Kính gửi: Vụ Pháp chế, Bộ Kế hoạch và Đầu tư
Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) nhận được Công văn số 7059/BKHĐT-PC của Bộ Kế hoạch và Đầu tư về việc lấy ý kiến Dự thảo Nghị định quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Đầu tư (sau đây gọi tắt là Dự thảo). Đây là văn bản quy phạm pháp luật quan trọng, tác động lớn đến cộng đồng doanh nghiệp, vì vậy, VCCI đã triển khai lấy ý kiến rộng rãi doanh nghiệp bằng văn bản, email, website, đồng thời phối hợp với Vụ Pháp chế, Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức Hội thảo lấy ý kiến doanh nghiệp tại Hà Nội. Trên cơ sở ý kiến của các doanh nghiệp, hiệp hội, VCCI gửi tới cơ quan chủ trì soạn thảo tổng hợp các ý kiến góp ý ban đầu đối với Dự thảo như sau:
- Bảo đảm đầu tư kinh doanh (Điều 3)
- Điểm a khoản 2 Điều 3 Dự thảo hướng dẫn các dự án đầu tư được Nhà nước bảo đảm thực hiện theo quy định tại khoản 2 Điều 11 Luật Đầu tư là “Dự án đầu tư thuộc thẩm quyền chấp thuận chủ trương đầu tư của Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ có sự tham gia của Cơ quan nhà nước có thẩm quyền hoặc doanh nghiệp nhà nước theo các hình thức đầu tư quy định tại Điều 21 Luật Đầu tư”. Quy định này được hiểu hình thức bảo đảm của Nhà nước sẽ được áp dụng đối với Dự án đầu tư thuộc thẩm quyền chấp thuận chủ trương đầu tư của Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ mà trong đó có sự tham gia của Cơ quan nhà nước hoặc doanh nghiệp nhà nước.
Khoản 2 Điều 11 Luật Đầu tư 2020 quy định “Thủ tướng Chính phủ quyết định áp dụng các hình thức bảo đảm của Nhà nước để thực hiện dự án đầu tư thuộc thẩm quyền chấp thuận chủ trương đầu tư của Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ và những dự án đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng quan trọng khác”, có nghĩa là các dự án đầu tư này không giới hạn về chủ thể tham gia là cơ quan nhà nước có thẩm quyền hoặc doanh nghiệp nhà nước, mà áp dụng với tất cả các chủ thể.
Như vậy, quy định tại điểm a khoản 2 Điều 3 Dự thảo đang thu hẹp dự án đầu tư được áp dụng hình thức bảo đảm của Nhà nước so với quy định tại khoản 2 Điều 11 Luật Đầu tư 2020, đề nghị Ban soạn thảo điều chỉnh lại quy định để đảm bảo tính thống nhất.
- Điểm c khoản 3 Điều 3 Dự thảo quy định các hình thức bảo đảm thực hiện dự án đầu tư của Nhà nước là “các hình thức khác do Thủ tướng Chính phủ quyết định theo đề xuất của Bộ, Cơ quan ngang Bộ, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh”. Quy định này là chưa rõ về trình tự, thủ tục, tiêu chí để Thủ tướng Chính phủ quyết định hình thức bảo đảm này. Để đảm bảo tính minh bạch, đề nghị Ban soạn thảo quy định rõ về vấn đề này.
- Ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện và điều kiện đầu tư kinh doanh (Điều 9)
Khoản 3 Điều 9 Dự thảo quy định, trong quá trình thực hiện thủ tục hành chính để được cấp giấy phép hoặc thực hiện các điều kiện kinh doanh không cần giấy phép “doanh nghiệp không phải ghi ngành nghề kinh doanh có điều kiện tại Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp”. Quy định này là chưa phù hợp với Luật Doanh nghiệp 2020 và không cần thiết vì theo Luật này, Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp không ghi ngành nghề đăng ký kinh doanh.
Đề nghị Ban soạn thảo bỏ quy định này tại khoản 3 Điều 9 Dự thảo.
- Rà soát, đánh giá tình hình thực, đề xuất sửa đổi, bổ sung ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện (Điều 11, 12)
Theo quy định tại Điều 12 Dự thảo thì ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện và điều kiện đầu tư kinh doanh sẽ được rà soát, đánh giá hàng năm và các Bộ có thể “kiến nghị sửa đổi, bổ sung quy định về ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện và điều kiện đầu tư kinh doanh” trình lên Chính phủ. Việc đề xuất sửa đổi, bổ sung ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện hoặc điều kiện kinh doanh được thực hiện trong Đề nghị xây dựng văn bản quy phạm pháp luật theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật (Điều 11).
