Đáp án và lời giải chính xác cho câu hỏi “Điển tích điển cố trong văn học Trung đại Việt Nam?” cùng với kiến thức mở rộng về văn học Trung đại Việt Nam là những tài liệu học tập vô cùng bổ ích dành cho thầy cô và bạn học sinh.
Contents
Trả lời câu hỏi: Điển tích điển cố trong văn học Trung đại Việt Nam?
Trong văn học trung đại Việt Nam giai đoạn đầu, điển cố được sử dụng gần như toàn bộ là điển cố gốc Hán. Đó là những điển cố có nguồn gốc từ trong lịch sử, văn hóa, văn học Trung Hoa thời cổ được các nhà văn nước ta tiếp thu, học hỏi, vận dụng một cách có chọn lọc
Cùng Sài Gòn Tiếp Thị tìm hiểu thêm về vấn đề này nhé!
Bạn đang xem: Điển tích điển cố trong văn học Trung đại Việt Nam? – Ngữ Văn 10
Kiến thức tham khảo về văn học Trung đại Việt Nam
1.Lịch sử điển tích điển cố trong văn học Trung đại Việt Nam
Điển cố gốc Hán với văn học trung đại giai đoạn đầu
Hầu hết điển cố gốc Hán trong văn học trung đại nước ta giai đoạn đầu là các điển nhân danh, địa danh, điển kinh sách, điển thơ ca được sử dụng phổ biến trong văn học Trung Hoa. Chẳng hạn:
– Trong bài thơ Thuật hoài, Phạm Ngũ Lão sử dụng điển nhân danh “Vũ Hầu” trong câu Tu thính nhân gian thuyết Vũ Hầu (Hổ thẹn khi nghe nhân gian kể chuyện Vũ Hầu). Vũ Hầu tức Gia Cát Lượng, tự Khổng Minh, hiệu Ngọa Long tiên sinh, nhà chính trị kiệt xuất thời Tam quốc. Ông có công lớn đối với nhà Thục nên được phong tước hầu.
– Trong bài phú Ngọc tỉnh liên phú, Mạc Đĩnh Chi dùng điển địa danh “Tương phố” (bến sông Tương) trong câu Vọng mỹ nhân hề Tương phố (bến sông Tương, ngóng người đẹp). Điển này lấy tích con sông (Tương Giang) nơi hai bà phi là Nga Hoàng và Nữ Anh ngồi khóc vua Thuấn đã mất, nước mắt rơi xuống mọc lên một giống trúc rất đẹp, gọi là Tương phi trúc.
– Trong bài thơ Quốc tộ, Pháp Thuận thiền sư dùng điển kinh sách “vô vi” trong câu: Vô vi cư điện các/ Xứ xứ tức đao binh (nơi cung điện thực hiện chính sách “vô vi”/ Nơi nơi hết đao binh). Điển này bắt nguồn từ thuyết “vô vi” mà Lão Tử chủ trương với nội dung không làm điều trái tự nhiên, can thiệp vào tự nhiên.
Nhìn chung, văn học trung đại giai đoạn đầu được viết bằng chữ Hán với các thể loại vay mượn từ văn học Trung Hoa. Điển cố gốc Hán được sử dụng với số lượng lớn, gần như giữ vị trí độc tôn đã phản ánh phần nào đặc điểm chịu sự ảnh hưởng trên hầu hết các phương diện từ văn học Trung Hoa của văn học viết nước ta ở thời kỳ đầu. Từ ngôn ngữ, thể loại đến cảm hứng, đề tài, chất liệu…, văn học viết trong chặng đường đầu tiên, vì nhiều lý do khác nhau, phải vay mượn từ văn học Trung Hoa. Điển cố gốc Hán được sử dụng phổ biến và chiếm vai trò độc tôn trong giai đoạn văn học này là hiện tượng tất yếu.
Điển cố nội sinh với văn học trung đại giai đoạn sau
Ở giai đoạn sau của văn học trung đại nước ta, bên cạnh chữ Hán, chữ Nôm ngày càng được ưu tiên lựa chọn trong sáng tác; bên cạnh các thể loại vay mượn (thơ luật, phú, văn học hành chức…), các thể loại nội sinh (truyện thơ, ngâm khúc, hát nói) càng được nhiều nhà văn sử dụng. Trên đại thể, thành tựu chính của văn học giai đoạn này thuộc về bộ phận văn học chữ Nôm với các thể loại có nguồn gốc từ dân tộc.
Cũng trong văn học giai đoạn này, bên cạnh điển cố gốc Hán, điển cố nội sinh xuất hiện nhiều hơn và được ưu tiên dẫn dụng với số lượng ngày càng tăng. Đó là những điển cố có nguồn gốc từ trong lịch sử, văn hóa, văn học của chính dân tộc ta, được các nhà văn chủ động tìm về học hỏi, sáng tạo và sử dụng trong tác phẩm của mình. Chẳng hạn:
– Trong bài Trách nhân tình, Nguyễn Công Trứ dùng hai điển nhân danh là “Kim Trọng”, “Thúy Kiều”, trong câu: Trách mình chưa phải là Kim Trọng/ Mà đó đòi mang nợ Thúy Kiều. Kim Trọng và Thúy Kiều là hai nhân vật chính trong kiệt tác Truyện Kiều, tác phẩm đỉnh cao của nền văn học cổ điển Việt Nam.
