Sơn đã đoàn kết, chủ động sáng tạo, phát huy mọi nguồn lực, đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu kinh tế, nhờ đó diện mạo nông thôn ngày càng khởi sắc.
Từ một xã thuần nông, đến nay, Hùng Sơn đang từng bước thay đổi, mang dáng dấp của một phố thị với những khu dân cư đông đúc, hiện đại, khu trung tâm thương mại được quy hoạch gọn đẹp và nhiều nhà máy, xí nghiệp đang dần hình thành…
Ngồi trong trụ sở làm việc của xã khang trang vừa mới được đưa vào sử dụng, đồng chí Trần Duy Khang, Bí thư Đảng uỷ xã chỉ tay về công trình đang xây dựng trước mặt và tự hào khoe: Đây là công trình Nhà bia di tích 2 lần Bác Hồ về thăm Hùng Sơn được khởi công xây dựng vào đầu năm 2010. Công trình có kinh phí 4 tỷ đồng, được huy động từ nhiều nguồn, trong đó Tổng Công ty xây lắp dầu khí Việt Nam tài trợ 1,5 tỷ đồng, đơn vị thi công là Công ty Kiến trúc Sơn Hà (Nam Định). Sau khi công trình hoàn thành, đây không chỉ là niềm tự hào của người dân địa phương mà còn là nơi giáo dục truyền thống cho những thế hệ mai sau.
Dẫn chúng tôi ra cánh đồng Thằn Lằn thuộc xóm Đồng Cả – nơi Bác dừng chân trong chuyến lên thăm Hùng Sơn lần đầu tiên, qua cầu Huy Ngạc, đồng chí Trần Duy Khang kể chuyện: Nơi này trước kia là bến phà Huy Ngạc. Trong chiến tranh, bến phà luôn là trọng điểm oanh tạc bằng máy bay của quân địch. Đặc biệt, trong chiến dịch Thu Đông năm 1952, bến phà đã oằn mình chịu hàng trăm trận bắn phá của máy bay Pháp nên bị tổn thất nặng nề… Chiến tranh đã lùi xa, giờ đây một cây cầu hiện đại sừng sững bắc qua sông Công không những giúp bà con đi lại thuận lợi mà còn tạo điều kiện giao thương hàng hóa, phát triển kinh tế.
Cánh đồng Thằn Lằn hiện ra trước mắt chúng tôi với màu xanh ngắt của lúa xuân đang kỳ trổ bông. Ông Nguyễn Trường, Bí thư Chi bộ xóm Đồng Cả, người vinh dự được gặp Bác trong lần ấy bâng khuâng nhớ lại: “Hồi đó tôi mới 12-13 tuổi, vừa tan học thì nghe tin Bác về, tôi và chúng bạn háo hức chạy đến, gặp lúc Bác đang trò chuyện với bà con nông dân trên cánh đồng. Khi biết bà con đang gặt lúa xen vụ (còn gọi là lúa ba giăng) để kịp làm vụ mùa chính, Bác khen ngợi bà con biết tranh thủ tăng vụ để được thêm nhiều thóc, vừa làm no nhà, vừa có lợi cho đất nước. Bác khuyên bà con tiếp tục đoàn kết, tổ chức giúp đỡ nhau trong sản xuất và trong đời sống hàng ngày. Sau khi đã hỏi thăm tất cả mọi người, Bác tạm biệt ra về, vừa đi Bác vừa quay lại vẫy tay thân mật chào bà con. Khi Bác đi chúng tôi còn chạy theo, Bác nhìn thấy bèn dừng lại xoa đầu và bảo: “Thôi các cháu về chịu khó học tốt và chăm ngoan nhé…”. Ông Trường cho biết thêm: Học tập và làm theo lời Bác, những năm qua, bà con xóm Đồng Cả tích cực chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi, vươn lên phát triển kinh tế. Đối với cây lúa, ngoài giống Khang Dân, gần đây, bà con còn đưa những giống lúa lai mới vào đồng ruộng, góp phần đưa năng suất lúa bình quân tăng lên 2 tạ/sào/vụ. Ngoài 2 vụ lúa, nông dân Đồng Cả còn trồng màu vụ đông. Những loại rau như: bắp cải, su hào, súp lơ, bí siêu ngọn, mướp đắng, đậu, đỗ, dưa chuột… được bà con chỉ bảo nhau cách trồng sao cho đạt năng suất cao nhất. 5 – 7 năm trở lại đây, người dân Đồng Cả còn đưa cây hoa vào trồng vụ đông cho thu nhập cao gấp chục lần so với cây lúa. Vậy là trên cánh đồng Đồng Cả, bên cạnh sắc xanh của lúa, màu là sắc đỏ, tím, trắng, vàng của các loài hoa cúc, hồng, ly ly, loa kèn. Nếu như trước năm 2000, hệ số sử dụng đất chỉ khoảng 1,8 lần/năm thì đến nay đã là hơn 3 lần/năm. Thu nhập bình quân trên một đơn vị diện tích đất nông nghiệp ở Đồng Cả tăng từ 50 triệu đồng/ha (năm 2005) lên gần 90 triệu đồng/ha hiện nay. Kinh tế phát triển, bà con lối xóm lại có thêm điều kiện giúp đỡ các hộ nghèo về vốn vay, kỹ thuật sản xuất. Toàn xóm có 135 hộ thì đến năm 2009 số hộ nghèo chỉ còn 19 hộ, đời sống của bà con đảm bảo…
