Ngoài quy mô và phân bố dân số, cơ cấu dân số là đặc tính thứ ba, được hình thành dưới tác động của sự thay đổi mức sinh, mức chết và di dân. Sự phân chia tổng số dân của một nước hay một vùng thành các nhóm, các bộ phận theo một tiêu thức đặc trưng nhất định gọi là cơ cấu dân số. Ví dụ: như cơ cấu tự nhiên (tuổi và giới tính), cơ cấu dân tộc và cơ cấu xã hội tình trạng hôn nhân, tôn giáo, trình độ học vấn…). Trong đó cơ cấu tuổi và giới tính của dân số là quan trọng nhất bởi vì không những nó ảnh hưởng tới mức sinh, mức chết và di dân mà còn ảnh hưởng tới quá trình phát triển kinh tế xã hội.
Contents
1. Cơ cấu dân số theo tuổi
Bài chi tiết: Cơ cấu dân số theo độ tuổi
Tuổi là một tiêu thức được sử dụng rất phổ biến trong các nghiên cứu về dân số và xã hội. Trong dân số, tuổi được xác định theo tuổi tròn (lấy tròn theo số lần đã qua ngày kỷ niệm sinh nhật).
Để đánh giá cơ cấu tuổi của dân số, ta chia tổng số dân theo từng độ tuổi hay nhóm tuổi. Nhóm tuổi có khoảng cách đều nhau 5 năm, 10 năm, hoặc khoảng cách tuổi không đều nhau tùy thuộc mục đích nghiên cứu như các nhóm dưới tuổi lao động (0-14), trong tuổi lao động (15-60), và trên tuổi lao động (từ 60 trở lên)… rồi tính tỷ trọng dân số của từng độ tuổi hay nhóm tuổi trong tổng số dân.
Cơ cấu tuổi là biến số quan trọng trong quá trình phát triển và để lập kế hoạch phát triển KTXH, trong quá trình kế hoạch hóa nguồn lao động. Nó cũng là cơ sở quan trọng để đánh giá các quá trình dân số, tái sản xuất dân số, lập các kế hoạch và theo dõi tình hình thực hiện KHHGĐ…
2. Cơ cấu dân số theo giới tính
– Tỷ số giới tính (sex ratio – SR), là tỷ số giữa dân số nam và dân số nữ trong cùng tổng thể dân số tại một thời điểm nhất định:
SR = (Số dân nam) / (Số dân nữ) * 100
Tỷ số giới tính có thể được tính cho từng độ tuổi, nhóm tuổi cụ thể, ví dụ cho trẻ em dưới 1 tuổi hoặc cho nhóm trên 65 tuổi.
– Tỷ số giới tính khi sinh: (SRB)
SRB = (Số bé trai sinh sống) / (Số bé gái sinh sống) x 100
Công thức trên cho ta thấy cứ 100 bé gái được sinh ra sẽ có bao nhiêu bé trai được sinh ra. Thông thường cứ 100 bé gái được sinh ra sẽ có tương ứng khoảng 102 đến 107 bé trai. Nếu sự cân bằng này bị phá vỡ, chẳng những sự phát triển của dân số tương lai bị ảnh hưởng nặng nề, mà nó còn gây nên những tiêu cực về mặt xã hội: bắt cóc, lừa đảo, buôn bán phụ nữ, mại dâm, nhập khẩu cô dâu….tăng cao khó kiểm soát. Mặt khác nó còn ảnh hưởng đến suy giảm chất lượng dân số. Do vậy người ta thường chú ý đến tính cân bằng giữa nam và nữ ở nhóm tuổi trẻ đặc biệt là với số trẻ mới sinh ra.
3. Tháp dân số
Tháp dân số (tháp tuổi – giới tính) là cách biểu thị cơ cấu tuổi và giới tính của dân số bằng hình học. Tháp dân số được phân chia thành 2 phần bằng một trục thẳng đứng ở giữa được gọi là trục tuổi dùng để biểu diễn độ tuổi hoặc nhóm tuổi của dân số. Trên trục này, độ tuổi có thể được chia chi tiết theo từng tuổi, hoặc các nhóm tuổi với khoảng cách đều nhau, thường là 5 hoặc 10 tuổi. Các thanh hình chữ nhật nằm ngang hai bên trục tuổi biểu thị cơ cấu dân số theo tuổi của nam và nữ, bên trái là nam, bên phải là nữ.
Chiều dài của các thanh nằm ngang biểu diễn số nam, nữ của từng độ tuổi hay nhóm tuổi hoặc tỷ lệ nam, nữ trong từng độ tuổi, nhóm tuổi trong tổng số dân. Hình dạng của tháp dân số không chỉ cung cấp các thông tin khái quát về cơ cấu tuổi và giới tính của dân số vào thời điểm xác định, mà còn có thể cho phép đánh giá đặc điểm cơ bản của tái sản xuất dân số trong quá khứ phân tích các yếu tố tác động làm thay đổi quy mô và cơ cấu tuổi, giới tính của dân số trong những thời gian trước đó, đặc biệt các yếu tố như chiến tranh, di dân hàng loạt, nạn đói, bệnh dịch … Đồng thời, tháp dân số còn cho ta phán đoán được xu hướng phát triển của dân số trong tương lai.
4. Cơ cấu dân số theo một số tiêu thức khác
4.1. Cơ cấu dân số theo thành thị, nông thôn
Là sự phân chia dân số theo vùng thành thị và nông thôn. Muốn tính tỷ lệ dân số thành thị hay nông thôn của một địa phương ta lấy tổng dân số nông thôn hay thành thị chia cho tổng dân số của địa phương đó.
4.2. Cơ cấu dân tộc – tôn giáo
Cơ cấu dân tộc: Đó là sự phân chia dân số theo các nhóm dân tộc. Việc nghiên cứu sự biến đổi trong quy mô và gia tăng dân số của các dân tộc khác nhau cùng với sự phát triển trong kinh tế, văn hóa giáo dục và sức khỏe của từng dân tộc là những thông tin hết sức quan trọng nhằm mục đích đạt được sự phát triển bình đẳng đồng đều giữa các dân tộc trong một quốc gia.
4.3. Cơ cấu dân số hoạt động kinh tế
Cơ cấu dân số hoạt động kinh tế phân chia thành nhóm những người có khả năng tham gia hoạt động sản xuất và nhóm những người chỉ tiêu dùng (nhóm phụ thuộc).
4.4. Cơ cấu theo trình độ học vấn, trình độ chuyên môn kỹ thuật
Đây cũng là đặc trưng rất quan trọng của dân số. Theo cơ cấu này dân số từ 5 tuổi trở lên được xem xét theo các nội dung sau: (1) tình hình nhập học, (2) quá trình học tập, (3) trình độ học vấn cao nhất, trình độ chuyên môn kỹ thuật cao nhất (đối với dân số từ 13 tuổi trở lên) đạt được.
4.5. Cơ cấu dân số theo tình trạng hôn nhân
Dân số từ 13 tuổi trở lên được phân chia theo các nhóm: (1) Chưa từng có vợ (chồng), (2) Có vợ (chồng), (3) Góa vợ hoặc chồng (nhưng chưa kết hôn lại tại thời điểm điều tra), (4) Ly hôn (chưa kết hôn lại tại thời điểm điều tra), (5) Ly thân.