Các quy định trên tại Dự thảo chưa giải quyết vấn đề sau:
- Bãi bỏ ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện: Dự thảo mới chỉ đề cập đến “sửa đổi, bổ sung” mà chưa có “bãi bỏ” ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện hoặc điều kiện đầu tư kinh doanh. Việc rà soát, đánh giá ngành nghề kinh doanh có điều kiện có thể sẽ phát hiện ra các ngành nghề kinh doanh có điều kiện, điều kiện kinh doanh chưa hợp lý và cần được bãi bỏ. Vì vậy, đề nghị Ban soạn thảo bổ sung quy định về bãi bỏ ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện hoặc điều kiện kinh doanh tại Điều 11, 12 Dự thảo;
- Việc bổ sung, sửa đổi ngành, nghề kinh doanh có điều kiện trong các văn bản luật chuyên ngành và tại Luật Đầu tư. Theo quy trình tại Điều 11, 12 Dự thảo thì ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện mới sẽ được thể hiện trong Đề nghị xây dựng văn bản quy phạm pháp luật. Do đó, sẽ có trường hợp ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện sẽ được quy định tại Luật chuyên ngành nhưng lại không có trong Danh mục tại Luật Đầu tư. Điều này sẽ dẫn tới tình trạng thiếu thống nhất giữa Luật Đầu tư và các Luật khác trong quy định về ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện.
Như vậy, để tránh tình trạng thiếu thống nhất trên, thời điểm ban hành Luật sửa đổi Danh mục ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện tại Luật Đầu tư phải được ban hành song song với Luật chuyên ngành có ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện mới. Đề nghị Ban soạn thảo bổ sung quy định về việc sửa đổi Danh mục ngành nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện khi có ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện mới được ban hành trong Luật ban hành sau thời điểm Luật Đầu tư có hiệu lực thi hành.
- Đối tượng áp dụng ưu đãi đầu tư (Điều 17)
- Điều 17 Dự thảo hướng dẫn chi tiết các đối tượng áp dụng ưu đãi đầu tư quy định tại Điều 15 Luật Đầu tư. Tuy nhiên, Điều 17 Dự thảo lại không hướng dẫn cho hai đối tượng quy định tại điểm c, đ khoản 2 Điều 15 Luật Đầu tư. Trong khi đó, điểm a khoản 1 Điều 19 Dự thảo quy định về thủ tục áp dụng ưu đãi đầu tư xác định các đối tượng và điều kiện hưởng ưu đãi quy định tại Điều 17 Dự thảo. Như vậy, quy định tại Điều 17, 19 Dự thảo đang đưa đến cách hiểu các đối tượng quy định tại điểm c, đ khoản 2 Điều 15 Luật Đầu tư sẽ không được hưởng ưu đãi hoặc các đối tượng này không biết sẽ thực hiện thủ tục như thế nào để được hưởng ưu đãi vì Điều 19 Dự thảo không quy định.
Để đảm bảo tính thống nhất, đề nghị Ban soạn thảo bổ sung quy định hướng dẫn về đối tượng quy định tại điểm c, đ khoản 2 Điều 15 Luật Đầu tư tại Điều 17 Dự thảo.
- Khoản 7, 8, 9 Điều 17 Dự thảo quy định các điều kiện để được xem là “cơ sở ươm tạo doanh nghiệp nhỏ và vừa”, “khu làm việc chung hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa khởi nghiệp sáng tạo”, “cơ sở kỹ thuật hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa”. Dựa vào các điều kiện này, cơ quan nhà nước và/hoặc nhà đầu tư sẽ phải xác định ưu đãi đầu tư và thực hiện thủ tục liên quan đến hưởng ưu đãi đầu tư. Xuất phát từ tính chất này, các điều kiện để được hưởng ưu đãi cần phải được quy định thật rõ ràng, cụ thể, tạo cách hiểu thống nhất giữa nhà đầu tư và cơ quan quản lý. Tuy nhiên, một số điều kiện hưởng ưu đãi quy định tại khoản 7, 8, 9 Điều 17 Dự thảo vẫn chưa đảm bảo tính minh bạch, còn sử dụng các khái niệm mang tính định tính, ví dụ:
- Điều kiện của cơ sở ươm tạo doanh nghiệp nhỏ và vừa (khoản 7): “có diện tích đảm bảo đủ cung cấp cho ít nhất 10 dự án ươm tạo của doanh nghiệp nhỏ và vừa”; “có phòng hội thảo … được trang bị đầy đủ các thiết bị hiện đại phù hợp sử dụng tổ chức các hội thảo trong nước và quốc tế …”, “Đội ngũ quản lý của cơ sở ươm tạo phải có ít nhất 05 thành viên và có kinh nghiệm về quản lý liên quan đến hoạt động ươm tạo doanh nghiệp nhỏ và vừa”. Các khái niệm “đủ”, “thiết bị hiện đại phù hợp” là chưa rõ. Tài liệu nào chứng minh được kinh nghiệm về quản lý liên quan đến hoạt động ươm tạo doanh nghiệp nhỏ và vừa?
