Doanh nghiệp ngoài quốc doanh xét dưới giác độ sở hữu bao gồm tất cả các đơn vị hay tổ chức kinh tế thuộc sở hữu của một người hay một nhóm người. Quyền sở hữu này được xác định dựa trên quá trình huy động hình thành nên nguồn vốn hoạt động cho đơn vị kinh tế đó. Cùng luận văn 1080 tìm hiểu thêm trong bài viết sau:
Xem thêm:
+ Thuyết nhu cầu của Maslow với việc động viên người lao động
+ Đạo đức kinh doanh là gì? Sự cần thiết của đạo đức kinh doanh
1. Doanh nghiệp ngoài quốc doanh là gì?
Đề cập đến kinh tế ngoài quốc doanh, Nghị quyết Đại hội trung ương Đảng lần thứ V đã công nhận, trong hơn 10 năm thuộc thời kì đổi mới, khu vực kinh tế tư nhân bao gồm các doanh nghiệp vừa và nhỏ thuộc sở hữu cá nhân, kinh tế tư bản tư nhân hoạt động dưới các loại hình khác nhau như công ty cổ phần, công ty trách nhiệm hữu hạn (TNHH),…, kinh tế hộ gia đình, đã có những bước phát triển nhanh, mạnh và rộng khắp trên cả nước.
Kinh tế ngoài quốc doanh đã đóng góp to lớn vào sự phát triển chung của đất nước, thông qua việc huy động tối đa các nguồn lực xã hội vào sản xuất kinh doanh, tạo công ăn việc làm cho người lao động, cải thiện mức sống của người dân, đóng góp vào ngân sách nhà nước, góp phần đảm bảo sự ổn định chính trị xã hội trong nước và nhiều mặt tích cực khác.
Như vậy rõ ràng phát triển khu vực kinh tế ngoài quốc doanh chính là một chiến lược quan trọng lâu dài, phù hợp với qui luật vận động của nền kinh tế và nằm trong tổng thể các chiến lược chung của đất nước trong thời kì đổi mới. Nhưng vấn đề chính chúng ta cần thảo luận trong phần này chính là khái niệm về khu vực kinh tế ngoài quốc doanh.
Doanh nghiệp ngoài quốc doanh là gì
Doanh nghiệp ngoài quốc doanh xét dưới giác độ sở hữu bao gồm tất cả các đơn vị hay tổ chức kinh tế thuộc sở hữu của một người hay một nhóm người. Quyền sở hữu này được xác định dựa trên quá trình huy động hình thành nên nguồn vốn hoạt động cho đơn vị kinh tế đó và được pháp luật thừa nhận. Điều này khác cơ bản với các doanh nghiệp quốc doanh, hay doanh nghiệp nhà nước (DNNN), khi mà nguồn vốn hình thành nên các doanh nghiệp nhà nước được ngân sách nhà nước cấp, nghĩa là từ sự đóng góp của toàn dân(nguồn thu từ thuế).
Tuy nhiên, Doanh nghiệp ngoài quốc doanh không bao gồm tất cả các doanh nghiệp không thuộc sở hữu nhà nước. Trong nền kinh tế mở, các quốc gia có sự thông thương nhất định, các doanh nghiệp nước ngoài, doanh nghiệp liên doanh được thành lập, nhưng rõ ràng là không nên xếp chúng vào Doanh nghiệp ngoài quốc doanh.
– Thứ nhất, vì chúng không có tính đồng nhất về mặt sở hữu, một doanh nghiệp liên doanh có thể là sự liên doanh giữa hai công dân thuộc hai nước khác nhau, liên doanh giữa hai tổ chức hay liên doanh giữa hai chính phủ, còn doanh nghiệp nước ngoài thì càng không thể khẳng định nó thuộc sở hữu nhà nước hay tư nhân.
