Hiện nay, có nhiều văn bản pháp luật điều chỉnh nhiều lĩnh vực trong đời sống, các chủ thể cần tránh thực hiện các hành vi mà pháp luật không cho phép. Trong bài viết này Luật Hoàng Phi xin giới thiệu tới Quý vị về vi phạm pháp luật là gì và các vấn đề liên quan.
Contents
Vi phạm pháp luật là gì?
Vi phạm pháp luật là hành vi trái luật mang tính có lỗi của chủ thể có năng lực trách nhiệm pháp lý xâm hại tới quan hệ xã hội được pháp luật bảo vệ, căn cứ vào lĩnh vực điều chỉnh của pháp luật thì vi phạm pháp luật sẽ được phân loại thành:
– Vi phạm pháp luật hình sự;
– Vi phạm pháp luật hành chính;
– Vi phạm pháp luật dân sự;
Khi tìm hiểu vấn đề này các chủ thể thường thắc mắc các chế tài xử lý các hành vi vi phạm pháp luật là gì. Trong mỗi lĩnh vực pháp luật khác nhau, các hành vi vi phạm sẽ có chế tài xử lý khác nhau.
Trách nhiệm pháp lý là gì?
Trách nhiệm pháp lý là hậu quả bất lợi do Nhà nước áp dụng đối với cá nhân, tổ chức có hành vi vi phạm pháp luật theo đó cá nhân, tổ chức vi phạm pháp luật sẽ phải chịu trách nhiệm theo quy định.
Tùy theo tính chất và hành vi mà tổ chức, cá nhân thực hiện thì sẽ phải chịu trách nhiệm pháp lý khách nhau như trách nhiệm hành chính, trách nhiệm bồi thường dân sự hoặc chịu trách nhiệm hình sự.
Trách nhiệm pháp lý do pháp luật quy định và bắt buộc phải thực hiện do đó khác với các trách nhiệm như trách nhiệm tôn giáo, trách nhiệm về đạo đức;…
Các dấu hiệu của vi phạm pháp luật
Vậy dấu hiệu xác định vi phạm pháp luật là gì? Các hành vi được coi là vi phạm pháp luật dựa trên các dấu hiệu sau:
– Là hành vi nguy hiểm cho xã hội. Các hành vi của cá nhân hay tổ chức được thực hiện dưới dạng hành động hoặc không hành động gây nguy hiểm cho xã hội.
– Là hành vi trái pháp luật, xâm phạm tới các quan hệ pháp luật xác lập và bảo vệ. Mỗi lĩnh vực trong đời sống pháp luật xây dựng và bảo vệ trên sự thừa nhận của nhà nước. Chính vì thế các hành vi này xâm hại tới các quan hệ đã được thừa nhận và bảo vệ thì được coi là vi phạm pháp luật.
– Có lỗi chủ thể. Yếu tố này xác định thái độ của chủ thể đối với hành vi của mình khi thực hiện. Những hành vi trái pháp luật nhưng không có lỗi của chủ thể thì cũng không bị coi là vi phạm pháp luật.
– Chủ thể phải có năng lực trách nhiệm pháp lý. Năng lực trách nhiệm pháp lý là khả năng phải chịu trách nhiệm pháp lý của chủ thể trước hành vi vi phạm của mình.
Năng lực trách nhiệm pháp lý được Nhà nước quy định ở độ tuổi nhất định tùy thuộc vào từng lĩnh vực pháp luật điều chỉnh. Các hành vi trái pháp luật nhưng được thực hiện bởi chủ thể không có hoặc chưa có năng lực trách nhiệm pháp lý thì không bị coi là vi phạm pháp luật.
Về cơ bản, các hành vi vi phạm pháp luật sẽ có những dấu hiệu trên. Tuy nhiên để xác định một hành vi cụ thể có vi phạm pháp luật không cần xét trực tiếp qua các bộ phận cấu thành vi phạm pháp luật bao gồm: mặt chủ quan hành vi, mặt khách quan của hành vi, chủ thể thực hiện, khách thể bị xâm hại.
Các yếu tố cấu thành vi phạm pháp luật là gì có ý nghĩa rất lớn trong việc xác định hành vi đó có thật sự vi phạm pháp luật không. Tuy nhiên việc đánh giá này cần phải thực hiện bởi các công ty tư vấn có chuyên môn và kinh nghiệm cao
Các loại vi phạm pháp luật
Vi phạm pháp luật bao gồm các loại sau đây:
Vi phạm pháp luật hình sự
Tội phạm là hành vi nguy hiểm cho xã hội được quy định trong Bộ Luật hình sự, do người có năng lực trách nhiệm hình sự thực hiện một cách cố ý hoặc vô ý, xâm phạm độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ Tổ quốc, xâm phạm chế độ chính trị, chế độ kinh tế, nền văn hoá, quốc phòng, an ninh, trật tự, an toàn xã hội, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, xâm phạm tính mạng, sức khoẻ, danh dự, nhân phẩm, tự do, tài sản, các quyền, lợi ích hợp pháp khác của công dân, xâm phạm những lĩnh vực khác của trật tự pháp luật xã hội chủ nghĩa.
Vi phạm hành chính
Vi phạm hành chính là hành vi vi phạm quy định của pháp luật về quản lí nhà nước với nội dung là chấp hành và điều hành, các hành vi vi phạm sẽ phải bị xử lí theo quy định pháp luật.
