Content creator hiện rất thịnh hành và trở thành nghề mơ ước của nhiều bạn trẻ thuộc thế hệ 9x và Gen Z. Vậy content creator là gì? Công việc content creator là làm gì? Làm sao để trở thành một content creator có thu nhập cao? Hãy cùng Hotcourses Vietnam tìm hiểu qua bài viết sau đây. Không chừng, bạn cũng sẽ bén duyên với công việc này đấy.
Contents
Content Creator là gì?
Content creator, hay người sáng tạo nội dung, được biết đến với vai trò nghiên cứu, xây dựng nội dung trên các nền tảng truyền thông khác nhau như mạng xã hội (Tik Tok, Facebook, Youtube, Instagram…) và báo đài nhằm chia sẻ thông tin đến với lượng khán giả lớn.
Nội dung ở đây có nhiều loại, không chỉ giới hạn ở câu chữ. Nội dung được sáng tạo có thể là bài viết, ảnh, video clip, podcast hay poster… Nghe có vẻ đơn giản, nhưng bước đầu tiên tham gia ngành này là bắt đầu tạo nội dung và xuất bản lên nền tảng bạn chọn. Do đó content creator bao hàm nhiều vị trí khác nhau:
-
Một đầu bếp lành nghề viết những công thức nấu ăn ngon qua các bài blog trên trang web riêng.
-
Một bà mẹ nội trợ chia sẻ các video nấu các món “siêu to khổng lồ” đầy cuốn hút trên Youtube
-
Một lập trình viên chia sẻ về các kiến thức code trong nghề trên trang forum diễn đàn công nghệ
-
Một cô gái thích đi du lịch với những tấm hình đẹp lung linh trên Instagram
Với một vài ví dụ trên, bạn có thể thấy rằng ai cũng có thể trở thành một content creator và có cơ hội thu hút lượng khán giả lớn nếu nội dung họ tạo ra đủ sức hấp dẫn. Tuy nhiên, content creator tốt và có sức ảnh hưởng cần nhiều hơn sự may mắn, đó là phong cách riêng, sự đam mê sáng tạo bền bỉ và chiến lược hoàn chỉnh. Vậy một content creator chuyên nghiệp là làm những gì?
Content creator là làm gì?
Người sáng tạo nội dung tự do – Freelancer
Đây là công việc tuyệt vời dành cho những người thích sự linh động, tự do trong sáng tạo hơn guồng công việc văn phòng và thu nhập ổn định hàng tháng. Những người làm nghề tự do thành công có thể tạo ra nhiều hơn, biến đó thành công việc kinh doanh cho chính họ. Vì vậy đừng nản lòng nếu đây là con đường bạn mong muốn. Những freelancer có thể làm việc cho người khác hoặc tìm cách quảng bá các kênh truyền thông của riêng mình và kiếm tiền từ đó, chẳng hạn như những người có ảnh hưởng trên mạng xã hội và nhận quảng cáo sản phẩm của nhãn hàng khác trên kênh của họ.
Ưu điểm: Lịch làm việc linh hoạt, nội dung sáng tạo đa dạng
Nhược điểm: Thu nhập không cố định, không có phúc lợi như nhân viên chính thức
Chuyên viên marketing – content – thiết kế đồ họa cho công ty
Làm việc sáng tạo nội dung cho công ty/ tổ chức mang lại cho bạn thu nhập và lợi ích ổn định. Với vị trí này, bạn sẽ chỉ tập trung vào lĩnh vực chính của công ty để quảng bá, nhưng nếu bạn làm đúng lĩnh vực mà bạn yêu thích, thì đó lại là một điều tốt.
Ưu điểm: Kiểm soát tốt hơn chiến lược nội dung, cộng tác chặt chẽ hơn với các nhóm tiếp thị khác
Nhược điểm: Nội dung ít đa dạng, ít tiềm năng sáng tạo
Chuyên viên tại Agency
Công việc tại agency mang đến cơ hội làm việc năng động với nhiều khách hàng thuộc nhiều lĩnh vực khác nhau. Từ đó bạn được cải thiện kỹ năng, bổ sung kiến thức thường xuyên song song với sự ổn định trong thu nhập và phúc lợi. Tuy nhiên, các agency thường có nhịp độ làm việc rất nhanh, áp lực hoàn thành công việc đúng thời hạn là điều khó tránh khỏi.
