Sáng nay vợ lão lên sân thượng phơi quần áo, lúc xuống nhà vẻ rất ngạc nhiên “Này ông! Mấy quả mướp trên giàn, hôm qua tôi nhìn thấy mới to bằng ngón chân cái. Thế mà hôm nay đã to bằng cái chày hành rồi ông ạ!”.
Lão Dần cười trả lời “Gớm! Bà dạo này cũng quan tâm đến chuyện trên giàn mướp nữa cơ đấy. Tôi cứ tưởng bà chỉ quan tâm đến chuyện dưới giàn mướp thôi”.
Vợ lão Dần như bị đốt lửa ”Ông đừng có mà coi thường tôi! Nếu không có chuyện tôi bị ông bắt mất hồn vía ở cầu ao, dưới giàn mướp nhà ông năm xưa. Thì bây giờ có lẽ tôi đã là phu nhân của ông nọ, ông kia…chứ không phải là vợ của cái ông trồng mướp sai quả đâu nhé!”.
Chuyện là ngày xưa, lão Dần tuổi mới đôi nhăm, ngồi đọc sách hóng mát cạnh cầu ao, dưới giàn mướp nhà lão. Cô Nụ xóm trong, tuổi mới đôi mươi đi làm đồng về xuống cầu ao rửa chân tay.
Trước vẻ đẹp của những quả mướp non tơ trên giàn và vẻ đẹp của đôi tay trắng trần dưới làn nước mát…lão Dần ứng khẩu câu thơ, vừa đủ để cô Nụ nghe:
“Dưới ao tay trắng ngọc ngà.
Trên giàn quả mướp nuột nà lắm thay!”.
Cô Nụ nghe câu thơ, chả biết cô hiểu theo nghĩa nào…nhưng mặt cô thì cứ đỏ rựng lên, nhìn càng thấy xinh! Chính vì mê cái cầu ao có giàn mướp và mê gã trai cùng xóm tập toẹ mấy câu thơ tình…mà cô Nụ đồng ý góp gạo, nấu cơm chung với gã trai ấy gần bốn mươi năm nay. Ngày ấy cũng có mấy đám con nhà khá giả ở nơi khác đến dạm hỏi, nhưng cô Nụ từ chối hết. Cô bảo với Thầy U cô rằng “Con chỉ tắm ao nhà thôi”.
…..
Chuyện trên giàn mướp rất bình thường, nhưng không phải ai cũng biết! Lão Dần có cơ duyên với cỏ, cây, hoa, trái…lão là người trồng mướp, theo dõi quan sát suốt quá trình sinh trưởng, thấy chuyện trên giàn mướp cũng thú vị lắm!
Trồng mướp vào đầu mùa Xuân. Cây mướp từ lúc gieo hạt, nẩy mầm ra lá non yếu ớt lắm! Người trồng chăm sóc phải nhẹ tay, tránh cây non bị dập nát. Nếu thời tiết thuận lợi, khoảng một tháng sau gieo hạt, mướp leo giàn.
Mướp lên giàn là ra nụ, mới đầu là nụ quả (hoa cái) quả non chỉ to bằng đầu đũa dài khoảng 5-7 cm, đầu quả có nụ hoa. Khi hoa nở, vì chưa có hoa đực nên quả không đậu. Thế mới có câu:
“Hỡi hoa mướp đực đi đâu?
Để hoa mướp cái ngẩn ngơ đứng chờ”.
Phải đến khi cây mướp có đủ hoa đực, hoa cái, khi ấy cây mướp mới chính thức đậu quả.
Cây mướp có tay nhỏ bằng cái tăm, như những sợi xúc tua bám vào bất cứ thứ gì mà nó có thể bám được, để giữ cho cây leo lên giàn một cách chắc chắn.
Thế mới biết cây mướp chỉ là cây dây leo, nhưng sức sống tự lực của nó mạnh mẽ đến mức nào.
Tiết trời cuối Xuân, đầu Hạ là lúc hoa mướp nở rộ. Mầu vàng của hoa thu hút lũ ong, bướm…đến hút mật, lấy phấn. Ong bướm đã vô tình thụ phấn cho hoa đậu quả.
