Cụ thể, quân đội Mỹ sẽ triển khai hai đơn vị đặc nhiệm đến khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương vào năm 2021, thực hiện nhiều sứ mệnh khác nhau, trong đó có tác chiến điện tử và tác chiến mạng. Ít nhất một trong hai đơn vị sẽ được triển khai ở Biển Đông.
Ngoài việc tăng cường sức mạnh quân sự phi pháp trên đảo Phú Lâm trong quần đảo Hoàng Sa thuộc chủ quyền Việt Nam, Trung Quốc còn triển khai tên lửa có khả năng tấn công bất kỳ nơi nào ở Biển Đông. Để đối phó tình trạng này, Mỹ muốn có khả năng ngăn chặn Trung Quốc tấn công các lực lượng Mỹ trong trường hợp xung đột vũ trang xảy ra ở Biển Đông.
Một cựu sĩ quan hải quân Mỹ cho rằng phá hoại hệ thống liên lạc quân sự của Trung Quốc thông qua “trò lừa” sẽ là một biện pháp ứng phó hiệu quả đối với một tình huống khẩn cấp ở Biển Đông. Vị cựu sĩ quan còn cho rằng Mỹ và những nước bạn bè phải làm việc chặt chẽ trong nhiều lĩnh vực khác nhau để đánh bại những hệ thống vũ khí của Trung Quốc. Một trong những cách đó là dùng công nghệ để đánh lừa, khiến quân đội Trung Quốc nghĩ rằng họ đang nhắm tới một tàu sân bay hay tàu chiến Mỹ, nhưng thật ra đó chỉ là một vùng biển cách xa ít nhất nửa dặm.
Nếu việc tiếp cận Biển Đông là bất khả thi, quân đội Mỹ có kế hoạch ứng phó bằng cuộc phóng tên lửa từ xa. Cựu Phó tham mưu trưởng lục quân Mỹ Jack Keane tin rằng chiến lược chống tiếp cận A2/AD của Trung Quốc mang lại lợi thế cho nước này ở khu vực. Vì vậy, Washington phải đảm bảo “có khả năng răn đe hiệu quả ở đó và tên lửa tầm xa là một phần trong chiến lược của Mỹ”, theo ông Keane.
Thông tin triển khai đơn vị tác chiến điện tử được đưa ra vài ngày sau khi Ngoại trưởng Mike Pompeo tuyên bố các yêu sách của Trung Quốc đối với các nguồn tài nguyên ngoài khơi tại hầu hết Biển Đông cũng như chiến dịch bắt nạt của nước này để kiểm soát các nguồn tài nguyên đó là hoàn toàn phi pháp.
Ngoại trưởng Pompeo còn cảnh báo những lợi ích chung ở Biển Đông đang “gặp phải sự sự đe dọa chưa từng thấy” từ Trung Quốc. “Thế giới sẽ không cho phép Bắc Kinh ứng xử Biển Đông như đế chế hàng hải của riêng mình…Chúng tôi ủng hộ cộng đồng quốc tế trong việc bảo vệ tự do trên biển và tôn trọng chủ quyền, và bác bỏ bất cứ đòi hỏi nào nhằm áp đặt “chân lý thuộc về kẻ mạnh” ở Biển Đông hoặc ở khu vực rộng lớn hơn”, ông Pompeo nhấn mạnh.