– Trong bài Thầy đồ ve gái góa, Nguyễn Khuyến sử dụng hai điển nội sinh có nguồn gốc văn học dân gian là “bắc cầu” và “cầm kính”, trong câu: Bắc cầu, câu cũ không hờ hững/ Cầm kính, tình xưa vẫn đắng cay. Điển “bắc cầu” lấy ý từ bài ca dao: Muốn sang thì bắc cầu kiều/ Muốn con hay chữ phải yêu lấy thầy. Điển “cầm kính” bắt nguồn từ bài ca dao: Trách người quân tử vô tình/ Cầm gương (kính) mà để bên mình chẳng soi.
– Trong bài Đề Ngọc Sơn đình, Nguyễn Thượng Hiền dùng điển nhân danh có nguồn gốc lịch sử dân tộc là “Phương Đình”, trong câu: Nhất đại Phương Đình bút/ Thiên thu Kiếm thủy ba (Một đời nét bút của Phương Đình/ Ngàn năm sóng nước hồ Hoàn Kiếm). Phương Đình tức Nguyễn Văn Siêu, nhà thơ Việt Nam ở thế kỷ XIX, nổi tiếng văn hay chữ đẹp, cùng với Cao Bá Quát được người đương thời xưng là “thần Siêu, thánh Quát”.
Có thể nói, việc tăng cường sử dụng điển cố nội sinh vào sáng tác đã phần nào phản ánh đặc điểm khước từ sự chịu ảnh hưởng thụ động văn học nước ngoài, tìm về với các giá trị nội sinh trong văn hóa dân tộc của văn học trung đại giai đoạn sau. Đặc điểm này thể hiện trên hầu hết các phương diện của văn học, từ đề tài, cảm hứng đến chữ viết, thể loại, kể cả nghệ thuật sử dụng điển cố. Hiện tượng tăng cường sử dụng điển cố nội sinh cũng phản ánh quy luật vận động, phát triển của văn học nước ta. Đó là sự vận động tự thân ở giai đoạn sau của nền văn học dân tộc, sau khi chịu ảnh hưởng, học hỏi từ văn học nước ngoài ở giai đoạn đầu.
Điển cố phương Tây với văn học giao thời
Văn học hiện đại Việt Nam ra đời và phát triển trong một bối cảnh hoàn toàn khác 10 thế kỷ văn học trước đó. Chữ quốc ngữ ra đời, báo chí và in ấn phát triển, sự tiếp xúc và chịu ảnh hưởng từ văn học phương Tây (chủ yếu là văn học Pháp) đem đến diện mạo hoàn toàn mới cho văn học, một số thể loại mới ra đời (tiểu thuyết, truyện ngắn hiện đại, kịch nói…), đội ngũ sáng tác và tầng lớp công chúng văn học mới được hình thành… Văn học Việt Nam giai đoạn này có những bước chuyển mình quan trọng để chuyển từ phạm trù trung đại sang hiện đại.
Trong văn học giai đoạn này, bên cạnh điển cố gốc Hán và điển cố nội sinh vẫn được tiếp tục sử dụng, có một bộ phận điển cố hoàn toàn mới xuất hiện: Điển cố phương Tây. Đó là những điển cố có nguồn gốc từ lịch sử, văn hóa, văn học phương Tây (chủ yếu từ trong thần thoại Hy Lạp, Kinh thánh, các tác phẩm kinh điển của văn học phương Tây) được các nhà văn (chủ yếu là trí thức Tây học, tiếp xúc trực tiếp hoặc gián tiếp với văn học phương Tây) học hỏi, vận dụng một cách có chọn lọc vào trong sáng tác của mình. Nhiều điển cố phương Tây được đưa vào sáng tác ở thời kỳ này. Chẳng hạn:
– Trong bài thơ Hồn lìa khỏi xác, Hàn Mặc Tử sử dụng điển “ngày tận thế” lấy từ trong Kinh thánh của đạo Thiên Chúa, trong câu: Ngày tận thế là ngày tán loạn/ Xác của hồn, hồn của xác y nguyên. Điển “ngày tận thế” được nhắc nhiều lần trong Kinh thánh, được miêu tả cụ thể trong sách Khải huyền (tác phẩm xếp cuối cùng trong Kinh thánh). Trong giáo lý của đạo Thiên Chúa, đó là ngày cuối cùng của nhân loại, ngày Chúa Trời trở lại để xét đoán thế gian tội lỗi.
– Trong bài thơ Màu sương linh giác, Đinh Hùng dùng điển “Thiên đường”, ở câu: Chết đi ta phá Thiên đường/ Kinh động trái tim Thần nữ. Trong bài Giản dị, Hồ Dzếnh cũng sử dụng điển này, trong câu: Đừng mong ước cả Thiên đường/ Hãy xin lấy nửa tấc vườn vắng hoa. Điển “Thiên đường” có nguồn gốc từ Kinh thánh. Cũng như Niết bàn trong đạo Phật, “Thiên đường” trong đạo Thiên Chúa là cõi tốt đẹp bên ngoài trần gian mà người ta ao ước khi chết đi, linh hồn sẽ được đến trú ngụ ở đó.
– Trong bài Thánh nữ đồng trinh Maria, Hàn Mặc Tử sử dụng nhiều điển nhân danh như “Maria”, “Tổng lãnh thiên thần”, “Đấng Tinh truyền thanh vẹn”, “Nữ Đồng Trinh”, “Thiên Chúa Gabriel”… Chẳng hạn như trong câu: Hỡi Sứ thần Thiên Chúa Gabriel/ Khi người xuống truyền tin cho Thánh Nữ… Là Nguồn Trăng yêu mến Nữ Đồng Trinh. Những điển này đều là các nhân vật trong Kinh thánh. Maria là mẹ của Chúa Ky Tô, Gabriel là một trong các Tổng lãnh thiên thần trong hàng ngũ các thiên sứ của Chúa.
Có thể khẳng định, việc sử dụng nhiều điển cố phương Tây đã phần nào phản ánh một trong những đặc trưng cơ bản của văn học Việt Nam giai đoạn giao thời là chịu ảnh hưởng khá đậm nét của văn học phương Tây để chuyển mình sang hệ hình hiện đại. Việc sử dụng nhiều điển cố phương Tây cũng phản ánh quy luật động phát triển của văn học nước ta: từ dân tộc bước ra thế giới; văn học hội nhập, học hỏi và hòa mình vào quỹ đạo phát triển chung của văn học thế giới.
Điển cố “từ hóa” với văn học hiện đại
Từ sau năm 1932, đặc biệt là sau năm 1945, văn học Việt Nam chuyển mình hoàn toàn sang phạm trù hiện đại. Văn học phát triển một cách đa dạng với nhiều khuynh hướng khác nhau, đạt được những thành tựu to lớn trên nhiều phương diện khác nhau.
Xét trên lịch sử sử dụng điển cố, trong văn học hiện đại, tưởng như “món đồ cổ” điển cố sẽ bị lãng quên thì ngược lại, điển cố vẫn được sử dụng thường xuyên, có chủ đích và mang đến nhiều giá trị thẩm mỹ độc đáo cho văn học. Dĩ nhiên, không phải mọi điển cố trong văn học trước đó được sử dụng lại. Những điển cố cầu kỳ, phức tạp, hóc hiểm, mang nội dung xa lạ với sự văn hóa và tâm thức thẩm mỹ của người Việt đều bị đào thải. Trong khi đó, những điển cố “từ hóa” vẫn tiếp tục được nhiều người dẫn dụng, không chỉ trong văn chương mà còn cả trong ngôn ngữ sinh hoạt, báo chí, âm nhạc…
Chúng tôi sử dụng khái niệm “từ hóa” để chỉ những điển cố có khuynh hướng bị “từ hóa”, đánh mất dần tư cách điển cố, dần trở thành những từ (ngữ) thông dụng trong đời sống ngôn ngữ và văn chương. Đó là những điển cố được sàng lọc theo thời gian, phá vỡ quy tắc giải mã điển cố (không cần quan tâm đến câu chuyện bên trong vẫn hiểu được hàm nghĩa của điển), có nội dung gần gũi, dễ hiểu, được sử dụng phổ biến trong đời sống hằng ngày, được các nhà văn sử dụng như một thói quen dùng từ.
Trong văn học hiện đại, điển cố “từ hóa” gồm có cả điển cố gốc Hán, điển cố phương Tây và điển cố nội sinh.
– Điển cố gốc Hán được “từ hóa” có các điển như “dã tràng”, “mắt xanh”, “tào khang”, “dâu bể”, “tri âm”, “mây mưa”, “vàng đá”, “trúc mai”, “tạo hóa”, “gương vỡ lại lành”, “Vũ môn”, “Mạnh Thường Quân”, “Lưu Linh”, “chị Hằng”, “Ngưu Lang Chức Nữ”…
Chẳng hạn, trong bài thơ Ba mươi năm đời ta có Đảng, Tố Hữu dùng điển “gương vỡ lại lành”, trong câu: Đời ta gương vỡ lại lành/ Cây khô cây lại đâm cành nở hoa. Điển này bắt nguồn từ điển “phá kính trùng viên” trong văn học Trung Hoa.