Quả mướp non tơ sau khi được thụ phấn thì nở nang, lớn nhanh trông thấy. Hôm nay to bằng ngón tay, mai đã to bằng ngón chân cái, ngày kia to bằng chuôi dao (hoặc chày hành, như kiểu nói của vợ lão Dần). Quả mướp từ lúc nở hoa, đến lúc thu hoạch chỉ khoảng 5-6 ngày.
Giàn mướp nở hoa ngoài thu hút ong, bướm thì còn thu hút nhiều sinh vật, côn trùng…đến viếng thăm. Đủ loại lợi cũng có, hại cũng có.
Loại gây hại điển hình là lũ ruồi vàng, đến châm quả đẻ trứng…trứng nở thành ròi, đục khoét ăn ruột quả, quả mướp bị ròi đục sẽ bị thối ruỗng hoặc bị thui, quăn queo. Ngoài ra thì còn có sâu ăn lá, rệp muội, bọ xít…phá hoại làm cho cây không phát triển được.
Nhưng cây mướp cũng biết tự bảo vệ mình, bằng cách tiết ra một loại dịch ở thân, lá và đầu quả. Chất dịch này được tiết ra qua các nốt sần nhỏ li ti, có vị ngọt thơm là món ăn yêu thích của lũ kiến đen. Giàn mướp càng to, càng nhiều kiến đen. Họ hàng nhà kiến đen đến giàn mướp sinh con, đẻ cái nhiều vô kể. Chúng được giàn mướp nuôi dưỡng, đổi lại đàn kiến sẽ chén sạch lũ rệp muội, ròi bọ…
Hoa mướp là món ăn khoái khẩu của nhái bén. Nhái bén tìm đến giàn mướp để chén hoa mướp, gặp sâu bọ thì nhái bén cũng xơi luôn.
Một sinh vật máu lạnh thích phơi mình, tắm nắng nạp năng lượng trên giàn mướp, đó là thằn lằn. Thằn lằn thường có một đôi sống trên giàn mướp, thức ăn của nó là sâu bọ trên giàn mướp, nếu sâu bọ không đủ thì những cánh hoa mướp cũng đủ chất dinh dưỡng cho thằn lằn.
Trên giàn mướp là không gian sinh sống của nhiều sinh vật, côn trùng…nhưng tất cả những sinh vật, côn trùng ấy đều có mối quan hệ qua lại, chế ước lẫn nhau. Đặc biệt là các mối quan hệ ấy đều do cây mướp chủ động tạo ra…mục đích có lợi cho cây mướp nhiều hơn.
Người trồng mướp cũng có thể dùng thuốc bảo vệ thực vật để phun trừ côn trùng, sâu bệnh hại cây. Nhưng cũng vô tình tiêu diệt luôn cả côn trùng có lợi cho cây.
Vậy hãy để cây mướp tự nó điều tiết theo quy luật tự nhiên…mặc dù năng xuất không cao, nhưng ta có những quả mướp sạch dùng trong bữa ăn hằng ngày. Tốt lắm đấy!
Cây mướp sinh trưởng, ra hoa đậu quả trong vòng 5-7 tháng thì tàn lụi. Khi giàn mướp tàn lụi rồi, thì sinh vật, côn trùng, sâu hại…cũng tự giải tán.
Chuyện trên giàn mướp tưởng đơn giản mà không đơn giản, có ý nghĩa sâu sắc lắm! Là hình ảnh của thế giới cỏ cây, hoa lá…là môi trường sống cho nhiều loài. Nếu một khu rừng không còn cây xanh nữa, khu rừng ấy sẽ trở thành sa mạc. Động vật, chim muông…không còn môi trường sống, sẽ tự giải tán hết.
Tháng bẩy âm lịch! Mùa Vu Lan, nhà nhà, người người chuẩn bị lễ vật thành kính dâng lên tổ tiên, ông bà để báo hiếu! Một việc làm truyền thống, mang ý nghĩa giáo dục nhân văn sâu sắc!
Sẽ có ý nghĩa nhân văn sâu sắc hơn, nếu mỗi người trong cộng đồng tích cực trồng, bảo vệ rừng, chăm sóc cây xanh, cây ăn trái, cây hoa, cây cảnh…tạo môi trường sống trong lành cho con người và muôn loài.
Hành động ấy, chính là trả ơn trời đất. Báo hiếu Mẹ thiên nhiên mỗi dịp Vu Lan, tháng bẩy âm lịch.
HD-30/7/22-NH
Chuyện làng quê