- Khu làm việc chung hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa khởi nghiệp sáng tạo (khoản 8): “có phòng hội thảo … được trang bị đầy đủ các thiết bị hiện đại phù hợp sử dụng tổ chức các hội thảo trong nước và quốc tế …”; “có đội ngũ quản lý chuyên nghiệp (tối thiểu 03 chuyên gia) để cung cấp các dịch vụ huấn luyện, cố vấn hỗ trợ cho doanh nghiệp nhỏ và vừa”. Như thế nào được cho là đội ngũ quản lý chuyên nghiệp? Huấn luyện trong lĩnh vực gì?
- Cơ sở kỹ thuật hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa (khoản 9): “có địa điểm đặt trụ sở thuận lợi cho cung cấp các thiết bị hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa”, “có đội ngũ quản lý chuyên nghiệp (tối thiểu 03 chuyên gia) để cung cấp các dịch vụ huấn luyện, cố vấn hỗ trợ cho doanh nghiệp nhỏ và vừa”. Góp ý tương tự như trên.
Để đảm bảo tính minh bạch, đề nghị Ban soạn thảo quy định có tính định lượng các vấn đề nêu ở trên.
- Bảo đảm thực hiện dự án đầu tư (Điều 23)
- Biện pháp bảo đảm thực hiện dự án đầu tư:
Theo quy định tại Điều 43 Luật Đầu tư 2020 thì nhà đầu tư phải thực hiện các biện pháp bảo đảm thực hiện dự án đầu tư là “ký quỹ” hoặc “có bảo lãnh ngân hàng về nghĩa vụ ký quỹ”.
Điều 23 Dự thảo quy định chi tiết Điều 43 Luật Đầu tư chỉ quy định về biện pháp bảo đảm thực hiện dự án đầu tư của nhà đầu tư là “ký quỹ” mà không quy định về “bão lãnh ngân hàng về nghĩa vụ ký quỹ”. Điều này là chưa thống nhất, đề nghị Ban soạn thảo sửa đổi quy định về bảo đảm thực hiện dự án đầu tư phù hợp với quy định tại Luật Đầu tư 2020.
- Các trường hợp nhà đầu tư không phải ký quỹ hoặc không phải có bảo lãnh ngân hàng về nghĩa vụ ký quỹ
So với các trường hợp nhà đầu tư không phải ký quỹ hoặc không phải có bảo lãnh ngân hàng về nghĩa vụ ký quỹ quy định tại khoản 1 Điều 43 Luật Đầu tư, khoản 1 Điều 23 Dự thảo đã bổ sung thêm các trường hợp quy định tại khoản e, f, g. Quy định này là mở rộng phạm vi so với Luật Đầu tư, đề nghị Ban soạn thảo cân nhắc điều chỉnh lại quy định để đảm bảo tính thống nhất với văn bản được hướng dẫn.
- Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư 2020 đã dừng triển khai dự án mới áp dụng Hợp đồng BT (Điều 101), điểm f khoản 1 Điều 23 Dự thảo quy định về việc “nhà đầu tư được nhà nước giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất để thực hiện dự án khác trên cơ sở thỏa thuận tại Hợp đồng BT …” không phải thực hiện bảo đảm thực hiện đầu tư dường như là chưa phù hợp. Đề nghị Ban soạn thảo xem xét quy định này để đảm bảo tính thống nhất trong hệ thống pháp luật có liên quan.
- Hoãn thực hiện nghĩa vụ ký quỹ: Khoản 7 Điều 23 Dự thảo quy định các trường hợp nhà đầu tư được hoãn thực hiện nghĩa vụ ký quỹ, nhưng Dự thảo lại không quy định việc hoãn thực hiện nghĩa vụ ký quỹ này đến thời điểm nào? Đề nghị Ban soạn thảo quy định rõ vấn đề này.
- Thời hạn hoạt động của dự án đầu tư (Điều 24)
- Thời hạn gia hạn của dự án đầu tư
Khoản 4 Điều 44 Luật Đầu tư 2020 quy định “khi hết thời hạn hoạt động của dự án đầu tư mà nhà đầu tư có nhu cầu tiếp tục thực hiện dự án đầu tư và đáp ứng điều kiện theo quy định của pháp luật thì được xem xét gia hạn thời hạn hoạt động của dự án đầu tư nhưng không quá thời hạn tối đa quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều này”. Quy định tại Luật Đầu tư 2020 là chưa rõ về thời hạn gia hạn của dự án đầu tư là thêm một thời hạn là 50 hoặc 70 năm nữa hay chỉ được gia hạn một khoảng thời gian mà tổng thời gian hoạt động của dự án (bao gồm cả thời hạn ban đầu và thời hạn được gia hạn) không vượt quá 50 hoặc 70 năm.
Điều 24 Dự thảo không quy định chi tiết chi tiết hơn chỉ dẫn chiếu tới thời hạn hoạt động quy định tại Điều 44 Luật Đầu tư, trong khi bản thân quy định tại Luật Đầu tư lại chưa đủ rõ ràng. Để đảm bảo tính minh bạch, đề nghị Ban soạn thảo quy định chi tiết và làm rõ vấn đề được nêu ở trên.
