Contents
Công cụ phái sinh (Derivative instruments)
Khái niệm
Công cụ phái sinh trong tiếng Anh là Derivative instruments.
Công cụ phái sinh là công cụ tài chính mà giá trị của nó phụ thuộc vào một tài sản cơ sở đã được phát hành trước đó. Thông thường công cụ phái sinh là một hợp đồng giữa hai bên nhằm trao đổi một số lượng chuẩn tài sản thực hay tài sản tài chính theo giá xác định trước vào một ngày ấn định trước trong tương lai.
Tài sản cơ sở có thể là hàng hoá, ngoại tệ, chứng khoán hoặc chỉ số chứng khoán. Nếu giá trị của tài sản cơ sở trong hợp đồng thay đổi thì giá trị của công cụ phái sinh cũng thay đổi.
Vai trò của thị trường công cụ phái sinh
Lịch sử thị trường công cụ phái sinh ghi nhận các làn sóng phát triển và suy thoái nối tiếp nhau. Làn sóng phái sinh đầu tiên được ghi nhận khi các hợp đồng tương lai ngoại tệ xuất hiện trên thị trường tiền tệ quốc tế.
Làn sóng thứ hai nổi lên là vào năm 1975, khi có sự xuất hiện các hợp đồng tương lai lãi suất. Vào thời gian đó lãi suất thường xuyên biến động và Quỹ dự trữ liên bang Mỹ sau đó đã thay đổi mục tiêu điều chỉnh từ lãi suất sang dự trữ bắt buộc.
Làn sóng thứ ba diễn ra vào những năm 1990 với tín dụng phái sinh (tín dụng kì hạn, tín dụng hoán đổi, quyền chọn rủi ro tín dụng).
Mặc dù ra đời sau các loại thị trường tài chính, nhưng thị trường công cụ phái sinh đã thể hiện rõ vai trò quan trọng đối với thị trường tài chính nói riêng và nền kinh tế nói chung.
– Thị trường phái sinh giúp quản lí rủi ro
Thị trường phái sinh giúp chuyển rủi ro từ những người đang gặp rủi ro và ngại rủi ro sang những người chấp nhận rủi ro. Vì giá cả công cụ phái sinh chịu ảnh hưởng của trị giá trao ngay của tài sản cơ sở nên chúng có thể được dùng để tăng hoặc giảm rủi ro của việc nắm giữ các tài sản cơ sở ấy.
Những người tham gia thị trường phái sinh nhằm mục đích giảm thiểu rủi ro, được gọi là người phòng hộ. Những người tham gia nhằm mục đích tăng lợi nhuận chấp nhận rủi ro thì được gọi là những nhà đầu cơ.
– Thị trường phái sinh cung cấp chỉ báo giá
Giá cả trong các thị trường phái sinh tập trung phản ánh kì vọng của các thành viên tham gia thị trường về tương lai và dẫn dắt giá của tài sản cơ sở đến mức giá tương lai đó. Điển hình như các hợp đồng kì hạn, hợp đồng tương lai cung cấp thông tin quan trọng về giá cả, là cơ sở để hình thành giá trao ngay của hàng hoá/chứng khoán.
Giá cả trong hợp đồng kì hạn, hợp đồng tương lai cũng chứa đựng kì vọng của nhà đầu tư về tương lai của giá giao ngay. Tuy nhiên, lưu ý rằng kì vọng này có thể thay đổi. Thị trường phái sinh không cung cấp trực tiếp dự báo về tương lai của giá trao ngay mà chỉ cung cấp các thông tin hữu ích về biến động giá hay rủi ro của tài sản cơ sở.
– Thị trường phái sinh tạo điều kiện thuận lợi trong điều hành
Thứ nhất, thị trường phái sinh có chi phí giao dịch thấp hơn thị trường trao ngay. Do đó các nhà giao dịch sẽ thấy bị thu hút và dễ giao dịch trên thị trường này thay vì thị trường trao ngay, hoặc hỗ trợ thêm cho hoạt động trên thị trường trao ngay.
Thứ hai, thị trường công cụ phái sinh thường có thanh khoản cao hơn thị trường trao ngay. Tính thanh khoản cao của thị trường có được là nhờ khả năng sử dụng đòn bẩy cao của thị trường này, người tham gia chỉ cần một số tiền nhỏ đã có thể tham gia thị trường. Thêm vào đó, rủi ro và lợi nhuận được điều chỉnh cho bất kì mức độ mong muốn nào. Do đó thị trường phái sinh có thể “tiêu hoá” các giao dịch giá trị lớn.
Thứ ba, thị trường phái sinh cho phép nhà đầu tư bán khống dễ dàng. Trong khi đó các thị trường trao ngay thường áp đặt các giới hạn giao dịch hoặc không khuyến khích bán khống. Kết quả là nhiều nhà đầu tư bán khống trong thị trường phái sinh thay vì bán khống các tài sản cơ sở.
– Thị trường phái sinh giúp làm tăng tính hiệu quả của thị trường.
Sự nới lỏng và chi phí giao dịch thấp trong thị trường này tạo điều kiện cho các hoạt động kinh doanh chênh lệch giá và điều chỉnh giá nhanh chóng sẽ triệt tiêu các cơ hội này. Xã hội sẽ có lợi vì giá của tài sản cơ sở phản ánh chính xác hơn giá trị thật của nền kinh tế.
(Tài liệu tham khảo: Giáo trình Thị trường tài chính và các định chế tài chính, NXB Kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh)