Contents
Phân tích đoạn trích Chị em Thúy Kiều – Văn mẫu lớp 9 tuyển chọn
Hướng dẫn
Chị em Thúy Kiều là đoạn trích miêu tả vẻ đẹp khuynh nước khuynh thành của hai chị em Thúy Kiều, Thúy Vân. Bằng bút pháp miêu tả bậc thầy, Nguyễn Du đã tái hiện đầy sống động nhan sắc của hai chị em Vân, Kiều. Dựa vào những hiểu biết của mình sau khi học xong đoạn trích, anh chị hãy phân tích đoạn trích Chị em Thúy Kiều.
I. Dàn ý chi tiết cho đề phân tích đoạn trích Chị em Thúy Kiều
1. Mở bài
Giới thiệu đoạn trích: Đoạn trích “ Chị em Thúy Kiều” nằm ở phần đầu của “ Truyện Kiều” đã khắc họa hai bức chân dung chị em Thúy Kiều và Thúy Vân.
2. Thân bài
- Bốn câu thơ đầu:
+ Giới thiệu khái quát vẻ đẹp của hai chị em
+Sử dụng hình ảnh ước lệ: mai, tuyết để gợi tả vẻ đẹp mười phân vẹn mười của hai chị em.
- Bốn câu thơ tiếp theo: Gợi tả vẻ đẹp Thúy Vân:
+ Hình ảnh ước lệ tượng trưng để gợi tả vẻ đẹp cao sang, quý phái, phúc hậu.
+ Vẻ đẹp hòa hợp với thiên nhiên dự báo cuộc đời suôn sẻ, bình yên.
- 12 câu thơ tiếp theo: Vẻ đẹp và tài năng của Thúy Kiều
+ Vẻ đẹp sắc sảo, mặn mà, không chỉ đẹp về ngoại hình mà còn có tài năng.
+ Không miêu tả chi tiết nhưng cực tả vẻ đẹp của đôi mắt.
+ Tài năng toàn vẹn với cầm, kì, thi, họa. Đặc biệt là sáng tác nhạc
+ Vẻ đẹp khiến hoa ghen liễu hờn, tài năng xuất chúng như dự báo một cuộc đời nhiều sóng gió.
- Bốn câu thơ cuối: Lời nhận xét của tác giả về cuộc sống khuôn phép, được bao bọc chở che của hai chị em
3. Kết bài
– Nêu cảm nghĩ về đoạn trích
- Khắc họa hai bức chân dung đẹp xuất sắc qua ngòi bút miêu tả tinh tế.
- Thể hiện thái độ trân trọng, ngợi ca vẻ đẹp của con người.
II. Bài tham khảo cho đề phân tích đoạn trích Chị em Thúy Kiều
“ Truyện Kiều” là tác phẩm nổi tiếng của đại thi hào Nguyễn Du. Tác phẩm không chỉ có giá trị về mặt nội dung mà còn thành công trong nghệ thuật miêu tả nhân vật. Đoạn trích “ Chị em Thúy Kiều” nằm ở phần đầu tác phẩm đã cho thấy bút pháp nghệ thuật tài tình của Tố Như với việc khắc họa hai bức chân dung chị em Thúy Kiều và Thúy Vân.
Mở đầu đoạn trích,Nguyễn Du đã giới thiệu khái quát về vẻ đẹp chung của hai cô con gái của nhà viên ngoại họ Vương:
“Đầu lòng hai ả tố nga
Thúy Kiều là chị, em là Thúy Vân
Mai cốt cách tuyết tinh thần
Mỗi người một vẻ mười phân vẹn mười”
Tác giả giới thiệu cả hai chị em đều là những “ ả tố nga” – hình ảnh ẩn dụ để nói lên vẻ đẹp của hai chị em Thúy Kiều. Đó là vẻ đẹp trong trắng và cao quý. Bút pháp ước lệ được tác gải sử dụng khéo léo và tinh tế: lấy hình ảnh cây mai để chỉ dáng người thanh mảnh, hình ảnh tuyết để miêu tả làn da trắng cũng như tâm hồn trong trắng của hai nàng. Đó là vẻ đẹp hài hòa cả về hình thức lẫn tâm hồn. Thành ngữ “ mười phân vẹn mười” để làm nổi bật mỗi người có một vẻ đẹp riêng nhưng đều đẹp ở mức toàn mĩ khó ai sánh kịp. Thúy Kiều và Thúy Vân đều mang vẻ đẹp lí tưởng, vượt lên trên cả khuôn mẫu.