Ưu điểm: Nguồn thu nhập ổn định, nhiều loại nội dung và khách hàng
Nhược điểm: Nhịp độ nhanh, áp lực với thời gian, cạnh tranh hơn
Học gì để trở thành content creator?
Ngành sáng tạo nội dung thực sự rộng, phát triển liên tục và thay đổi chóng mặt. Vậy nên trang bị nền tảng về marketing và truyền thông là điều cần thiết để trở thành content creator chuyên nghiệp.
Xem các khóa đào tạo Truyền thông trên thế giới
Đặc biệt, việc sáng tạo nội dung rộng đến mức bạn cũng có thể theo học một mảng kiến thức cụ thể, chẳng hạn như:
-
Bạn thích viết lách, hãy học các khoá học chuyên ngành về viết, ví dụ như content writing, creative writing, copywriting, v.v.
-
Bạn thích làm video trên các nền tảng phát video, hãy tìm đến các khoá lên ý tưởng, quay – dựng phim và chỉnh sửa video.
-
Bạn đam mê video ngắn thì có thể tạo kênh YouTube hoặc tài khoản TikTok.
Xem các khóa đào tạo Sản xuất phim trên thế giới
Điều đặc biệt của một content creator là có được sự đa dạng trong chuyên môn, kỹ năng, cũng như chính công việc của họ. Cho nên, nếu thực sự đam mê nghề nghiệp này, đừng ngại trang bị kiến thức, bộ kỹ năng cũng như công cụ hữu ích trong ngành sáng tạo.
Ngoài ra, một số ngành học phổ biến khác được nhà tuyển dụng ưu ái hơn trong lĩnh vực sáng tạo nội dung là:
-
Tiếp thị kỹ thuật số – Digital Marketing
-
Quan hệ công chúng – Public Relations
-
Kinh doanh
-
Báo chí
-
Ngôn ngữ
Bên cạnh đó, bạn có thể tự học, và Internet là thư viện lớn lưu trữ các tài nguyên thông tin và các khóa học mà bạn có thể sử dụng để tự đào tạo và nâng cao kỹ năng của mình. Hãy thử khóa học Chứng chỉ Google Analytics, Google Ads miễn phí hay các khóa học có trả phí trên nền tảng giáo dục online uy tín như Udemy, Coursera đến từ chính các chuyên gia trong ngành.
Những bí quyết một content creator chính hiệu luôn vận dụng
Dẫu bạn muốn trở thành content creator tự do hay là chuyên viên trong công ty, những kỹ năng sau đây sẽ rất cần thiết để bạn hoàn thành tốt công việc và phát triển thành công trên con đường sáng tạo nội dùng.
Kỹ năng viết
Viết luôn là một kỹ năng cần thiết đối với content creator. Dù làm bất cứ một loại nội dung nào khác ngoài blog, bạn vẫn cần ít nhiều đến kỹ năng này. Chẳng hạn những youtuber chuyên nghiệp luôn soạn kĩ những điều cần nói trong video của họ để nội dung mạch lạc, súc tích và vẫn mang lại hiệu quả truyền thông cao nhất. Việc kết hợp đa dạng nội dung cũng đem lại hiệu quả cao hơn cho một chiến dịch marketing, chẳng hạn như kết hợp câu chữ với hình ảnh, video, v.v.
Hiểu biết về lĩnh vực mình đang làm
Content creator có thể xuất hiện ở bất cứ lĩnh vực nào và thường chỉ tập trung vào thị trường ngách để tỏa sáng. Dù bạn có theo đuổi một lĩnh vực nhất định hay sáng tạo nội dung cho nhiều lĩnh vực khác nhau, hãy thực sự hiểu rõ về chúng. Việc hiểu rõ một lĩnh vực hoàn toàn mới mẻ lại càng quan trọng nếu muốn tạo ra nội dung chất lượng về lĩnh vực đó. Nghiên cứu kỹ càng từng ngõ ngách trong xu hướng để biết bạn nên bắt đầu từ đâu.