– Thứ hai, tính chất hoạt động và các ảnh hưởng của doanh nghiệp nước ngoài khác so với các doanh nghiệp trong nước, chúng vận hành theo một bộ luật riêng thường là luật đầu tư nước ngoài và ảnh hưởng lên một số khía cạnh đặc thù trong nền kinh tế như cán cân thanh toán, dự trữ ngoại hối, tài trợ xuất nhập khẩu v.v
Vì vậy, ở đây chúng ta không xếp các doanh nghiệp nước ngoài như một bộ phận của khu vực kinh tế ngoài quốc doanh. Như vậy, Doanh nghiệp ngoài quốc doanh ở nước ta hiện nay chính là các doanh nghiệp hoạt động theo luật doanh nghiệp đó là các đơn vị kinh tế tồn tại dưới các hình thức công ty trách nhiệm hữu hạn (TNHH), công ty cổ phần (CTCP), công ty hợp danh và doanh nghiệp tư nhân (DNTN), do một hay nhiều người đứng ra làm chủ và tự chịu trách nhiệm bằng tài sản của mình (hữu hạn hay vô hạn) về mọi hoạt động của doanh nghiệp.
Tất nhiên cũng phải kể đến các hộ kinh doanh cá thể với mức vốn pháp định thấp hơn vốn pháp định của doanh nghiệp tư nhân. Đây là loại hình kinh tế hộ gia đình kinh doanh trong một số ngành nghề như nông nghiệp, thủ công, dịch vụ và buôn bán nhỏ. Nhìn chung, bộ phận chính, quan trọng nhất trong khu vực kinh tế ngoài quốc doanh chính là các công ty bao gồm Công ty TNHH, Công ty cổ phần, Công ty hợp danh và doanh nghiệp tư nhân.
1.1 Công ty trách nhiệm hữu hạn:
– Công ty TNHH có hai thành viên trở lên: là doanh nghiệp trong đó thành viên chịu trách nhiệm về các khoản nợ và các nghĩa vụ tài sản khác của doanh nghiệp trong phạm vi số vốn đã cam kết góp vào doanh nghiệp (trách nhiệm hữu hạn). Thành viên có thể là tổ chức, cá nhân số lượng thành viên không quá 50 và không được quyền phát hành cổ phiếu.
– Công ty TNHH một thành viên là doanh nghiệp do một tổ chức làm chủ sở hữu, chủ sở hữu chịu trách nhiệm về các khoản nợ và các nghĩa vụ tài sản khác của doanh nghiệp trong phạm vi số vốn của doanh nghiệp và cũng không được quyền phát hành cổ phiếu.
1.2 Công ty cổ phần
– Doanh nghiệp có vốn điều lệ được chia thành cổ phần, số lượng cổ đông tối thiểu là 3 và chỉ chịu trách nhiệm về nợ và các nghĩa vụ tài sản khác trong phạm vi số vốn đã góp vào doanh nghiệp. Công ty cổ phần có quyền phát hành chứng khoán ra công chúng.
1.3 Công ty hợp danh
– Là loại doanh nghiệp có ít nhất hai thành viên hợp danh; ngoài các thành viên hợp danh, có thể có thành viên góp vốn, thành viên hợp danh phải là cá nhân, có trình độ chuyên môn và uy tín nghề nghiệp và phải chịu trách nhiệm bằng toàn bộ tài sản của mình về việc thực hiện các nghĩa vụ tài chính của công ty (trách nhiệm vô hạn). Thành viên góp vốn chỉ chịu trách nhiệm trên lượng vốn góp của mình vào doanh nghiệp. Công ty hợp danh không được phát hành chứng khoán.
1.4 Doanh nghiệp tư nhân
– Là doanh nghiệp do một cá nhân làm chủ và tự chịu trách nhiệm bằng toàn bộ tài sản của mình về mọi hoạt động của doanh nghiệp. Ngoài ra, khu vực kinh tế NQD hay khu vực kinh tế tư nhân còn có thể được phân chia theo hiến pháp bao gồm các hình thức kinh tế sau:
– Kinh tế cá thể: được hiểu là hình thức kinh tế của một hộ gia đình hay một cá nhân hoạt động dựa trên quan hệ sở hữu tư nhân về tư liệu sản xuất và lao động của chính hộ hay cá nhân đó, không thuê mướn lao động làm thuê.
– Kinh tế tiểu chủ: là hình thức kinh tế do một chủ tổ chức, quản lý và điều hành, hoạt động trên cơ sở sở hữu tư nhân về tư liệu sản xuất và có sử dụng lao động thuê mướn ngoài lao động của chủ; quy mô vốn đầu tư và lao động nhỏ hơn của các hình thức doanh nghiệp tư nhân, công ty trách nhiệm hữu hạn hoặc công ty cổ phần.
