Quy phạm pháp luật được chứa đựng ở những hình thức như văn bản, tiền lệ pháp và tập quán. Được xem là tế bào, đơn vị cơ bản của pháp luật. Vậy cụ thể quy phạm pháp luật là gì?
Contents
- 1 1. Quy phạm pháp luật là gì?
- 2 2. Đặc điểm của quy phạm pháp luật là gì?
- 3 3. Văn bản quy phạm pháp luật là gì?
- 4 4. Các loại quy phạm pháp luật
1. Quy phạm pháp luật là gì?
Quy phạm pháp luật trong tiếng Pháp là Règle de droit; tiếng Đức là Rechtsnorm, tiếng Anh là Legal norms. Vậy hiểu thế nào về quy phạm pháp luật?
1.1. Khái niệm quy phạm pháp luật là gì?
Khoản 1 Điều 3 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật 2015 quy định, quy phạm pháp luật là quy tắc xử sự chung, có hiệu lực bắt buộc chung, được áp dụng lặp đi lặp lại nhiều lần đối với cơ quan, tổ chức, cá nhân trong phạm vi cả nước hoặc đơn vị hành chính nhất định, do cơ quan nhà nước, người có thẩm quyền quy định trong Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật ban hành và được Nhà nước bảo đảm thực hiện.
Như vậy, quy phạm pháp luật chính là những quy tắc, chuẩn mực mang tính bắt buộc chung phải thi hành hoặc thực hiện đối với mọi chủ thể, đó có thể là tổ chức hay cá nhân có liên quan.
Quy phạm pháp luật được ban hành/thừa nhận bởi các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền.
Quy phạm pháp luật là hình thức thể hiện của pháp luật thành quy tắc xử sự nhất định. Theo đó, các chủ thể phải tuân theo trong các trường hợp cụ thể do Nhà nước quy định, đồng thời được bảo đảm thực hiện bằng sự cưỡng chế của Nhà nước.
Quy phạm pháp luật được xem là là thành tố nhỏ nhất của hệ thống pháp luật. Đó là quy tắc xử sự chung và là chuẩn mực để mọi người phải tuân theo, cũng là tiêu chuẩn để đánh giá hành vi của con người. hứa đựng trong mình những tư tưởng, quan điểm chính trị – pháp lý của Nhà nước, của lực lượng cầm quyền trong việc điều chỉnh các quan hệ xã hội.
Thông qua các quy phạm pháp luật, chúng ta sẽ biết được hoạt động nào phù hợp, hoạt động nào trái pháp luật.
1.2. Cấu trúc của quy phạm pháp luật
Quy phạm pháp luật được cấu tạo gồm ba thành phần:
– Giả định
– Quy định
– Chế tài.
Thực tế, không nhất thiết phải đầy đủ ba bộ phận nêu trên trong một quy phạm pháp luật. Cụ thể về từng bộ phận của quy phạm pháp luật như sau:
1.2.1. Giả định
Bộ phận quy định thời gian, địa điểm, hoàn cảnh, chủ thể, tình huống có thể xảy ra trong thực tế và nếu tình huống, hoàn cảnh đó xảy ra thì các chủ thể phải hành động theo quy tắc xử sự mà quy phạm đặt ra. Phần giả định nêu lên trường hợp sẽ áp dụng quy phạm đó.
1.2.2. Quy định
Được xem là bộ phận không thể thiếu, là trung tâm của quy phạm pháp luật. Phần quy định nêu lên quy tắc xử sự mọi chủ thể phải thi hành khi xuất hiện những tình huống, hoàn cảnh phần giả định đã đặt ra.
1.2.3. Chế tài
Bộ phận chỉ ra những biện pháp tác động Nhà nước sẽ áp dụng đối với chủ thể không thực hiện/thực hiện không đúng quy tắc xử sự nêu trong phần giả định của quy phạm, cũng là hậu quả pháp lý chủ thể phải gánh chịu khi không thực hiện/thực hiện không đúng đúng nội dung tại phần quy định.
1.2. Ví dụ về quy phạm pháp luật
– Ví dụ về bộ phận giả định:
Theo khoản 1 Điều 141 Bộ luật Hình sự 2015 đượcsửa đổi, bổ sung 2017:
Người nào dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực hoặc lợi dụng tình trạng không thể tự vệ được của nạn nhân hoặc thủ đoạn khác giao cấu hoặc thực hiện hành vi quan hệ tình dục khác trái với ý muốn của nạn nhân, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm.
Như vậy, bộ phận giả định của quy phạm là: “Người nào dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực hoặc lợi dụng tình trạng không thể tự vệ được của nạn nhân hoặc thủ đoạn khác giao cấu hoặc thực hiện hành vi quan hệ tình dục khác trái với ý muốn của nạn nhân”.
