Khi đã có những quy định của pháp luật ban hành ra để điều chỉnh các hành vi trong các mối quan hệ xã hội thì đồng thời sẽ có cơ sở để đánh giá xem thế nào là một hành vi hợp pháp và ngược lại.
Luật sư tư vấn pháp luật qua tổng đài trực tuyến 24/7: 1900.6568
1. Hành vi hợp pháp là gì?
Trước khi xác định được hành vi hợp pháp là gì thì trước hết chúng ta cần hiểu thế nào là hợp pháp. Hợp pháp là sự phù hợp của hành vi cá nhân, tổ chức thực hiện đối với quy định của pháp luật, hành vi hợp pháp là những hành vi được tiến hành thực hiện không trái với quy phạm đạo đức, xã hội, phù hợp với quy định của pháp luật.
Theo từ điển Hán Việt, Hợp Pháp là tính từ thể hiện sự phù hợp, đúng đắn với quy định của pháp luật.
Cá nhân, tổ chức trong xã hội thực hiện hành vi sau đây được coi là “Hợp pháp”:
– Thực hiện hành vi theo đúng trình tự, thủ tục theo quy định của pháp luật. Ví dụ, khi mới sinh ra, bố mẹ thực hiện thủ tục làm giấy khai sinh cho con theo đúng quy định của Luật Hộ tịch và các văn bản pháp luật liên quan thì được coi là Hợp pháp.
– Thực hiện hành vi pháp luật không cấm. Ví dụ, Luật Cạnh tranh quy định những hành vi cạnh tranh không lành mạnh bị cấm, trường hợp chủ thể kinh doanh thực hiện hành vi cạnh tranh không thuộc quy định trên thì được coi là Hợp pháp.
Như vậy, hành vi hợp pháp là những hành vi có chủ định của các chủ thể được tiến hành phù hợp với quy định của pháp luật, không trái đạo đức xã hội. Tùy thuộc vào quy định của pháp luật, cá nhân, tổ chức phải có những hành vi, xử sự hợp lý, phù hợp. Ví dụ một người ký hợp đồng mua bán vật liệu xây dựng theo đúng quy định của pháp luật thương mại làm phát sinh quyền và nghĩa vụ của người đó với bên kia trong hợp đồng.
Tính hợp pháp của hành vi được thể hiện qua 04 hình thức thực hiện pháp luật:
– Tuân thủ pháp luật: là việc thực hiện pháp luật thể hiện dưới dạng “hành vi không hành động”, mang tính chất thụ động. Ví dụ: không điều khiển phương tiện giao thông khi trong người có nồng độ cồn vượt quá mức cho phép; không sử dụng ma túy,…
Xem thêm: Mua xe bị tịch thu sung công quỹ nhà nước có hợp pháp được không?
– Thi hành pháp luật: là việc thực hiện pháp luật thể hiện dưới dạng “hành vi hành động”, mang tính chất chủ động. Ví dụ: thực hiện nghĩa vụ khai báo y tế khi trở về từ vùng dịch, thực hiện nghĩa vụ quân sự,…
– Sử dụng pháp luật: là việc thực hiện pháp luật của cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Ví dụ: Sở Lao động – thương binh xã hội xem xét cấp Giấy phép lao động cho người lao động nước ngoài,….
– Áp dụng pháp luật: là việc lựa chọn xử sự những điều pháp luật cho phép.
2. Hành vi bất hợp pháp là gì?
Hành vi bất hợp pháp là những hành vi được thực hiện trái với quy định của pháp luật và đạo đức xã hội.
Ví dụ về hành vi bất hợp pháp: A và B là hai người bạn cùng lớp, do xảy ra mâu thuẫn trong giờ học mà khi về A đã dùng chiếo kéo đâm vào cổ B khiến B tử vong tại chỗ. Hành vi của A được xem là hành vi bất hợp pháp.
Hành vi vi phạm các quy định của pháp luật, tức là bất hợp pháp, tùy thuộc vào mức độ, tính chất của hành vi vi phạm, có thể bị xử phạt vi phạm hành chính, truy cứu trách nhiệm hình sự,….
Để tránh những rắc rối pháp lý có thể gặp phải, tổ chức, cá nhân cần thực hiện pháp luật một cách hợp pháp. Cá nhân, tổ chức thực hiện hành vi hợp pháp hạn chế tối đa những bất ổn trong các mối quan hệ pháp luật, giảm tình trạng tội phạm, đảm bảo an ninh, trật tự xã hội. Do đó, đảm bảo thực hiện hành vi hợp pháp, thượng tôn pháp luật là quyền và nghĩa vụ của mỗi công dân.
3. Hành vi pháp lý là gì?
3.1. Khái niệm và phân loại hành vi pháp lý
Hành vi pháp lý là hành vi thực hiện một sự kiện thực tế, cụ thể theo ý chí của con người làm xuất hiện, thay đổi hoặc chấm dứt quan hệ pháp luật.
Xem thêm: Yêu cầu về tính hợp pháp, hợp lý của quyết định hành chính
Hành vi pháp lý được chia làm hai loại:
– Hành vi hợp pháp: là những hành vi có chủ định của các chủ thể được tiến hành phù hợp với quy định của pháp luật, không trái đạo đức xã hội.
– Hành vi bất hợp pháp: là những hành vi được thực hiện trái với quyết định của pháp luật và đạo đức xã hội.
3.2. Những khái niệm liên quan đến hành vi pháp lý:
Hành vi pháp lý đơn phương
Một trong những thuật ngữ liên quan đến hành vi pháp lý thì có khái niệm về “hành vi pháp lý đơn phương” được coi là căn cứ xác lập quyền dân sự. Căn cứ vào Điều 684, Bộ luật dân sự năm 2015 quy định: Pháp luật áp dụng đối với hành vi pháp lý đơn phương là pháp luật của nước nơi cá nhân xác lập hành vi đó cư trú hoặc nơi pháp nhân xác lập hành vi đó được thành lập. Ngoài ra, giao dịch dân sự ngoài căn cứ dựa trên hợp đồng còn có hành vi pháp lý đơn phương, cũng sẽ làm căn cứ phát sinh, thay đổi hoặc chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự.
Phân biệt hành vi pháp lý đơn phương và hợp đồng là điều quan trọng để xác định quan hệ dân sự. Trong đó, hiện nay đang có 02 quan điểm khác nhau về vấn đề liệu hành vi pháp lý đơn phương là căn cứ phát sinh giao dịch dân sự hay không.
– Hành vi pháp lý đơn phương không mặc nhiên là giao dịch dân sự, bởi có những hành vi pháp lý đơn phương không làm phát sinh, thay đổi hay chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự. Chỉ những hành vi pháp lý đơn phương nào làm phát sinh, thay đổi, chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự thì mới là giao dịch dân sự.
– Hành vi pháp lý đơn phương là giao dịch dân sự. Theo đó khi tiến hành một hành vi pháp lý đơn phương thì ngay lập tức làm phát sinh, thay đổi hoặc chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự.
Xem thêm: Xác định đại diện hợp pháp, giám hộ cho con chưa thành niên
Hai quan điểm này đưa đến những hậu quả pháp lý rất khác nhau và ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động công chứng, chứng thực chữ ký mà công chứng viên đang thực hiện.
Nếu theo quan điểm thứ nhất thì mọi cam đoan, cam kết đều phát sinh nghĩa vụ của người cam đoan, cam kết nhằm bảo đảm rằng những cam đoan cam kết đó là đúng sự thật. Do vậy, nếu theo quan điểm này thì hậu quả pháp lý là ngoài một số loại giấy ủy quyền (được chứng thực chữ ký theo Nghị định 23) thì mọi loại giấy tờ thể hiện ý chí đơn phương của chủ thể đều sẽ là giao dịch dân sự, do vậy mặc nhiên phải công chứng chứ không thể chứng thực chữ ký… ví dụ : Sơ yếu lý lịch, đơn khiếu nại, đơn khởi kiện, cam đoan về các sự kiện pháp lý khác…
Nếu theo quan điểm thứ hai, thì một số loại cam đoan hoặc hành vi pháp lý đơn phương không mặc nhiên phát sinh nghĩa vụ nào cả, trừ khi có cam kết của người cam đoan hoặc người thực hiện hành vi pháp lý đơn phương về việc thực hiện một nghĩa vụ nào đó. Theo quan điểm này thì công chứng viên có thể tiến hành chứng thực chữ ký đối với nhiều loại văn bản là hành vi pháp lý đơn phương.
Sự kiện pháp lý
Một khái niệm khác gắn liền với hành vi pháp lý còn có sự kiện pháp lý. Sự kiện pháp lí cũng là sự kiện thực tế nhưng có ý nghĩa pháp lý, bởi vì nó có khả năng tạo ra các hậu quả pháp lý. Các hậu quả đó là sự hình thành, thay đổi hoặc chấm dứt các quan hệ pháp luật. Sự kiện pháp lí được nhà làm luật dự kiến trước và thường được quy định trong bộ phận giả định của quy phạm pháp luật điều chỉnh. Đó là những sự kiện, hoàn cảnh, tình huống của đời sống thực tiễn có tính phổ biến và có ảnh hưởng đến trật tự công cộng, cần được điều chỉnh bởi pháp luật. Chỉ những sự kiện thực tế nào chịu sự tác động có ít nhất một quy phạm pháp luật mới được gọi là Sự kiện pháp lí.
Ví dụ: kết bạn hay kết nghĩa, hãy đính hôn chỉ là những sự kiện thực tế tồn tại theo tập quán xã hội; còn việc kết hôn là sự kiện pháp lí được pháp luật quy định do có nhiều quy định pháp luật điều chỉnh vấn đề kết hôn giữa nam và nữ.
Sự kiện pháp lý bao gồm sự biến và hành vi:
Sự biến: là những sự kiện pháp lí xảy ra và hậu quả của nó nằm ngoài ý chí của chủ thể quan hệ pháp luật. Đó là những hiện tượng tự nhiên như thiên tai, chiến tranh, dịch bệnh, sinh tử mà sự xuất hiện của chúng đã làm phát sinh, thay đổi hoặc chấm dứt quyền và nghĩa vụ pháp lý của các chủ thể theo quy định pháp luật.
Xem thêm: Quyền bất khả xâm phạm về chỗ ở hợp pháp của công dân
Những hình tự như thế phải xảy ra trong xã hội, gắn liền với đời sống của con người mới dẫn tới hậu quả pháp lý. Thiên tai xảy ra ở những nơi hoang vắng, không có người ở, thì chỉ là sự kiện thực tế mà thôi. Có những hiện tượng tự nhiên như mưa, gió, nhật thực, nguyệt thực, hoa quả đâm chồi nảy lộc vào mùa xuân thì không phải là sự kiện pháp lí vì không dẫn tới hậu quả pháp lý nào.
Hành vi: là sự kiện pháp lí xảy ra do ý chí của chủ thể quan hệ pháp luật. Đó là những hành vi xử sự do chính con người thực hiện và theo quy định của pháp luật, chủ thể hoàn toàn có thể nhận thức được hậu quả của nó. Do đó, chỉ có những chủ thể có khả năng nhận thức bình thường mới có hành vi pháp lý. Người mất trí có thể có hành động gây thiệt hại nghiêm trọng cho người khác ( trường hợp người con bị bệnh tâm thần đốt nhà của cha mẹ mình chết người làm) làm chấm dứt quyền sở hữu và các tài sản bị hư hại, chấm dứt quyền sống quyền gia đình cùng người thân đã tử vong nhưng đây không phải là hành vi mà chỉ là sự biến pháp lý.
Căn cứ vào hậu quả pháp lý, sự kiện pháp lý được chia thành 03 loại:
- Sự kiện pháp lí làm phát sinh quan hệ pháp luật. Ví dụ sự kiện một người chết làm phát sinh quan hệ thừa kế, việc kết hôn dẫn đến hình thành quan hệ hôn nhân.
- Sự kiện pháp lí làm thay đổi quan hệ pháp luật. Ví dụ việc vợ chồng thỏa thuận phân chia tài sản làm thay đổi tình trạng xã hữu tài sản trong hôn nhân; dù rằng quan hệ hôn nhân vẫn tiếp tục được duy trì; việc sáp nhập doanh nghiệp A và doanh nghiệp B có thể làm thay đổi chủ thể và cả một số nội dung của quan hệ hợp đồng còn dang dở mà bên A đã ký kết và đã chuyển giao cho B tiếp tục thực hiện
- Sự kiện pháp lí làm chấm dứt quan hệ pháp luật. Ví dụ sự kiện chị X bị tai nạn chết sẽ làm chấm dứt quan hệ hôn nhân gia đình, quan hệ xã hội, quan hệ lao động có liên quan đến chị X. Vậy việc ông Y trả nợ sẽ làm chấm dứt quan hệ hợp đồng vay tài sản với chủ nợ.
Như vậy, hành vi pháp lý là những hành vi phù hợp với quy định của pháp luật. Liên quan đến khái niệm này có nhiều những khái niệm khác mà chúng ta cũng cần phải hiểu rõ để tránh nhầm lẫn.