– Điển cố phương Tây được “từ hóa” có các điển như “gót chân Asin”, “vua Miđat có tai lừa”, “con ngựa thành Tơroa”, “mặc cảm Ơđip”, “tấm thảm của Pênêlôp”, “vòng nguyệt quế”, “cán cân công lý”, “cơn đại hồng thủy”, “Êva”, “trái cấm”, “địa đàng”, “thiên đàng”, “buổi sáng thế”, “miền đất hứa”, “Giuđa”…
Chẳng hạn, trong tiểu thuyết Bão biển, Chu Văn dùng điển “Giuđa”: “Quân Giuđa là ai ? Ai theo quân Giuđa”. Điển này có nguồn gốc từ trong Kinh thánh (tân ước), là tên của một tông đồ phản Chúa, được dùng trong văn chương với ý nghĩa chỉ kẻ phản bội.
Hoặc như, trong chương 7 tiểu thuyết Giải trình của biển, Tô Hoài vận dụng điển “cán cân công lý”, trong câu: “Thể hiện rõ sự tắc trách của người giữ cán cân công lý. Vì thế nó không thể nhân danh bất cứ ai”. Điển này bắt nguồn từ thần thoại Hy Lạp, lấy tích thần Thêmis làm việc với hình ảnh cán cân trên tay để cho công lý được thực thi khắp mọi nơi. Trong văn học cũng như đời sống, điển này có ý nghĩa chỉ cho sự công bằng, công lý ở đời.
– Điển cố nội sinh được “từ hóa” có các điển như “Chương Dương”, “Bạch Đằng”, “cô Tấm”, “Thạch Sanh”, “rét nàng Bân”, “Thánh Gióng”, “Trương Chi”…
Chẳng hạn, trong bài thơ Quê hương, Nguyễn Bính viết: Quê hương tôi có cây bầu, cây nhị / Tiếng đàn kêu tích tịch tình tang… Có cô Tấm náu mình trong quả thị; trong Nghĩ thêm về Nguyễn, Chế Lan Viên viết: Anh nuôi hồn thơ như cô Tấm nuôi trong giếng sâu u tối / Cái bống con nôm na mánh qué chẳng ai nhìn. Cả hai tác giả đều sử dụng điển cố nội sinh “cô Tấm”. Điển này bắt nguồn trong văn học dân gian, là tên một nhân vật trong truyện cổ tích Tấm Cám, được sử dụng trong văn học với ý nghĩa chỉ cho những người con gái thảo hiền.
Hoặc như, trong bài Bài ca xuân 68, Tố Hữu viết: Lịch sử hôn anh chàng trai chân đất / Sống hiên ngang, bất khuất trên đời / Như Thạch Sanh của thế kỷ hai mươi; trong bài Em ơi… Ba Lan, nhà thơ viết: Hồng quân cứu Varen xinh đẹp / Như Thạch Sanh đánh ó cứu nàng tiên. Trong hai bài thơ này, Tố Hữu sử dụng điển “Thạch Sanh”. Điển này bắt nguồn từ hình tượng nhân vật Thạch Sanh trong truyện cổ tích cùng tên, được sử dụng với ý nghĩa những anh hùng của thời đại.
Có thể nói, lớp điển cố “từ hóa” trong văn học Việt Nam hiện đại đã phản ánh phần nào sự phát triển đa dạng, đổi mới trong sự kế thừa của văn học. Văn học hiện đại kế thừa, học hỏi, tiếp thu tinh hoa của văn học truyền thống để vươn tới những giá trị mới. Những giá trị vững bền của truyền thống văn học không hề bị mất đi mà được kế thừa, phát triển ở những dạng thức mới trong văn học hiện đại. Điển cố “từ hóa” là một biểu hiện như thế. Biểu hiện này minh chứng cho sự vận động phát triển có tính quy luật của văn học Việt Nam: Tiếp thu tinh hoa của văn hóa nhân loại, kế thừa truyền thống văn hóa của dân tộc, tự thân vận động, đổi mới chính mình để vươn ra hòa nhập vào quỹ đạo phát triển chung của văn học thế giới.
Cũng cần phải nói thêm rằng, nếu như trong văn học trung đại, điển cố được xem là một mã ký hiệu thì trong văn học hiện đại, điển cố chỉ còn được xem như một từ (ngữ) bình thường. Nếu như trong văn học trung đại, điển cố được dùng với nguyên tắc ước lệ, tiếp nhận phải thông qua con đường giải mã điển cố thì khi vào văn học hiện đại, tính chất ước lệ của điển bị giảm đi rõ rệt, người đọc tiếp nhận điển cố một cách trực diện mà gần như không cần phải lần về những chuyện xưa, tích cũ để giải mã chúng. Do đó, không phải điển cố nào cũng tồn tại được trong văn học hiện đại. Những điển cố xa lạ, hiểm hóc lập tức bị đào thải. Chỉ những điển có xu hướng bị “từ hóa” triệt để mới được tiếp tục sử dụng. Đây vừa là nguyên tắc tồn tại, vừa là biểu hiện của sức sống bền bỉ của điển cố trong thời hiện đại.
2.Điển tích điển cố trong văn học Trung đại Việt Nam I
GD&TĐ – Truyện Kiều (TK) là đóng góp to lớn của Nguyễn Du đối với nền văn học Việt Nam trên nhiều phương diện. Một phương diện trong đóng góp ấy là kiệt tác này đã trở thành nguồn gốc của điển cố độc đáo, giá trị trong văn học nước ta; bổ sung và làm phong phú cho kho tàng điển cố nội sinh của văn học Việt Nam như là một đối trọng với hệ thống điển cố ngoại lai mà chủ yếu là điển cố gốc Hán.