– Ví dụ về bộ phận quy định:
Điều 33 Hiến pháp năm 2013
Mọi người có quyền tự do kinh doanh trong những ngành nghề mà pháp luật không cấm.
Bộ phận quy định của quy phạm chính là “có quyền tự do kinh doanh”.
Ví dụ về bộ phận chế tài:
Theo quy định tại khoản 1 Điều 141 Bộ luật Hình sự 2015 được sửa đổi, bổ sung 2017.
Người nào dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực hoặc lợi dụng tình trạng không thể tự vệ được của nạn nhân hoặc thủ đoạn khác giao cấu hoặc thực hiện hành vi quan hệ tình dục khác trái với ý muốn của nạn nhân, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm.
Thì bộ phận chế tài của quy phạm chính là “phạt tù từ 02 năm đến 07 năm.”
2. Đặc điểm của quy phạm pháp luật là gì?
Căn cứ nội dung trên có thể hiểu quy phạm pháp luật là gì? Vậy quy phạm pháp luật có những đặc điểm nào?
– Đặc điểm đầu tiên, quy phạm pháp luật là văn bản do cơ quan Nhà nước có thẩm quyền ban hành/thừa nhận.
Mỗi năm có hàng loạt các văn bản pháp luật được ban hành. Mỗi văn bản đều có nội dung và mục đích khác nhau.
Các văn bản Luật được ban hành với mục đích sửa đổi, bổ sung cho những Luật/Bộ luật cũ sao cho phù hợp với tình hình thực tế.
Cơ quan Nhà nước có thẩm quyền có nhiệm vụ, chức năng về việc ý kiến, thông qua và ban hành văn bản; Quốc Hội là cơ quan có quyền lực xem xét, thông qua các văn bản Luật trước khi ban hành, có hiệu lực và áp dụng thực tế.
Ngoài ra, các cơ quan hành pháp, tư pháp cũng có có thẩm quyền ban hành văn bản.
Các cơ quan Nhà nước chỉ ban hành văn bản pháp luật trong phạm vi lĩnh vực của mình, đồng thời chịu trách nhiệm pháp lý với những quy phạm pháp luật được quy định trong văn bản ban hành đó.
Bên cạnh các bộ, ngành được ban hành thì người đứng đầu các cơ quan Nhà nước hay thủ trưởng một số đơn vị thuộc cơ quan Nhà nước,…cũng được phép ban hành văn bản pháp luật trong phạm vi quyền hạn, lĩnh vực mình quản lý.
Và những văn bản do Nhà nước ban hành không phải văn bản nào cũng là văn bản quy phạm pháp luật.
– Đặc điểm thứ hai của quy phạm pháp luật là văn bản chứa đựng các quy tắc xử sự chung mang tính bắt buộc, được Nhà nước đảm bảo thực hiện
Những quy định trong văn bản quy phạm pháp luật phải được đảm bảo thực hiện trong thực tế thì việc ban hành quy phạm pháp luật mới thực sự đạt hiệu quả.
Do đó, bên cạnh ban hành những quy phạm pháp luật, Nhà nước còn ban hành nhiều biện pháp áp dụng khác nhau. Nếu không thực hiện sẽ bị xử lý và cơ quan thực thi pháp luật như Công an, Tòa án… sẽ áp dụng biện pháp xử lý.
– Thứ ba, văn bản pháp luật được thể hiện dưới hình thức nhất định được pháp luật quy định.
Hình thức thể hiện dưới dạng văn bản luật hoặc văn bản dưới luật, được cấu thành dựa theo hai yếu tố: tên gọi, thể thức văn bản.
+ Tên gọi: quy phạm pháp luật được chứa đựng trong các văn bản luật/dưới luật với nhiều tên gọi khác nhau dựa trên các lĩnh vực khác nhau: Luật Hôn nhân và Gia đình, Bộ luật Dân sự, Bộ luật Lao động, Bộ luật Hình sự, Nghị định, Thông tư, Quyết định…
+ Thể thức: Quy phạm pháp luật được trình bày trong các văn bản theo một khuôn mẫu, kết cấu nhất định, tạo nên sự liên kết chặt chẽ giữa nội dung và hình thức.
– Đặc điểm thứ tư, quy phạm pháp luật chứa đựng ý chí của chủ thể, chức năng điều chỉnh hành vi, thể hiện ý chí của giai cấp thống trị
Trong một quy phạm pháp luật luôn chứa đựng ý chí chủ chủ thể, đó có thể là việc cấm thực hiện, cho phép thực hiện, bắt buộc thực hiện,…
3. Văn bản quy phạm pháp luật là gì?
3.1. Khái niệm văn bản quy phạm pháp luật là gì?
Theo Điều 2 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật 2015 thì văn bản quy phạm pháp luật là:
– Văn bản có chứa quy phạm pháp luật,
– Được ban hành theo đúng thẩm quyền, hình thức, trình tự, thủ tục quy định trong Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật.