- Khoản 3 Điều 24 Dự thảo quy định về các dự án đầu tư sử dụng công nghệ lạc hậu, tiềm ẩn nguy cơ gây ô nhiễm môi trường, thâm dụng tài nguyên không được gia hạn hoạt động. Hiện tại Quyết định 18/2019/QĐ-TTg quy định việc nhập khẩu máy móc, dây chuyền thiết bị đã qua sử dụng quy định về các điều kiện của máy móc, dây chuyền thiết bị đã qua sử dụng được phép nhập khẩu vào Việt Nam. Các tiêu chí tại khoản 3 Điều 24 Dự thảo tương tự như Quyết định 18/2019/QĐ-TTg, như vậy Dự thảo chỉ cần dẫn chiếu tới quy định tại Quyết định 18/2019/QĐ-TTg mà không cần quy định nhắc lại.
Hơn nữa, điểm b khoản 3 Điều 24 Dự thảo quy định về điều kiện của tuổi thiết bị, máy móc theo hướng “đối với máy móc, thiết bị thuộc một số lĩnh vực cụ thể, tuổi thiết bị được quy định chi tiết theo hướng dẫn của Bộ Khoa học và Công nghệ” là chưa phù hợp, vì Quyết định 18/2019/QĐ-TTg đã quy định chi tiết về vấn đề này.
Tóm lại, đề nghị Ban soạn thảo quy định tiêu chí xác định công nghệ lạc hậu, tiềm ẩn nguy cơ gây ô nhiễm môi trường, thâm dụng tài nguyên theo quy định tại Quyết định 18/2019/QĐ-TTg mà không cần quy định theo hướng nhắc lại các quy định tại Quyết định này.
- Xác định giá trị vốn đầu tư; giám định giá trị vốn đầu tư; giám định máy móc, thiết bị, dây chuyền công nghệ (Điều 25)
Theo quy định tại Điều 45 Luật Đầu tư 2020 thì nhà đầu tư tự xác định giá trị vốn đầu tư của dự án đầu tư sau khi dự án đầu tư đưa vào khai thác, vận hành. Cơ quan nhà nước có thẩm quyền sẽ yêu cầu thực hiện giám định độc lập giá trị vốn đầu tư, chất lượng và giá trị của máy móc, thiết bị, dây chuyền công nghệ sau khi dự án đầu tư đưa vào khai thác, vận hành.
Khoản 1 Điều 25 Dự thảo quy định việc giám định giá trị vốn đầu tư, máy móc, thiết bị, dây chuyền công nghệ sau khi dự án đầu tư được đưa vào khai thác, vận hành do cơ quan nhà nước yêu cầu thực hiện giám định trong các trường hợp “có căn cứ xác định nhà đầu tư kê khai thuế không trung thực, chính xác, đầy đủ về giá trị vốn đầu tư” hoặc “có dấu hiệu vi phạm về ứng dụng, chuyển giao công nghệ trong quá trị thực hiện dự án đầu tư hoặc thực hiện hoạt động chuyển giao công nghệ theo quy định của pháp luật về chuyển giao công nghệ”.
Luật Đầu tư 2020 và Dự thảo quy định về nghĩa vụ của nhà đầu tư trong việc xác định giá trị vốn đầu tư, tuy nhiên theo phản ánh của doanh nghiệp thì hiện nay chưa có văn bản pháp luật quy định về phương pháp xác định vốn đầu tư. Điều này khiến cho việc triển khai trên thực tế về quy định này gặp khó khăn và nhà đầu tư sẽ gặp rủi ro khi thực hiện xác định vốn đầu tư. Đề nghị Ban soạn thảo bổ sung quy định về phương pháp và căn cứ xác định giá trị vốn đầu tư (trao quyền cho cơ quan quản lý về tài chính quy định về vấn đề này).
- Nguyên tắc áp dụng thủ tục chấp thuận chủ trương đầu tư, lựa chọn nhà đầu tư và chấp thuận nhà đầu tư thực hiện dự án (Điều 26)
- Điểm b khoản 2 Điều 26 Dự thảo quy định, cơ quan được giao tổ chức đấu giá, đấu thầu quyết định phê duyệt kết quả trúng đấu giá, đấu thầu theo quy định của pháp luật về đất đai, đấu thầu trong trường hợp “đã tổ chức đấu giá quyền sử dụng đất mà chỉ có một người đăng ký tham gia hoặc tổ chức đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư mà chỉ có một nhà đầu tư đăng ký hoặc trường hợp đấu giá không thành theo hướng dẫn của Bộ Tài nguyên và Môi trường”.
Quy định trên được hiểu, ngay lần đấu giá đầu tiền mà chỉ có một người đăng ký tham gia hoặc tổ chức đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư mà chỉ có một nhà đầu tư đăng ký hoặc trường hợp đấu giá không thành thì cũng có thể xác định được nhà đầu tư để giao đất hoặc cho thuê đất.