Sẽ có nhiều người ngạc nhiên khi khẳng định TK là một trong những kho tàng, xuất xứ của nhiều điển cố được sử dụng trong văn học Việt Nam. Đúng vậy, khi tìm hiểu về bản chất, cơ chế hình thành và con đường giải mã của điển cố cũng thực tế ảnh hưởng của TK trong đời sống văn học Việt Nam, chúng ta đủ các cơ sở thuyết phục để khẳng định điều này.
Như đã biết, điển cố là một phương tiện tu từ đặc biệt của văn học trung đại. Theo Đoàn Ánh Loan trong Điển cố và nghệ thuật sử dụng điển cổ (Nxb ĐHQG TPHCM, 2003), điển là “những từ ngữ về chuyện xưa, tích cũ, về tư tưởng, hình tượng trong sách xưa được tác giả dùng làm phương tiện để diễn đạt ý tưởng một cách ngắn gọn, hàm súc” (tr.20).
Về hình thức của điển, theo tác giả, đó là những “từ hay nhóm từ được lấy ra từ những câu chuyện trong kinh, sử, tử, truyện, các sách ngoại thư… về nhân vật lịch sử, sự kiện lịch sử, địa danh, những quan niệm trong cuộc sống” và “từ hay nhóm từ mượn ý, lời từ câu thơ hoặc bài thơ của người trước, hay được trích từ thành ngữ, tục ngữ, ca dao có tích truyện được lưu truyền hoặc đã nổi tiếng” (tr.20).
Về bản chất, điển là những “từ hay nhóm từ” có hình thức ngắn gọn, gắn liền với một nhân vật, địa danh, câu chuyện, tư tưởng, bài thơ nổi tiếng trong lịch sử, văn hóa, văn học, được dẫn dụng lại trong tác phẩm văn học (và cả những lĩnh vực khác như âm nhạc, ngôn ngữ đời sống…) nhằm diễn đạt cho một ý nghĩa khái quát nào đó. Cơ chế hình thành của điển là rút gọn câu chuyện, tư tưởng, ý thơ thành một ngữ liệu có hình thức tối giản. Một ngữ liệu thỏa mãn những điều trên có khả năng trở thành điển cố.
Trong văn học thế giới, một tác phẩm trở thành xuất xứ của điển cố là điều rất phổ biến. Trong văn học Trung Hoa, Kinh thi, Sở từ, Đường thi, các bộ kinh sử tử tập là xuất xứ của phần lớn điển cố.
Trong văn học phương Tây, phần nhiều điển có xuất xứ từ Kinh thánh, thần thoại Hy Lạp. Trong văn học Việt Nam, hiện tượng này cũng không phải là quá hiếm. Một số bài ca dao, truyện ngụ ngôn, truyện cổ tích, truyền thuyết, tác phẩm văn học viết, trong đó có TK, chính là nguồn gốc của hầu hết điển cố nội sinh trong văn học nước ta.
TK là kiệt tác của nền văn học Việt Nam, có ảnh hưởng lớn đến đời sống văn học nước ta, được đông đảo các tầng lớp độc giả nhiều thế hệ yêu quý, nâng niu. Nhiều nhân vật, tích truyện, câu thơ trong tác phẩm của Nguyễn Du đã trở nên hết sức quen thuộc, không chỉ trong văn học mà cả trong đời sống, được sử dụng với tư cách là những điển cố, tức là những ngữ liệu mang ý nghĩa khái quát hơn so với ý nghĩa ban đầu trong tác phẩm.
Thông thường, một tác phẩm thơ thường là xuất xứ của một vài điển cố. Trong khi đó, TK lại là nguồn gốc của hàng trăm điển bởi đây là một tác phẩm tự sự bằng thơ có dung lượng khá lớn (3254 câu thơ lục bát). Hơn nữa, điển xuất xứ từ TK còn khá đa dạng. Điều này phần nào được thể hiện trong ba kiểu điển chính dưới đây.
Các dạng điển có nguồn gốc Truyện Kiều chính
Điển nhân danh
Điển nhân danh là một bộ phận quan trọng, chiếm số lượng lớn trong kho tàng điển cố. Loại điển này có hình thức ngắn gọn một từ hoặc một cụm từ, là tên gọi (tên tự, tên hiệu, tên gọi lên chức danh, cách xưng hô,…) của một nhân vật trong lịch sử, truyền thuyết, văn học.