Vi phạm dân sự
Vi phạm dân sự là sự xâm phạm đến các quan hệ nhân thân và tài sản được quy định chung trong bộ luật Dân sự và quan hệ pháp luật dân sự khác được pháp luật bảo vệ, như quyền tác giả và quyền sở hữu công nghiệp
Vi phạm kỷ luật
Là hành vi có lỗi của chủ thể trái với các quy chế, quy tắc xác lập trật tự trong nội bộ cơ quan, tổ chức, tức là không thực hiện đúng kỷ luật lao động được đề ra trong nội bộ cơ quan, tổ chức đó.
Hành vi vi phạm pháp luật là gì?
Hành vi vi phạm pháp luật là hành vi trái pháp luật, có lỗi, do người có năng lực hành vi thực hiện và xâm phạm đến quan hệ xã hội được pháp luật bảo hộ.
Qua việc tìm hiểu khái niệm Hành vi vi phạm pháp luật là gì ta thấy rằng điều kiện đầu tiên để xác định một hành vi có phải vi phạm pháp luật hay không là hành vi trái pháp luật. Tuy nhiên không phải mọi hành vi trái pháp luật đều là hành vi vi phạm pháp luật.
Hành vi trái pháp luật được hiểu là không thực hiện, thực hiện vượt quá phạm vi được pháp luật cho phép, làm việc mà pháp luật không cho phép làm.
Tuy nhiên, hành vi trái pháp luật chỉ là yếu tố đầu tiên cấu thành nên hành vi vi phạm pháp luật.
Ngoài yếu tố này, hành vi vi phạm pháp luật còn phải đáp ứng thêm ba yếu tố sau:
– Yếu tố lỗi;
– Do chủ thể có năng lực hành vi thực hiện hành vi trái pháp luật;
– Xâm phạm đến quan hệ xã hội được pháp luật bảo hộ.
Các yếu tố cấu thành nên hành vi vi phạm pháp luật
Như đã trình bày ở trên, một hành vi được xác định là hành vi vi phạm pháp luật phải có đủ 4 yếu tố: hành vi trái pháp luật, do người có năng lực hành vi thực hiện, có lỗi và xâm phạm đến quan hệ xã hội được pháp luật bảo hộ.
Hành vi trái pháp luật là gì đã được chúng tôi phân tích ở phần trên nên chúng tôi xin phép không trình bày lại ở phần này.
Tiếp theo, chúng ta cùng đi sâu phân tích ba yếu tố còn lại cấu thành nên hành vi vi phạm pháp luật.
Hành vi vi phạm pháp luật phải có yếu tố lỗi. Lỗi được hiểu là khả năng nhận thức chủ quan của người thực hiện hành vi về tính chất nguy hiểm, hậu quả nghiêm trọng có thể xảy ra do thực hiện hành vi.
Tùy thuộc vào ý thức chủ quan của người thực hiện hành vi mà lỗi được phân thành lỗi cố ý và lỗi vô ý.
Lỗi cố ý là việc người thực hiện hành vi hoàn toàn nhận thức được hành vi là nguy hiểm, hậu quả nghiêm trọng do hành vi gây ra nhưng vẫn tiếp tục thực hiện hành vi, mong muốn hậu quả nghiêm trọng sẽ xảy ra.
Lỗi vô ý là việc cá nhân có khả năng nhận thức được hậu quả nghiêm trọng do thực hiện hành vi trái pháp luật gây ra nhưng tin rằng nó sẽ không xảy ra hoặc có thể ngăn chặn được.
Hành vi trái pháp luật ngoài yếu tố lỗi, hành vi đó phải do người có năng lực hành vi thực hiện mới có cơ sở xác định là hành vi vi phạm pháp luật.
Nếu một người có khó khăn trong nhận thức làm chủ hành vi, bị mất năng lực hành vi dân sự thực hiện hành vi trái pháp luật thì không đủ yếu tố xác định đây là hành vi vi phạm pháp luật.
Một cá nhân được xác định có đủ năng lực hành vi khi cá nhân đạt đủ độ tuổi theo quy định của pháp luật, không bị hạn chế gặp khó khăn trong nhận thức làm chủ hành vi theo quy định của pháp luật tại mỗi quốc gia.
Ở Việt Nam, một cá nhân được xác định có đủ năng lực hành vi dân sự khi đủ 18 tuổi, không bị hạn chế, mất năng lực hành vi dân sự theo tuyên bố của Tòa án.
Cuối cùng là hành vi trái pháp luật đó phải xâm phạm đến quan hệ xã hội được pháp luật bảo hộ.
Quan hệ xã hội là mối quan hệ xuất hiện giữa người với người trong quá trình sinh hoạt, học tập, lao động sản xuất hàng ngày.
Chế tài xử lý đối với cá nhân, tổ chức thực hiện hành vi vi phạm pháp luật
Cá nhân, tổ chức thực hiện hành vi vi phạm pháp luật phải chịu chế tài xử lý theo quy định của pháp luật tương ứng với mức độ vi phạm của hành vi vi phạm.
Theo quy định của pháp luật hiện hành, cá nhân, tổ chức có hành vi vi phạm pháp luật sẽ phải chịu chế tài xử phạt vi phạm hành chính, xử lý hình sự và trách nhiệm bồi thường thiệt hại dân sự.
Mỗi công dân, tổ chức hãy nghiêm túc tuân thủ pháp luật để tình trạng phạm pháp sẽ được giảm dần, hướng tới mục tiêu xã hội văn minh mà Đảng và Nhà nước ta đang hướng tới.