Điều này là chưa thống nhất với quy định tại khoản 3 Điều 118 Luật Đất đai 2013 “trường hợp đất đưa ra đấu giá quyền sử dụng đất theo quy định tại khoản 1 Điều này mà không có người tham gia hoặc trường hợp chi có một người đăng ký tham gia đấu giá hoặc đấu giá ít nhất là 02 lần nhưng không thành thì Nhà nước thực hiện giao đất, cho thuê đất, cho thuê đất”.
Đề nghị Ban soạn thảo điều chỉnh lại quy định tại điểm b khoản 2 Điều 26 Dự thảo để đảm bảo tính thống nhất giữa các văn bản cùng quy định.
- Thẩm quyền chấp thuận chủ trương đầu tư đối với dự án sân golf trong dự án khu đô thị
Theo quy định tại điểm g khoản 1 Điều 31 Luật Đầu tư 2020 thì dự án khu đô thị trong một số các trường hợp thuộc thẩm quyền chấp thuận chủ trương đầu tư của Thủ tướng Chính phủ. Điểm c khoản 1 Điều 32 Luật Đầu tư 2020 quy định “dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh sân gôn (golf)” thuộc thẩm quyền chấp thuận chủ trương đầu tư của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh.
Như vậy trong trường hợp dự án khu đô thị thuộc thẩm quyền chấp thuận chủ trương đầu tư của Thủ tướng Chính phủ có dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh sân gôn thì Thủ tướng Chính phủ có phê duyệt chủ trương đầu tư xây dựng và kinh doanh sân gôn cùng với dự án khu đô thị không? Hay là dự án sân gôn phải tách ra để xin chấp thuận chủ trương đầu tư của Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh? Đề nghị Ban soạn thảo quy định nguyên tắc áp dụng thủ tục chấp thuận chủ trương đầu tư cho trường hợp nêu trên để đảm bảo thuận lợi khi thực hiện.
- Thẩm quyền, trình tự, thủ tục chấp thuận chủ trương đầu tư của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh (Điều 29)
Theo quy định tại điểm b khoản 2 Điều 29 Dự thảo thì dự án đầu tư “nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất; thuê quyền sử dụng đất; nhận góp vốn bằng quyền sử dụng đất theo quy định của pháp luật về đất đai” không thuộc trường hợp được chấp thuận chủ trương đầu tư của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh.
Tuy nhiên, điểm b khoản 4 Điều 29 Luật Đầu tư 2020 quy định “nhà đầu tư nhận chuyển nhượng, nhận góp vốn, thuê quyền sử dụng đất nông nghiệp để thực hiện dự án đầu tư sản xuất, kinh doanh phi nông nghiệp không thuộc trường hợp Nhà nước thu hồi đất theo quy định của pháp luật về đất đai” thuộc trường hợp chấp thuận chủ trương đầu tư đồng thời chấp thuận nhà đầu tư không thông qua đấu giá quyền sử dụng đất, đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư.
Như vậy, quy định tại Dự thảo và kết hợp với quy định tại khoản 4 Điều 29 Luật Đầu tư 2020 thì dự án nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất; thuê quyền sử dụng đất; nhận góp vốn bằng quyền sử dụng đất theo quy định của pháp luật về đất đai sẽ không xác định được cơ quan có thẩm quyền chấp thuận chủ trương đầu tư (Luật Đầu tư quy định đây là dự án phải chấp thuận chủ trương đầu tư, nhưng Dự thảo lại quy định Ủy ban nhân dân cấp tỉnh sẽ không chấp thuận chủ trương đầu tư cho dự án này).
Đề nghị Ban soạn thảo xem xét lại quy định tại điểm b khoản 2 Điều 29 Dự thảo để đảm bảo thuận lợi trong quá trình thực hiện.
- Thẩm quyền cấp, điều chỉnh, thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư và điều kiện cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư đối với dự án đầu tư thuộc diện chấp thuận chủ trương đầu tư (Điều 30)
Khoản 3 Điều 39 Luật Đầu tư 2020 quy định “cơ quan đăng ký đầu tư nơi nhà đầu tư thực hiện dự án đầu tư, đặt hoặc dự kiến đặt văn phòng điều hành để thực hiện dự án đầu tư cấp, điều chỉnh, thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư đối với dự án đầu tư”. Khái niệm “cơ quan đăng ký đầu tư” là chưa rõ cơ quan cụ thể có thẩm quyền trong trường hợp này là “Sở Kế hoạch và Đầu tư” hay “Ban Quản lý khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao, khu kinh tế”.
Để đảm bảo thuận lợi trong quá trình triển khai, đề nghị Ban soạn thảo quy định rõ tại Điều 30 Dự thảo cơ quan đăng ký đầu tư cụ thể nào sẽ có thẩm quyền cấp, điều chỉnh, thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư tại các trường hợp quy định tại khoản 3 Điều 39 Luật Đầu tư 2020.