3.2. Thẩm quyền ban hành văn bản quy phạm pháp luật
Thẩm quyền ban hành văn bản quy phạm pháp luật được quy định như sau:
Cơ quan
Loại văn bản ban hành
Quốc hội
Hiến pháp, Bộ luật, Luật, Nghị quyết
Ủy ban Thường vụ Quốc hội
Pháp lệnh, nghị quyết
Ủy ban Thường vụ Quốc hội với Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam
Nghị quyết liên tịch
Chủ tịch nước
Lệnh, Quyết định
Chính phủ
Nghị định
Chính phủ với Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam
Nghị quyết liên tịch.
Thủ tướng Chính phủ
Quyết định
Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao
Nghị quyết
Chánh án Tòa án nhân dân tối cao
Thông tư
Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao
Thông tư
– Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ
Thông tư
Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Tổng Kiểm toán nhà nước, Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ
Thông tư liên tịch (Không ban hành Thông tư liên tịch giữa Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ)
Tổng Kiểm toán nhà nước
Quyết định
Hội đồng nhân dân các cấp
Nghị quyết
Ủy ban nhân dân các cấp
Quyết định
4. Các loại quy phạm pháp luật
– Căn cứ vào đối tượng điều chỉnh, phương pháp điều chỉnh pháp luật có thể phân chia các quy phạm pháp luật thành:
+ Quy phạm pháp luật hành chính: được dùng để điều chỉnh các quan hệ quản lí hành chính Nhà nước
+ Quy phạm pháp luật dân sự: quy tắc xử sự chung do Nhà nước đặt ra nhằm điều chỉnh quan hệ tài sản và quan hệ nhân thân thuộc đối tượng điều chỉnh của luật Dân sự
+ Quy phạm pháp luật hình sự: được thể hiện thông qua các quy định của luật về tội phạm, hình phạt…
…
– Căn cứ vào hình thức mệnh lệnh trong quy phạm pháp luật có thể chia quy phạm pháp luật thành:
+ Quy phạm pháp luật dứt khoát: bộ phận quy định chỉ nêu ra một cách xử sự rõ ràng, chặt chẽ;
+ Quy phạm pháp luật tuỳ nghi (không dứt khoát): bộ phận quy định nêu ra nhiều cách xử sự và cho phép chủ thể lựa chọn cho mình một cách xử sự từ những cách đã nêu;
+ Quy phạm pháp luật hướng dẫn: bộ phận quy định của quy phạm thường đưa ra những lời khuyên nhủ, hướng dẫn các chủ thể tự giải quyết một số công việc nhất định.
– Căn cứ cách trình bày quy phạm pháp luật chia quy phạm pháp luật thành:
+ Quy phạm pháp bắt buộc: bộ phận quy định buộc chủ thể phải thực hiện một số hành vi nhất định.
+ Quy phạm pháp luật cấm đoán: bộ phận quy định cấm chủ thể không được thực hiện một số hành vi nhất định.
+ Quy phạm pháp luật cho phép: bộ phận quy định cho phép chủ thể có thể tự xử sự theo những cách thức nhất định (thường là những quy định về quyền và tự do của các chủ thể pháp luật).
– Căn cứ vào nội dung, tác dụng của quy phạm pháp luật có thể chia quy phạm pháp luật thành
+ Quy phạm pháp luật nội dung: quy phạm xác định các quyền, nghĩa vụ hay trách nhiệm của các chủ thể pháp luật.
+ Quy phạm pháp luật hình thức (thủ tục): quy phạm xác định trình tự, thủ tục để các chủ thể thực hiện các quyền, nghĩa vụ pháp lí hay tiến hành áp dụng pháp luật để giải quyết các vụ việc
– Căn cứ vào tính chất lĩnh vực quan hệ xã hội pháp luật điều chỉnh có thể chia quy phạm pháp luật thành:
+ Quy phạm pháp luật công pháp: quy phạm điều chỉnh những quan hệ xã hội giữa các cơ quan Nhà nước với nhau; giữa cơ quan nhà nước với tư nhân, liên quan đến lợi ích chung của nhà nước và xã hội.
+ Quy phạm pháp luật tư pháp: quy phạm điều chỉnh những quan hệ xã hội giữa tư nhân với nhau, liên quan đến lợi ích riêng tư của tư nhân.
Trên đây là thông tin giải đáp cho quy phạm pháp luật là gì? Nếu còn thắc mắc, vui lòng liên hệ 19006199 để được hỗ trợ.>> Áp dụng pháp luật là gì? Khác sử dụng pháp luật ra sao?