Đặt khán giả làm trung tâm
Nếu muốn hiểu khán giả của bạn, hãy thử đặt bản thân vào vị trí của họ. Tư duy đặt khách hàng hay người đọc làm trung tâm sẽ giúp bạn kể câu chuyện mà họ muốn nghe, viết bài mà họ muốn đọc, tạo ra video mà họ muốn xem. Các thuật toán của Google hay những công cụ tìm kiếm khác đều đánh giá cao những nội dung trả lời đúng câu hỏi của người dùng. Chính vì vậy khi lên ý tưởng hay dàn bài, hãy nghiên cứu kỹ nhóm khách hàng trước và hiểu rõ pain point của họ.
Không ngừng tìm kiếm ý tưởng
Người sáng tạo nội dung cần liên tục có nhiều ý tưởng hay. Những ý tưởng độc đáo có thể nãy ra lúc bạn không để ý nhất. Tuy nhiên, sự sáng tạo đôi khi không đến một cách dễ dàng. Việc mà mỗi content creator cần làm là luôn trau dồi kiến thức theo chiều rộng lẫn chiều sâu: đọc nhiều, nghe nhiều, và luôn cập nhật xu hướng xung quanh để có nhiều chất liệu cho nội dung của mình.
Thoát khỏi tâm lý cầu toàn
Đừng quá áp lực sản phẩm phải hoàn hảo ngay từ lần sáng tạo đầu tiên, nếu không bạn sẽ khó mà hoàn thành. Hãy cứ mạnh dạn sáng tạo! Nội dung sau chỉ cần tốt hơn, chỉnh chủ hơn nội dung trước một chút. Sau quá trình luyện tập, rút kinh nghiệm và làm quen, bạn sẽ thấy mình luôn phát triển và nội dung bạn sáng tạo càng ngày càng trở nên tốt hơn, miễn là bạn không dừng lại.
Kỹ năng tổ chức tốt
Kỹ năng tổ chức sẽ giúp content creator hoàn thành công việc một cách hiệu quả, đặc biệt là đối với các freelancer. Kỹ năng mềm quan trọng này còn giúp bạn phối hợp ăn ý với đồng đội khi cùng tham gia một hay nhiều dự án, hoàn thành nội dung đúng deadline, và quản lý các đầu công việc một cách trơn tru.
Theo dõi, phân tích và đo lường hiệu quả
Trước khi triển khai kế hoạch sáng tạo nội dung, mục tiêu và kết quả luôn là yếu tố được xác định từ đầu. Chính vì vậy, bạn cần quan sát, phân tích, và đánh giá số liệu qua các công cụ theo dõi, hay chú ý đến cách khán giả của bạn phản hồi liệu nội dung của mình đã đạt được kết quả đề ra theo từng kì hay không. Nếu chưa, việc cần làm là tìm ra vấn đề và khắc phục. Đây là cách content creator chuyên nghiệp luôn làm để cuối cùng xuất bản một nội dung giá trị nhất.
Thu nhập của content creator “khủng” như thế nào?
6 yếu tố chính trong thu nhập của content creator bao gồm: nền tảng truyền thông, kích thước tệp khách hàng, địa điểm, thị trường ngách, nguồn kiếm tiền, tỉ lệ tương tác nội dung. Ngành công nghiệp sáng tạo không có một bộ tỷ lệ chuẩn cho các dịch vụ và quảng cáo sản phẩm, do đó, số tiền mà mỗi content creator kiếm được có thể rất khác nhau.
Instagram content creator kiếm khoảng bao nhiêu?
80% các nhãn hàng đồng ý rằng làm việc với những content creator có ảnh hưởng là một hình thức tiếp thị hiệu quả và Instagram luôn được coi là một trong những nền tảng tốt nhất cho công việc này. Theo quy tắc chung, giá khởi điểm là 100 USD cho mỗi bài đăng trên 10.000 người theo dõi. Ngoài ra, content creator có thể nhận được nhiều hơn thế nếu họ có lượng tương tác cao hay công sức bỏ ra để sang tạo nội dung quảng bá sản phẩm nhiều hơn.