- Thủ tục cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư đối với dự án không thuộc diện chấp thuận chủ trương đầu tư (Điều 32)
- Về hồ sơ: Theo quy định tại khoản 1 Điều 32 Dự thảo thì nhà đầu tư phải nộp 01 bộ hồ sơ đăng ký đầu tư gồm các tài liệu quy định tại khoản 1 Điều 33 Luật Đầu tư cho cơ quan đăng ký đầu tư. Quy định này là chưa hợp lý, vì khoản 1 Điều 33 Luật Đầu tư quy định về hồ sơ đề nghị chấp thuận chủ trương đầu tư đối với những dự án thuộc diện chấp thuận chủ trương đầu tư, trong khi đó Điều 32 Dự thảo quy định thủ tục cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư đối với dự án không thuộc diện chấp thuận chủ trương đầu tư. Dự án của hai trường hợp này có tính chất khác nhau, vì vậy hồ sơ thực hiện thủ tục phải khác nhau. Hơn nữa, trong hồ sơ quy định tại khoản 1 Điều 33 Luật Đầu tư có nhiều giấy tờ không phù hợp với điều kiện để được cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư quy định tại khoản 2 Điều 38 Luật Đầu tư 2020, khoản 2 Điều 30 Dự thảo. Đề nghị Ban soạn thảo điều chỉnh lại quy định này để đảm bảo tính thống nhất.
- Khoản 3 Điều 32 Dự thảo không quy định về thời gian xem xét tính hợp lệ của hồ sơ, điều này có thể khiến thủ tục hành chính bị kéo dài, gây khó khăn cho nhà đầu tư, đề nghị Ban soạn thảo quy định cụ thể về thời gian này.
- Trình tự, thủ tục cấp, điều chỉnh Giấy nhận đăng ký đầu tư trực tuyến trên Hệ thống thông tin quốc gia về đầu tư (Điều 34)
Điều 34 Dự thảo quy định về trình tự, thủ tục cấp, điều chỉnh Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư trực tuyến trên Hệ thống thông tin quốc gia về đầu tư nhưng lại không quy định về các khoảng thời gian xử lý hồ sơ, trả kết quả. Điều này khiến cho quy trình, thủ tục trở nên thiếu minh bạch, đề nghị Ban soạn thảo bổ sung quy định về thời gian xử lý và giải quyết thủ tục trên Hệ thống thông tin quốc gia về đầu tư.
Mặt khác, hiện nay mỗi doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đã có một tài khoản riêng nhằm theo dõi tình hình nộp hồ sơ đầu tư và nộp báo cáo đầu tư theo quy định tại Nghị định 118/2015/NĐ-CP, do đó đề nghị Ban soạn thảo bổ sung quy định hướng dẫn về việc thiết lập và sử dụng các tài khoản đầu tư trên.
- Đăng ký nộp lại Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư (Điều 36)
Khoản 1 Điều 36 Dự thảo quy định nhà đầu tư được cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư nhưng không thuộc trường hợp phải thực hiện thủ tục cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, nhà đầu tư được tiếp tục thực hiện dự án đầu tư và đăng ký nộp lại Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư.
Việc yêu cầu nhà đầu tư nộp lại Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư là không cần thiết vì việc tồn tại của Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư trong trường hợp không phải thực hiện thủ tục cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cũng không ảnh hưởng đến các yếu tố quản lý nhà nước trong lĩnh vực này. Do đó, đề nghị Ban soạn thảo bỏ quy định nhà đầu tư phải đăng ký nộp lại Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư để giảm thủ tục hành chính.
- Thủ tục điều chỉnh dự án đầu tư đối với dự án được cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư và không thuộc diện chấp thuận chủ trương đầu tư (Điều 38)
Theo quy định tại Điều 38 Dự thảo thì tất cả các trường hợp điều chỉnh dự án đầu tư làm thay đổi nội dung Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư đều thực hiện chung một thủ tục. Điều này chưa hợp lý, bởi vì có những trường hợp thay đổi nội dung Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư do thay đổi tên dự án đầu tư, địa chỉ của nhà đầu tư hoặc thay đổi tên nhà đầu tư – đây là những thay đổi đơn giản không phức tạp như điều chỉnh mục tiêu, quy mô dự án, do đó việc gộp chung vào thành một trình tự thủ tục chung là gia tăng thủ tục hành chính.
Đề nghị Ban soạn thảo phân tách thành các trường hợp thực hiện thủ tục thay đổi nội dung Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư theo đó trường hợp thay đổi tên dự án đầu tư, địa chỉ của nhà đầu tư hoặc thay đổi tên của nhà đầu tư được thiết kế đơn giản như quy định tại khoản 1 Điều 33 Nghị định 118/2015/NĐ-CP.