Trong TK có nhiều điển nhân danh, hầu hết đều có nguồn gốc Hán, chẳng hạn: Nàng Oanh, ả Lý (Dâng thư đã thẹn nàng Oanh/ Lại thua ả Lý bán mình hay sao), Tống Ngọc, Trường Khanh (Sớm đưa Tống Ngọc, tối tìm Trường Khanh),…
Cơ chế hình thành của kiểu điển cố này như sau: Từ một nhân vật chính (có tài năng, phẩm chất đặc biệt hoặc gắn với một sự kiện nổi tiếng nào đó) trong lịch sử, văn hóa, văn học, người ta rút gọn chỉ còn tên (thậm chí gọn hơn chỉ còn họ, bỏ qua các phương diện còn lại của nhân vật) và đưa vào sáng tác để khái quát cho một ý nghĩa nào đó.
Chẳng hạn, điển nàng Oanh, ả Lý để chỉ cho những người con hiếu thảo. Khi tiếp xúc “mã tên gọi” này, theo nguyên tắc giải mã của điển cố, người đọc phải truy ngược về các đặc điểm con người (phẩm chất, tài năng, tính cách), sự nghiệp, câu chuyện nổi tiếng liên quan đến nhân vật để hiểu ý nghĩa của “mã tên gọi” ấy, tức điển nhân danh được nhà văn dẫn dụng.
Theo cơ chế này, tên gọi của nhiều nhân vật nổi tiếng trong TK như Thúy Kiều, Kim Trọng, Sở Khanh, Hoạn Thư, Từ Hải được các tác giả đời sau đưa vào sáng tác của mình với tư cách là những điển cố nhân danh. Dạng điển nhân danh có nguồn gốc TK trong văn học Việt Nam có số lượng khá lớn, xuất hiện cả trong văn học dân gian và văn học viết.
Ảnh hưởng của TK đối với văn học dân gian khá đa dạng. Một trong những biểu hiện của sự ảnh hưởng đó là nhiều điều cố nhân danh được tác giả dân gian lấy từ nguồn gốc TK, chẳng hạn như trong bài ca dao sau: Sen xa hồ, sen khô, hồ cạn/ Liễu xa đào, liễu ngã, đào nghiêng/ Anh xa em như bến xa thuyền/ Như Thúy Kiều xa Kim Trọng biết mấy niên cho tái hồi.
Trong văn học viết, nhiều tác giả của văn học trung đại, văn học hiện đại đã mượn lại tên nhân vật trong TK với tư cách là những điển cố. Chẳng hạn, Nguyễn Công Trứ với hai câu thơ: Nghĩ mình chưa phải tình Kim Trọng/ Mà đó đà mang nợ Thúy Kiều (Trách nhân tình) hay Nguyễn Bính trong bài Cảm tác: Bá Nha thuở trước còn Chung Tử/ Kim Trọng đời nay hết Thúy Kiều.
Bên cạnh điển Thúy Kiều, Kim Trọng thường xuyên xuất hiện, các điển nhân danh khác có nguồn gốc TK cũng được các tác giả dẫn lại, như trong các câu thơ sau: Song còn bao nỗi chua cay/ Gớm quân Ưng Khuyển, ghê bầy Sở Khanh (Tố Hữu, Kính gửi cụ Nguyễn Du), Chỗ anh thương ít/ Sao anh xít ra nhiều/ Anh hổng coi Từ Hải/ Thương nàng Kiều mấy năm, Anh mà bắt chước Thúc Sinh/ Thì anh đừng trách vợ mình Hoạn Thư (ca dao),…
Trong các tác phẩm này, với những “mã tên gọi” trên, nếu một người chưa từng đọc TK, chưa tiếp xúc với “văn hóa TK” thì chắc hẳn rất khó để hiểu. Để hiểu những mã này, người đọc phải tuân theo nguyên tắc giải mã của điển cố.
Đó là từ tên gọi lần tìm về nhân vật trong TK với các đặc điểm ngoại hình, tài năng, tính cách, cuộc đời… để hiểu ý nghĩa của những tên gọi trên, trên cơ sở đó hiểu được ý nghĩa của tác phẩm. Chẳng hạn, với điển Thúc Sinh, người đọc phải lần tìm về đặc điểm của nhân vật này (không chung tình) để từ đó tìm ra ý nghĩa khái quát chỉ “người đàn ông trăng hoa”; với điển Hoạn Thư, ý nghĩa khái quát là “người đàn bà ghen tuông”…
Điển tích truyện
Điển tích truyện cũng là một dạng phổ biến của điển cố. Kiểu điển này có nội dung gắn liền với một câu chuyện nổi tiếng trong lịch sử, truyền thuyết, văn hóa. Cơ chế hình thành của kiểu điển này là rút gọn câu chuyện nổi tiếng thành một từ, cụm từ hoặc câu ngắn gọn nhằm khái quát cho một ý nghĩa nào đó.
Cơ chế giải mã của dạng điển này là từ những “mã tích truyện” có hình thức ngắn gọn, người đọc phải truy ngược về câu chuyện dài hàm chứa bên trong đó để tìm ra ý nghĩa khái quát của điển.
Trong TK, Nguyễn Du dẫn dụng nhiều điển tích truyện có nguồn gốc Hán. Hầu hết những điển này đều được nhà thơ sử dụng một cách linh hoạt, tài hoa, mang lại nhiều giá trị độc đáo.
