Contents
Giá trị sử dụng của hàng hóa
Khái niệm
Giá trị sử dụng của hàng hóa trong tiếng Anh được gọi là Use value hay value in use.
Giá trị sử dụng của hàng hóa là một trong hai thuộc tính của hàng hoá.
Giá trị sử dụng của hàng hóa là công dụng của hàng hóa thoả mãn nhu cầu nào đó của con người.
Bất cứ hàng hóa nào cũng có một hay một số công dụng nhất định. Chính công dụng đó (tính có ích đó) làm cho hàng hóa có giá trị sử dụng. Ví dụ, công dụng của gạo là để ăn, vậy giá trị sử dụng của gạo là để ăn…
Cơ sở của giá trị sử dụng của hàng hóa là do những thuộc tính tự nhiên (lí, hoá học) của thực thể hàng hóa đó quyết định nên giá trị sử dụng là phạm trù vĩnh viễn vì nó tồn tại trong mọi phương thức hay kiểu tổ chức sản xuất.
Giá trị sử dụng của hàng hóa được phát hiện dần dần trong quá trình phát triển của khoa học – kĩ thuật và của lực lượng sản xuất nói chung.
Chẳng hạn, than đá ngày xưa chỉ được dùng làm chất đốt (đun, sưởi ấm), khi khoa học – kĩ thuật phát triển hơn nó còn được dùng làm nguyên liệu cho một số ngành công nghệ hoá chất.
Xã hội càng tiến bộ, lực lượng sản xuất càng phát triển thì số lượng giá trị sử dụng ngày càng nhiều, chủng loại giá trị sử dụng càng phong phú, chất lượng giá trị sử dụng ngày càng cao.
Giá trị sử dụng của hàng hóa là giá trị sử dụng xã hội vì giá trị sử dụng của hàng hóa không phải là giá trị sử dụng cho người sản xuất trực tiếp mà là cho người khác, cho xã hội, thông qua trao đổi, mua bán.
Điều đó đòi hỏi người sản xuất hàng hóa phải luôn luôn quan tâm đến nhu cầu của xã hội, làm cho sản phẩm của mình đáp ứng được nhu cầu của xã hội.
Giá trị sử dụng của hàng hóa là vật mang giá trị trao đổi.
Mối quan hệ với giá trị của hàng hoá
Giá trị sử dụng của hàng hóa và giá trị hàng hoá có quan hệ chặt chẽ với nhau, vừa thống nhất, vừa mâu thuẫn với nhau.
Mặt thống nhất thể hiện ở chỗ: hai thuộc tính này cùng đồng thời tồn tại trong một hàng hóa, một vật phải có đầy đủ hai thuộc tính này mới là hàng hóa.
Nếu thiếu một trong hai thuộc tính đó vật phẩm sẽ không phải là hàng hóa. Chẳng hạn, một vật có ích (tức có giá trị sử dụng), nhưng không do lao động tạo ra (tức không có kết tinh lao động) như không khí tự nhiên thì sẽ không phải là hàng hóa.
Mâu thuẫn giữa hai thuộc tính của hàng hóa thể hiện ở chỗ:
– Thứ nhất, với tư cách là giá trị sử dụng thì các hàng hóa không đồng nhất về chất. Nhưng ngược lại, với tư cách là giá trị thì các hàng hóa lại đồng nhất về chất, đều là “những cục kết tinh đồng nhất của lao động mà thôi”, tức đều là sự kết tinh của lao động, hay là lao động đã được vật hoá.
– Thứ hai, tuy giá trị sử dụng và giá trị cùng tồn tại trong một hàng hóa, nhưng quá trình thực hiện chúng lại tách rời nhau về cả mặt không gian và thời gian: giá trị được thực hiện trước trong lĩnh vực lưu thông, còn giá trị sử dụng được thực hiện sau, trong lĩnh vực tiêu dùng.
Do đó nếu giá trị của hàng hoá không được thực hiện thì sẽ dẫn đến khủng hoảng sản xuất.
(Tài liệu tham khảo: Giáo trình Kinh tế chính trị Mác – Lênin, PGS. TS. Nguyễn Văn Hảo, Bộ Giáo dục và đào tạo)