- Điều chỉnh dự án đầu tư trong trường hợp chuyển mục đích sử dụng đất của cả dự án hoặc chuyển mục đích sử dụng một phần đất thuộc dự án (Điều 51)
Theo quy định tại khoản 1 Điều 51 Dự thảo thì trong trường hợp điều chỉnh dự án đầu tư có đề nghị Nhà nước chuyển mục đích sử dụng đất của cả dự án hoặc một phần dự án đầu tư, nhà đầu tư thực hiện thủ tục chấm dứt hoạt động của dự án đầu tư hoặc phần dự án đầu tư có đề nghị chuyển mục đích sử dụng đất và thực hiện thủ tục chấp thuận nhà đầu tư theo quy định tại Luật Đầu tư và Nghị định này.
Quy định yêu cầu nhà đầu tư phải chấm dứt hoạt động của dự án đầu tư và thực hiện thủ tục chấp thuận nhà đầu tư cần được xem xét ở một số vấn đề sau:
- Trường hợp nhà đầu tư xin điều chỉnh dự án đầu tư có đề nghị Nhà nước chuyển mục đích sử dụng đất không thuộc trường hợp nhà đầu tư phải chấm dứt hoạt động đầu tư, dự án đầu tư. Vì vậy, yêu cầu nhà đầu tư phải thực hiện chấm dứt hoạt động của dự án đầu tư trong trường hợp trên dường như chưa phù hợp với quy định tại Luật Đầu tư 2020;
- Việc yêu cầu nhà đầu tư phải chấm dứt dự án đầu tư/một phần dự án đầu tư và thực hiện thủ tục chấp thuận nhà đầu tư đưa đến rủi ro cho nhà đầu tư khi có khả năng không được thực hiện dự án đầu tư xin điều chỉnh và có thể tạo ra gánh nặng về thủ tục hành chính cho nhà đầu tư.
Theo ý kiến của doanh nghiệp, đề nghị Ban soạn thảo xem xét lại cơ chế điều chỉnh dự án đầu tư trong trường hợp chuyển mục đích sử dụng đất cho cả dự án hoặc chuyển mục đích sử dụng một phần đất thuộc dự án để đảm bảo tính thống nhất và bảo đảm quyền lợi hợp pháp của nhà đầu tư.
- Điều kiện, thủ tục ngừng hoạt động của dự án đầu tư (Điều 52)
- Điểm a khoản 2 Điều 52 Dự thảo quy định trường hợp tự quyết định ngừng hoạt động của dự án đầu tư, nhà đầu tư gửi thông báo cho Cơ quan đăng ký đầu tư và cơ quan này sẽ tiếp nhận và thông báo ngừng hoạt động của dự án đầu tư cho các cơ quan liên quan.
Quy định tại Dự thảo là chưa rõ ở điểm, việc ngừng hoạt động của dự án đầu tư thì dự án này có phải đáp ứng/hoàn thành các điều kiện trước khi nhà đầu tư gửi thông báo không? Hay là nhà đầu tư có thể gửi thông báo ngừng bất kì lúc nào nếu muốn mà không phải đáp ứng điều kiện/yêu cầu gì? Đề nghị Ban soạn thảo giải trình rõ về vấn đề này.
- Điểm b khoản 2 Điều 52 Dự thảo quy định về thủ tục ngừng hoạt động của dự án đầu tư theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Tuy nhiên, quy định này lại chưa quy định rõ ở các điểm: thời hạn ngừng dự án là bao lâu? Các mốc thời gian về trình tự thủ tục ban hành quyết định ngừng dự án hoạt động của cơ quan nhà nước như thế nào? Đề nghị Ban soạn thảo quy định rõ về vấn đề này.
- Quy định chuyển tiếp
Dự thảo chưa có quy định chuyển tiếp cho các trường hợp sau:
- Đối với những dự án đang được thực hiện đấu thầu, đấu giá, chưa hoàn thành, cơ quan nhà nước đã thực hiện công bố công khai dự án, công bố hồ sơ rồi, theo quy định tại Luật Đầu tư 2020 thì những dự án này phải chấp thuận chủ trương đầu tư thì những dự án đầu tư này sẽ được đối xử như thế nào?
- Những dự án đầu tư thuộc thẩm quyền chấp thuận đầu tư của Thủ tướng Chính phủ, nhưng trong cấu phần của dự án có dự án sân gôn (gofl), dự án này đã nộp hồ sơ trước thời điểm 01/01/2021 nhưng cơ quan nhà nước có thẩm quyền chưa trả kết quả: đối với những dự án này thì có phải tách cấu phần sân gôn ra khỏi dự án để xin chấp thuận chủ trương đầu tư của Ủy ban nhân dân tỉnh không hay là Thủ tướng Chính phủ sẽ chấp thuận chủ trương cho toàn bộ dự án trong đó có cấu phần sân gôn?
- Hồ sơ chuyển nhượng dự án bất động sản đã nộp hồ sơ trước ngày 01/01/2021 và đã thực hiện thủ tục theo Luật Kinh doanh bất động sản, nhưng chưa có kết quả xử lý thủ tục. Theo quy định tại Luật Đầu tư 2020 thì trường hợp này sẽ phải áp dụng theo quy định của Luật Đầu tư. Như vậy, trường hợp này sẽ được xử lý như thế nào? Tiếp tục thực hiện theo Luật Kinh doanh bất động sản hay là phải thực hiện theo Luật Đầu tư 2020?