Tiktok content creator kiếm khoảng bao nhiêu?
Tiktok đang dần vượt mặt các nền tảng khác để thống trị các nền tảng xã hội khác về lượng người dùng, từ đó, cơ hội cho các content creator ở đây càng lớn hơn. Trung bình, những người sáng tạo TikTok với hơn 1 triệu người theo dõi kiếm được tối thiểu là 1.631 USD cho mỗi bài đăng được tài trợ. Đối với những người sáng tạo có từ 100.000 đến 1 triệu người theo dõi, mức phí tối thiểu trung bình là 197 USD cho mỗi bài đăng.
Ngoài việc kiếm tiền thông qua các giao dịch thương hiệu và các bài đăng được tài trợ, TikTokers có quyền truy cập vào quỹ nhà sáng tạo TikTok – nhóm trả tiền cho người sáng tạo dựa trên lượt xem video và mức độ tương tác. Để tham gia, bạn cần có 100.000 lượt xem trong 30 ngày qua, ít nhất 10 nghìn người theo dõi và bạn phải sống ở Hoa Kỳ, Anh, Pháp, Đức, Tây Ban Nha hoặc Ý. Con số ước tính nhận được khi tham gia vào quỹ này là từ 1.000 – 30.000 USD/tháng.
Youtuber kiếm khoảng bao nhiêu?
Trên YouTube, nhiều người sáng tạo chọn kiếm tiền từ kênh của họ bằng quảng cáo. YouTube đã trả hơn 30 tỷ USD cho người sáng tạo và bạn có thể tham gia chương trình này sau khi có 1.000 người đăng ký và 4.000 giờ xem công khai trong 12 tháng qua. Trung bình, các kênh YouTube kiếm được 18 USD cho mỗi 1.000 lượt xem quảng cáo, tức là khoảng 3 – 5 USD cho mỗi 1.000 lượt xem video. Theo công cụ tính toán thu nhập trên YouTube của Influencer Marketing Hub, nếu bạn có 20.000 lượt xem mỗi ngày, bạn có thể kiếm được khoảng 1103 USD – 1837 USD mỗi tháng.
Tuy nhiên, việc đạt được những con số đó có thể là một thách thức lớn. 97,5% người sáng tạo trên YouTube kiếm được ít hơn 12.140 USD mỗi năm từ quảng cáo. Nhưng quảng cáo không phải là cách duy nhất để kiếm tiền từ video YouTube. Giống như với Instagram và TikTok, nhiều người dùng YouTube làm việc với các thương hiệu và nhà tài trợ để có thêm thu nhập.
Sáng tạo nội dung với blog kiếm bao nhiêu?
Viết blog là một cách phổ biến khác cho những người sáng tạo nội dung, đặc biệt là những người có sở trường viết lách. Theo Indeed, mức lương trung bình hàng năm cho các blogger là $ 37.073. Các blogger kiếm tiền thông qua quảng cáo, tiếp thị liên kết, các bài đăng trên blog được tài trợ và bán các sản phẩm kỹ thuật số.
Sáng tạo nội dung với podcast kiếm bao nhiêu?
Podcasting là một trong những xu hướng mới tham gia “đấu trường” sáng tạo nội dung, nhưng khá tiềm năng. Các nghiên cứu cho thấy rằng số lượng người nghe podcast đã tăng hơn 10% vào năm 2021 và ngành công nghiệp này dự kiến sẽ đạt giá trị 1 tỷ USD. Một cuộc khảo sát của WNYC Studios cho thấy rằng các podcasters kiếm được mức trung bình từ 30 – 44 USD mỗi giờ.
Podcast có thể kiếm tiền thông qua quảng cáo trong tập, tiếp thị liên kết, sự kiện trực tiếp và bán nội dung cao cấp như tư cách thành viên và khóa học. Theo AdvertiseCast, tiêu chuẩn ngành cho quảng cáo podcast là 18 USD trên 1.000 người nghe đối với quảng cáo 30 giây hoặc 25 USD trên 1.000 người nghe đối với quảng cáo 60 giây.
Nguồn tham khảo: Buzzfeed, Business Insider