Kết quả tích cực
Theo số liệu từ nguồn www.worldbank.org và một số thông tin từ Ngân hàng Thế giới (WB), Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), dự trữ ngoại hối của Việt Nam đã tăng mạnh trong những năm gần đây. Cụ thể, nguồn dự trữ này của Việt Nam tăng từ mức 12,5 tỷ USD năm 2010 lên 25,3 tỷ USD năm 2015, lên 55,5 tỷ USD năm 2018 và 105 tỷ USD năm 2021.
Kết quả tích cực được nhận diện ở 4 điểm chủ yếu.
Một là, sau khi giảm (từ 16,5 tỷ USD năm 2009 xuống còn 12,5 tỷ USD năm 2010) do tác động của cuộc khủng hoảng tài chính và suy thoái toàn cầu, dự trữ ngoại hối từ năm 2011 đến nay đã tăng liên tục. Quy mô hiện nay đã cao gấp gần 8,8 lần năm 2010, gấp gần 3,9 lần năm 2015.
Hai là, mặc dù bị ảnh hưởng nặng nề bởi Covid-19 từ năm 2020, nhưng dự trữ ngoại hối vẫn liên tục tăng lên với mức tăng khá lớn.
Ba là, quy mô dự trữ ngoại hối của Việt Nam hiện đứng thứ hạng khá (thứ 5 Đông Nam Á, thứ 14 châu Á và thứ 24 thế giới), cao hơn thứ bậc về tổng GDP và cao hơn nhiều so với thứ hạng về GDP bình quân đầu người.
Bốn là, nếu từ năm 2018 trở về trước, dự trữ ngoại hối so với số tháng nhập khẩu còn ở mức thấp (2010 là 1,8 tháng, 2015 là 2,1 tháng, 2018 là 2,8 tháng), thì từ năm 2019 đã vượt qua mốc 3 tháng (2019 là 3,7 tháng, 2020 là 4,3 tháng, 2021 là 3,8 tháng), tức là Việt Nam đã vượt qua ranh giới an toàn về thanh toán trong quan hệ buôn bán với nước ngoài.
Tác động và nguyên nhân
Dự trữ ngoại hối đã tác động đến nhiều mặt.
Trước hết, dự trữ ngoại hối đã bảo đảm an toàn tài chính theo thông lệ quốc tế, bao gồm vượt 3 tháng nhập khẩu (như nói trên) và đạt hệ số cao so với nợ quốc gia ngắn hạn.
Dự trữ ngoại hối tăng lên và ở mức cao là nguồn để can thiệp vào thị trường ngoại hối, để tỷ giá ổn định trong nhiều năm qua. Tỷ giá ổn định góp phần làm cho các khoản vay bằng ngoại tệ tính bằng USD không bị tăng sốc. Tỷ giá ổn định góp phần ổn định tâm lý, đặc biệt trong điều kiện giá nhập khẩu tăng cao và còn giảm áp lực đối với “nhập khẩu lạm phát”.
Tác động quan trọng là nâng cao lòng tin vào đồng tiền quốc gia, khắc phục tình trạng găm giữ ngoại tệ, tạo tiền đề để có gói hỗ trợ phục hồi và phát triển kinh tế – xã hội trong 2 năm 2022-2023 và sự phối hợp chặt chẽ hơn trong việc hỗ trợ, sử dụng dự trữ ngoại hối…
Nguyên nhân có nhiều, tập trung vào 4 yếu tố.
Thứ nhất, lượng ngoại tệ vào Việt Nam đạt quy mô lớn, gồm vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) thực hiện, kiều hối, chi tiêu của khách quốc tế…
Thứ hai, cán cân thương mại thặng dư liên tục trong 6 năm.
Thứ ba, tỷ giá VND/USD ổn định trong nhiều năm, hơn 2 năm nay qua còn giảm.
Thứ tư, Ngân hàng Nhà nước thực hiện nhiều biện pháp tích cực, có hiệu quả (như tỷ giá trung tâm, lãi suất huy động ngoại tệ 0%, mua ngoại tệ kết hợp với thu hút VND về để trung hòa)…
Kỳ vọng và một số vấn đề cần quan tâm
Kỳ vọng dự trữ ngoại hối sẽ tiếp tục tăng trong thời gian tới, nhờ tiếp tục khai thác các yếu tố làm gia tăng dự trữ ngoại hối. Mục tiêu cán cân thương mại sẽ tiếp tục thặng dư năm thứ 7 liên tiếp, đạt 4 – 8 tỷ USD theo Bộ Công thương hoặc 5,2 – 6,9 tỷ USD, cao hơn mức 4,1 tỷ USD trong năm 2021. Kiều hối trong 3 năm qua đã tăng 4,4%/năm, kỳ vọng đạt 18,9 tỷ USD trong năm 2022.
Tuy nhiên, có một số vấn đề cần quan tâm.
Trước hết, không chủ quan với lạm phát, bởi có nhiều yếu tố làm cho lạm phát năm nay cao hơn năm trước và có thể lớn hơn mục tiêu (khoảng 4%). Bên cạnh đó, phải thận trọng trong việc điều hành tỷ giá trước sức ép USD trên thế giới lên giá (USD-Index đã tiến sát 100 điểm), đồng tiền của nhiều nước hạ giá. Đồng thời, cần khuyến khích xuất khẩu, kiểm soát nhập khẩu để thực hiện mục tiêu xuất siêu hàng hóa… Kiểm soát chặt chẽ hơn việc chuyển ngoại tệ ra nước ngoài, thận trọng ngay cả với việc đầu tư ra nước ngoài núp bóng hoặc không hiệu quả. Tăng cường các biện pháp nâng cao lòng tin vào đồng tiền quốc gia…
Nguồn: baodautu.vn