- Quy định đối với hồ sơ hợp lệ đã nộp trước ngày Luật Đầu tư có hiệu lực thi hành (Điều 84)
Theo quy định tại khoản 3 Điều 84 Dự thảo thì đối với những dự án đầu tư thuộc diện quyết định chủ trương đầu tư của Thủ tướng Chính phủ theo quy định tại Luật Đầu tư 2014, Luật 90/2015/QH13, Luật 03/2016/QH14, Luật 04/2017/QH14, Luật 28/2018/QH14, Luật 42/2019/QH14 nay thuộc diện chấp thuận chủ trương đầu tư của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh theo quy định tại Luật Đầu tư 2020 mà đang được Bộ Kế hoạch và Đầu tư thẩm định theo quy định của các văn bản trên thì tại văn bản thẩm định quyết định chủ trương đầu tư “Bộ Kế hoạch và Đầu tư báo cáo Thủ tướng Chính phủ giao Ủy ban nhân dân cấp tỉnh chấp thuận chủ trương đầu tư”.
Quy định trên đưa đến cách hiểu, dự án sẽ phải thực hiện lại thủ tục chấp thuận chủ trương đầu tư của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh theo quy định tại Luật Đầu tư 2020. Nếu hiểu theo cách này thì sẽ tạo gánh nặng thủ tục hành chính cho nhà đầu tư vì phải thực hiện lại thủ tục từ đầu, trong khi đó thủ tục này đã gần hoàn thành rồi.
Theo ý kiến của doanh nghiệp, đối với trường hợp này thì Thủ tướng Chính phủ sẽ xem xét chấp thuận chủ trương đầu tư mà không phải quay trở lại Ủy ban nhân dân cấp tỉnh chấp thuận chủ trương đầu tư. Đề nghị Ban soạn thảo cân nhắc xem xét đề xuất này.
- Một số góp ý khác
- Chấm dứt hoạt động của dự án đầu tư trong trường hợp nhà đầu tư thực hiện hoạt động đầu tư trên cơ sở giao dịch dân sự giả tạo theo quy định của pháp luật về dân sự (Điều 55)
Điều 55 Dự thảo quy định cơ quan đăng ký đầu tư sẽ quyết định chấm dứt hoạt động của dự án đầu tư trên cơ sở văn bản xác nhận của cơ quan nhà nước có thẩm quyền đối với giao dịch dân sự giả tạo. Để đảm bảo tính minh bạch, đề nghị Ban soạn thảo quy định rõ cơ quan có thẩm quyền trong trường hợp này là cơ quan nào.
- Thực hiện dự án đầu tư và hoạt động đầu tư kinh doanh của tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài (Điều 61)
Khoản 3 Điều 61 Dự thảo quy định “tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài được quyền điều chỉnh nội dung đăng ký kinh doanh tại Cơ quan đăng ký kinh doanh mà không nhất thiết phải có dự án đầu tư”. Quy định này được hiểu, tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài có thể xin bổ sung ngành, nghề kinh doanh mà không cần phải có dự án mới cho ngành, nghề kinh doanh mới bổ sung.
Tuy nhiên, Dự thảo không quy định rõ doanh nghiệp có phải đăng ký sửa Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư hay không. Trên thực tế, theo doanh nghiệp phản ánh, một số Sở Kế hoạch và Đầu tư đã yêu cầu các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài điều chỉnh Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư do thay đổi mục tiêu đầu tư.
Vì vậy, để tạo cách hiểu thống nhất, đề nghị Ban soạn thảo quy định rõ vấn đề trên ngay trong Dự thảo.
- Thủ tục đầu tư theo hình thức góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp của nhà đầu tư nước ngoài (Điều 62)
Khoản 4 Điều 26 Luật Đầu tư 2020 trao quyền cho Chính phủ quy định chi tiết hồ sơ, trình tự, thủ tục góp vốn, mua cổ phần, mua phần vốn góp của tổ chức kinh tế.
Điều 62 Dự thảo vẫn chưa quy định chi tiết về các nội dung mà Luật Đầu tư yêu cầu, vì vậy đề nghị Ban soạn thảo bổ sung quy định chi tiết theo quy định tại khoản 4 Điều 26 Luật Đầu tư 2020.
Trên đây là một số ý kiến ban đầu của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam đối với Dự thảo Nghị định quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Đầu tư. Rất mong quý Cơ quan soạn thảo cân nhắc để chỉnh sửa, hoàn thiện.
Ngoài ra, VCCI gửi kèm theo đây các ý kiến của doanh nghiệp, đề nghị Ban soạn thảo cân nhắc, xem xét để hoàn thiện Dự thảo.
Trân trọng cảm ơn sự hợp tác của quý Cơ quan.