Rời xóm Đồng Cả, chúng tôi đến xóm Cầu Thành – nơi được đón Bác về thăm lần thứ 2. Các cụ cao tuổi kể: Hôm đó là ngày 2/3/1958, tại nhà ông Trịnh Văn Thịnh, sau khi nghe bà con báo cáo khó khăn trong quá trình hợp tác hóa nông nghiệp ở xã mình, đứng trên một tảng đá Bác nói đại ý: “… Một cây làm chẳng nên non. Ba cây chụm lại nên hòn núi cao. Vừa qua, HTX có khó khăn nhưng phải tìm ra cách khắc phục, trước hết phải đoàn kết chung sức chung lòng cùng nhau giải quyết. Một chiếc đũa thì bẻ gãy được, nhưng một bó đũa thì không bẻ nổi. Hòn đá to Bác đứng nói chuyện đây một người thì không bê nổi, muốn chuyển nó đi nhiều người phải hợp sức lại mới chuyển được. Xây dựng hợp tác xã cũng vậy, phải thống nhất giữa ban quản lý và xã viên…”. Tiếp thu lời Bác dạy, thời gian sau đó, nhờ đổi mới phương pháp quản lý và điều hành lao động, tình hình tập thể hóa nông nghiệp ở Hùng Sơn có tiến triển, đời sống và thu nhập của xã viên được nâng lên rõ rệt, Hùng Sơn trở thành điểm sáng để nhiều nơi đến học tập…
Ngày nay, thấm nhuần lời dạy của Bác, trong bất cứ công việc gì, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc xã Hùng Sơn đều lấy bài học về sự đoàn kết làm kim chỉ nam cho mọi hành động. Đặc biệt, trong xây dựng kết cấu hạ tầng nông thôn, Đảng bộ xã đã vận động bà con tự nguyện hiến đất, ủng hộ tiền của, nguyên vật liệu, ngày công… để xây dựng các công trình. Nhờ sự quyết tâm và đồng lòng của nhân dân, 5 năm qua, toàn xã đã xây dựng được 35 km kênh mương kiên cố phục vụ nước cho sản xuất nông nghiệp. Ngoài ra, xã còn đổ bê tông được hơn 15 km đường giao thông liên xã, xóm với tổng trị giá 4,5 tỷ đồng, trong đó nhân dân đóng góp 3,1 tỷ đồng.
Hiện xã có 13/17 xóm được sử dụng điện sinh hoạt theo chương trình bán điện đến tận hộ gia đình, 9 xóm xây dựng được nhà văn hóa đạt chuẩn, hầu hết các xóm có cụm loa truyền thanh. Trong sản xuất tiểu thủ công nghiệp và dịch vụ, xã khuyến khích và tạo điều kiện cho các thành phần kinh tế cìmg tham gia này. Nhờ vậy, các ngành nghề chủ yếu của xã như: sản xuất vật liệu xây dựng, khai thác đá sỏi, gia công cơ khí, chế biến nông lâm sản, kinh doanh vận tải… đã phát triển và từng bước nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh. Đến nay, toàn xã có 152 hộ kinh doanh dịch vụ, 14 cơ sở tiểu thủ công nghiệp… Tổng doanh thu của các hộ sản xuất tiểu thủ công nghiệp và dịch vụ trên địa bàn 5 năm qua đạt trên 103 tỷ đồng.
Trong sản xuất nông nghiệp, Đảng bộ xã chỉ đạo bà con nông dân tích cực đưa những giống cây, con mới cho năng suất, chất lượng cao vào sản xuất nhằm khai thác các tiềm năng, lợi thế của địa phương, gắn sản xuất với chế biến và mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm, ứng dụng mạnh mẽ các tiến bộ KHKT. Song song với vấn đề đảm bảo an ninh lương thực, Hùng Sơn còn xây dựng và phát triển các mô hình kinh tế nông – lâm kết hợp như: trồng chè cành, trồng hoa và cây cảnh, trang trại chăn nuôi lợn ngoại, lợn thịt, sản xuất nấm, chăn nuôi vịt sinh sản…
Có thể nói, nhờ đẩy mạnh sản xuất kinh doanh, nâng cao hiệu quả hoạt động của các ngành nghề ở xã Hùng Sơn những năm qua đã góp phần quan trọng vào quá trình xây dựng bộ mặt nông thôn mới ở đây ngày càng khang trang, đời sống của bà con nhân dân không ngừng được nâng lên. Tỷ trọng nông nghiệp trong cơ cấu kinh tế của xã đến năm 2009 chỉ còn 64%; tỷ trọng thương mại, dịch vụ, sản xuất tiểu thủ công nghiệp từ 28% tăng lên chiếm 36%, tỷ lệ hộ nghèo giảm xuống còn 9,7%…