Đi từ khái quát đến cụ thể, sau khi giới thiệu về hai chị em, ngòi bút của Nguyễn Du miêu tả cụ thể bức chân dung của Thúy Vân:
“Vân xem trang trọng khác vời”
Hai chữ” trang trọng” đã nói lên vẻ đẹp cao sang, quý phái của Thúy Vân mà ít ai sánh kịp. Vẻ đẹp ấy được so sánh với những thứ tuyệt đẹp của thiên nhiên:
“Khuôn trăng đầy đặn nét ngài nở nang
Hoa cười ngọc thốt đoan trang
Mây thua nước tóc tuyết nhường màu da”
Chân dung của Thúy Vân được gợi lên qua những hình ảnh so sánh, ẩn dụ mang tính ước lệ tương trưng: khuôn mặt tròn trịa, đầy đặn như vần trăng, long mày đậm sắc nét như con ngài, miệng cười tươi như hoa, giọng nói trong như ngọc, mái tóc đen óng ả, mềm mại nhẹ hơn mây, làn da trắng hồng mịn màng hơn tuyết. Tất cả đã làm nổi bật lên vẻ đẹp đoan trang, hiền thục, phúc hậu và quý phái của Thúy Vân. Chân dung của Vân được tạo nên bởi sự hòa hợp với thiên nhiên khiến “mây thua, tuyết nhường” – dự báo một cuộc đời bình yên và suôn sẻ, nhiều may mắn.
Cái tài của Nguyễn Du thể hiện ở chỗ tả Thúy Vân thật cụ thể, chi tiết nhưng sang đến Kiều thì chỉ là những nét vẽ thoảng qua:
“Kiều càng sắc sảo mặn mà
So bề tài sắc lại là phần hơn”
Vẻ đẹp của Kiều được đặt trong sự so sánh với vẻ đoan trang, phúc hậu của Thúy Vân để làm tôn lên vẻ đẹp sắc sảo của Kiều. Kiều không chỉ đẹp về nhan sắc và còn đẹp cả về tài năng, một vẻ đẹp toàn diện. Miêu tả vẻ đẹp của Kiều, Tố Như không miêu tả làn da, khuôn măt, mái tóc mà chọn miêu tả đôi mắt thể hiện sự tinh anh của tâm hồn và trí tuệ:
“Làn thu thủy nét xuân sơn
Hoa ghen thua thắm, liễu hờn kém xanh”
Vẫn là những hình ảnh ước lệ tượng trưng, dùng những chuẩn mực của thiên nhiên để gợi tả vẻ đẹp của con người: làn nước mùa thu, dáng núi mùa xuân, hoa, liễu. Vẻ đẹp của Kiều vượt trên cả thiên nhiên khiến cho “hoa ghen, liễu hờn”. Một vẻ đẹp khiến nghiêng nước, đổ thành – vẻ đẹp của một tuyệt thế giai nhân. Tác giả cũng như dự báo về một cuộc đời đầy sóng gió, khổ đau của nàng Kiều: “Sắc đành đòi một tài đành họa hai”
Không chỉ có vẻ đẹp về hình thức, ở Kiều còn có những tài năng đặc biệt:
“Pha nghề thi họa đủ mùi ca ngâm
Cung thương lầu bậc ngũ âm
Nghề riêng ăn đứt hồ cầm một chương”
Tài năng của Kiều với đủ cầm, kì, thi, họa. Để cực tả cái tài của Kiều, tác giả đã sử dụng hàng loạt các từ ngữ: vốn sẵn, pha nghề,đủ mùi, lầu bậc. Không chỉ chơi đàn giỏi mà Kiều còn sáng tác nhạc nữa. Cung đàn nàng sáng tác là một thiên Bạc mệnh. Đó là bản nhạc thể hiện tâm hồn của một trái tim đa sầu, đa cảm. Cực tả tài năng của Kiều cũng chính là ca ngợi cái tâm của nàng. Tài năng ấy là biểu hiện của một trái tim nhân hậu, nghĩa tình, vị tha. Vẻ đẹp của Kiều là sự kết hợp của sắc, tài, tình – một vẻ đẹp của tuyệt thế giai nhân. Cũng giống như bức chân dung của Thúy Vân, bức chân dung của Kiều là bức chân dung mang tính cách, số phận. Qua đó người đọc cũng thấy được sự tinh tế trong ngòi bút của Nguyễn Du.
Bốn câu thơ cuối là sự miêu tả về cuộc sống phong lưu khuôn phép của chị em nhà Kiều. Cả hai đều đã đến tuổi cập kê nhưng đều được sự che chở, bao bọc của gia đình. Đó là một cuộc sống êm đềm với “trướng rủ màn che”. Nguyễn Du đã gạt tất cả mọi vẩn đục khỏi cuộc sống phong lưu để đề cao hơn đức hạnh của chị em Thúy Kiều.
Với ngòi bút miêu tả tinh tế, Nguyễn Du đã khắc họa nên hai bức chân dung đẹp xuất sắc của chị em Thúy Kiều thông qua việc sử dụng các hình ảnh ước lệ tượng trưng và các biện pháp tu từ. Qua đó, tác giả cũng thế hiện sự trân trọng, ngợi ca với những vẻ đẹp hình thức và tài năng của con người.
Theo Nhungbaivanhay.vn
Chủ đề: Cảm nghĩcây maiChị Em Thúy Kiềucon ngườicuộc sốngđại thi hào Nguyễn Dugia đìnhgiới thiệulí tưởngmùa thumùa xuânnguyễn duphân tíchtruyện kiều