Có thể kể ra một số điển như: bể dâu (chuyển dịch từ điển thương hải tang điền, trong câu Trải qua một cuộc bể dâu/ Những điều trông thấy mà đau đớn lòng), lá thắm chỉ hồng (chuyển dịch từ điển hồng diệp xích thằng, trong câu Dù khi lá thắm chỉ hồng/ Nên chăng thì cũng tại lòng mẹ cha), gương vỡ lại lành (chuyển dịch từ phá kính trùng viên, trong Bây giờ gương vỡ lại lành/ Khuôn thiêng lừa lọc đã đành có nơi),…
Không chỉ vay mượn từ kho tàng điển cố gốc Hán, TK còn lại nơi phát sinh nhiều điển cố tích truyện được dẫn lại trong văn học Việt Nam.
Đó là những câu chuyện nổi tiếng trong tác phẩm này được các tác giả đời sau đưa vào sáng tác với tư cách là những điển cố. Chẳng hạn, trong bài ca dao dưới đây, tác giả dân gian đã dẫn một điển liên quan đến câu chuyện Kim Trọng lần đầu gặp Kiều”:
Vừa ra vừa gặp người xinh/ Cũng bằng Kim Trọng tiết thanh minh gặp Kiều. Mở đầu bài thơ Kiều bán mình, Nguyễn Khuyến dẫn ra một điển gắn với câu chuyện gia đình Kiều bị vu oan, trong câu: Thằng bán tơ kia dở giói ra/ Làm cho bận đến cụ viên già.
Trong bài thất ngôn bát cú Thúy Kiều lúc ra tu chùa Hoạn Thư, Tản Đà đã dẫn lại điển gắn với việc Kiều trộm chuông vàng khánh bạc trốn khỏi nhà họ Hoạn trong câu: Nọ những chuông vàng cùng khánh bạc/ Này thôi má phấn với lầu xanh.
Trong bài Kính gửi cụ Nguyễn Du, Tố Hữu dẫn lại một điển gắn với câu chuyện Kiều tự vẫn trên sông Tiền Đường: Ngẩn ngơ trông ngọn cờ đào/ Đành như thân giá sóng xô Tiền Đường.
Nhìn chung, phần điển tích truyện có nguồn gốc TK đều xoay quanh nhân vật trung tâm của tác phẩm là Thúy Kiều, gắn với những bước ngoặt lớn trong cuộc đời chìm nổi của nhân vật này. So với các dạng khác, điển tích truyện có nguồn gốc TK chiếm tỉ lệ nhỏ hơn.
Điển thơ ca
So với kiểu điển nhân danh, tích truyện, điển thơ ca có nguồn gốc TK chiếm số lượng lớn hơn cả. Cơ chế hình thành của kiểu điển này là mượn lại ý thơ, lời thơ ở hình thức rút gọn hoặc cải biên.
Trong tác phẩm của Nguyễn Du, có nhiều điển thơ ca mượn từ Kinh thi (như điển quả mai trong câu Quả mai ba bảy đương vừa, điển cù mộc trong câu Một cây cù mộc một sân quế hòe), thơ Trung Hoa cổ (như điển Cỏ non xanh tận chân trời/ Cành lê trắng điểm một vài bông hoa mượn từ hai câu thơ Phương thảo liên thiên bích/ Lê chi sổ điểm hoa), thơ Đường (như điển hoa đào năm ngoái mượn ý từ bài Đề đô thành nam trang của Thôi Hộ, điển Một nền Đồng Tước khóa xuân hai Kiều lấy ý từ trong bài Xích Bích hoài cổ của Đỗ Mục)…
TK là áng văn chương trác truyệt, “Đại Việt thiên thu tuyệt diệu từ”, là “khúc Nam âm tuyệt xướng”. Ngay đương thời, văn chương TK đã có ảnh hưởng lớn đến sáng tác văn học. Rất nhiều ý thơ, câu thơ của kiệt tác này được dẫn lại trong các tác phẩm. Và nhiều trong số đó đã trở thành điển cố.