– Kinh tế tư bản tư nhân: bao gồm các công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty hợp danh, doanh nghiệp tư nhân và công ty cổ phần được thành lập theo luật Doanh nghiệp. Trên đây là một số cách phân loại khác nhau về các bộ phận cấu thành nên khu vực kinh tế ngoài quốc doanh, sở dĩ có những sự phân chia hơi khác nhau như vậy là vì mỗi cách phân loại dựa trên một tiêu thức, một cách tiếp cận khác nhau.
Tuy nhiên, tựu trung lại, chúng ta có thể hiểu Doanh nghiệp ngoài quốc doanh là các doanh nghiệp không thuộc sở hữu nhà nước, và tất nhiên là không phải các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (như đã trình bày ở trên). Đây là một bộ phận không thể thiếu trong nền kinh tế thị trường, một phần trong thời kì quá độ lên chủ nghĩa xã hội của nước ta. Phát triển khu vực kinh tế ngoài quốc doanh là nhiệm vụ quan trọng để đi đến thắng lợi cuối cùng trong công cuộc đổi mới, công nghiệp hoá hiện đại hoá đất nước.
2. Vai trò của khu vực kinh tế ngoài quốc doanh đối với nền kinh tế:
Kinh tế tư nhân có thể kinh doanh trong hầu hết các lĩnh vực trong nền kinh tế, tất nhiên trừ một số ít lĩnh vực mà nhà nước giữ độc quyền để kiểm soát tình hình an ninh quốc phòng và ổn định chính trị trong nước. Sự phát triển của khu vực kinh tế tư nhân đã và đang tiếp tục có những đóng góp tích cực và vô cùng quan trọng cần thiết trong công cuộc phát triển đất nước.
– Góp phần quan trọng để tạo ra thành tựu tăng trưởng kinh tế chung, đổi mới bộ mặt kinh tế xã hội, tạo ra nhiều sản phẩm và dịch vụ cho xã hội.
– Là lĩnh vực chính thu hút lao động xã hội, tạo công ăn việc làm cho người lao động.
– Giải phóng sức lao động và huy động tối đa các nguồn lực trong dân cư vào công cuộc phát triển kinh tế.
– Tạo môi trường cạnh tranh, nâng cao tính năng động hiệu quả cho nền kinh tế.
– Góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế. Mặc dù có những vai trò tích cực và quan trọng như đã kể trên, nhưng trong quá khứ và ngay cả hiện tại vẫn có những quan điểm không thống nhất về những đóng góp của khu vực kinh tế ngoài quốc doanh.
Nhiều quan điểm cho rằng kinh tế tư nhân gắn liền với bóc lột, là nguyên nhân của sự phân hoá giàu nghèo, vì vậy phải cải tạo, thu hẹp và từng bước xoá bỏ. Tuy nhiên, một nhà nước xã hội chủ nghĩa với quyền điều hành nền kinh tế của mình có thể có những chính sách làm hạn chế mức độ chênh lệch về thu nhập cũng như sự bóc lột sức lao động.
Cần phải quán triệt khu vực kinh tế tư nhân trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa với kinh tế tư nhân trong chủ nghĩa tư bản khác nhau về căn bản. Vì thế sẽ là không thoả đáng nếu cứ xem các doanh nghiệp tư nhân hàng ngày hàng giờ đẻ ra chủ nghĩa tư bản và là đối tượng phải cải tạo của CNXH.
Ngược lại, các hình thức kinh tế tư nhân trong nền kinh tế định hướng xã hội chủ nghĩa sẽ đóng góp quan trọng lâu dài vào sự nghiệp phát triển nền kinh tế theo cơ chế thị trường. Vấn đề chính yếu là để phát huy được hết tính tích cực của khu vực kinh tế tư nhân trong tiến trình phát triển chung của đất nước, nhà nước phải có những định hướng đúng đắn, nhất quán và những chính sách, đường lối chỉ đạo phù hợp mà cơ chế quản lý tài chính, vấn đề được nghiên cứu ở đây chính là một bộ phận không thể thiếu.
Hi vọng bài viết “Doanh nghiệp ngoài quốc doanh là gì? Vai trò của doanh nghiệp này đối với nền kinh tế” này của Luận văn 1080 sẽ giúp bạn nhiều trong quá trình học tập!