Trong văn học dân gian (chủ yếu là ca dao) có nhiều câu dẫn điển thơ ca mượn từ TK, chẳng hạn: Vầng trăng ai xẻ làm đôi/ Đừng trần ai vẽ ngược xuôi hỡi chàng… Ra tay mở khóa động đào/ Thực tiên thì được bước vào chơi tiên,…
Trong văn học viết, ngay từ thời Nguyễn Du đã có nhiều nhà thơ sử dụng điển cố thơ ca có nguồn gốc TK. Có thể kể ra một vài trường hợp điển thơ ca có nguồn gốc TK trong văn học viết tiêu biểu như:
– Nguyễn Công Trứ: Trai anh hùng gặp gái thuyền quyên, Châu Trần còn có châu Trần nào hơn (Duyên gặp gỡ), Biết đâu ấm lạnh, biết đâu ngọt bùi, Dập dìu những văn nhân tài tử (Nhàn nhân với quý nhân),…
– Tản Đà: Ngày xuân con én con oanh/ Ve ngâm vượn hót để dành đêm thu, Ngày xuân ngắn lắm ai ơi/ Khổ cho cái én đưa thoi hết ngày (Phong, mượn từ câu Ngày xuân con én đưa thoi trong TK),…
– Đoàn Phú Tứ: Tóc mây một món chiếc dao vàng (Màu thời gian, mượn chữ và ý từ câu Tóc mây một món, dao vàng chia đôi trong TK),…
– Nguyễn Bính: Thương vui bởi tại lòng này/ Tan sương đầu ngõ, vén mây cuối trời (Vịnh cụ Tiên Điền, mượn từ hai câu: Tẻ vui bởi tại lòng này, Tan sương đầu ngõ, vén mây giữa trời trong TK),…
Có thể nói, hiếm có tác phẩm nào có sức lan tỏa sâu rộng như TK. Từ bói Kiều, vịnh Kiều, ngâm Kiều, nhại Kiều, đố Kiều, trò Kiều đến lẩy Kiều, tập Kiều,… tất cả làm nên một “văn hóa TK” đặc sắc trong đời sống văn hóa, văn chương nước ta. Trong những hình thức này, lẩy Kiều, tập Kiều, xét về bản chất, có thể xem là nghệ thuật dụng điển thơ ca có xuất xứ TK của các tác giả.
Đóng góp của Truyện Kiều đối với kho tàng điển cố nội sinh
Trước hết, cần khẳng định tính dân tộc của điển cố có xuất xứ TK. Mặc dù các nhân vật, tích truyện trong tác phẩm này đều có xuất xứ từ Kim Vân Kiều truyện của Trung Hoa nhưng nếu không có kiệt tác TK, có lẽ không mấy người Việt biết đến chúng.
Hơn nữa, những điển cố này đều do người Việt sáng tạo trong quá trình tiếp nhận TK (trong văn học Trung Hoa có lẽ không có các điển cố này), bộ phận lớn trong chúng là điển thơ ca lại có xuất xứ từ những câu thơ lục bát TK mang tính dân tộc đậm đà. Điển cố có nguồn gốc TK chính là một đóng góp của TK đối với kho tàng điển cố trong văn học nước ta nói riêng, văn học Việt Nam nói chung.
Trong tiến trình phát triển của mình, văn học Việt Nam thời trung đại luôn vận động theo khuynh hướng dân tộc hóa. Từ việc chịu ảnh hưởng trên nhiều phương diện của văn học Trung Hoa, văn học nước ta đã tìm về với các giá trị nội sinh để bứt phá ra khỏi từ trường của văn hóa Hán học, vươn tới những bước phát triển mới. Chữ Nôm ra đời, cùng với các thể loại văn học dân tộc ngày càng được ưu tiên sử dụng, giữ vai trò là thành tựu lớn nhất của nhiều thời kỳ văn học là những biểu hiện rõ nét cho khuynh hướng vận động này.
Trên phương diện lịch sử sử dụng điển cố, việc điển cố nội sinh ra đời và ngày càng được sử dụng phổ biến, đem lại nhiều giá trị thẩm mĩ quan trọng trong văn học cũng là một biểu hiện như vậy.
Không chấp nhận chỉ vay mượn trong kho tàng điển cố gốc Hán, cha ông ta đã sáng tạo ra nhiều điển cố nội sinh có nguồn gốc từ văn hóa, văn học dân gian, văn học viết của dân tộc. TK là một trong những tác phẩm được viện dẫn nhiều nhất, là xuất xứ của nhiều điển cố nội sinh nhất.
Do các điều kiện lịch sử, văn hóa, kho tàng điển cố nội sinh trong văn học nước ta không đồ sộ, phong phú như điển gốc Hán. Số lượng tác phẩm trở thành xuất xứ điển không nhiều, tác phẩm văn học viết lại càng ít ỏi.
Trong bối cảnh đó, TK của Nguyễn Du đã đóng góp vào kho tàng điển nội sinh hàng trăm điển cố có giá trị, góp phần đưa điển nội sinh trở thành đối trọng với điển cố ngoại lai (chủ yếu gốc Hán) trong vai trò mang đến các giá trị thẩm mĩ cho tác phẩm.
Đó là những đóng góp to lớn của TK đối với văn học trung đại Việt Nam trên phương diện lịch sử sử dụng điển cố. Ngày nay, không chỉ trong văn chương, những điển nhân danh như Thúc Sinh, Hoạn Thư, Sở Khanh, những điển thơ ca như trong cõi người ta, nghề chơi cũng lắm công phu, còn trời còn nước còn non,… đã trở nên quen thuộc trong đời sống ngôn ngữ, báo chí.
Rõ ràng, cùng với sức lan tỏa sâu rộng của tác phẩm, nhiều điển cố nội sinh có nguồn gốc TK cũng có một sức sống lâu bền, có vị trí nhất định trong đời sống văn chương, ngôn ngữ của dân tộc.
Đăng bởi: Sài Gòn Tiếp Thị
Chuyên mục: Lớp 10,Ngữ Văn 10